Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân và việc vận dụng trong tình hình hiện nay

TS. LÊ ĐÌNH HÙNG
Học viện Chính trị Công an nhân dân
16:55, ngày 16-12-2020

TCCS - Tư tưởng Hồ Chí Minh về lực lượng vũ trang nói chung, về Công an nhân dân nói riêng là sự kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đây là hệ quan điểm toàn diện, sâu sắc về quan niệm, phương châm, nguyên tắc, mục tiêu và cách thức xây dựng người Công an cách mệnh, có ý nghĩa chỉ dẫn, định hướng về tư tưởng và hành động của lực lượng Công an nhân dân nói chung, của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng trong rèn luyện, học tập, công tác, chiến đấu, cần được vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện hiện nay.

1- Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho rằng, các lực lượng cách mạng sau khi giành được chính quyền “bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản”(1), cần thiết phải tiếp tục sử dụng bạo lực cách mạng (bao gồm lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, khối đoàn kết của các lực lượng cách mạng, nòng cốt là giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản) để bảo vệ chính quyền. Vì rằng, “giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn”, giai cấp bóc lột, thống trị, các lực lượng thù địch với giai cấp công nhân không bao giờ tự nguyện rút khỏi vũ đài lịch sử; ngược lại, chúng tìm mọi cách, điên cuồng phản kích để khôi phục lại “thiên đường” đã mất. Đúng như V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Không có và không thể có cách mạng mà lại không có phản cách mạng”(2). Vì vậy, lãnh đạo cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động chống phá của các thế lực phản cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đảng cộng sản cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ Sở Công an Hà Nội năm 1956_Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền cách mạng cũng như trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa xã hội, Đảng cộng sản cầm quyền giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối lực lượng vũ trang nhân dân. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng đối với công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân xuất phát từ tính đặc thù của các lực lượng này. Lực lượng vũ trang nhân dân phải là công cụ chuyên chính trọng yếu, tin cậy của đảng cộng sản, vũ khí sắc bén của nhà nước xã hội chủ nghĩa, là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng vũ trang nhân dân chỉ có thể xứng đáng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đó và hoàn thành chức năng, nhiệm vụ vẻ vang của mình khi được sự lãnh đạo thường xuyên, chặt chẽ của đảng cộng sản trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách, giáo dục, đào tạo…

Thực tiễn lịch sử cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là do ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã từ bỏ nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, thực hiện “phi chính trị hóa” đối với công cụ chuyên chính trọng yếu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động là quân đội, công an. Bài học lịch sử đó luôn có tính thời sự và các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa đã rút ra những kinh nghiệm quý báu về bài học phải nắm chắc, phải thiết lập sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp đối với lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm sự ổn định về chính trị, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện căn bản để xây dựng, phát triển đất nước.

2- Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, là sản phẩm đặc thù của cuộc đấu tranh giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đặt nền móng cho lý luận xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng Công an nhân dân bao gồm hệ thống quan điểm về phương châm, nguyên tắc, mục tiêu và cách thức xây dựng người Công an nhân dân, xây dựng bộ máy tổ chức Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Người đã kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng lực lượng vũ trang vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng Công an nhân dân được thể hiện qua một số luận điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, Công an nhân dân là một công cụ bạo lực chuyên chính cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân sâu sắc.

Từ khi ra đời đến nay, Công an nhân dân luôn là một công cụ chuyên chính sắc bén, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là lực lượng vũ trang trọng yếu trong cuộc đấu tranh với kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc. Có được điều đó là vì ngay từ những ngày còn trong trứng nước, lực lượng Công an nhân dân đã được Đảng, Bác Hồ quan tâm xây dựng theo quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, coi trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân vững vàng. Người cho rằng, đây không chỉ là vấn đề lý luận, nguyên tắc nhất quán trong công tác cán bộ mà còn mang ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Bản chất giai cấp công nhân của Công an nhân dân biểu hiện trực tiếp ở ý thức và tinh thần thường trực chiến đấu, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng; ở tinh thần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, phản cách mạng, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Không chỉ có vậy, Công an nhân dân còn phải thường xuyên đấu tranh với chính mình nhằm loại trừ và khắc phục chủ nghĩa cá nhân, sự thoái hóa, biến chất, để thực hiện cho được mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên đất nước ta.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Công an nhân dân Việt Nam còn mang tính cách mạng, tính nhân dân rất sâu sắc. Mục đích cao nhất trong hoạt động của lực lư­ợng Công an nhân dân là “bảo vệ lợi ích của nhân dân”. Người thường xuyên nhắc nhở lực lư­ợng Công an nhân dân, “đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”; công an phải là bạn dân, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, việc gì cũng vì lợi ích của dân mà làm và “phải làm sao để được dân tin, dân phục, dân yêu”. Để làm được điều đó, lực lượng Công an nhân dân phải xây dựng và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tinh thần phục vụ nhân dân; vững tin vào sức mạnh và phải dựa chắc vào lực lượng to lớn của nhân dân để làm việc, vì “một vạn công an thì chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”(3).

