Công tác cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, nhất là những năm gần đây. Cải cách hành chính là nhu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới và quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực khơi dậy mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình mở rộng đối ngoại, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Là một trung tâm kinh tế lớn, năng động, sáng tạo của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu về thực hiện cải cách hành chính, chuyển nền hành chính, quan liêu, bao cấp sang nền hành chính dựa trên cơ sở luật pháp và lấy việc phục vụ tốt các yêu cầu của nhân dân làm trọng tâm.

Năm năm qua (2001 - 2005), công tác cải cách hành chính ở thành phố đã có bước chuyển biến đáng kể cả 4 nội dung: thể chế; tổ chức bộ máy; cán bộ công chức; tài chính công, tạo ra những bước đột phá mới, góp phần tác động tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong 5 năm, thành phố đã ban hành 1.159 văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước và tạo môi trường thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính đã được đơn giản và công khai hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn, qua đó tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong giao dịch hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và tiêu chuẩn ISO trong quản lý nhà nước và phục vụ công chứng ở một số sở - ngành, quận - huyện bước đầu có kết quả và phát huy tác dụng tích cực. Thành phố đã từng bước chuẩn hóa , công khai hóa nhiều thủ tục hành chính, thống nhất ứng dụng 185 biểu mẫu về lĩnh vực nhà đất, cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm hành chính và công chứng, chứng thực. Đồng thời, tiếp tục xem xét để ban hành tiếp 90 biểu mẫu hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của phường, xã, thị trấn...

Hệ thống tổ chức bộ máy ở các cấp, các ngành tiếp tục được kiện toàn và tăng cường hơn về năng lực, hiệu lực hoạt động; quy chế tổ chức và hoạt động của sở, ngành và ủy ban nhân dân quận, huyện được bổ sung hoàn thiện, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa ở các sở, ngành, phường, xã, thị trấn. Kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn đã đạt đến tỷ lệ 90% - 95%. Các quận, huyện hoàn thiện cơ chế một cửa, một dấu, đáp ứng các nhu cầu về thủ tục hành chính của doanh nghiệp và công dân.

Công tác quy hoạch, kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức cũng như công tác luân chuyển, đề bạt cán bộ trẻ có trình độ, năng lực được thực hiện đồng bộ ở các ngành, các cấp; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố từng bước được nâng lên. Năm năm qua, thành phố đào tạo, bồi dưỡng 124.713 lượt cán bộ, công chức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Sự quan tâm đó đã nâng số cán bộ, công chức có trình độ đại học lên 65%, trên đại học là 2% và 10% có trình độ cao đẳng, trung cấp...

Kết quả hoạt động của bộ máy hành chính nói chung, của cải cách hành chính nói riêng thời gian qua không những phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố theo đường lối đổi mới của Đảng, mà còn góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giảm thiểu tốn kém tiền bạc và lãng phí thời gian, đưa nền hành chính đến gần dân. Cải cách hành chính đã tạo ra cung cách phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thể hiện ngày càng rõ hơn quan điểm nhà nước của dân, định hướng nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần tạo sự ổn định chính trị.

Cải cách hành chính đã góp phần làm thay đổi tư duy quản lý, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong các cơ quan hành chính, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản giải quyết các điểm "nóng" của hoạt động kinh tế - xã hội, ở các lĩnh vực quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư, mạnh dạn thực hiện việc phân công, phân cấp quản lý cho sở - ngành, quận - huyện, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, từng bước xóa bỏ cơ chế "bao cấp, xin - cho", làm thay đổi nếp nghĩ và thói quen trong quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Qua đó, đưa hoạt động của các cơ quan chính quyền ngày càng gần dân hơn, góp phần làm thay đổi tư duy cải cách thể chế hành chính.

Những thí điểm cải cách hành chính thành công bước đầu của thành phố có tác dụng lan tỏa ra nhiều địa phương trong phạm vi cả nước. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều sáng kiến cải cách hành chính có giá trị. Từ những thành quả cải cách hành chính nói chung và thực hiện thí điểm thành công của thành phố, đã góp phần quan trọng vào hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ đối với Chương trình cải cách hành chính quốc gia như: khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, cơ chế "một cửa", xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và phục vụ người dân, tách dịch vụ công - hành chính công và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 v.v.. Những kết quả thu được từ cải cách đã được Chính phủ đánh giá là thành công và cho mở rộng thực hiện ở một số lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Qua thực tiễn 5 năm cải cách hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, đổi mới về nhận thức đối với cải cách hành chính. Trước hết bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương phải coi cải cách hành chính là khâu đột phá, mở đường cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách gắn liền với quá trình vận hành của bộ máy hành chính, vì thế phải luôn có cách nhìn mới để duy trì tính bền vững của những kết quả đã đạt được qua cải cách hành chính. Đặc biệt, phải xem những đối tượng sử dụng các dịch vụ do cơ quan hành chính nhà nước cung ứng là "khách hàng" thật sự. Đây là quan điểm mới đối với bộ máy hành chính, được hình thành từ thực tiễn của quá trình cải cách, được chính bộ máy hành chính tiếp nhận để điều chỉnh nguyên tắc hoạt động của mình.

