Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV
TCCS - Ngày 24-3-2021, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 11. Kỳ họp diễn ra từ ngày 24-3-2021 đến ngày 8-4-2021. Đây là kỳ họp mang tính cầu nối, chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Về công tác xây dựng pháp luật: Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Về công tác giám sát và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội dành khoảng từ 4 đến 5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3-2021; xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026). Sau đó, Quốc hội dành khoảng 7 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự của bộ máy nhà nước.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Đến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ. Kỳ họp này là dịp để chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được cùng những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác, từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới.
Sau phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước bầu ra vào ngày 22-5-2016. Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV đã đạt được những kết quả chủ yếu sau:
1- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng. Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ vừa qua, với 72 luật (chưa bao gồm 1 luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11), 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua.
2- Tăng cường hoạt động giám sát, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, đi “đến cùng” vấn đề được giám sát. Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét với 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Cách thức giám sát tiến hành được cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.
Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số lượng đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát.
3- Xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Quốc hội đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 lần đầu tiên được thông qua, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nợ công, tính bền vững của ngân sách. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, nhiều quyết định đã được xem xét, ban hành kịp thời, nhiều chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm. Chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao. Việc xem xét, quyết định thành lập, sáp nhập, điều chỉnh địa giới và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về tinh gọn tổ chức bộ máy, phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
4- Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, vai trò của Quốc hội ngày càng được khẳng định thông qua việc quyết định và thực hiện các chính sách lớn về đối ngoại, giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên... Với nỗ lực rất lớn, nhiều điều ước quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đã được kịp thời phê chuẩn. Trong đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh, hiệu quả hơn của đất nước; các văn kiện liên quan đến biên giới đã góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, đóng góp vào việc tăng cường đoàn kết, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa nước ta với các nước láng giềng Lào, Campuchia.
Quốc hội cũng đã thể hiện rõ nét hơn vai trò “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam; đồng thời, là “thành viên có trách nhiệm”, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
5- Mô hình tổ chức phù hợp, phương thức hoạt động không ngừng được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chú trọng mối quan hệ phối hợp công tác là những nhân tố quyết định hiệu quả, góp phần tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội. Mô hình tổ chức phù hợp đã phát huy tốt vai trò của từng cơ quan trong bộ máy của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới. Đại biểu Quốc hội khóa XIV cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường công tác tiếp công dân; tích cực tham gia, thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, cân nhắc thận trọng, phát huy trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân trong thảo luận, quyết định chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước. Hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong hoạt động của Quốc hội.
Phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ. Quốc hội đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá (nhất là kỳ họp thứ 9, thứ 10 đã được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử trong thời gian tới.
Trong mọi mặt hoạt động, Quốc hội khoá XIV luôn quán triệt sâu sắc, thể chế hoá kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, chủ động đóng góp ý kiến, kiến nghị tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện với Đảng về nhiều vấn đề quan trọng. Qua đó, đã nâng cao uy tín của Quốc hội trong hệ thống chính trị cũng như đối với cử tri, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Nhận thức sâu sắc mối liên hệ mật thiết với cử tri, nhân dân vừa là yêu cầu, nhiệm vụ, vừa là mục tiêu, mục đích cao nhất cần hướng tới, Quốc hội đã luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động, hình thức, cách thức, biện pháp để mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu ngày càng được khăng khít hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, trách nhiệm cao, linh hoạt, dưới nhiều hình thức (như: định kỳ, chuyên đề, trực tuyến,…); có sự đổi mới về cách thức thực hiện, thu hút sự tham dự đông đảo của cử tri cũng như thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị từ cơ sở. Ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp, tổng hợp kịp thời và được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã có nhiều cố gắng và chuyển biến tích cực. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã nỗ lực, từng bước nâng cao chất lượng công tác dân nguyện, góp phần thúc đẩy giải quyết hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan được chú trọng, tăng cường, bảo đảm toàn diện, chủ động, hiệu quả, có chiều sâu. Những đổi mới trong cách thức phối hợp đã góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, nhằm hướng tới mục tiêu chung là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV đã khẳng định, bổ sung, làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm quý được Quốc hội các khóa rút ra như sau:
Một là, quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tạo không khí dân chủ và phát huy trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.
Hai là, kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của hơn 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Sự đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm và phát huy dân chủ là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban ngày càng nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát và kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng vào các kết quả hoạt động của Quốc hội, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội và là cầu nối giữa Quốc hội và địa phương.
Ba là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe nhân dân, phục vụ nhân dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà nhân dân ủy thác. Chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. Sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và nhân dân vừa là động lực, vừa là nguồn động viên to lớn để Quốc hội, đại biểu Quốc hội nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bốn là, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đại biểu đã góp phần quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội nhận thức rõ vinh dự và nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thể hiện được bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, khát khao cống hiến; là cầu nối quan trọng giữa Quốc hội và cử tri thông qua việc lắng nghe, phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào nghị trường cũng như tuyên truyền, đưa chính sách và quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Năm là, coi trọng, phát huy thế mạnh đặc thù hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, chủ động, phối hợp chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Sáu là, mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan, tổ chức hữu quan được coi trọng, tăng cường, tạo sự chủ động, thống nhất, kịp thời trong triển khai công việc, đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hiện đại hóa phương thức hoạt động, khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, từng bước hình thành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để đổi mới phương pháp, cải thiện tiến độ, chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử. Tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, bảo đảm sự ổn định là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Tại phiên khai mạc Quốc hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước. Báo cáo nhấn mạnh, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
Tiếp theo đó, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, Báo cáo nêu rõ, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu" Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Trong khi đó, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước, đối tác lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh cùng với chuyển động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến kinh tế và nhịp sống của các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tuy còn những tồn tại, hạn chế, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt và sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 qua, tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới vừa qua./.
Phiên họp thứ 4 của Hội đồng Bầu cử quốc gia  (22/03/2021)
Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (15/03/2021)
Bế mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (23/02/2021)
Khai mạc Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (22/02/2021)
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng  (26/01/2021)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên