TCCS - Ngày 10-12-2019, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân, sau hội nghị lần đầu tiên tổ chức thành công tại tỉnh Hải Dương, vào ngày 9-4-2018.

Quang cảnh Hội nghị_Ảnh: Huy Vũ

Tham dự hội nghị còn có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, lãnh đạo các cấp Hội Nông dân Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và 300 đại biểu nông dân đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân cả nước.

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhấn mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, qua đó bổ sung, hoàn thiện những quyết sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng ngày càng sát thực, khả thi, hiệu quả. Theo tinh thần đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ hai để Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp trực tiếp lắng nghe những đại biểu nông dân cả nước trao đổi, nêu lên những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của nông dân, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo Ban Tổ chức, trước thềm hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi của nông dân cả nước gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc qua nhiều kênh tiếp nhận. Ban Tổ chức đã tiến hành 3 phiên đối thoại tại hội nghị theo các nhóm chủ đề. Phiên thứ nhất với nhóm câu hỏi về sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị, phát triển nền nông nghiệp bền vững; phiên thứ hai với nhóm câu hỏi về vốn, đất đai, thích ứng biến đổi khí hậu; phiên thứ ba với nhóm câu hỏi về xây dựng nông thôn mới, môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều đại biểu nông dân đã mạnh dạn nêu lên khó khăn, vướng mắc đối với Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Nhiều đại biểu thống nhất nhận định, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp - nông dân - nông thôn nước ta vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.

 Theo ý kiến của nhiều đại biểu, khó khăn lớn nhất của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp là vấn đề tiêu thụ lúa và nhiều loại nông sản khác chưa ổn định, chưa bảo đảm mức lợi tức để nông dân và doanh nghiệp có thể an tâm đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn nhiêu khê, nhiều trở ngại; hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi ở nhiều nơi chưa được xây dựng đồng bộ để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu - xâm nhập mặn, tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất còn phổ biến. Khó khăn chung của nhiều hộ nông dân hiện nay khi muốn chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị là những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai cho sản xuất lớn; cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân còn nhiều vướng mắc, rào cản, khó tiếp cận. Trong khi đó, việc xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi còn gặp nhiều trở ngại vì nhiều cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn…

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với bà con nông dân_Ảnh: VGP

Nhìn chung, những vấn đề được các đại biểu nông dân trao đổi cùng Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ lần này tập trung vào việc tìm giải pháp tháo gỡ 5 “điểm nghẽn” lớn trong vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở nước ta hiện nay. “Điểm nghẽn” thứ nhất là cơ chế, chính sách để bảo đảm và tăng cường liên kết “6 nhà” (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - nhà doanh nghiệp - nhà phân phối) nhằm phát huy tốt nhất nguồn nội lực của các “nhà” này trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. “Điểm nghẽn” thứ hai là những vướng mắc về tích tụ đất đai để sản xuất với quy mô lớn, tập trung, chuyên canh. “Điểm nghẽn” thứ ba là những hạn chế về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; trình độ và năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn nhiều trở ngại. “Điểm nghẽn” thứ tư là những hạn chế về trình độ của người nông dân trong việc chủ động tính toán, xây dựng kế hoạch sản xuất, gắn kết với thị trường để tiêu thụ nông sản hàng hóa do mình làm ra. “Điểm nghẽn” thứ năm là tình trạng thiếu vốn, "tín dụng đen"; sản xuất, cung ứng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, giá cả không ổn định, gây nhiều tác hại đến xã hội nông thôn, đến chất lượng an toàn thực phẩm và môi trường.

Tại Hội nghị, đã có 19 nông dân trực tiếp đặt 53 câu hỏi với Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Với tinh thần lắng nghe, trân trọng từng ý kiến của các đại biểu về những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý, chỉ định đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp trả lời, giải đáp những câu hỏi, thắc mắc mà các đại biểu nông dân nêu lên. Thủ tướng cũng trực tiếp tiếp thu, giải thích, giải đáp từng ý kiến, nhóm ý kiến của các đại biểu nông dân; trao đổi với bà con nông dân những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường phối hợp với nhau và phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cấp Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội để giải quyết có hiệu quả và phù hợp những vấn đề, những yêu cầu chính đáng đã được các đại biểu nông dân nêu ra.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các loại nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long_Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm và khát vọng vươn lên của nông dân nước ta; đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức thành công buổi đối thoại lần này. Thủ tướng Chính phủ trân trọng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị đóng góp của các đại biểu nông dân và yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của nông dân, từ đó trao đổi cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan để sớm có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, nông sản đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng cao như chủ đề hội nghị đã đề ra. Các cơ quan có liên quan cần chủ động rà soát thủ tục hành chính để giảm bớt phiền hà, trở ngại cho nông dân, nhất là trong lĩnh vực vay vốn sản xuất, mua sắm vật tư nguyên liệu đầu vào, mua sắm trang thiết bị để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản. Thủ tướng cũng kêu gọi, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nông dân Việt Nam cũng phải nâng cao ý thức tự đổi mới; chủ động học tập, trau dồi kiến thức về khoa học - công nghệ, về kinh tế thị trường, phát huy tinh thần tự lực tự cường, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, góp phần làm giàu cho đất nước./.