Hai là, về tổ chức và cán bộ. Để thực hiện có kết quả công cuộc cải cách hành chính, yếu tố quyết định hàng đầu chính là tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức. Bởi vậy, hệ thống bộ máy hành chính phải được tổ chức sắp xếp hợp lý, gọn nhẹ và thường xuyên được kiện toàn. Cán bộ, công chức phải được cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và thật sự tâm huyết với nghề nghiệp. Gắn trách nhiệm cải cách với nghĩa vụ và quyền lợi để mỗi cán bộ phải luôn xem nhu cầu giải quyết công việc của tổ chức và công dân như nhu cầu của chính mình.

Ba là, phân định rõ giữa chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý điều hành sản xuất - kinh doanh và hoạt động sự nghiệp. Làm được như vậy, trước hết tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính nhà nước nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước theo pháp luật. Hạn chế và loại trừ tình trạng can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Giao cho các doanh nghiệp quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền. Phải coi đây là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập, nhằm nâng cao quyền chủ động và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hệ thống bộ máy nhà nước. Nguyên tắc được đặt ra trong quá trình cải cách hành chính là việc gì mà cấp nào, ngành nào làm tốt thì cấp trên phân cấp hoặc ủy quyền cho cấp đó, ngành đó làm. Biện pháp này góp phần hạn chế tình trạng quan liêu, cửa quyền của bộ máy và cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phân cấp phải có sự đồng bộ cả về nhiệm vụ, thẩm quyền, nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cần thiết để đơn vị nhận phân cấp chủ động tổ chức thực hiện. Mặt khác, phải phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp thật cụ thể, tránh chồng chéo, trùng lắp. Đồng thời, xác định rõ mối quan hệ trách nhiệm rõ ràng giữa các ngành, các cấp sau phân cấp, để tạo sự phối hợp đồng bộ liên thông trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phục vụ nhân dân. Vấn đề thiết lập các hệ thống thông tin phục vụ quản lý hành chính nhà nước và cung cấp cho các tổ chức và công dân là một hướng đi đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Đây chính là những cơ sở thiết thực cho việc tạo ra phương thức hoạt động mới trong môi trường quản lý hành chính, xuất phát từ tính hệ thống, thông suốt, chính xác, rõ ràng, minh bạch; đòi hỏi từ các hệ thống thông tin sẽ tác động làm thay đổi phương pháp tiếp cận và phương thức tổ chức thực hiện các mục tiêu quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền địa phương.

Sáu là, sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy - nhân tố quyết định sự thành công của tiến trình cải cách. Có thể nói, những thành công bước đầu về cải cách hành chính của thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm qua là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời, đúng đắn của các cấp ủy trên toàn thành phố. Vai trò chỉ đạo đó được thể hiện rõ như sau:

- Mọi chủ trương, đường lối cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước đều được Đảng bộ thành phố nghiên cứu, quán triệt một cách kịp thời và đầy đủ, trên cơ sở đó đưa ra những biện pháp, bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của thành phố trong từng giai đoạn.

- Đảng bộ thành phố đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đi tiên phong trong cải cách hành chính, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được mô hình cải cách hành chính hoạt động có hiệu quả, không những đã được áp dụng rộng rãi trong toàn thành phố mà còn được các địa phương trong cả nước học tập, vận dụng có hiệu quả.

- Bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện giữa cấp ủy và chính quyền các cấp là sức mạnh to lớn giúp cho tiến trình cải cách hành chính của thành phố triển khai đồng bộ, có hiệu quả, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2006 - 2010 là: Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa , hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra những giải pháp cải cách hành chính trên cả 4 mặt: Thể chế thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn phù hợp nhằm xây dựng nền hành chính thật sự phục vụ nhân dân, thể hiện rõ bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Trước hết, tập trung cải cách cơ bản tổ chức bộ máy hành chính. Công việc trước tiên là phải rà soát và hoàn thiện Quy chế tổ chức và hoạt động của sở - ngành thành phố, ủy ban nhân dân quận - huyện và các phòng thuộc ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn. Trong đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và các bộ phận cấu thành; phân định rõ chế độ trách nhiệm đơn vị và trách nhiệm cá nhân; xác định mối quan hệ và lề lối làm việc có sự phân công hợp lý; tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm và tránh lạm quyền. Kiện toàn bộ máy hành chính các cấp từ thành phố đến cơ sở theo hướng tinh gọn, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở để sát với dân hơn và phù hợp với tính chất quản lý hành chính nhà nước về kinh tế - xã hội ở địa bàn dân cư giữa nông thôn và đô thị.

Tiếp tục mở rộng việc hình thành tổ chức các đơn vị thực hiện một số loại hình dịch vụ công để tách dịch vụ công ra khỏi hành chính công trong các lĩnh vực: nhà, đất; xây dựng; lao động - thương binh và xã hội; giao thông công chính; công nghiệp; thương mại... thành lập Trung tâm Thông tin địa lý (GIS) của thành phố. Xây dựng và hình thành các trung tâm giao dịch bất động sản; trung tâm hoặc công ty tư vấn định giá bất động sản; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và điều tiết thị trường bất động sản của thành phố, sơ kết, nhân rộng mô hình tổ nghiệp vụ hành chính công ở các quận - huyện. Tiến hành thí điểm đấu thầu một số lĩnh vực dịch vụ đô thị. Tiếp tục phân cấp và ủy quyền cho sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn phù hợp với chức năng và điều kiện quản lý của từng ngành, từng địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện chính quyền điện tử, thành phố điện tử, đồng thời với việc mở rộng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước ở thành phố nhằm cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công cho các tổ chức và công dân một cách nhanh chóng và thuận tiện. Phấn đấu đến năm 2007, tất cả các phường, xã, thị trấn được trang bị phương tiện làm việc tương đối hiện đại, hệ thống thông tin quản lý ở từng đơn vị được nối kết mạng diện rộng với quận, huyện, sở, ngành.

Công việc tiếp theo là tập trung cho công tác đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện chế độ tuyển dụng cán bộ, công chức vào các cơ quan nhà nước các cấp của thành phố một cách chặt chẽ, công khai, cạnh tranh thông qua thi tuyển công chức dự bị. Bảo đảm mọi công dân có đủ tiêu chuẩn có cơ hội thi tuyển vào làm việc ở các cơ quan nhà nước. Tăng cường thực hiện thanh tra công chức, công vụ, nhằm nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của công chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức. Thực hiện việc thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng sở, ngành, quận, huyện tạo sự cạnh tranh công bằng, chọn những người có đủ phẩm chất và năng lực thật sự tham gia vào đội ngũ điều hành, quản lý ở các đơn vị.

Tiếp tục rà soát lại việc quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn, sẵn sàng đáp ứng cho việc bổ nhiệm khi có nhu cầu, đồng thời có kế hoạch cập nhật bồi dưỡng kiến thức kinh tế đối ngoại, kiến thức quản trị kinh doanh và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và cán bộ được cử tham gia liên doanh với nước ngoài. Thường xuyên mở các khóa đào tạo ngoại ngữ trình độ nâng cao cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tin học cho cán bộ, công chức các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp của thành phố. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành chính cho cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan quản lý hành chính các cấp của thành phố bằng các hình thức tập trung dài hạn và tại chức.

Đổi mới phương pháp, nội dung đánh giá năng lực cán bộ, công chức qua đó bố trí và sử dụng cho sát hợp. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nhân tài, đưa những người có trình độ cao vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, các cấp của thành phố. Có chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức được đào tạo trình độ đại học làm việc ở chính quyền cơ sở, vùng khó khăn.

Cải cách hành chính đã thực sự trở thành "chuyện sống còn" của thành phố Hồ Chí Minh. Mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới, Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp thứ 6, khóa VII vừa qua đã quyết định chọn cải cách hành chính là chủ đề của năm 2006. Hoạt động cải cách hành chính năm 2006 gồm nhiều giải pháp trên cả 4 lĩnh vực nhưng tập trung quyết liệt nhất để giải quyết 3 yêu cầu là: thực hiện dứt điểm, triệt để các giải pháp cải cách hành chính đã triển khai các năm qua; lấy ý kiến người dân, các doanh nghiệp về đánh giá tác dụng, kết quả cải cách hành chính; giảm hội họp, tăng tính hiệu quả của hoạt động chính quyền các cấp.

Công việc trọng tâm hàng đầu của năm 2006 - năm cải cách hành chính là xây dựng và công khai hóa các dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đổi mới sâu sắc mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Bảo đảm tất cả các quy trình, thủ tục hành chính, chuẩn hóa, công khai, minh bạch, đơn giản, nhanh gọn. Áp dụng cơ chế một cửa liên thông ở phường xã, quận, huyện các thủ tục về nhà đất, xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh, hộ khẩu. Phân cấp hợp lý, có cơ sở khoa học, có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giám sát đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền...

Những nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh trong năm cải cách hành chính này nhằm kiên trì mục tiêu xây dựng nền hành chính thành phố từng bước hiện đại, dân chủ, trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp trước hết "lấy sự hài lòng của dân làm thước đo".