Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Thủ đô

Nguyễn Thị Thái Linh, Đoàn Hồng Sơn, Tạ Duy Thành, Phạm Quang Đắc, Nguyễn Hải Nam
Báo Nhân dân
22:06, ngày 18-09-2019

Tác phẩm "Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Thủ đô" gồm 3 kỳ của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thái Linh, Đoàn Hồng Sơn, Tạ Duy Thành, Phạm Quang Đắc, Nguyễn Hải Nam, Ấn phẩm Thời Nay - Báo Nhân dân đoạt Giải A - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III -  năm 2018.

Sau 10 năm điều chỉnh địa giới, TP Hà Nội đã mở rộng với 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, và 584 xã, phường, thị trấn. Để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, nhiều năm qua, Hà Nội đã chú trọng công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ trẻ và mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm nhiều cán bộ dưới 40 tuổi giữ các chức vụ lãnh đạo trong khối Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp cơ sở đến thành phố, tạo nên những đổi thay mạnh mẽ trong lãnh đạo, điều hành chung của Thủ đô.

Kỳ 1: Từ một đề án cấp quận

Cuộc “khủng hoảng” cán bộ & Đề án 03

Trước năm 2005, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Hà Đông có tuổi đời bình quân khoảng 50. Phần lớn trong số họ là những cán bộ trưởng thành từ cơ sở hoặc bộ đội chuyển ngành về địa phương tham gia công tác quản lý. Do hoàn cảnh lịch sử, rất ít cán bộ được đào tạo bài bản, chính quy mà thường là vừa làm vừa đi học để bổ sung kiến thức, hoàn thiện bằng cấp.

Hà Đông là một trong những quận tiên phong tại Hà Nội thực hiện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo chủ chốt
_Nguồn:  nhandan.org.vn

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường chia sẻ, quận Hà Đông từng có giai đoạn “khủng hoảng” cán bộ, nhiều vị trí lãnh đạo sau khi cán bộ về hưu không tìm được người có đủ năng lực, trình độ thay thế phải để trống rất lâu. Trong khi đó, từ năm 2005, quận Hà Đông đã tiên phong triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, đòi hỏi phải có một lứa cán bộ trẻ đủ năng lực, trình độ, nhanh nhạy với thời cuộc tiếp quản. Trước những đòi hỏi của thực tiễn, từ nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông đã ban hành Đề án số 03 về “Trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị quận Hà Đông”, đến nay đã thực hiện sang nhiệm kỳ thứ hai (giai đoạn 2016-2020). Theo đó, đề án đưa ra những giải pháp nhằm đánh giá chính xác cán bộ, từ đó phát hiện những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Thực tế, Hà Đông là một trong số ít đơn vị của Hà Nội đã xây dựng hoàn chỉnh một đề án riêng về việc trẻ hóa đội ngũ quản lý, lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Với cách thức tổ chức bài bản và quyết liệt, từ năm 2015, Hà Đông đã có 36% số trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp quận dưới 40 tuổi. Với sáu chức danh chủ chốt cấp phường, tỷ lệ này là hơn 43%. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ bổ nhiệm cán bộ trẻ cấp quận tiếp tục đạt 12,5%, cấp phường đạt 6,9%...

Nếu như trước đây, cán bộ lãnh đạo thường là người có tuổi với thâm niên công tác thì giờ đây nhìn vào đội ngũ 8x, thậm chí là 9x đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt tại quận Hà Đông, nhiều người đã phải thay đổi quan niệm. 

Trưởng Ban tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, muốn có được cán bộ trẻ, trước tiên phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ, từ đó lập quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Ngoài việc đánh giá cán bộ theo quy định, Quận ủy còn thực hiện đánh giá cán bộ theo nhiều hướng thông qua mức tín nhiệm: Cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp dưới đánh giá cấp trên, đánh giá chéo giữa các cơ quan, đơn vị… Đặc biệt, lấy hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo. Để đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn, mỗi nhiệm kỳ, quận Hà Đông tổ chức hai lớp do các đồng chí trong Ban Thường vụ lên giáo án và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Một lớp dành cho các đồng chí được quy hoạch cấp phòng và Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông, một lớp dành cho các đồng chí được quy hoạch vị trí chủ chốt tại cấp phường. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, đã có 38/140 đồng chí học viên được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn.

Chọn đúng người, giao đúng việc

Buổi làm việc của chúng tôi tại trụ sở phường Phú Lương (quận Hà Đông) liên tục bị gián đoạn vì lịch tiếp dân của lãnh đạo phường. Trước khi chuyển giao về quận Hà Đông, Phú Lương vốn là xã nghèo của huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây cũ). Đây từng là địa bàn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là về công tác quản lý và sử dụng đất đai, với hàng trăm gia đình vi phạm việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hàng loạt cán bộ từ xã đến thôn bị kỷ luật về vấn đề này.

Diện mạo Phú Lương đã thay đổi rõ rệt khi Quận ủy Hà Đông quyết liệt chỉ đạo và thực hiện việc luân chuyển hai cán bộ trẻ từ quận về công tác tại phường. Đó là đồng chí Đỗ Thị Minh Loan, một lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng ủy phường Phú Lương và đồng chí Nguyễn Năm Quang (sinh năm 1983), nguyên Phó Chánh Thanh tra UBND quận Hà Đông, về giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường Phú Lương. “Bộ đôi” Bí thư, Chủ tịch “trẻ” này đã dần thay đổi phương pháp quản lý tại địa phương này theo hướng công khai, minh bạch. Trước mỗi dự án (DA) đều chủ động thông tin, lấy ý kiến nhân dân. Gần như không có ngày nghỉ, hai lãnh đạo trẻ thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình địa bàn. Thậm chí, có những đêm, để kịp giải phóng mặt bằng (GPMB) cho DA thi công, Bí thư và Chủ tịch phường cũng phải trực tiếp xuống nghĩa trang cùng dân đi di dời mộ.

Bí thư phường Phú Lương Đỗ Thị Minh Loan trong một buổi về làm việc tại cơ sở_Nguồn:  nhandan.org.vn

“Trẻ tuổi, lại là người địa bàn khác về, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là nhanh chóng tìm hiểu và hòa nhập cuộc sống với người dân cơ sở. Muốn giải quyết những bất cập, đặc biệt khi có những vụ việc phức tạp thì đích thân Bí thư, Chủ tịch UBND và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong phường phải trực tiếp xuống địa bàn đồng hành, đối thoại, minh bạch thông tin, từ đó mới có thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, chị Đỗ Thị Minh Loan tâm sự.

Bác Bùi Công Thanh, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 8 phường Phú Lương đánh giá, đồng chí Đỗ Thị Loan và đồng chí Nguyễn Năm Quang là những cán bộ trẻ làm việc có trách nhiệm, đem lại nhiều đổi mới cho đời sống dân sinh trên địa bàn và tình hình của địa phương, tạo sự tin tưởng cho người dân. Thời gian vừa qua, trên địa bàn phường Phú Lương thực hiện thu hồi, GPMB đề phục vụ nhiều DA như: DA đường sắt trên cao, DA cenco5… các cán bộ trẻ đã vận động, phân tích và giải quyết cho người dân thỏa đáng. Minh chứng rõ nhất là trong những đợt thu hồi đất vừa qua, tất cả những hộ dân có đất bị thu hồi đã nghiêm túc chấp hành, bảo đảm thực hiện đầy đủ chính sách pháp luật về đất đai.

Trong luân chuyển cán bộ, ngoài việc chọn được đúng người, mạnh dạn giao việc khó thì thường xuyên sát sao, hỗ trợ, tháo gỡ cho cán bộ trẻ ở cơ sở cũng là điều vô cùng quan trọng. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Năm Quang, Chủ tịch UBND phường Phú Lương, cho biết, gần như bất cứ khi nào có việc khó khăn thì trên quận cũng “xắn tay” vào làm cùng. Có những việc liên quan thành phố thì lãnh đạo quận cũng xin ý kiến thành phố rồi triển khai. Nếu không có sự ủng hộ của quận thì những cán bộ trẻ như chúng tôi khi đi luân chuyển khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Hà Đông là một quận có sự phát triển tương đối đa dạng. Khác với Phú Lương, phường Mộ Lao là địa bàn có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, với hàng loạt DA chung cư cao cấp nên những tranh chấp đất đai vô cùng phức tạp.

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thực tiễn của cơ sở, Bí thư, Chủ tịch HĐND phường Mộ Lao Nguyễn Văn Long, một cán bộ trẻ trưởng thành từ phường, cho rằng: Trong chỉ đạo, điều hành luôn phải linh hoạt giữa nguyên tắc và thực tiễn. Là cán bộ trẻ mà không sát cơ sở, không năng động, không nắm vững tâm lý nhân dân thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, lãnh đạo phường Mộ Lao đã linh hoạt vận động các chủ đầu tư hỗ trợ thêm chi phí bồi thường cho người dân. Chủ đầu tư được lợi về thời gian, nhanh chóng có mặt bằng “sạch” để thi công DA, còn người dân cũng có thêm chi phí để ổn định cuộc sống mới.

Quận ủy Hà Đông luôn tuân thủ theo nguyên tắc “chọn đúng người, giao đúng việc”. Là cán bộ có chuyên môn về phát triển đô thị nên năm 2015, đồng chí Phùng Chí Tâm đã được luân chuyển về giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường Mộ Lao để phát huy đúng năng lực. Bằng bản lĩnh của tuổi trẻ, đồng chí Phùng Chí Tâm đã giải quyết được nhiều vụ việc “điểm” cấp thành phố xảy ra trên địa bàn phường. Đến nay, dù là địa bàn có phức tạp, dân số đông, nhưng Mộ Lao không để xảy ra điểm nóng lớn về tranh chấp đất đai ./.

 

Kỳ 2: Trao cơ hội, tạo thử thách

Từ chủ động dấn thân…

Sinh năm 1973, năm 2012 khi đang là Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã chủ động đề xuất nguyện vọng được đi rèn luyện, thử thách ở cơ sở. Tình nguyện nhận nhiệm vụ ở Phúc Thọ, một địa bàn khó khăn, xa trung tâm, đồng chí Ngọ Duy Hiểu trở thành Bí thư cấp quận, huyện trẻ nhất trên địa bàn TP Hà Nội lúc bấy giờ.

Với tinh thần cầu thị nhưng cũng sẵn sàng dấn thân của tuổi trẻ, trong buổi họp thường trực đầu tiên tại Huyện ủy Phúc Thọ, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã thẳng thắn, sáu tháng đầu tiên, tôi chưa nắm bắt được hết các vấn đề của địa phương nên cơ bản tin tưởng vào những nội dung tham mưu của các đồng chí. Nhưng sau sáu tháng, tôi sẽ thể hiện vai trò của người đứng đầu.

Trong sáu tháng, để nhanh chóng nắm bắt các vấn đề của cơ sở, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã dành thời gian tiếp xúc, gặp gỡ gần một trăm cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện, trò chuyện, lắng nghe ý kiến của nhiều người dân… Sau này, đồng chí vẫn thường xuyên duy trì việc tổ chức đối thoại với nhân dân, lắng nghe cơ sở, để kịp thời có những đổi mới trong điều hành, chỉnh đốn tác phong công tác của đội ngũ cán bộ từ huyện đến thôn… Nhờ thế mà Phúc Thọ từ một huyện đi sau về dồn điền đổi thửa, đã trở thành một trong năm huyện dẫn đầu thành phố, với rất nhiều mô hình tích cực về xây dựng nông thôn mới. Nhiều vướng mắc, bất cập trong quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính… cũng dần được tháo gỡ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư làm việc với các cán bộ trẻ_Nguồn:  nhandan.org.vn

Tương tự, cũng là lứa cán bộ trẻ đi tăng cường, năm 2014, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, sinh năm 1975, khi đó là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội, được luân chuyển về huyện Quốc Oai giữ vai trò Phó Bí thư phụ trách tổ chức cơ sở đảng. Xông xáo, bám sát cơ sở, năm 2015, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai và sau này tiếp tục được thành phố tin tưởng giao thí điểm mô hình nhất thể hóa hai chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai.

“Với một cán bộ trẻ như tôi khi đó, những trăn trở khi nhận nhiệm vụ không phải là không có. Nhưng trên tất cả, tôi luôn xác định, đi luân chuyển là cơ hội quý giá để bản thân rèn luyện, trau dồi nên không tránh chuyện va chạm và thử thách. Trên cương vị Bí thư, mình là người trực tiếp ký các nghị quyết, chỉ thị; ở cương vị Chủ tịch, mình lại là người trực tiếp triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị đó nên càng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra với hiệu quả cao nhất”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.

Nhắc lại những khó khăn trong thời kỳ đầu về cơ sở, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền kể: Năm 2015, chỉ ba ngày sau khi tôi nhận chức Chủ tịch UBND huyện, hơn 2.000 người dân vì không đồng thuận chính sách dồn điền đổi thửa đã kéo đến cổng UBND huyện khua chiêng gõ trống, sau đó bỏ cấy, không cho con đi học để gây sức ép với chính quyền. Rồi tiếp đó lại đến vấn đề cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, đất dịch vụ, cấp nước sạch cho nhân dân, vận động giáo viên hợp đồng tự nguyện nghỉ việc… Mọi vấn đề luôn có lời giải của nó, điều quan trọng là phải đối thoại, nắm được tâm tư nguyện vọng của dân. Bên cạnh đối thoại, phải có những giải pháp tháo gỡ, có cái nhìn dài hạn, lường trước mọi tình huống thì sẽ luôn ở thế chủ động trong quản lý, điều hành.

… Đến sức lan tỏa từ những nhân tố trẻ

Đưa những nhân tố trẻ về địa phương cũng là một cách để trẻ hóa cán bộ cho địa phương đó. Khi lãnh đạo trẻ, bản thân họ sẽ không có tâm lý “coi thường người trẻ”, từ đó có những giải pháp trẻ hóa cán bộ ở địa phương.

Nhớ lại thời kỳ công tác ở huyện Phúc Thọ, đồng chí Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ có 11 người thì đồng chí Phó Bí thư Thường trực hơn tôi 15 tuổi, đồng chí Chủ tịch UBND huyện hơn tôi 10 tuổi, còn đồng chí trẻ tuổi thứ hai cũng cách tôi tám tuổi. Vì vậy, vấn đề tôi đặt ra và phải làm ở huyện Phúc Thọ là cần quan tâm đến cán bộ trẻ, đấy vừa là chủ trương của Đảng, vừa là sự thay thế, nhưng đồng thời cũng là giải pháp khắc phục được tình trạng chây ỳ trong đội ngũ cán bộ huyện lúc bấy giờ.

Giải pháp đầu tiên được đưa ra là khi bổ nhiệm, đề bạt ưu tiên cán bộ trẻ. Trong trường hợp giữa một đồng chí cán bộ lớn tuổi và đồng chí cán bộ trẻ, nếu tương đương nhau về năng lực thì thậm chí có thể đặt vấn đề với cán bộ lớn tuổi, vì lợi ích chung của địa phương nên phải chuẩn bị cán bộ lâu dài cho hệ thống. Thứ nữa là xây dựng các chuyên đề để đào tạo kiến thức, kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ dưới 40 tuổi. Với cách làm này, trong bốn năm, Huyện ủy Phúc Thọ đã bổ sung được bốn cán bộ diện Ban Thường vụ quản lý và hàng loạt cấp trưởng, phó phòng trẻ tuổi.

“Trẻ hóa nhưng cũng không bằng mọi giá để có được cán bộ trẻ. Ngoài bằng cấp, phải nhìn thấy ở đấy năng lực làm việc, phương pháp tư duy, tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung, sẵn sàng xông pha vào những lĩnh vực khó khăn, chưa có tiền lệ… Đó mới là những cán bộ trẻ cần lựa chọn”.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định

Sau bốn năm tạo nên những đổi thay cho huyện Phúc Thọ, đồng chí Ngọ Duy Hiểu đã được luân chuyển về giữ chức Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội khóa XIV và đến tháng 5-2017, tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Còn với đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay đã được thành phố điều động, bổ nhiệm vào vai trò người đứng đầu ngành KH&ĐT thành phố Hà Nội. Mang theo tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, hiện nay Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội đang là một trong những đơn vị dẫn đầu Hà Nội về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, với 183 dịch vụ ở mức độ 3, 4; 100% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh qua mạng… Riêng tỷ lệ lãnh đạo trẻ dưới 40 tuổi tại đơn vị này hiện đang là 16,6%.

Không đốt cháy giai đoạn

Sự trưởng thành của những lứa cán bộ như đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Nguyễn Mạnh Quyền… đã khẳng định việc đặt niềm tin, sẵn sàng trao cơ hội và thử thách cho cán bộ trẻ của Hà Nội là đúng đắn. Đến nay, TP Hà Nội đã mạnh dạn bố trí thêm nhiều cán bộ trẻ dưới 40 tuổi giữ vai trò đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Từ năm 2009 - 2017, đã có 213 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được luân chuyển, điều động, trong đó có nhiều cán bộ trẻ dưới 40 tuổi.

Chia sẻ về thử thách mới, tân Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1979, cho biết: “Trong vai trò người đứng đầu hệ thống chính trị của địa phương, tôi luôn ý thức mình phải giữ được sự đoàn kết, tính liên tục trong các công việc điều hành. Nhưng đối với trách nhiệm của người trẻ, tôi đã xác định bản thân mình cần có sự đột phá, giải pháp sáng tạo và quyết liệt hơn nữa mới có thể đưa địa phương phát triển trong thời gian tới”.

Xác định rõ công tác cán bộ trẻ không thể đốt cháy giai đoạn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Phan Chu Đức cho rằng, công tác cán bộ như một dòng chảy, bởi vậy luôn cần có sự chuẩn bị sớm, chuẩn bị kỹ đội ngũ kế cận, cả về trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức, đặc biệt năng lực, trình độ, phẩm chất đó phải được tôi rèn qua thực tiễn cơ sở, được đánh giá bằng kết quả công việc, sản phẩm cụ thể. Thành Ủy Hà Nội trong nhiệm kỳ XV đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ”. Và ngay trong Chương trình 01 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI cũng đặt ra mục tiêu “cán bộ diện ban thường vụ các cấp ủy quản lý bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 10% trở lên”. Trên cơ sở đó, trong các nghị quyết của Thành ủy cũng có các yêu cầu tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ. Khi duyệt nhân sự, nếu cấp ủy nào không bảo đảm đủ tỷ lệ cán bộ trẻ thì không được duyệt. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ trẻ của thành phố trong những năm vừa qua đã được tăng cường. Nhiều đơn vị như: Hà Đông, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Thạch Thất hay Sở KH&ĐT, Sở Tài chính… tỷ lệ cán bộ trẻ giữ chức danh chủ chốt tương đối cao. Ở cấp cơ sở, các xã, phường, thị trấn, đặc biệt các phường, tỷ lệ lãnh đạo trẻ ngày càng được tăng cường.

 

Kỳ 3: Cơ hội nào cho người trẻ?

Thiếu cán bộ đạt chuẩn, “vướng” tâm lý họ hàng…

Thị xã Sơn Tây hiện có sáu xã, chín phường nhưng hầu hết lãnh đạo chủ chốt đều lớn tuổi. Năm 2010, Sơn Tây thực hiện khảo sát chất lượng cán bộ chủ chốt các phường, xã thì chỉ có phường Quang Trung có một đồng chí đạt trình độ đại học. Đến nay, tuy cơ bản cán bộ đã hoàn thiện trình độ đại học nhưng vẫn còn sót lại cán bộ phường Trung Sơn Trầm và ba xã chưa đạt.

Chia sẻ về công tác cán bộ tại Sơn Tây, một lãnh đạo Ban Tổ chức Thị ủy cho biết: Để đáp ứng công việc trong thời kỳ mới, trước tiên phải có được đội ngũ lãnh đạo có năng lực, trình độ. Tuy nhiên, nhiều khi muốn đưa cán bộ trẻ, có trình độ về làm quản lý thì lại vướng ở rất nhiều khâu. Một trong số đó là tại nhiều xã, phường, yếu tố dòng họ địa phương còn rất nặng nề.

