TCCSĐT - Sau 4 tháng nổ ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, ngày 11-4, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir buộc phải từ chức, đồng thời đã bị quân đội Sudan bắt giữ. Thực trạng này khiến tình hình tại Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp.

Khủng hoảng chính trị ở Sudan

 
 Biểu tình tại Sudan. Ảnh: TTXVN

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf ngày 11-4 đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp và Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Kamal Abdelmarouf, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch hội đồng này. Trước đó, quân đội Sudan thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng sau khi bắt giữ Tổng thống Omar Al-Bashir. Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố một hội đồng quân sự sẽ điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar Al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng. Nhóm biểu tình chính ở Sudan phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình. Giới phân tích cảnh báo, Sudan có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ nếu cuộc khủng hoảng chính trị này không được giải quyết một cách hòa bình và các phe phái đối địch trong giới an ninh xung đột để tranh giành quyền lực.

Trước những diễn biến phức tạp tại Sudan hiện nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres kêu gọi Sudan chuyển giao chính quyền một cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) chỉ trích động thái của quân đội Sudan, gọi đây là cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống.

Cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Sudan được các nhà quan sát cho là bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế mà người dân nước này phải vật lộn trong 20 năm qua và đến nay vẫn chưa thể vượt qua. Các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19-12-2018 khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Trong 3 tháng gần đây, việc thiếu hụt ngoại tệ và khan hiếm tiền mặt, giá cả lương thực leo thang và đặc biệt là giá bánh mỳ tăng gấp 3 lần đã vượt quá giới hạn chịu đựng của người dân Sudan, hủy hoại hy vọng của người dân và hệ quả là những bất bình trong xã hội xuất hiện.

Câu hỏi hiện nay mà nhiều người đặt ra là liệu sẽ lại có một “Mùa xuân Arab” khác tại Sudan hay không? Trên thực tế, “Mùa xuân Arab” từng cận kề Sudan năm 2013, khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu khiến khoảng 200 người thiệt mạng. Cuộc biểu tình sau đó được Tổng thống Omar Al-Bashir ngăn chặn và dập tắt. Phong trào Đối thoại quốc gia bắt đầu tại Sudan năm 2014 và kết thúc vào năm 2017, với việc phe đối lập ở nước này có một vai trò lớn hơn. Tiến trình này củng cố những hy vọng mới tại Sudan. Người dân hy vọng chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi, song điều đó đã không diễn ra.

Trước bối cảnh rối ren trên, giới phân tích dự đoán nhiều khả năng sự sụp đổ của trật tự và luật pháp nếu xảy ra tại Sudan là do sự thù địch giữa các phe phái khác nhau trong giới an ninh, chứ không phải do các hành động của người biểu tình. Lực lượng dân quân, binh sĩ, cảnh sát và những người trung thành với các thủ lĩnh và chính khách có thể xung đột để tranh giành quyền lực trên các đường phố lớn, trong khi các khu vực hẻo lánh sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ trung ương. Hậu quả do tình trạng hỗn loạn đó gây ra với khu vực châu Phi nói riêng cũng như với châu Âu và Trung Đông nói chung sẽ rất thảm khốc.

Động lực mới cho quan hệ Liên minh châu Âu - Trung Quốc

 
 Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu - Trung Quốc lần thứ 21. Ảnh: scmp.com

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lần thứ 21 diễn ra ngày 09-4 tại Brussels (Bỉ), đã kết thúc với việc hai bên ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả đạt được tại hội nghị lần này tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện EU - Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Brussels đều đang vướng vào tranh cãi thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump.

Tại cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai bên đã tiến hành cuộc đối thoại về các vấn đề hợp tác, trao đổi quan điểm về cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hợp tác chặt chẽ trong việc duy trì Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển bền vững, duy trì thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran và chống khủng bố… Kết thúc hội nghị, EU và Trung Quốc ra tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác và tái khẳng định cam kết ủng hộ cơ chế đa phương.

Diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới ba nước châu Âu Italy, Monaco và Pháp hồi cuối tháng 3 vừa qua, Hội nghị cấp cao EU - Trung Quốc lần này được đánh giá có tầm quan trọng, tác động nhiều đến tương lai hợp tác EU - Trung Quốc. Hiện tại EU đang phải đối mặt với các sức ép thương mại từ Mỹ, do vậy, EU cần “bắt tay” với một đối tác thương mại lớn như Trung Quốc để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu lớn nhất của EU, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Về phía Trung Quốc, nước này cũng có mối quan tâm lớn với thị trường 500 triệu dân của EU. Không chỉ là khía cạnh kinh tế, tăng cường quan hệ với EU cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực vốn là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Đây sẽ yếu tố có lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược vị thế siêu cường hàng đầu thế giới với Mỹ.

Với một chương trình nghị sự dày đặc và diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, giới phân tích quốc tế đã tỏ ra không mấy lạc quan về Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này. Nhiều nhà ngoại giao ở Brussels cho rằng, tình hình căng thẳng về thương mại, đầu tư... như hiện nay giữa hai bên có thể khiến Trung Quốc và EU thất bại trong việc đạt được một tuyên bố chung tại Hội nghị. Còn EU dù đang nỗ lực theo đuổi việc xây dựng “các điểm chung” với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của liên minh, song lại do dự trước chủ nghĩa bảo hộ, chính sách thương mại của Bắc Kinh.

Tuy có những quan ngại về quan hệ Trung Quốc và EU, song việc hai bên đưa ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác và bảo vệ hoạt động thương mại tự do và cơ chế đa phương tại Hội nghị đã cho thấy những tín hiệu tích cực về việc củng cố niềm tin chính trị, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương của Trung Quốc và EU.

Thủ tướng Israel lần thứ 5 giành chiến thắng trong bầu cử

 
 Thủ tướng Israel B. Netanyahu tiếp tục giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Israel B. Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và tiếp tục giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp.

Theo kết quả của 96% số phiếu được công bố ngày 10-4, đảng Likud của Thủ tướng B. Netanyahu giành được 35 ghế trong Quốc hội (Knesset), khối các đảng cánh hữu và tôn giáo ủng hộ Thủ tướng B. Netanyahu giành được 65/120 ghế trong Quốc hội. Như vậy, với số ghế đạt được trong Quốc hội đã mang lại chiến thắng cho đương kim Thủ tướng B. Netanyahu và ông cũng có khả năng lớn hơn trong việc thành lập chính phủ liên minh.

Đánh giá về cuộc bầu cử lần này, giới phân tích chỉ ra rằng, trong chính sách tranh cử, Thủ tướng B. Netanyahu với kinh nghiệm chính trường lâu năm và đảng Likud cầm quyền tiếp tục đặt vấn đề an ninh quốc gia làm trọng tâm để duy trì sự hậu thuẫn của cử tri cánh hữu. Không chỉ có vậy, các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy, cử tri cánh hữu đánh giá cao Thủ tướng B. Netanyahu khi ông nêu lập trường “Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel”, thung lũng Jordan sẽ tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Israel cho dù Palestine khẳng định chủ quyền đối với khu vực này. Ngay sát thời điểm bầu cử, Thủ tướng B. Netanyahu tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây nếu ông được bầu lại làm Thủ tướng. Bên cạnh đó, các động thái của Tổng thống Mỹ D. Trump như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này và mới nhất là công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan thuộc về Israel cũng được đánh giá là “cú hích” quan trọng giúp ông B. Netanyahu và đảng Likud gia tăng sự ủng hộ của cử tri.

Ngoài ra, những dấu ấn tích cực trong tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa đạt mức cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập bình quân đầu người tăng, thâm hụt ngân sách được kiểm soát, du lịch ngày càng khởi sắc cũng là các điểm sáng giúp ông B. Netanyahu và đảng Likud ghi điểm đối với cử tri. Cụ thể, trong năm 2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel tăng trưởng 3,3%, trong khi thâm hụt ngân sách ở mức tương đương 3,1% GDP. Về du lịch, Bộ Du lịch Israel cho biết nước này đã đón hơn 4 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2018, tăng 13% so với năm 2017. Doanh thu từ ngành công nghiệp không khói của Israel đạt hơn 6,3 tỷ USD trong năm ngoái. Bên cạnh đó, dù đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về tham nhũng, song Thủ tướng B. Netanyahu vẫn giành sự tín nhiệm của người dân Israel nhờ thành tựu trong chính sách đối ngoại khi mối quan hệ giữa Israel và các nước Arab được cải thiện.

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, ông B. Netanyahu đã trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel. Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong trường hợp Thủ tướng Israel đắc cử nhiệm kỳ thứ 5, song phải liên minh với các đảng cánh hữu, thì bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền với Palestine sẽ khó được thông qua.

Singapore - Malaysia nỗ lực cải thiện quan hệ song phương

 
 Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia M. Mohamad. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày 08 và 09-4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thực hiện chuyến thăm tới Malaysia. Chuyến thăm là cơ hội để hai quốc gia láng giềng cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác vốn có trong bối cảnh hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng.

Trong thời gian gần đây, Malaysia và Singapore tích cực duy trì các kênh liên lạc và giải quyết các vấn đề song phương. Hồi tháng 01-2019, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Singapore V. Balakrishnan và người đồng cấp Malaysia S. Abdullah tại Singapore, hai nước đã khẳng định cần hành động để vượt qua những bất đồng. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai bên nhất trí từng bước tiến hành các biện pháp nhằm giảm căng thẳng liên quan đến những tranh chấp trên biển và trên không, theo đó, Singapore tạm hoãn sử dụng Hệ thống trợ giúp hạ cánh tại sân bay Seletar cách bang Johor của Malaysia, còn phía Kuala Lumpur cũng hủy bỏ vùng cấm bay ở khu vực Pasir Gudang. Về lĩnh vực hàng hải, hai bên nhất trí thành lập một nhóm công tác nhằm thảo luận các vấn đề liên quan những giới hạn về cảng biển. Hai bên cũng đang giải quyết việc hoãn thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Kuala Lumpur với Singapore, Hiệp định 1962 về cung cấp nước giữa hai nước. Một dấu hiệu tích cực nữa là ngay trước thềm chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai nước đạt thỏa thuận chấm dứt tranh chấp không phận kéo dài nhiều tháng, đồng thời ngừng đưa ra tuyên bố về vùng biển chồng lấn.

Với các điều kiện thuận lợi như vậy, tại Hội nghị hẹp lần thứ 9 trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia M. Mohamad đã có cuộc trao đổi về các vấn đề song phương, cũng như các vấn đề còn tồn đọng giữa hai bên. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Singapore và Malaysia gặp nhau theo cơ chế hội nghị hẹp. Trong cuộc gặp này, Thủ tướng Malaysia M. Mohamad cho biết: “Chúng tôi nhất trí rằng nguyên tắc cơ bản là giải quyết các vấn đề quan tâm một cách xây dựng và hữu nghị”. Về phần mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố: “Là nước láng giềng gần gũi, Singapore và Malaysia cần sẵn sàng cho những vấn đề nảy sinh giữa hai nước, miễn là chúng ta có thể giải quyết chúng một cách xây dựng, chúng ta có thể hạn chế được các tác động phụ của chúng”.

Có thế thấy, sau những căng thẳng, việc hai nhà lãnh đạo Malaysia và Singapore cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong chuyến thăm thể hiện quyết tâm giải quyết các vấn đề quan tâm một cách xây dựng và hữu nghị của hai nước.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Đối thoại để thúc đẩy lợi ích song trùng

 
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan và Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan thực hiện chuyến thăm chính thức tới Nga và tham dự phiên họp lần thứ 8 của Hội đồng hợp tác cấp cao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm thứ ba của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga trong bối cảnh hai nước tích cực tăng cường quan hệ sau khủng hoảng năm 2015.

Tại cuộc hội đàm ngày 08-4 diễn ra tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga V. Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đã thảo luận về quan hệ song phương, bao gồm các vấn đề hợp tác kinh tế - thương mại, thực hiện các dự án năng lượng chung như xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và nhà máy điện nguyên tử “Akkuyu” ở Thổ Nhĩ Kỳ, hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 của Nga cho nước này, đồng thời thảo luận về phối hợp cách tiếp cận trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Về hợp tác kinh tế, Tổng thống V. Putin cho biết, Moscow và Ankara sẽ tăng cường hợp tác đầu tư và khởi động nhiều dự án chung trong nhiều lĩnh vực.

Sau hội đàm với Tổng thống T. Erdogan, Tổng thống V. Putin tuyên bố: “Nhiều việc đã và đang được thực hiện nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa Moscow và Ankara... Việc kích hoạt hợp tác đầu tư thời gian tới sẽ được thúc đẩy qua việc khởi động các dự án chung trong nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, luyện kim, nông nghiệp và lĩnh vực công nghệ cao”. Theo Tổng thống V. Putin, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia trong năm 2018 đã tăng hơn 15% và đạt 25 tỷ USD, trong khi đó, tổng mức đầu tư song phương đã đạt 20 tỷ USD. Đáp lại Tổng thống T. Erdogan khẳng định: “Mục tiêu chính của chúng tôi là đưa trao đổi thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ lên mức 100 tỷ USD từ mức 26 tỷ USD hiện nay. Từ tư duy chiến lược, chúng tôi sẽ thực hiện những việc có thể để đạt được các mục tiêu hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác”.

Hai Tổng thống cũng đã thảo luận về nhiều khía cạnh trong hợp tác, gồm cả lĩnh vực năng lượng. Hai bên tăng cường các cuộc tiếp xúc tích cực theo kênh Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và hợp tác khoa học - công nghệ.

Về tình hình Syria, Tổng thống Nga Putin cho biết Moscow và Ankara đang cùng nỗ lực bình thường hóa tình hình tại Syria, trong đó có việc thành lập Ủy ban Hiến pháp. Phát biểu tại phiên họp lần thứ 8 Hội đồng hợp tác cấp cao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống V. Putin khẳng định: “Cuộc gặp của Nhóm hoạch định chiến lược chung (Nga - Thổ Nhĩ Kỳ) ở thành phố Antalia đã thảo luận về tình hình Syria. Tôi muốn nhấn mạnh rằng hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là các nước đồng bảo trợ cho tiến trình Astana, sẽ tiếp tục các nỗ lực chung mạnh mẽ nhằm bình thường hóa lâu dài tình hình tại Syria. Trong bối cảnh tiến trình chính trị bên trong Syria được thúc đẩy, chúng tôi đang phối hợp hành động với nhau, trong đó có việc sớm thành lập Ủy ban Hiến pháp”.

Về phần mình, Tổng thống T. Erdogan cho biết, Ankara và Moscow đang cùng triển khai các bước đi quan trọng tại Syria nhằm phối hợp trong các hoạt động chống lại các nhóm khủng bố vốn đang tạo ra mối đe dọa đối với khu vực Trung Đông. Theo ông T. Erdogan, đây là những bước đi đã và sẽ tiếp tục được hai nước thực hiện trong tiến trình giải quyết vấn đề Syria thời gian tới. Tổng thống V. Putin và Tổng thống T. Erdogan cũng nhất trí hai nước sẽ triển khai kế hoạch tuần tra chung tại tỉnh Idlib của Syria.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống V. Putin và người đồng cấp T. Erdogan đã dự lễ khai mạc Năm Trao đổi văn hóa và du lịch Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà hát Bolshoi ở thủ đô Moscow và có cuộc họp chung với các doanh nghiệp hai nước.

Có thể nhận thấy, những kết quả đạt được trong chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống T. Erdogan một lần nữa thể hiện rõ xu hướng đang nổi lên trong quan hệ giữa Moscow và Ankara hiện nay, đó là đối thoại để thúc đẩy lợi ích song trùng và giảm thiểu những bất đồng./.