TCCS - Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Ninh là tập trung tăng trưởng sản xuất thông qua cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, phát triển hạ tầng cơ sở  đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện thực hoá mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp.

Kỹ sư Tập đoàn Việt - Úc kiểm tra chất lượng tôm giống tại khu sản xuất tôm giống xã Tân Lập (huyện Đầm Hà)_Nguồn: quangninh.gov.vn

Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 được triển khai từ tháng 3-2017, trong đó mục tiêu ưu tiên là thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh Quảng Ninh dành 6% - 7% chi ngân sách thường xuyên mỗi năm (tương đương 600 - 800 tỷ đồng) cho khoa học, công nghệ, trong đó có nông nghiệp. Cụ thể là tiếp tục triển khai cơ chế đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5 - 8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính…  

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng tạo chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp. Thông qua thực hiện Đề án đã đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, một số vùng trồng trọt trong tỉnh đã thực hiện quy trình VietGAP bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như na, vải thiều (thị xã Đông Triều), vải chín sớm Phương Nam (thành phố Uông Bí). Chăn nuôi đã chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm; đối tượng vật nuôi chủ lực, thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất về vốn, hạ tầng...; tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh có những bước chuyển tích cực. Đến nay, tỉnh đã có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao, hàng chục mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp và nông hộ, hàng trăm nông sản có giá trị lớn… Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển theo chiều sâu, giàu hàm lượng khoa học, công nghệ trong từng sản phẩm; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tạo thành các vùng canh tác có chất lượng tốt và an toàn.

Huyện Đầm Hà với nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh. Đến nay, huyện đã xây dựng được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản; 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi; 1 dự án khu sản xuất rau an toàn, rau cao cấp theo hướng ứng dụng công nghệ cao... Trong đó, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, diện tích gần 170ha, tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, tổng mức đầu tư 829 tỷ đồng (vốn ngân sách 159 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 670 tỷ đồng), hiện nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Việt - Úc hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi, diện tích 350 ha tại 4 xã Tân Bình, Quảng Lợi, Quảng Lâm, Dực Yên; dự án khu sản xuất rau an toàn, rau cao cấp theo hướng ứng dụng công nghệ cao do Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hỗ trợ 5 tỷ đồng…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Công cho biết: Thu hút các doanh nghiệp đầu ngành có năng lực về tài chính, có công nghệ để làm hạt nhân ươm tạo các công nghệ mới để các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có điều kiện tiếp nhận, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong nhiệm kỳ này, ngành chỉ đạo tập trung phát triển 2 khu nông nghiệp công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản, chăn nuôi bò sữa tại Đầm Hà và các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; các trung tâm, cơ sở sản xuất giống làm hạt nhân để chuyển giao cho 17 vùng sản xuất tập trung của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, hữu cơ, với sản lượng đủ lớn để tạo điểm nhấn thu hút du khách và phát triển bền vững, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua khách du lịch./.