Thứ hai, coi trọng công tác cán bộ, xây dựng người Công an nhân dân toàn diện về cả đức và tài, gắn bản lĩnh chính trị với năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

V.I. Lê-nin từng dạy: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”(4). Thấm nhuần tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Cán bộ là người giúp Đảng, Chính phủ xây dựng chính sách, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn để lãnh đạo nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng nói chung, người cán bộ Công an nói riêng, theo Người, trước hết là ở đạo đức, vì đạo đức là nền tảng, là điều phải có của người cán bộ cách mạng. Muốn làm cách mạng, người đảng viên phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “đức”, “tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau và luôn coi trọng yếu tố “đức”, đặt “đức” trước “tài”, “hồng” trước “chuyên”. Nhấn mạnh đạo đức là “gốc”, là “nền tảng”, song Người không bao giờ xem nhẹ tài năng. Phẩm chất đạo đức và năng lực công tác là hai mặt không tách rời, hòa quyện vào nhau tạo nên nội dung căn bản của mô hình nhân cách người cán bộ cách mạng. Để vừa có đức, vừa có tài phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, người cán bộ “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta,… phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng”(5).

Thứ ba, xây dựng tổ chức, bộ máy Công an nhân dân phải thiết thực, chắc chắn; phong cách, lề lối làm việc phải dân chủ, sâu sát, gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở.

Bộ máy Công an nhân dân là một thành tố trong bộ máy chính quyền nhà nước do Đảng lãnh đạo. Quan điểm xuyên suốt, cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy Công an nhân dân là: Bộ máy tổ chức của Công an nhân dân phải được xây dựng theo quan điểm, lập trường giai cấp công nhân, phải thiết thực, chắc chắn, làm việc dân chủ với tinh thần đoàn kết. Bộ máy Công an là một tổ chức thuộc cơ cấu chính phủ, cho nên mọi hoạt động của bộ máy ở cả cấp trung ương và địa phương cần tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và chịu sự chi phối của cơ chế hoạt động chung của bộ máy nhà nước. Đồng thời, Người cũng kiên quyết đấu tranh, phê phán các quan điểm lệch lạc, cơ hội chủ nghĩa, hoặc coi bộ máy Công an là công cụ siêu giai cấp, siêu quyền lực hoặc ngược lại, hạ thấp tầm quan trọng, phi chính trị hóa bản chất giai cấp công nhân, làm lu mờ tính nhân dân của bộ máy Công an nhân dân,… Trong xây dựng bộ máy Công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người kết hợp với xây dựng lề lối, tác phong làm việc dân chủ trong nội bộ. Xây dựng bộ máy Công an nhân dân phải luôn gắn liền với xây dựng và hình thành phong cách công tác khoa học của lực lượng Công an nhân dân. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, giá trị cốt lõi chính là Sáu lời chỉ dạy của Người về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là tổng hòa các mối quan hệ xã hội mà người công an cách mạng phải xử lý hài hòa, nhuần nhị, khoa học và tỉnh táo. Đó là kim chỉ nam để cán bộ, chiến sĩ nhận biết cái sai, cái xấu, cái chưa hoàn thiện để từ đó chấn chỉnh, sửa chữa; đồng thời và quan trọng hơn, đó cũng chính là bộ tiêu chí, thước đo, chuẩn mực đạo đức, lối sống, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện, phương châm hành động, biện pháp công tác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; là động lực, cội nguồn sức mạnh để lực lượng Công an nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân_Ảnh: Tư liệu

3- Hiện nay, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn và thách thức. Lợi dụng những mặt trái của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch ra sức chống phá chúng ta bằng âm mưu, thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc nhằm thay đổi con đường, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Lực lượng Công an nhân dân cần khẳng định bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng của Đảng chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù. Để xứng đáng là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng, lực lượng Công an nhân dân cần quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công tác công an và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân; thực hiện nghiêm túc một trong những nhiệm vụ then chốt trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, Điều lệnh Công an nhân dân. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa và tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, trong đó công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy Bộ Công an khoa học, hợp lý, chính quy, hiện đại; tăng cường tính chất vũ trang, tính kỷ cương, kỷ luật; bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đặt trong tổng thể về kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhưng không hành chính hóa hoạt động của lực lượng Công an; bố trí lực lượng, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ và lãnh đạo, chỉ huy, cơ cấu biên chế trong nội bộ một cách hợp lý, bảo đảm nguyên tắc “một việc chỉ một đơn vị chủ trì thực hiện”, theo hướng “Bộ tinh gọn, tỉnh vững mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và chính quy hóa lực lượng công an xã, thị trấn.

Ba là, tập trung tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm có nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực toàn diện, tinh thông nghiệp vụ, tư duy chiến lược, chiến thuật sắc sảo, tác phong chuyên nghiệp, khả năng làm chủ và sử dụng thành thạo các loại phương tiện được trang bị; đủ trình độ ngoại ngữ, kiến thức phục vụ công tác công an thời kỳ hội nhập quốc tế; trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp, cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhất là thanh niên Công an nhân dân. Tiếp tục đổi mới và làm phong phú, sinh động hình thức nghiên cứu, học tập nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân.

Năm là, tiếp tục tổng kết, đổi mới lý luận xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân, xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận xây dựng lực lượng Công an nhân dân, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận về xây dựng lực lượng Công an nhân dân làm cơ sở khoa học, định hướng đúng đắn cho công tác xây dựng lực lượng trong toàn ngành, góp phần xây dựng, hoàn thiện lý luận khoa học công an, bổ sung, phát triển lý luận bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ mới. Nội dung cơ bản là đổi mới sâu sắc, toàn diện công tác nghiên cứu lý luận xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, nâng tầm nhận thức, trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy, trước hết và đặc biệt là người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương./.

---------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 612
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 12, tr. 201
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 154
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr. 449
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 92