Tạp chí Cộng sản - Dẫn đường lý luận trong hành trình trăm năm của Báo chí cách mạng Việt Nam
10:31, ngày 26-06-2025
TCCS - Trong hành trình vẻ vang 100 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2025), Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng luôn là ngọn cờ tư tưởng kiên định, tiên phong trên mặt trận lý luận; thể hiện sâu sắc tư duy chiến lược, tầm nhìn đổi mới và bản lĩnh chính trị của Đảng qua từng thời kỳ; là diễn đàn học thuật uy tín, góp phần làm sáng rõ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới, đất nước đang đứng trước những bước ngoặt mới, Tạp chí Cộng sản phải thể hiện rõ vai trò định hướng, vượt trước, cung cấp luận cứ khoa học, thuyết phục cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan không gian trưng bày của Tạp chí Cộng sản tại Hội báo toàn quốc 2025 _Nguồn: nhandan.vn
Ngọn cờ lý luận của Đảng và nền Báo chí cách mạng Việt Nam
Ngày 21-6-1925, Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Không lâu sau khi Đảng ra đời, ngày 5-8-1930, Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản ra số đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và là chủ nhiệm của Tạp chí. Trải qua các giai đoạn lịch sử, với nhiều tên gọi khác nhau(1), Tạp chí Cộng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, bộ phận quan trọng của Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở đầu cho một thời kỳ vận động cách mạng sâu rộng, quyết liệt. Trong bối cảnh Đảng còn non trẻ, vừa kiến tạo nền tảng tổ chức, tư tưởng, đường lối, vừa trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng 1930 - 1931, Trung ương Đảng đã chỉ đạo xuất bản Tạp chí Đỏ để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Đây là chủ trương thể hiện tư duy chiến lược, tầm nhìn và phương pháp cách mạng khoa học của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng. Việc tổ chức cơ quan lý luận ngay từ thuở bình minh của cách mạng cho thấy, Đảng ta đã đặt công tác tư tưởng, lý luận vào vị trí tiên phong, xem công tác tư tưởng là bộ phận cốt lõi của sự nghiệp cách mạng; cách mạng muốn thành công thì phải có lý luận dẫn đường; muốn xây dựng đội ngũ chiến sĩ cách mạng kiên cường, phải bồi dưỡng tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận chính trị. Khi phong trào đấu tranh đang dâng cao, việc hình thành một diễn đàn lý luận để giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng cách mạng, thống nhất nhận thức và nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu tất yếu, cấp thiết.
Trong thời kỳ đấu tranh bí mật, Tạp chí tuyên truyền lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, cổ vũ nhân dân đứng lên giành chính quyền. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trong nhiều thời kỳ, Tạp chí được người đứng đầu Đảng ta trực tiếp phụ trách(2).
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mở ra bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của Báo chí Cách mạng nói chung. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Nhiệm vụ chiến lược đặt ra cho toàn dân tộc thời điểm này là thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Tuy nhiên, sự chuyển biến sâu sắc từ thời chiến sang thời bình, từ phân tán sang tập trung, từ địa bàn nông thôn sang thành thị, đặt ra những yêu cầu mới về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Trong nội bộ Đảng xuất hiện một số biểu hiện lệch lạc theo chiều hướng “hữu khuynh” và “tả khuynh”, đòi hỏi kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác lý luận, làm rõ cơ sở tư tưởng, khoa học của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa II (tháng 3-1955), Trung ương Đảng đã quyết nghị thành lập và xuất bản Tạp chí Học tập. Đây là bước đi có ý nghĩa chiến lược, đặt nền móng cho sự phát triển của công tác lý luận chính trị của Đảng trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tạp chí Học tập ra đời đánh dấu bước phát triển mới của Tạp chí Cộng sản. Tạp chí Học tập được định vị là “cơ quan lý luận và chính trị của Đảng”, do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo; Bộ Chính trị phân công đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Tổng Biên tập.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Tạp chí đã luôn thể hiện vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết xung quanh Đảng, giữ vững sự kiên trung cách mạng, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Trong 21 năm (1955 - 1976) mang tên Tạp chí Học tập, Tạp chí Cộng sản đã đóng góp quan trọng vào công tác lý luận và tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ; miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà - một kỷ nguyên mới của dân tộc được mở ra. Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) vạch ra đường lối của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước; quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 5-1-1977, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TW đổi tên Tạp chí Học tập thành Tạp chí Cộng sản, bắt đầu từ tháng 1-1977 - đây là lần thứ năm Tạp chí mang tên Tạp chí Cộng sản và mang tên gọi này đến ngày nay.
Trong thời kỳ trước đổi mới, Tạp chí Cộng sản đã góp phần quan trọng đóng góp cơ sở lý luận - thực tiễn cho đường lối đổi mới của Đảng ta. Các bài viết của Tạp chí Cộng sản phục vụ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa V thể hiện quan điểm “chuyển mình” của Đảng, vừa tìm tòi hướng đi phù hợp với tình hình thực tế; kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; có tác dụng lớn trong định hướng các vấn đề: khoán trong nông nghiệp; kế hoạch ba phần (phần Nhà nước giao có vật tư bảo đảm; phần xí nghiệp tự làm; phần sản xuất phụ),...
Khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Tạp chí Cộng sản càng khẳng định rõ vai trò là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản luôn đi sâu nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, cung cấp cơ sở lý luận cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với tư cách là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản tập trung nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hệ thống chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực đưa nghị quyết vào cuộc sống, làm sáng tỏ hơn quan điểm, đường lối của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Các tác phẩm đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí bao quát nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển các thành phần kinh tế; về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; về thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động tham gia đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; về chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước; về vấn đề thời đại, về các mâu thuẫn và xu thế phát triển của thế giới ngày nay; về toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số... Việc tổ chức hệ bài viết trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản bảo đảm tính hệ thống, kịp thời làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn những nội dung mới của các nghị quyết Trung ương thời kỳ đổi mới. Tính lý luận, tính chính trị, tính thực tiễn, hàm lượng khoa học trong các bài viết của Tạp chí Cộng sản ngày càng được nâng cao, nhận được sự phản hồi, đánh giá cao của độc giả trong và ngoài nước.
Trong xu hướng phát triển chung của báo chí, Tạp chí Cộng sản luôn tự đổi mới, thực hiện đa dạng hóa các ấn phẩm, bằng nhiều cách thể hiện để đưa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học... Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, từ năm 2002, Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức được phát hành trên Internet; ngoài trang tiếng Việt còn có trang tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Ban Nha. Năm 2006, Tạp chí Cộng sản xuất bản thêm các ấn phẩm: Tạp chí Cộng sản chuyên đề cơ sở và chuyên san Hồ sơ sự kiện. Từ năm 2021, Tạp chí Cộng sản xuất bản ấn phẩm Tạp chí Cộng sản chuyên đề, luận giải chuyên sâu về vấn đề lý luận chính trị mới, đang bức thiết đặt ra, nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học, lý luận - thực tiễn cho Trung ương Đảng, đảng bộ cấp tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Tháng 4-2025, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tạp chí của các ban Đảng, Tạp chí Cộng sản xuất bản ấn phẩm Xây dựng Đảng - nghiên cứu, tuyên truyền nghiệp vụ công tác đảng. Đến thời điểm hiện nay, Tạp chí Cộng sản phát hành mỗi tháng 2 số; Tạp chí Cộng sản chuyên đề mỗi quý/số; Chuyên san Hồ sơ Sự kiện mỗi tháng 2 số; Tạp chí Cộng sản xuất bản bằng tiếng Anh; ấn phẩm Xây dựng Đảng mỗi tháng/số; Tạp chí Cộng sản điện tử cập nhật thông tin hằng ngày. Đồng thời, Tạp chí Cộng sản lựa chọn các tin bài, dịch sang tiếng Anh để phát trên SolidNet - Trang thông tin điện tử của các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới.
Song song với xuất bản các ấn phẩm, Tạp chí Cộng sản đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đây là nội dung được Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản hết sức quan tâm. Tạp chí đã tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học - thực tiễn, tọa đàm khoa học. Chủ đề các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học luôn bám sát các nghị quyết của Đảng, tập trung vào những vấn đề lý luận cơ bản, những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, thu hút sự tham gia, đóng góp tâm huyết, đầy trách nhiệm của các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các bộ, ngành và địa phương; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn, góp phần làm tốt chức năng tham mưu đối với Trung ương trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách. Sản phẩm của các hội thảo, tọa đàm khoa học đã đóng góp thiết thực vào việc nghiên cứu, học tập, triển khai, kịp thời đưa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, giúp đội ngũ cán bộ của Tạp chí Cộng sản nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kiến thức, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu lý luận và thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Tạp chí Cộng sản luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực nghiên cứu, có kinh nghiệm trong tác nghiệp. Tại Tạp chí Cộng sản có nhiều cây bút đã dành được nhiều giải thưởng báo chí và là các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm. Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí ngày càng đông đảo, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, trong từng hoàn cảnh cụ thể, Đảng ta đã cho chủ trương xuất bản các ấn phẩm lý luận chính trị. Điều đáng tự hào, Tạp chí Cộng sản là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận; đồng hành cùng sự nghiệp vẻ vang suốt 100 năm qua của Báo chí cách mạng Việt Nam. Vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của Tạp chí Cộng sản được Trung ương Đảng định vị qua mỗi giai đoạn lịch sử với sự nhất quán, xuyên suốt là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày xuất bản số đầu tiên của Tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản (1955 - 1985), Tạp chí Cộng sản đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã có thư gửi Bộ Biên tập, khẳng định: Ba mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Tạp chí Cộng sản đã cố gắng kết hợp lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam để tuyên truyền đường lối, phương châm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta một cách sâu sắc. Tạp chí đã góp phần nâng cao trình độ lý luận và chính trị của cán bộ, đảng viên, động viên phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Đông đảo cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng coi tạp chí là tài liệu tin cậy để học tập, nghiên cứu đường lối, chính sách và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Tạp chí Cộng sản xứng đáng là ngọn cờ lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 8-2003, Tạp chí Cộng sản vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta - “vì đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”. Có thể khẳng định, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ở bất cứ hoàn cảnh nào, Tạp chí Cộng sản cũng luôn kiên định, có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc(3).
