Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc
TCCS – Ngày 13-10-2024, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Chiều cùng ngày, trong chương trình Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
* Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của đồng chí Lý Cường trên cương vị Thủ tướng, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 11 năm của một Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh quan hệ hai đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn mới thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên, thúc đẩy cụ thể hóa nhận thức chung và triển khai các văn kiện ký kết trong các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai bên thời gian qua, tiếp thêm động lực phát triển mới cho quan hệ song phương, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân Đại toàn quốc Trung Quốc.
Trong bầu không khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường điểm lại những thành quả quan trọng trong quan hệ hai đảng, hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc thời gian qua; nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang ở vào giai đoạn phát triển sâu sắc, toàn diện và thực chất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Việt Nam kiên định củng cố và phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả trao đổi tại các cuộc hội kiến và hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu các đề xuất nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới, bao gồm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư theo hướng cân bằng, bền vững, đẩy mạnh giao lưu hữu nghị nhân dân. Đẩy nhanh kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc giữa hai bên, mở rộng xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, tổ chức tốt các hoạt động của Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Về hợp tác nghị viện, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò lập pháp, giám sát trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Về vấn đề trên biển, hai bên cần quán triệt, thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển; giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Thủ tướng Lý Cường bày tỏ đồng tình với những đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không ngừng củng cố, gìn giữ và phát huy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước, tích cực xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, đóng góp cho việc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.
Thủ tướng Lý Cường nêu 3 đề xuất thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới: Một là, duy trì trao đổi chiến lược thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, để kịp thời trao đổi về các vấn đề chiến lược trọng đại trong quan hệ hai nước và các vấn đề khu vực và quốc tế; bảo đảm sự dẫn dắt chiến lược đối với xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam. Hai là, mở rộng giao lưu hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước; triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác giữa Nhân đại toàn quốc Trung Quốc và Quốc hội Việt Nam, hoan nghênh đồng chí Trần Thanh Mẫn sang thăm Trung Quốc để tăng cường trao đổi giữa cơ quan lập pháp hai nước. Ba là, tăng cường nền tảng dân ý cho quan hệ hai nước, tổ chức tốt các hoạt động của Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025.
Kết thúc cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng mời đồng chí Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc sớm thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì phiên họp đầu tiên của cơ chế hợp tác liên nghị viện Việt Nam - Trung Quốc.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Với chủ đề “Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lai”, tại tọa đàm doanh nghiệp hai nước đã thảo luận tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác của nhau, phù hợp định hướng hai nước và xu thế toàn cầu, trong các lĩnh vực: phát triển, kết nối hạ tầng; hợp tác năng lượng; chuyển đổi số, kinh tế số; tài chính ngân hàng.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, với nỗ lực chung của hai bên, nhất là các chuyến thăm lịch sử của các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hai nước, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường lần này là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc đến Việt Nam sau khi hai bên nâng tầm quan hệ; tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là vai trò, vị thế và quy mô của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thông tin về chiến lược, kết quả tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam sau 40 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam cam kết “3 bảo đảm”, “3 thông”và “3 cùng”.
Trong đó “3 bảo đảm” gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, ổn định, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ổn định về chính sách, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản trị, thể chế, bảo đảm “3 thông”: hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh.
Đặc biệt, thực hiện “3 cùng” gồm: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hai nước để tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách...
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường bày tỏ tâm đắc với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính; nhất trí về sự ủng hộ hai Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc và Việt Nam là anh em tốt, đối tác tốt, đáng tin cậy, có thể dựa vào nhau; đoàn kết một lòng thì chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, rủi ro. Trong hợp tác cần sự chân thành, miễn là kiên trì đi cùng một hướng, mang lại lợi ích cho nhau, đem lại phồn thịnh chung thì chắc chắn hai nước sẽ cùng thắng.
Cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm nhấn của hợp tác Trung Quốc - Việt Nam, cũng là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước, Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hợp tác kinh tế, thương mại hai nước vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, nhiều tiềm năng để phát triển.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, hai nước có quan điểm phát triển như nhau, lợi ích chung rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên, cần quan tâm kết nối liên thông hai nước. Hiện hai nước đang tích cực triển khai quy hoạch kết nối sáng kiến BRI, Hai hành lang, một vành đai kinh tế; tích cực kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu, bến cảng, đường hàng không; thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác điều phối chính sách phát triển công nghiệp.
Thủ tướng Lý Cường cũng đề nghị hai bên không ngừng củng cố, bổ sung thế mạnh cho nhau. Mỗi bên đều có thế mạnh đặc biệt của mình về tài nguyên, kết cấu ngành nghề, có nhu cầu bổ sung cho nhau lâu dài; hai bên đã triển khai mạnh mẽ hợp tác kỹ thuật, công nghệ; phối hợp phân công, thúc đẩy, cùng nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Lý Cường cho biết, hai nước có chế độ, tin cậy chính trị cao, có mối tình hữu nghị nồng thắm mà nhiều nước không có. Hai nước có niềm tin hợp tác tương lai; thương mại hai nước được tăng cường mạnh mẽ, do đó doanh nghiệp hai bên cần nắm chặt cơ hội, tăng cường hợp tác chặt chẽ, đóng góp cho sự phát triển chung.
Thủ tướng Lý Cường nêu 3 mong muốn: không ngừng quan tâm các chính sách quan trọng lớn, chủ động hơn để hòa nhập sự phát triển quốc gia, các kết nối chiến lược; tận dụng tốt các thỏa thuận song phương và đa phương; huy động các nguồn lực cho phát triển. Thúc đẩy phát triển hài hòa các ngành nghề công nghiệp xuất phát từ đặc điểm của doanh nghiệp mình; tìm kiếm các đối tác hợp tác trong chuỗi giá trị. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới; tập trung sức lực, nâng cao sức sáng tạo, tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng sạch. Thủ tướng Lý Cường tin rằng, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước sẽ dành được kết quả to lớn hơn trong thời gian tới./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón và hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường  (13/10/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường  (12/10/2024)
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình  (12/10/2024)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX