TCCS - Trong hơn 3 năm qua, Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong thu - chi ngân sách thành phố. Cụ thể là từ năm 2016 đến nay, Hà Nội luôn thu vượt ngân sách được giao; công tác quản chi và phân cấp quản lý đã được chú ý, nâng cao hiệu quả chi của đồng vốn ngân sách.

Ảnh minh họa _Nguồn: tapchitaichinh.vn

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta những năm qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức, rủi ro về môi trường kinh tế trong nước và quốc tế, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp... đã có những tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước của cả nước nói chung, của Hà Nội nói riêng. 

Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Chính phủ và thành phố Hà Nội trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã thực hiện triệt để, quyết liệt trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019.

Năm 2016, Hà Nội đã tập trung triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ về điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Các giải pháp về thu ngân sách nhà nước được thực hiện đồng bộ, khẩn trương; quyết liệt rà soát, cơ cấu và điều chỉnh lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Thành phố đã đổi mới mạnh mẽ, cụ thể phương thức hoạt động một số đơn vị cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, thủy lợi...; quyết liệt tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước. Nhiều chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh đạt kết quả cao hơn chỉ tiêu Trung ương giao như: đăng ký kinh doanh qua mạng, kê khai nộp thuế điện tử...

Năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa đạt 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương năm 2017 thực hiện 77,262 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 33.106 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán, chi xây dựng cơ bản đạt 100,4% dự toán (tăng so với dự toán đầu năm 2017 do bổ sung chi từ nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương). Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách và tạo nguồn thu bền vững, chỉ đạo các đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chi ngân sách các cấp. Thành phố cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, thí điểm khoán xe công tại 8 cơ quan, đơn vị của thành phố.

Kết quả năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Hà Nội được 244.374 tỷ đồng, đạt 102,52% dự toán. Trong đó, thu nội địa được 226.795 tỷ đồng, đạt 103,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 17.579 tỷ đồng. Thu điều tiết ngân sách địa phương đạt 99.807 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán; thu điều tiết ngân sách trung ương đạt 144.566 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành toàn diện, vượt trên 6 nghìn tỷ so với kế hoạch Trung ương giao. Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã phối hợp với các sở ban ngành thực hiện quản lý chi ngân sách, giải ngân đạt trên 70% và dự kiến cơ bản hoàn thành trên 90% đến hết 31-1-2019. Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong vấn đề nợ công của thành phố.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm 2019 đạt 170.623 tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2019 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,51% so tháng 12-2018 và tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 3,92% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Khắc phục khó khăn trong công tác thu - chi ngân sách 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu, chi ngân sách nhà nước và thực hiện phân cấp quản lý ngân sách trên địa bàn Hà Nội vẫn còn những tồn tại cần khắc phục:

- Công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng ngân sách có một số khoản thu đạt thấp so với dự toán; nợ đọng ngân sách còn lớn (đến hết tháng 4-2018, tổng số nợ thuế, phí, nghĩa vụ tài chính về đất (trên dưới 90 ngày) tăng 3,2% so với thời điểm 31-12-2017, nợ thuế, phí tăng 2,8%; nợ các khoản liên quan đến đất tăng 1,5%... 

- Công tác phân bổ dự toán của một số quận, huyện chưa bảo đảm các quy định như: Việc thực hiện giao dự toán thu, chi ngân sách tại một số quận, huyện, thị xã còn chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Một số quận, huyện có số giao chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thấp hơn mức thành phố giao... 

- Một số đơn vị dự toán, chủ đầu tư chưa chủ động triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm nên chi ngân sách còn thấp. Việc xây dựng và phê duyệt một số chương trình còn chậm... Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp do một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án. 

- Việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội đối với một số nhiệm vụ, lĩnh vực còn chưa rõ ràng, cụ thể do còn chồng chéo giữa các cấp hoặc phân cấp chưa hợp lý với thực tiễn dẫn đến khó khăn trong phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách.

- Việc phân cấp chi ngân sách chưa gắn liền với việc cung cấp các dịch vụ công cộng ở địa phương, chủ yếu được phân bổ dựa trên hệ thống tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách theo yếu tố đầu vào. Đối với Hà Nội, số dân vãng lai lớn, gây áp lực đầu tư, duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường… của địa phương, trong khi định mức phân bổ ngân sách tính chưa hợp lý đến yếu tố này.

Mặc dù còn có những hạn chế, nhưng Hà Nội luôn cố gắng thu vượt dự toán. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, đôn đốc thu hồi các khoản còn nợ đọng. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài sản nhà nước, bảo đảm nguồn thu ổn định, vững chắc./.