“Oai”... quyền và uy quyền

Hạ Long
09:52, ngày 15-12-2022

Cùng được trao quyền lực giống nhau, nhưng có người giúp tổ chức đi lên, ngày càng phát triển, người lại khiến chính tổ chức ấy xuống dốc suy vong, có lẽ cũng bởi cách dùng quyền, là “oai”… quyền hay uy quyền.

“Oai”… quyền bởi dùng quyền quá cương. Việc gì cũng căng như dây đàn, thích lạm quyền, diễu võ giương oai, đe nẹt, áp chế, cưỡng bức sự phục tùng. Cấp dưới thực tâm không phục, e ngại cái “ghế” của người ngồi, chứ không phải người ngồi trên cái ghế đó. Cấp dưới càng bất tuân, phản kháng thì càng dùng quyền một cách cay độc. Dùng quyền quá cương như vậy, “chẳng chóng thì chày” cũng đổ vỡ.

“Oai”… quyền do dùng quyền nhu nhược. Tổ chức trao quyền để người lãnh đạo “danh chính ngôn thuận” điều hành các thành viên của tổ chức phải phục tùng theo ý chí của mình vì nhiệm vụ, lợi ích chung. Nhưng do dùng quyền xuề xòa, thiếu quyết đoán, không biết phát huy quyền lực, bỏ qua các nguyên tắc và thứ bậc công vụ, nên quyền bị khinh nhờn.

Hoặc bởi, trên đã trót thiếu ngay ngắn, không nghiêm chỉnh làm gương, nên dưới thành ra “cá mè một lứa”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Dùng quyền mà “yếu bóng vía” hay không chính đạo như vậy, thì quyền có cũng như không, chiếc áo quyền lực có rộng thông thênh đến đâu cũng vẫn thừa… “oai”, mà thiếu… “uy”!

Quyền có uy khi người lãnh đạo quyền biến, cương - nhu, quyết đoán - mềm dẻo hài hòa, khôn ngoan. Uy quyền có được là do có tầm, do trui rèn, do khí chất thiên bẩm của người lãnh đạo, nhưng trên cả là do có tâm, tấm lòng trong sáng, thấu hiểu lòng người. Khi cầm quyền có thực đức, thực tài, công bằng, quang minh chính đại, muôn việc đều vì lợi ích chung, thì khi đó, tự quyền lực có sức hút thu phục lòng người, nhân tâm đồng thuận, một lời nói ra sức mạnh uy phong, tả phù hữu bật, muôn người hưởng ứng, cùng lo toan công việc lớn.

Để giữ uy quyền bền lâu, thì người cầm quyền phải giữ được đạo. Uy quyền, cốt ở sự thanh khiết! Đồng thời, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực. Kiểm soát là chế ngự quyền lực để vừa giải phóng quyền lực, vừa cương tỏa quyền lực. Bản thân việc “mở”, giải phóng quyền lực để quyền lực được thực thi đúng đắn, chính là một hình thức kiểm soát quyền lực tốt nhất. Ngược lại, khi quyền lực như con ngựa bất kham thì lại cần cương tỏa để quyền lực đi chính đạo, phòng, tránh sự ngoắt nghéo, biến dạng và tha hóa./.