Vị lãnh đạo này cho hay, nhiều lúc Thị ủy đã giới thiệu những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản về địa phương nhưng trong các cuộc bầu cử đều gặp khó khăn, thậm chí bị đánh trượt. Dù đã làm công tác tư tưởng, nhưng có xã, phường cán bộ chưa đạt trình độ đại học vẫn luân phiên từ Bí thư sang Chủ tịch rồi lại quay về làm Bí thư. Có nơi 14/18 trưởng thôn không phải là đảng viên. Đến giờ Đảng bộ Sơn Tây vẫn luôn lấy đó làm những bài học để xây dựng tốt hơn kế hoạch bám sát tổ dân phố.

Chỉ khi cấp ủy và trực tiếp là đồng chí lãnh đạo quan tâm, nhận thức đúng đắn về trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp dưới thì người trẻ mới có cơ hội và môi trường cống hiến, phát huy tính sáng tạo. Chia sẻ về việc tạo nguồn, trẻ hóa cán bộ chủ chốt, vị lãnh đạo này thừa nhận: Chính vì những phức tạp mang tính cục bộ, địa phương nên một số cán bộ trẻ tại Sơn Tây khi được quy hoạch thì lại xin “em chỉ muốn làm công chức bình thường”. Với tình hình như vậy mình không thể không làm, thậm chí là nỗ lực trẻ hóa nhưng trong chừng mực cụ thể thì kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Những hạn chế trong công tác trẻ hóa cán bộ của Sơn Tây, nguyên nhân khách quan là có nhưng công tâm nhận xét thì vẫn do địa phương chưa làm tốt công tác tư tưởng, tạo được sự đồng thuận cho những người trẻ cơ hội phát huy năng lực.

Tân Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng (đứng giữa) là một trong số các Bí thư cấp quận, huyện trẻ nhất ở Hà Nội_Nguồn:  nhandan.com.vn

E ngại khi sử dụng cán bộ trẻ

Là một huyện ngoại thành Hà Nội, Chương Mỹ cũng từng gặp nhiều khó khăn trong công tác trẻ hóa cán bộ. Thời gian trước, số cán bộ trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ hay HĐND huyện chỉ đạt tỷ lệ 4%.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết: Từng có thời kỳ, Chương Mỹ rất e ngại sử dụng cán bộ trẻ, trong quan niệm bố trí, bổ nhiệm cán bộ yếu tố kinh nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế này cũng xuất phát từ việc một số cán bộ trẻ chưa thật sự quyết tâm, lăn xả nên uy tín thấp, khi được giới thiệu bầu vào ban chấp hành, HĐND đạt số phiếu không cao.

Nói đến nút thắt trong công tác trẻ hóa cán bộ, tân Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, với những đơn vị cấp huyện như Chương Mỹ, việc thu hút nhân tài vẫn còn nhiều khó khăn. Trước kia, ly nông là ly hương, giờ thế hệ trẻ đã dần thay đổi quan điểm ly nông không ly hương nhưng để thu hút được tài năng trẻ về quê cống hiến vẫn là một vấn đề đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.

Thực tế, năm 2008, Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập với Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Khi đó, công tác cán bộ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng tại nhiều địa bàn mở rộng còn tương đối khó khăn. Có những huyện như Mê Linh, Bí thư Huyện đoàn lúc đó còn do một cán bộ đã ngoài 50 tuổi đảm nhiệm. Năm 2011, toàn Hà Nội mới chỉ có 5,7% số quận, huyện và 5% số chi bộ, đảng bộ đạt tỷ lệ cán bộ trẻ hơn 15%, số này hầu hết là ở các phường, xã. Từ những đòi hỏi thực tiễn, Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ”. Nhờ đó, nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể về cán bộ trẻ đã có những chuyển biến. So nhiệm kỳ trước, công tác phát triển cán bộ trẻ tại Hà Nội đã có nhiều bước tiến.

Vai trò của người đứng đầu

Thời gian tới, để dự nguồn cán bộ, tỷ lệ cán bộ dưới 40 tuổi được đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020 là 21,2% và nhiệm kỳ 2020-2025 là 14,9%. Bên cạnh đó, hiện có 414/1.995 cán bộ (tỷ lệ 21,2%) khối quận, huyện, thị xã dưới 35 tuổi được quy hoạch vào cấp ủy. Tuy nhiên, để đội ngũ cán bộ nguồn này có thể phát triển, cần một chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng bộ, nhất quán, triệt để.

