TCCS - Những năm gần đây, Hà Nội không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút các dự án, thu hút du khách. Thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong đó có lĩnh vực du lịch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong quá trình chỉ đạo, điều hành của thành phố. 

Trong 10 tháng đầu năm 2023, Thủ đô Hà Nội đón 1,81 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 411,3 nghìn lượt khách, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 7,17 nghìn tỷ đồng, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 7% so với tháng 9-2023. Trên địa bàn Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26.411 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 10-2023 ước đạt 50,1%. 

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm. Thành phố đã tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023 và chuỗi các hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí Hà Nội và du lịch sinh thái Hà Nội; Cuộc thi ảnh du lịch “Thủ đô Hà Nội chào đón bạn - Welcome Ha Noi City”. Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai hiệu quả Kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức. Xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì. 

Để có được những kết quả đó, thành phố Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản hóa, rút gọn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch. Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, trong đó có lĩnh vực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính; thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, niêm yết tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mình trên trang thông tin điện tử và tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận trong giao dịch hành chính công. Đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã niêm yết công khai 26/26 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên phần mềm Dịch vụ công trực tuyến của thành phố và xây dựng tổng đài tiếp nhận, giải đáp về thủ tục hành chính.

Ngày 14-9-2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4604/QĐ-UBND, về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch thành phố Hà Nội. Theo đó, tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực du lịch gồm 26 thủ tục, phương án đơn giản hóa thời gian giải quyết đối với 6/26 thủ tục hành chính, cụ thể là: 1- Đối với lĩnh vực quản lý lữ hành, một số thủ tục được rút ngắn so với quy định hiện hành 4,5 ngày làm việc (giảm 10% thời gian), gồm: (i) Thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; (ii) Thủ tục Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa; (iii) Thủ tục Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi doanh nghiệp giải thể; (iv) Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi doanh nghiệp phá sản. 2- Đối với lĩnh vực quản lý cơ sở lưu trú, thời gian theo quy định hiện hành là 19 ngày, hiện tại giảm 1 ngày so với quy định đối với thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. 

Để thúc đẩy hơn nữa cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch, thời gian tới, Hà Nội xác định cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và các kênh truyền thông quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang web, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quảng bá sản phẩm du lịch Hà Nội tại: Hội chợ du lịch TOPRESA tại Paris (Pháp); Hội chợ Du lịch thế giới (WTM), tại London (Anh).

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội. Tiếp tục thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 360° và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; xây dựng phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội. 

Cuối cùng, Hà Nội tăng cường chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như: Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện,…), du lịch golf, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát các sản phẩm du lịch tại Hà Nội và các địa phương như: các tỉnh Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng... Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch mới, trọng tâm của thành phố như: Sản phẩm du lịch đường sông dọc theo tuyến Chương Dương Độ - Cảng Bát Tràng, mở rộng tuyến xe bus 2 tầng đến các điểm du lịch khu vực ngoại thành; khảo sát, xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và những điểm du lịch gắn với những giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì; khảo sát xây dựng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.../.