TCCS - Ngày 27-12-2023, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học: “Mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay - Thực tiễn thành phố Đà Nẵng”.

Các đồng chí: Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có các đồng chí: Đoàn Ngọc Hùng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Thị Thu Lan, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam. Cùng dự hội thảo có đông đảo các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trên cả nước; đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo_Ảnh: Tất Trường

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, trong năm qua, mặc dù thành phố tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền thành phố cùng doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã quyết tâm triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2023 với chủ đề: “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Bên cạnh đó, sau gần 3 năm thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị đã phát huy tính ưu việt; bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, phát huy tinh thần dân chủ ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các quận, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng phát huy tính chủ động, linh hoạt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ công vụ mới tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp. Tổ chức điều hành phát triển kinh tế - xã hội của ủy ban nhân dân các cấp được duy trì ổn định, thông suốt; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản của địa phương đều đạt kết quả khá tốt; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Quyền dân chủ của người dân tiếp tục được tăng cường và phát huy; người đứng đầu các cấp tích cực đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân ngay tại cơ sở...

Việc thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay - Thực tiễn thành phố Đà Nẵng” là cơ hội quý để toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương về vấn đề hoàn thiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Kết quả của hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ mang tính lý luận và thực tiễn quý, góp phần giúp thành phố Đà Nẵng tham mưu, đề xuất với Trung ương trong việc sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội, “Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí PGS, TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh, kể từ khi đất nước được đổi mới (năm 1986), bên cạnh nhiệm vụ đổi mới về kinh tế, Đảng và Nhà nước cũng tập trung tiến hành đổi mới chính trị, nổi bật là hệ thống định chế, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Trong đó, vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, như một hình thức chính quyền địa phương được thành lập ở các đô thị lớn (khác với chính quyền nông thôn) sớm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm bởi đây là yêu cầu khách quan, tất yếu, hướng tới bảo đảm việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, sự quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đề ra nhiệm vụ tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện, trước hết ở một số thành phố lớn trực thuộc Trung ương.

Đối với thành phố Đà Nẵng, nhằm khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, khắc phục hạn chế, tồn tại để xây dựng thành phố xứng đáng là trung tâm, đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày càng phát triển bền vững, Trung ương Đảng đã rất quan tâm xây dựng các chủ trường, chiến lược, định hướng lớn cho sự phát triển thành phố. Điều này được thể chế hóa bằng Nghị quyết số 119/2020/QH14, tạo cơ sở để tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng cũng như tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh, như vấn đề về quy định, chính sách chồng chéo; cải cách hành chính chậm so với yêu cầu phát triển; thẩm quyền ra quyết định những vấn đề cấp bách chưa thật rõ; đặc điểm, tính chất của chính quyền đô thị là tốc độ ra quyết định phải nhanh hơn... nên cần được tháo gỡ, xử lý bằng những chính sách, giải pháp khoa học thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức với 71 tham luận và 14 ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý đến từ nhiều cơ quan, địa phương ở thành phố Đà Nẵng, cũng như trên cả nước. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề xây dựng chính quyền đô thị hiện nay ở Việt Nam, như kinh nghiệm quốc tế, cơ sở pháp lý, chính trị, kinh tế - xã hội của việc thực hiện chính quyền đô thị; quá trình thí điểm thực hiện chính quyền đô thị ở một thành phố hơn gần 3 năm qua; đánh giá tác động của áp dụng chính quyền đô thị đối với môi trường ổn định, phát triển tại các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng; những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và thực tiễn thành phố Đà Nẵng.

Các đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo_Ảnh: Tất Trường

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Ðà Nẵng chia sẻ, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị đối với thành phố Đà Nẵng; góp phần để thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Kết quả thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trong thời gian qua tiếp tục cho thấy sự đồng thuận của nhân dân và các cấp chính quyền đối với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; là tín hiệu tích cực trong việc hoàn thành mục tiêu từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm giải quyết đòi hỏi thực tiễn của quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.

Theo PGS, TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, không thể phủ nhận những điểm mới thông thoáng giúp tháo gỡ những bất cập từ mô hình quản lý địa phương chung cho một đô thị phát triển như thành phố Đà Nẵng hiện nay. Chỉ sau hơn 2 năm, ủy ban nhân dân các quận, phường trở thành cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; tinh gọn bộ máy, tăng quyền hạn và trách nhiệm thông qua áp dụng chế độ thủ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp dưới chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban nhân dân do mình phụ trách; hiệu quả cải cách hành chính được nâng lên (có 91 nội dung phân cấp, ủy quyền với tỷ lệ 100% đã được triển khai). Về một số bất cập phát sinh trong quá trình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng, PGS, TS Bùi Quang Bình chỉ rõ, việc chuyển ngân sách quận, phường từ một cấp ngân sách thành đơn vị dự toán phát sinh bất cập thì việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước chưa có quy định, nên việc thực hiện còn nhiều lúng túng; ủy ban nhân dân quận, phường gặp khó khăn trong việc chủ động bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng - an ninh, phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn...

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn khẳng định, xây dựng chính quyền đô thị phải dựa trên tinh thần phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính, là tổ chức bộ máy, công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cần học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới; tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương; nâng cao vai trò của truyền thông, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội… PGS, TS Phạm Minh Tuấn khẳng định, hội thảo đã thành công tốt đẹp, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quý, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết của các đại biểu về nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng trong bối cảnh mới; góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách trong thực hiện thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở một số thành phố lớn; những ý kiến mới, khác nhau cần được tiếp tục trao đổi, thảo luận để làm sáng tỏ thêm trong thời gian tới… Hội thảo tổ chức trong thời điểm vấn đề xây dựng chính quyền đô thị đang trong giai đoạn tiến hành thí điểm và bước đầu hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nên có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.