TCCS - Ngày 6-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Thủ đô Vienna (Cộng hòa Áo), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Ngay sau khi đến Thủ đô Vienna, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo _ Ảnh: VOV.VN

Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Áo là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Cộng hòa Áo nói riêng. Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình thế giới dự báo có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục gây ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, sinh kế và việc làm của người dân. 

Tuy nhiên, trong khó khăn và thách thức có mở ra nhiều cơ hội mới. GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng trưởng 5,64%; kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu đạt khoảng 430 tỷ USD (tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020), trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Âu tăng gần 12%. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đều nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang ở tình trạng rất ổn định. Với dân số hiện nay gần 100 triệu người, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 40 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô GDP trên 350 tỷ USD. Với kết quả thu hút FDI rất tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI thành công hàng đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt xấp xỉ 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới.  

Bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đó là phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế, phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; gắn kết phát triển kinh tế, xã hội, môi trường với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội cho biết về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quang cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo _ Ảnh: quochoi.vn

Kim ngạch thương mại Việt Nam - EU năm 2020 đạt gần 56 tỷ USD, bên cạnh đó khu vực EU là đối tác FDI đứng thứ 6 của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt trên 22 tỷ USD. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020 và dự kiến Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi chính thức được phê duyệt sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định; bảo đảm việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU.

Về quan hệ đầu tư, Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học - công nghệ. Về quan hệ thương mại, Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010 và đây là con số ấn tượng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Áo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học… Cùng với đó cần nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước.

Các cơ quan hữu quan hai nước cần tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh. Doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam và có tiếng nói thúc đẩy để Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) trong thời gian sớm nhất. 

Các đại biểu tham dự diễn đàn _ Ảnh: VOV.VN

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hiệp định EVFTA đã thực hiện được hơn 1 năm. Theo quy định Hiệp định EVIPA phải được tất cả các nghị viện thành viên EU phê chuẩn; hiện mới có 6/27 nghị viện trong EU phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn từ rất sớm. Nhấn mạnh Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, Chủ tịch Quốc hội thông báo giữa EU - ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường rộng lớn hơn với 800 triệu dân khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, đã chính thức có hiệu lực… 

Cùng dự diễn đàn có các doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng hợp tác. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế, kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu. Theo Chủ tịch Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp hai nước không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, mà cần đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố và làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà nước và nhân dân hai nước. 

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những “điểm nghẽn” của nền kinh tế về thể chế pháp luật, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi một cách minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quốc hội Việt Nam đang có chương trình tổng thể để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường thuận lợi nhất cho các cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đã trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ từ các bộ, ngành của Việt Nam. Các nhà doanh nghiệp Áo cho rằng Việt Nam là thị trường đầu tư quan trọng của Áo trong khu vực Đông Nam Á; mong muốn có nhiều cuộc gặp B2B (công ty đến công ty - Business to Busines) để doanh nghiệp có thể tìm hiểu, trao đổi cụ thể hơn. Đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Áo cho biết ủng hộ đề xuất gợi mở những lĩnh vực mà Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam để thu hút những nhà đầu tư có chất lượng từ Cộng hòa Áo./.

Thùy Linh (tổng hợp)