Ngày nay, đối với các quốc gia trên thế giới đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa vừa là xu thế khách quan đồng thời là đòi hỏi tất yếu để phát triển đất nước.

Nắm bắt xu thế đó, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Trong 20 năm qua, cùng với sự đổi mới toàn diện các mặt của đời sống xã hội, quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta cũng ngày càng sâu, rộng, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thành công to lớn của quá trình hội nhập đã góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình hội nhập còn bộc lộ một số hạn chế. Trước hết là hạn chế trong tư duy, nhận thức trên một số vấn đề quốc tế và đối ngoại, trong đó có vấn đề toàn cầu hóa. Điều đó phần nào làm giảm hiệu quả của quá trình hội nhập. Hơn nữa, toàn cầu hóa là một quá trình đầy mâu thuẫn, phức tạp và luôn biến động, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện nhận thức về toàn cầu hóa để có thể tham gia hội nhập chủ động, tích cực, hiệu quả hơn.

Cuốn sách “Xu thế toàn cầu hóa trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI” là kết quả của Đề tài khoa học cấp nhà nước KX.08.01. do GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương làm chủ nhiệm. Nội dung cuốn sách gồm ba phần chính, trong đó vấn đề toàn cầu hóa được đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống. Với nhãn quan khoa học, biện chứng, cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, các tác giả đã đi sâu tìm hiểu, làm rõ bản chất quá trình toàn cầu hóa hiện nay; đánh giá tác động của nó đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thế giới cũng như trong nước; dự báo xu hướng phát triển của quá trình này trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong Phần III, các tác giả đã tập trung phân tích những thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Viêt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa; phân tích nguyên nhân thành công cũng như thất bại của quá trình hội nhập thời gian qua; trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp cho quá trình hội nhập của Việt Nam thành công hơn nữa. Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần từng bước hoàn thiện căn cứ lý luận cho việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển tổng thể, đồng bộ, hợp lý trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cuốn sách sẽ là tài liệu nghiên cứu bổ ích cho các nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, các doanh nhân cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm.