TCCS - Ngày 17-12-2022, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì và phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận, làm rõ vấn đề lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa trong bối cảnh mới.

Quang cảnh Hội thảo_Ảnh: Phạm Thắng 

Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động trong lĩnh vực văn hóa... Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và trực tuyến tại các điểm cầu trên cả nước.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan Triển lãm “Bản sắc văn hóa Bắc Ninh” được tổ chức để chào mừng Hội thảo_Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Trong bối cảnh mới, việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo là sự kiện chính trị - khoa học - văn hóa rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hóa, thực tiễn hóa và thể chế hóa việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua. Từ thực tiễn phát triển văn hóa Việt Nam, đồng chí nêu rõ những nội dung mà hội thảo cần tập trung thảo luận, làm sâu sắc là: 1- Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; 2- Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; 3- Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; 4- Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; 5- Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng_Ảnh: Phạm Thắng 

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Những năm qua, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy cao độ, nhất là những thời điểm đất nước khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Do đó, yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển văn hóa được đặt ra cấp thiết. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa; thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, đồng thời bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn. Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới, như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Với hơn 100 tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, các văn nghệ sĩ, đại diện các hội văn học, nghệ thuật được gửi tới và 15 tham luận trình bày trực tiếp, hội thảo chia thành hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với ba nhóm nội dung chính: Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia đề cập nhiều chiều cạnh trong phát triển văn hóa thời gian qua, tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn; đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội thảo_Ảnh: Phạm Thắng

Phát biểu tham luận tại phiên chuyên đề, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra yêu cầu đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa; định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa thống nhất hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế, mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của cộng đồng và nhân dân; hoàn thiện các chính sách kinh tế văn hóa, thực hiện những giải pháp căn cơ để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định và thực hiện sáng tạo, có hiệu quả những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực và địa bàn, vùng, miền cụ thể; triển khai xây dựng và thực hiện văn hóa số, gắn với công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Với báo cáo trung tâm tại phiên toàn thể, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá toàn diện về hiệu quả xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển văn hóa thời gian qua với những thành tựu và điểm nghẽn, từ đó đưa ra những định hướng và đề xuất một số giải pháp, như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển; tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành, nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa; tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Bàn về vấn đề nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đề xuất một số giải pháp thúc đẩy kết nối, tối ưu hóa phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa, như đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả tài chính công theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, bảo đảm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư”, “đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội”; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai gắn với tài nguyên, di sản văn hóa trên mặt đất, trong lòng đất thông qua gắn kết trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa; thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc, văn hóa Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận; khai thông, giải phóng tối đa các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa gắn với tận dụng hiệu quả nguồn lực các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tổng kết các vấn đề đã được đề cập trong hai phiên làm việc hiệu quả của hội thảo, nhấn mạnh thể chế, chính sách về văn hóa và liên quan vấn đề văn hóa cần phải kiến tạo cho mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa trên cơ sở phát huy, khai thác các nguồn lực. Đồng chí cũng tổng kết 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay, trong đó có việc sớm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, tập trung vào 9 nhóm chính sách cần tập trung hoàn thiện để tạo sự phát triển đột phá cho văn hóa là: Chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện (nhất là thế hệ trẻ); chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, phát triển hệ thống hạ tầng thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, giáo dục về văn hóa; chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; chính sách thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật với những đặc thù sáng tạo; chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; chính sách chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa - khâu đột phá trong phát triển văn hóa; chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đồng chí khẳng định, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm phát huy tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa theo mục tiêu mà Đảng đã đề ra, cũng như theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.