Khó khăn, thách thức cần nhận diện rõ
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hoạt động của Tạp chí Cộng sản hiện gặp không ít khó khăn:
Một là, đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới... đặt ra thách thức lớn đối với công tác của cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị của Trung ương Đảng. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, lý luận chính trị cần được chuyển hóa thành hệ sinh thái tương tác, dữ liệu hóa, đa nền tảng, lan tỏa trong không gian mạng.
Hai là, việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ tạp chí của các ban Đảng là cơ hội, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao đối việc tổ chức và vận hành của Tạp chí Cộng sản. Tạp chí phải tổ chức lại bộ máy hợp lý, khoa học, bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát huy được truyền thống, bản sắc, nhưng phải đổi mới mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Ba là, Tạp chí Cộng sản luôn nhận được sự đồng hành, cộng tác của đội ngũ cộng tác viên chất lượng, trong đó có các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trên lĩnh vực lý luận chính trị và các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, các cơ chế đặc thù liên quan đến trách nhiệm viết bài và chế độ trả nhuận bút còn gặp nhiều khó khăn.
Bốn là, các bài viết nghiên cứu có tính đột phá đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và lý luận, bài viết gây tiếng vang trong xã hội, trong giới nghiên cứu lý luận, các bài viết sắc sảo trên cơ sở luận cứ khoa học để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được xuất bản trong các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản chưa nhiều. Cán bộ Tạp chí phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cán bộ biên tập, vừa phải đáp ứng yêu cầu mới của báo chí hiện đại. Đây là thách thức lớn đối với Tạp chí để hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quy định.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia: “Công tác lý luận của Đảng và những định hướng nghiên cứu quan trọng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức _Ảnh: Tư liệu
Tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả trong kỷ nguyên mới
Trong bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Nền tảng lý luận vững chắc là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, quyết định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước”(4). Đất nước đang vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn cần được nghiên cứu, xử lý, giải quyết; đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Ngày 28-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 213-QĐ/TW, quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tạp chí Cộng sản. Trong đó xác định, Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có chức năng nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lý luận chính trị của Đảng. Bảy nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản được Trung ương Đảng quy định: 1- Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; 2- Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; 3- Tuyên truyền, giáo dục; 4- Đấu tranh phản bác các tư tưởng, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 5- Công tác thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế; 6- Tham gia tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; 7- Là Cơ quan Thường trực Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng).
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; phát huy truyền thống vẻ vang hành trình 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam và tiếp tục trên hành trình kỷ nguyên mới của dân tộc, trong thời gian tới, Tạp chí Cộng sản tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, gắn với hoạt động biên tập, xuất bản. Phải đưa hoạt động nghiên cứu khoa học xứng tầm với cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; nâng cao chất lượng biên tập, viết bài lý luận chuyên sâu. Xác định rõ, hoạt động nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng nội dung, hàm lượng khoa học, tính lý luận, tính thực tiễn của Tạp chí. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí tích cực triển khai nghiên cứu các chương trình, đề tài khoa học làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra, để nâng cao trình độ, nhận thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Tạp chí cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học, các cơ quan lý luận xây dựng, xác lập những luận cứ khoa học cho việc hoạch định, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức vận hành của mô hình chính quyền địa phương hai cấp; về hoàn thiện thể chế; về phát triển kinh tế tư nhân; về hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả... Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phục vụ trực tiếp cho tuyên truyền, biên tập, xây dựng tuyến bài, chuyên đề chuyên sâu, có hiệu ứng truyền thông sâu rộng. Nghiên cứu lý luận sâu giúp công tác tuyên truyền đường lối bằng lý lẽ, lấy lý luận để soi rọi thực tiễn. Phải đặt tổng kết thực tiễn thành chương trình khoa học bài bản. Tạo cơ hội cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên có nhiều môi trường để nghiên cứu thực tế, bám cơ sở, nhất là đối với các địa bàn thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và hải đảo, những lĩnh vực kinh tế then chốt và lĩnh vực xã hội nóng bỏng; đi sâu, thâm nhập đời sống của nhân dân, lắng nghe, nói lên tiếng nói của nhân dân, giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ ba, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Bên cạnh nâng cao chất lượng, duy trì các chuyên mục hiện có, Tạp chí Cộng sản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chọn lọc các phương tiện truyền thông hiện đại, tạo sự tương tác giữa Tạp chí và độc giả bằng các hình thức phù hợp.