Trung bình mỗi năm, Hà Nội đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; mở khoảng 3.500 lớp, trong đó trung bình có hai lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài. Từ năm 2009 đến nay, đã có 1.180 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo chủ trương, chính sách về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao... Thực hiện Đề án số 07 - ĐA/TU, tính đến cuối năm 2017, Hà Nội đã tuyển chọn được 485 học viên đi học lớp nguồn công chức các cơ quan Đảng; 669 học viên đi đào tạo lớp nguồn công chức xã, phường. Hằng năm thành phố cũng đều có chương trình tôn vinh thủ khoa, thu hút nhân tài…

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, những năm qua, tỷ lệ cán bộ trẻ của Hà Nội đã được tăng cường, nhiều đồng chí qua thực tiễn công việc đã trưởng thành, được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt. Tính đến cuối năm 2017, 11,5% số Bí thư Đảng ủy; 24,1% số Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; 14% số Chủ tịch HĐND; 13,7% số Chủ tịch UBND cấp xã của Hà Nội ở độ tuổi từ 30-40. Vậy nhưng ở những cấp cao hơn, tỷ lệ cán bộ trẻ giữ vai trò chủ chốt vẫn còn hạn chế. Như khối các sở, ban, ngành, nơi có nhiều cán bộ trẻ thuộc diện BTV Thành ủy quản lý, hiện cũng chỉ đạt tỷ lệ 8,4% với 22 đồng chí. Tỷ lệ này ở cấp quận, huyện của Hà Nội hiện đang là 2,9%.

Từ kinh nghiệm của những đơn vị đã và đang làm tốt công tác trẻ hóa cán bộ cho thấy, vai trò của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị là hết sức quan trọng. Như tại Chương Mỹ, nhờ những thay đổi trong tư duy về công tác cán bộ, năm 2015, 27 cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, trong đó có cả đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện… đã tự nguyện xin về hưu sớm để nhường chỗ lại cho cán bộ trẻ. Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chương Mỹ đã có 5/41 đồng chí có tuổi đời dưới 40 tuổi, đạt tỷ lệ 12,1%. Tại các phòng, ban, nghành, đoàn thể, tỷ lệ này là hơn 20%. Còn tại Đảng ủy, UBND, HĐND các xã, thị trấn tỷ lệ này là 12,5%.

Trên thực tế, để triển khai Đề án số 03- ĐA/QU, Quận ủy Hà Đông đã phân công cụ thể trách nhiệm dìu dắt cán bộ trẻ trưởng thành cho từng đồng chí trong BTV. Ngoài sát sao với hoạt động của đội ngũ cán bộ trẻ tại cơ sở, các đồng chí trong BTV còn trực tiếp tiếp nhận thông tin đa chiều từ cán bộ đảng viên, đội ngũ cộng tác viên, dư luận xã hội và người dân. Nếu xuất hiện việc quá khả năng, chức trách, thẩm quyền được giao thì lập tức báo cáo BTV Quận ủy kịp thời giải quyết. Qua các kỳ họp hằng tháng, Thường trực Quận ủy sẽ nghe báo cáo về các khó khăn ở cơ sở để có chỉ đạo tháo gỡ.

Để có được thành công trong công tác trẻ hóa cán bộ như hiện nay, theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường, bài học kinh nghiệm lớn nhất với Hà Đông chính là đã làm tốt được công tác tư tưởng cho các cán bộ lớn tuổi để họ nhận thức và sẵn sàng ủng hộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ trẻ làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, trong công tác cán bộ, quan trọng hơn cả vẫn là phải công tâm, khách quan, lựa chọn đúng người có tố chất, phù hợp thực tiễn cơ sở. Giải quyết tranh chấp đất đai dù khó và phức tạp nhưng chỉ là vấn đề tạm thời, điều đáng quý nhất là nhờ tinh thần xông xáo, bám sát cơ sở mà đội ngũ cán bộ trẻ của quận đã thay đổi được cả những nếp sống cũ không còn phù hợp. Với trình độ hiểu biết, nhiều cán bộ trẻ còn vận động, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn trở thành các cộng tác viên tích cực đấu tranh với những tư tưởng sai lệch, phản động trên mạng xã hội ./.