Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

TS, LÊ ĐỨC THỌ - NGUYỄN QUỐC THÀNH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre
21:47, ngày 19-02-2023

TCCS - Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là “vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong thời gian tới, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước, cần cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm mô hình Hợp tác xã rau an toàn Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)_Nguồn: baolongan.vn

Vai trò của đồng bằng sông Cửu Long đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông Mê Công. Vùng có diện tích tự nhiên 39.734 km2 chiếm 12,2% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn 1.000 đơn vị hành chính cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân(1) ; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%(2). Đây là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu(3). Đồng thời, trong vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều,... và là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng GRDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long luôn đứng đầu cả nước về gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước); 0,78 triệu tấn tôm (83,51%); 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98% tổng sản lượng cá tra cả nước) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60% tổng sản lượng trái cây cả nước)(4).

Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, với đường biên giới đất liền phía Tây Nam, đồng thời có hơn 700km bờ biển (bằng 23% cả nước), 367 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo. Vùng có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng, do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng. Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với một số vùng. Hiện nay, ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; những yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu hợp tác, liên kết; kết cấu hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp còn bất cập, hiệu quả chưa cao; biến động thị trường khó lường với xu hướng tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao. Các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng không có nguồn lực mới để phát triển.

Bên cạnh đó, ĐBSCL chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn so mặt bằng chung cả nước và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau hai năm đại dịch, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, ĐBSCL có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, chỉ đạt +2,42% năm 2020 và giảm xuống -0,43% năm 2021; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể năm 2021 là hơn 11.500 doanh nghiệp - nhiều hơn số thành lập mới và nhiều nhất qua các năm(5).

Qua nhiều thập niên, nền tảng, cấu trúc kinh tế ĐBSCL đang gặp vấn đề, dù được định hình và thay đổi; xu hướng cơ cấu lại chuỗi cung ứng sản xuất, cải thiện năng suất là một cơ hội lớn, nhưng còn chậm. Từ lâu, ĐBSCL luôn được coi là “vựa lúa” của Việt Nam và trên thế giới, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực. Điều này khiến cơ hội tăng trưởng và phát triển kinh tế ĐBSCL suy giảm vì phải thâm canh lúa kéo dài, không được chuyển đổi đất trồng sang mục đích khác,... Ngoài ra, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.

Ngày 2-4-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ĐBSCL trên tất cả các lĩnh vực... Nghị quyết đã đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp này được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, trong đó có giao nhiệm vụ các địa phương trong vùng khẩn trương lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang ở Khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang)_Ảnh: TTXVN

Một số giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị để đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW có kết quả, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm phát triển địa phương nhanh và bền vững, trong đó cần quan tâm các nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung triển khai có kết quả “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022; chú trọng huy động các dự án đầu tư từ mọi thành phần kinh tế và khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, các địa phương vùng ĐBSCL cần đầu tư công sức, thời gian để xây dựng quy hoạch tích hợp tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần nghiên cứu hoạch định chiến lược phát triển với những giải pháp đột phá, chú trọng liên kết vùng.

Thứ hai, xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics là giải pháp đột phá đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn vùng. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực, mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Thời gian qua, các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho ĐBSCL không có nguồn lực mới để phát triển. Để giải quyết “điểm nghẽn” kết cấu hạ tầng giao thông thành “động lực” phát triển cho ĐBSCL, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng tăng lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so giai đoạn 2016 - 2020, riêng số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư cho đường cao tốc của cả nước, gấp 14 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (3.052 tỷ đồng)(6). Phấn đấu đến năm 2030, mục tiêu hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Trong đó, tập trung triển khai tuyến đường ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tuyến đường ven biển cũng sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển.