Thứ tư, kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. Tạp chí Cộng sản phải thể hiện đầy đủ nhiệm vụ “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng của Đảng. Nâng cao chất lượng các bài nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng lý lẽ sắc bén, thuyết phục.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị. Tổng kết thực tiễn việc nghiên cứu, đọc, sử dụng báo, tạp chí Đảng theo các kết luận, chỉ thị của Ban Bí thư, đề xuất Ban Bí thư ban hành các văn bản mới. Bằng nhiều “kênh” thích hợp, Tạp chí Cộng sản cung cấp thông tin để phục vụ trực tiếp, rộng rãi các đối tượng bạn đọc trong và ngoài nước, lấy ý kiến nhận xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Tạp chí. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp tuyên truyền, liên kết với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Thứ sáu, mở rộng phạm vi nghiên cứu vấn đề quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Trước bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề quốc tế của Tạp chí Cộng sản phải có sự bứt phá, mở rộng phạm vi. Xây dựng kế hoạch thúc đẩy hợp tác quốc tế với các cơ quan nghiên cứu, lý luận của các đảng cộng sản, đảng phái tiến bộ trên thế giới, qua đó trao đổi, học tập, đúc kết kinh nghiệm để áp dụng vào hoạt động của Tạp chí.
Thứ bảy, chú trọng xây dựng lực lượng cán bộ nghiên cứu, biên tập, mở rộng lực lượng cộng tác viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ Tạp chí Cộng sản vững vàng về bản lĩnh chính trị, sắc sảo về lý luận, sâu sát thực tiễn, thành thạo kỹ năng - nghiệp vụ báo chí, nghiên cứu, biên tập. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại cơ quan lý luận của Đảng. Tạo môi trường làm việc thuận lợi, bảo đảm các trang bị phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu của báo chí trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên.
Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các nhà lý luận, chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia nước ngoài. Định hình cơ chế tương tác, trao đổi thông tin thường xuyên, giúp cộng tác viên nắm rõ mục đích, yêu cầu, chương trình kế hoạch của Tạp chí, phối hợp tham gia viết bài, tham gia các diễn đàn, để các ấn phẩm, các diễn đàn của Tạp chí Cộng sản ngày càng chất lượng, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với cơ quan lý luận chính trị, diễn đàn học thuật có bề dày truyền thống vẻ vang./.
----------------------
(1) Từ năm 1930 đến 1945, sau Tạp chí Đỏ là Tạp chí Cộng sản (năm 1931), Tạp chí Bônsơvic, rồi đến Tạp chí Cộng sản (năm 1941) và Tạp chí Cộng sản (năm 1943). Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tạp chí có tên là Sinh hoạt nội bộ (năm 1947 - 1950) và Tạp chí Cộng sản (năm 1950). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản và tiếp tục ra đều kỳ hằng tháng. Ở miền Nam, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương cục miền Nam đã xuất bản Tạp chí Nghiên cứu và trong những năm chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã xuất bản Tạp chí Tiền phong (Theo: “Lời nói đầu” cuốn sách Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển (xuất bản lần thứ 6), Hà Nội, 2020).
(2) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, chủ nhiệm đầu tiên; tiếp đó là các đồng chí Hà Huy Tập (1934 - 1936), Trường Chinh (1941 - 1957)
(3) Xem: “Thư Chúc mừng của Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Tạp chí Cộng sản nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Tạp chí xuất bản số đầu tiên (5-8-1930 - 5-8-2020)”, Tạp chí Cộng sản, số 947 (tháng 8-2020), tr. 3
(4) GS. TS. Tô Lâm: “Rạng rỡ Việt Nam”, Tạp chi Cộng sản, số 1.055 (tháng 2-2025), tr. 7 - 8