TCCS - Nhận thức rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước, Hà Nội đã chủ động phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, đổi mới sáng tạo để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Mục tiêu phát triển Thủ đô

Ngày 5-5-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 7-2-2023, về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô Hà Nội về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2030, trở thành Thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Chương trình hành động phải cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và quán triệt định hướng phát triển và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xác định các nhiệm vụ chủ yếu, thể hiện các giải pháp cụ thể và thiết thực, được tổ chức tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.

Theo Chương trình hành động của Chính phủ, mục tiêu cụ thể giai đoạn từ nay đến năm 2030, gồm: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7,5% - 8,0%; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300 - 8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%; năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0 - 7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62%, đến năm 2030 đạt 75%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50 - 55%, đến năm 2030 đạt 100%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thực tiễn và giải pháp

Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định là: Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Trên cơ sở đó, Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới (kinh tế đô thị, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm…) gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Không ngừng nâng cao mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và kinh tế số trong GRDP; đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố.

Thành phố ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...

Hà Nội cũng sẽ tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa; phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; tập trung phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo; chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam...

Về phát triển nông nghiệp, thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; rà soát quy hoạch đất đai và bố trí lại các vùng, các xã trọng điểm sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn...

Những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế được xác định trong Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố là tiền đề, cơ sở để các cấp, các ngành, cùng toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô triển khai, tổ chức thực hiện nhằm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như những tác động từ tình hình kinh tế và chính trị thế giới, Hà Nội cần làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, để cụ thế hóa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TW thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện, trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), chú trọng phân cấp, phân quyền tối đa, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính và rút gọn thủ tục hành chính, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Song song với đó, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thứ ba, nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, chủ động, hiệu quả. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Thành phố (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, yếu kém của các thị trường (tiền tệ, tín dụng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp); triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực, như nguồn vốn, con người, tài nguyên đất đai… Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, tăng cường hợp tác công tư, triển khai mô hình mới (lãnh đạo công, quản trị tư đối với một số mô hình và mô hình đầu tư công, quản lý tư, mô hình đầu tư tư, sử dụng công...)./.