Kết cấu hạ tầng thương mại của vùng ĐBSCL chưa hiện đại, chỉ có 9,4% số siêu thị và 11,6% trung tâm thương mại, trong khi chiếm tới 19,3% số lượng chợ cả nước (năm 2020), chủ yếu là chợ hạng 3, phân bố đều tại khu vực thành thị, nông thôn. Ngược lại, 109 siêu thị và 29 trung tâm thương mại chỉ tập trung tại khu vực thành thị, chủ yếu phục vụ khoảng 26% dân số toàn vùng(7). Thương mại điện tử ở ĐBSCL cũng chậm phát triển, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị. Điều này tương thích với quy mô thương mại nhỏ, tổ chức thương mại - dịch vụ đơn giản với sự chi phối của kinh tế hộ gia đình và mạng lưới tiểu thương trải khắp vùng. Trong thời gian tới, cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản bảo đảm đủ tiêu chuẩn; phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

Các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động huy động nguồn lực, nghiên cứu kêu gọi hợp tác công - tư (PPP) cho những tuyến đường, công trình giao thông, trung tâm logistics, hạ tầng thương mại mà nguồn vốn Trung ương chưa đưa vào danh mục đầu tư; khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2025 có rất nhiều dự án xây dựng công trình giao thông được triển khai đồng loạt trong vùng.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tích hợp, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ, dựa trên hệ sinh thái, phù hợp quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng ĐBSCL.

Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tích cực hơn; tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GRDP toàn vùng có xu hướng giảm liên tục, từ chiếm 39% năm 2010 giảm còn 32,2% năm 2021; tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 24% năm 2010 lên 26,38% năm 2021; tỷ trọng khu vực dịch vụ, thương mại giảm từ 37% năm 2010 xuống 35,73% năm 2021. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 80 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích quy hoạch là 14.787ha(8). Trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao vai trò khu vực công nghiệp - xây dựng, khu vực dịch vụ; thúc đẩy tăng trưởng trên từng lĩnh vực, GRDP vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nội hàm khu vực 1: Nông nghiệp; khu vực 2: Công nghiệp - Xây dựng; khu vực 3: Dịch vụ theo chiến lược phát triển. Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ tư, chuyển đổi nông nghiệp một cách toàn diện, cải thiện năng suất và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, áp dụng mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo theo lợi thế của vùng và các tiểu vùng dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, phải dựa trên hệ thống canh tác, hạ tầng thủy lợi đã hình thành và điều chỉnh dần trong tương lai theo lộ trình, tránh làm xáo trộn lớn đời sống người dân.

Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sản xuất nước dừa đóng hộp xuất khẩu_Ảnh: TTXVN

Phát triển nông nghiệp ĐBSCL gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa tại các tiểu vùng để phối hợp và khai thác có hiệu quả các nguồn lực. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 76% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2022, cả nước có 71,03% số xã đạt chuẩn nông thôn mới). Về tỷ lệ đô thị hóa, đến năm 2021, toàn vùng ĐBSCL đạt 31,16% thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 40,4% (năm 2021); toàn vùng đã bố trí và ổn định dân cư được 112.894 hộ, đạt 75% kế hoạch; trong đó, vùng thiên tai 91.089 hộ, vùng biên giới 5.882 hộ và vùng đặc biệt khó khăn 15.923 hộ. Các tỉnh có số lượng bố trí và ổn định dân cư lớn nhất là tỉnh Đồng Tháp: 15.347 hộ; tỉnh Long An: 10.790 hộ và tỉnh Kiên Giang: 6.229 hộ(9). Sắp tới, cần tăng cường liên kết đô thị - nông thôn trong nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ logistics, kết nối thị trường của các sản phẩm nông sản. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư sẽ góp phần phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể được theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổng số HTX nông nghiệp có 2.457 HTX và 5 liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 13,8% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc); có tổng số 13.782 tổ hợp tác (chiếm 44% cả nước)(10).

Tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định, cơ chế, chính sách phát triển vùng. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực: giống, thức ăn và chế biến; tăng cường canh tác bền vững bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Ưu tiên mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay theo chuỗi giá trị cho hộ nông dân, kinh tế tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp.

Thứ năm, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với trọng tâm, trọng điểm theo tiềm năng và lợi thế của vùng. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, với công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gắn với kinh tế biển, kiểm soát tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển. Cần khẩn trương nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ĐBSCL có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, ĐBSCL có trên 68.600 MW tiềm năng điện gió trên đất liền và trên 31.500 MW tiềm năng điện mặt trời(11). Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới, đặc biệt là các tỉnh có bờ biển dài, như Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh có dư địa phát triển rất lớn. Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, trong mục tiêu phát triển bền vững. Về giáo dục, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn; thành lập các khu kinh tế - quốc phòng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới. Tình hình di cư của lao động trẻ đến vùng Đông Nam Bộ trong một thời gian dài đã làm giảm đáng kể số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL; không những thế, còn làm tăng tốc tình trạng già hóa dân số và kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2017 - 2021, ĐBSCL là vùng có tỷ lệ giảm lao động lớn nhất cả nước, ở mức -42% và là vùng duy nhất trong cả nước có xu hướng giảm số lượng lao động ở tất cả các năm trong giai đoạn 2017 - 2021(12). Do đó, ĐBSCL cần thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội để góp phần giữ chân lao động ở lại vùng. Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL vẫn phải tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng, không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn để chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. Đồng thời, cải thiện thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần để người dân ĐBSCL có cuộc sống chất lượng hơn, có đủ điều kiện phát triển toàn diện hơn, hạnh phúc hơn; đoàn kết, phấn đấu chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương ngày càng phồn thịnh, phát triển nhanh và bền vững.

Về y tế, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng y tế phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; nâng cấp và xây mới các bệnh viện và tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trên cơ sở bảo hiểm y tế toàn dân. Quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm 100% trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực liên xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; 100% trạm y tế xã đều có bác sĩ phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế huyện; phát triển các trạm y tế kết hợp quân dân y; phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh y học cổ truyền. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, quan tâm chế độ lương, thưởng để lực lượng y tế an tâm công tác.

Thứ bảy, chủ động huy động nguồn lực, phát huy vai trò đóng góp của doanh nghiệp, người dân cùng phát triển địa phương. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng ĐBSCL. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế; giáo dục; du lịch và bất động sản. Tiếp tục phát huy, huy động nguồn lực doanh nghiệp và nhân dân tham gia các chương trình phát triển địa phương cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

Thứ tám, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tăng cường quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Phát huy tốt vai trò thành viên trong vùng ĐBSCL, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động liên kết vùng nhằm góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, trong đó, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong tiểu vùng, toàn vùng; tích cực hợp tác với thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trọng điểm của các vùng kinh tế;... Tăng cường liên kết vùng để tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động, đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng; tăng cường học tập, giao lưu, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm khác để từng bước đưa vùng ĐBSCL trở thành khu vực phát triển nhanh, năng động và đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước.

Đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; chủ động hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước sông Mê Công; tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, môi trường và đổi mới sáng tạo, thu hút sự tham gia đóng góp của các nhà khoa học cho phát triển khoa học - công nghệ.

Thứ chín, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; chủ động nắm bắt và xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống; kiểm soát tình hình ma túy, tín dụng đen, khiếu kiện đông người, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp các loại tội phạm; xây dựng môi trường xã hội ổn định, an toàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng ngừa và đấu tranh kiên quyết, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ mười, xây dựng Đảng bộ tỉnh, thành phố trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và uy tín với nhân dân. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính trong toàn hệ thống chính trị để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, phong cách, phương pháp, lề lối làm việc cán bộ, công chức, viên chức theo hướng nhanh nhẹn, khoa học, hiệu quả với phương châm “lấy công việc làm trung tâm; lấy hiệu quả, kết quả công việc làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ”. Tăng cường hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm lắng nghe, đồng hành phát triển, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa chính quyền và doanh nghiệp./.

--------------------------

(1) Lê Minh Hoan: Báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, Hội nghị công bố “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030”, ngày 21-6-2022
(2) Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(3) Văn phòng Chính phủ: Thông tin báo chí, Hội nghị công bố “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030”, ngày 21-6-2022
(4), (5) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Nxb. Đại học Cần Thơ, 2022
(6) Nguyễn Văn Thể: Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, Hội nghị công bố “Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030”, ngày 21-6-2022
(7) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Sđd
(8) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Sđd
(9) Lê Minh Hoan: Báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, Tlđd
(10) Lê Minh Hoan: Báo cáo tái cơ cấu nông nghiệp và đầu tư hệ thống các công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, Tlđd
(11) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Sđd
(12) Xem: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022: Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp, Sđd