Chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động ở Việt Nam

Bùi Đức Nhưỡng
Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
18:09, ngày 28-03-2024

TCCS - Hiện nay, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, góp phần  quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần thiết xây dựng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm do nhà nước tổ chức và quản lý nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động. Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động là loại hình bảo hiểm nhằm chi trả một số khoản chi phí và trợ cấp cho người lao động bị thương tật trong quá trình lao động. Thông thường gói bảo hiểm này sẽ gồm 2 nhóm nội dung chi trả cho người lao động hoặc thân nhân của họ, đó là: các chi phí y tế cho thương tật (từ khi sơ cứu cấp cứu đến khi điều trị ổn định; có thể có cả chi phí hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình dụng cụ, phương tiện phục vụ...); tiền mặt (có giá trị bù đắp một phần thu nhập bị mất do tai nạn).

Bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động là loại hình bảo hiểm xã hội do nhà nước tổ chức và quản lý mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia, nhằm chi trả một số khoản chi phí và trợ cấp cho người lao động bị thương tật, tai nạn trong quá trình lao động.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động là loại hình bảo hiểm xã hội do nhà nước tổ chức và quản lý mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, nhằm chi trả một số khoản chi phí và trợ cấp cho người lao động bị thương tật trong quá trình lao động.

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, năm 2022 đã xảy ra 530 vụ tai nạn lao động, làm 556 người làm việc không có quan hệ lao động (người làm việc không theo hợp đồng lao động) bị nạn. Tuy nhiên, số liệu thống kê trên là chưa đầy đủ do không được khai báo. Chỉ tính riêng số người chết do tai nạn lao động được thống kê từ sổ khai tử của cơ quan tư pháp, sổ A6 của cơ quan y tế, bình quân trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm có hơn 2.000 người chết do tai nạn lao động, trong đó trên 1.400 người là người làm việc không có quan hệ lao động.

Xét trên góc độ quản lý con người, nguyên nhân của các vụ tai nạn kể trên có một phần xuất phát từ chính người lao động (do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức về công tác an toàn vệ sinh lao động; do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên khó có khả năng chi trả phí kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm, không mua được máy, thiết bị tốt, sẵn sàng và chấp nhận làm việc trong điều kiện nguy hiểm để có thu nhập). Bên cạnh đó, một phần không nhỏ nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là việc quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong khu vực này chưa được tốt (thiếu cả chính sách, quy định pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra đến việc tư vấn, hỗ trợ thông tin làm việc an toàn...). Theo Điểm c khoản 3 Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động, Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức cho người làm việc không theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định.

Căn cứ thực trạng trên, đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động với các nội dung cơ bản sau:       

a) Về chế độ hưởng

- Về mức hưởng (chế độ hưởng khi bị tai nạn lao động) cũng phải giải quyết các chế độ cơ bản cho người bị nạn và thân nhân của họ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội. Tương đồng với khu vực bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 5 chế độ được đề xuất áp dụng cho các đối tượng này như sau: (1) Giám định mức suy giảm khả năng lao động (2) trợ cấp một lần; (3) trợ cấp hằng tháng (4) hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; (5) hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, huấn luyện, thông tin phòng ngừa tai nạn lao động.

- Về điều kiện hưởng, tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động được xem xét hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

b) Về mức đóng

Trên cơ sở tính toán cân bằng quỹ và tương quan với khu vực bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu hưởng đủ 5 chế độ dài hạn thì mức đóng tối thiểu khoảng 125.000 đ/tháng (tức là gấp gần 5 lần mức đóng khu vực bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay); trường hợp áp dụng chế độ ngắn hạn (giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp một lần) thì mức đóng tương đương với khu vực bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay. Vì vậy, trong ngắn hạn (5 năm đầu triển khai chính sách), nên áp dụng chi trả trợ cấp 1 lần để phù hợp với khả năng đóng của người lao động và sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, sau đó tổng kết, đánh giá để mở rộng, bổ sung cho phù hợp.

c) Đối với nguồn lực tài chính được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước

Qua khảo sát thực tế cho thấy, dù nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động ở Việt Nam không thấp, nhưng khả năng tham gia lại hạn chế do phần lớn lao động khu vực này có thu nhập thấp. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách của nhà nước nếu muốn khuyến khích sự tham gia của người lao động khu vực này.

Việc hỗ trợ này ngoài nguyên nhân xuất phát từ thu nhập của của người làm việc không có quan hệ lao độngthường thấp hơn mặt bằng chung, còn bởi vì với một cơ chế tham gia tự nguyện thì đa số sẽ không tham gia do không thấy rõ nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn (thường chỉ nhóm nhỏ những người có nguy cơ xảy ra tai nạn cao tham gia). Trong khi đó nguyên tắc chia sẻ rủi ro của mô hình bảo hiểm này dựa trên cơ sở sử dụng tài chính của số đông người tham gia không bị tai nạn lao động để chi trả cho số ít những người bị tai nạn lao động. Tính trên số liệu thu, chi bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì cân bằng ngay trong năm bình quân 1 người hưởng sẽ cần khoảng 20 người không tai nạn lao động tham gia. Có thể gia tăng mức đóng tương ứng mức trả hoặc hạ mức hưởng so với bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng như vậy sẽ kém hấp dẫn và nặng tính thương mại. Bởi vậy, cần sự hỗ trợ của ngân sách để bù sự thiếu hụt này.

Về nguyên tắc, tỷ lệ hỗ trợ càng cao thì càng nhiều người sẵn sàng và đủ điều kiện tham gia. Tuy nhiên, cần tính toán mức đóng và tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước một cách hợp lý nhằm không tạo áp lực lớn trong cân đối ngân sách, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với mức hỗ trợ tiền đóng tương đương với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về hưu trí và tử tuất (30% mức đóng đối với hộ nghèo, 25% mức đóng đối với hộ cận nghèo, 10% mức đóng đối với đối tượng khác). Theo phương án này, giả sử trong những năm đầu tiên có khoảng 200.000 người tham gia thì mức hỗ trợ tương ứng là khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.

d) Về lực lượng điều tra xác minh tai nạn lao động

Bảo hiểm xã hội tự nguyện về hưu trí, tử tuất thì căn cứ vào thời gian đóng của chính người lao động để xác định chế độ, nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động thì còn phải qua một khâu hành chính trung gian để điều tra, xác định tai nạn lao động mới được xem xét hưởng chế độ. Hiện cả nước chỉ có 400 thanh tra lao động,  trong đó có hơn 100 thanh tra hoạt động trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động. Nhiệm vụ của thanh tra các sở lao động - thương binh và xã hội có nơi bị quá tải (chỉ tính riêng khối lượng công việc điều tra tai nạn lao động chết người trong khu vực có quan hệ lao động đã là khoảng 700 vụ mỗi năm). Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định lâu dài của chính sách, đối với tai nạn lao động nhẹ và làm bị thương nặng 1 người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện cho ủy ban nhân dân cấp huyện, xã. Đồng thời, phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ

c) Về hệ thống đại lý thu và phát triển dịch vụ khách hàng bảo hiểm    

Bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động sử dụng hệ thống bảo hiểm xã hội hiện có để triển khai thu, chi và quản lỹ Quỹ, vì vậy không phát sinh thêm bộ máy, nhân sự mới để triển khai chính sách, đồng thời có thể đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn đầu triển khai chính sách.

Tuy nhiên, hệ thống tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền và dịch vụ chăm sóc khách hàng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay được đánh giá chung là nghèo nàn, chưa có sự tiếp thị bài bản đến các đối tượng tham gia so với bảo hiểm thương mại. Vì vậy, về lâu dài, để bảo đảm phát triển ổn định và bền vững của chính sách này cần phải phát triển mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bảo hiểm, với các giải pháp chính, như ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khách hàng...

d) Về mở rộng diện bao phủ của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động

Với một cơ chế tham gia tự nguyện thì đa số những người có ít nguy cơ về tai nạn lao động sẽ không tham gia. Bởi vậy, không thể kỳ vọng có sự tham gia của nhiều người lao động vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động này. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ngay cả các nước phát triển cũng có một lượng lao động nhất định không được điều chỉnh trong chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động (cả tự nguyện và bắt buộc). Những nước có tỷ lệ bao phủ trong lực lượng lao động, gần như chỉ là những nước có duy nhất hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài ra, mục đích của bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động là chia sẻ rủi ro với những người có nguy cơ cao về tai nạn lao động.

Căn cứ vào mục đích trên, có thể lựa chọn một số đối tượng trong nhóm không có quan hệ lao động(thường là những người làm nghề, công việc nguy hiểm, nhưng người có thu nhập ổn định) quy định bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội để tăng độ bao phủ thực tế của chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động. Để bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cũng như điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nhiệm vụ điều tra tai nạn lao động, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật an toàn vệ sinh lao động; đồng thời nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách bảo hiểm đối với loại hình này trong thời gian tới./.