TCCS - “Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất”. Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” ra đời trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành đang là “cánh tay nối dài” của chính quyền tỉnh Bắc Ninh với mục tiêu đồng hành, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong đại dịch.

Lan toả tinh thần cải cách hành chính, nỗ lực đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp, đó là thông điệp Bắc Ninh muốn chuyển tải qua “cánh tay nối dài” mang tên Tổ phản ứng nhanh "ba nhất"._Nguồn: bacninh.gov.vn

“Chat” với doanh nghiệp

Đầu năm 2021, doanh nghiệp vận tải và sản xuất L.P xin ý kiến của các cơ quan liên quan cho phép đầu tư xây dựng bến phao nổi cung cấp xăng, dầu trên sông Đuống (đoạn qua xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình) và được cơ quan chức năng thông quan chủ trương triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp gặp khó khăn vì vướng vật cản tại mặt bằng thi công.

Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp này đã tìm đến Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” vừa được Bắc Ninh thành lập vào trung tuần tháng 7-2021. Hình thức gửi phản ánh của công ty L.P không phải bằng văn bản, “đơn kiến nghị, đơn xin” gửi qua đường bưu điện….  Nó chỉ là một tin nhắn văn bản gửi tới nhóm Zalo có tên: Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” tỉnh Bắc Ninh.

Ngay sau khi tiếp nhận, bộ phận chuyên môn của tổ nhanh chóng vào cuộc kết nối các ban, ngành liên quan tổ chức cuộc họp liên ngành để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sáng ngày 20-8-2021 vừa qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao mốc toạ độ, vị trí mặt bằng… Ngoài ra, còn hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh L.P nói trên để họ đúng tiến độ theo kế hoạch.

Một câu chuyện khác, đầu tháng 8, Zalo của tổ phản ứng nhanh nhận được ý kiến của công ty sản xuất nhựa thực phẩm trên địa bàn về việc người lao động của công ty được tiêm vắc xin (mũi 1) từ đầu tháng 6, nhưng đến nay gần 10 tuần vẫn chưa có lịch tiêm mũi 2. Đơn vị này kiến nghị sớm được bố trí cho công nhân tiêm mũi 2 để ổn định, yên tâm sản xuất. Ngay lập tức, phản ánh này được ghi nhận và chuyển tới cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý.

Hàng loạt những thắc mắc liên quan đến việc đi lại của chuyên gia, người lao động trong bối cảnh các tỉnh thực hiện giãn cách chống dịch theo Chỉ thị 16; những vấn đề ưu đãi miễn, giảm, chậm nộp thuế…; thủ tục hành chính, thủ tục liên quan tới đất đai… có được giải quyết hay bị ngưng trệ trong thời gian chống dịch là bài toán khó với bất kỳ tỉnh, thành nào trong bối cảnh chống dịch.

Những “câu chuyện” như trên, có những vấn đề tồn tại nhiều năm, nhiều tháng chưa được giải quyết, nhưng có những phản ánh dạng rất “bếp núc”… đều được Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” tiếp nhận, xử lý.

“Cánh tay nối dài” hỗ trợ doanh nghiệp vượt đại dịch

Ngày 16-7-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định số 878 về việc thành lập Tổ phản ứng nhanh “ba nhất”. Mục tiêu của tổ này là nắm bắt kịp thời, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo đúng tinh thần “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất.

Thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy mô hình “bác sỹ doanh nghiệp” (mô hình ra đời từ năm 2016 nhằm tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…), Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” là sự nâng cấp, cải tiến cả về quy mô và cách thức triển khai để phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm là giảm bớt thủ tục hành chính mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, đơn vị thường trực phụ trách, điều hành tổ “ba nhất” cho biết: “Chúng tôi kết hợp các phương pháp để có thể nhanh chóng khảo sát được tình hình “sức khoẻ” của doanh nghiệp, hiểu được những áp lực chi phí kinh doanh của họ trong tình hình dịch bệnh; những vướng mắc họ gặp phải… Ngoài ra, mỗi lĩnh vực, ngành quản lý đã làm tốt lĩnh vực của mình nhưng trên tổng thể chưa có một công cụ để sự phối hợp mang lại hiệu quả nhanh hơn. Tổ “ba nhất” ra đời nhằm giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi sẽ truy đến cùng những vướng mắc đó để tìm ra giải pháp triệt để hơn”.

Để hoạt động của tổ “ba nhất” hiệu quả, đơn vị thường trực là Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 3 tổ gồm: Tổ tiếp nhận, xử lý thông tin; tổ chẩn đoán xử lý tình huống; tổ xử lý hiện trường. Tổ công bố một nhóm Zalo chung có tên: Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” tỉnh Bắc Ninh. Các đơn vị, cá nhân tham gia tổ này sẽ quét một mã QR code để được phê duyệt tham gia nhóm. Từ đây, những thắc mắc của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… được gửi trực tiếp trong nhóm Zalo. Các quyết sách, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành cũng được cập nhật thường xuyên để người dân, doanh nghiệp tiếp cận sớm nhất các đường hướng chỉ đạo của chính quyền.

Ngoài ra, nhóm Zalo này có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành. Tất cả những khúc mắc của doanh nghiệp đều được để ở chế độ công khai.

“Lắng nghe” tâm tư của doanh nghiệp

Sau gần 1 tháng công bố nhóm Zalo tiếp nhận những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, đã có 1.500 đơn vị, cá nhân tương tác, quét mã QR code để hằng ngày tiếp nhận thông tin “tổ phản ứng” đăng tải ở mục thông tin của nhóm.

Những quy định mang tính chất tình thế, như thủ tục, giấy tờ đi lại trong thời gian giãn cách của người lao động, chính sách hỗ trợ cho người mất việc làm do COVID-19… đều được chuyển tới các cơ quan hữu quan một cách nhanh nhất. Những nhóm vấn đề chính được các doanh nghiệp quan tâm đã được tập hợp, tổng hợp thành các báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị quản lý để ban hành văn bản hướng dẫn, chính sách tháo gỡ.

Mục tiêu quan trọng, duy nhất, đó là đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. Giải quyết được những vấn đề này, mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất của tỉnh Bắc Ninh từ trước tới nay mới thực hiện được, chuỗi cung ứng toàn cầu từ đó sẽ không bị đứt gãy, không gây xáo trộn các mục tiêu, kế hoạch trung hạn, dài hạn.

Ngay sau đó, tỉnh Bắc Ninh đã có các động thái cụ thể như Thanh tra tỉnh Bắc Ninh có văn bản đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp, đơn vị có vi phạm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bênh COVID-19, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; xây dựng phần mềm quản lý nhà trọ, người thuê trọ phục vụ công tác chống dịch; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động; Cục thuế tỉnh hỗ trợ, đối thoại trực tuyến trên website với các tổ chức, cá nhân nộp thuế…

10 ngày đầu tiên triển khai hoạt động, Tổ phản ứng nhanh “ba nhất” đã tiếp cận hơn 600 nhóm người dân và doanh nghiệp tham gia nhóm Zalo của tổ, giải đáp hàng trăm thắc mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề đi lại của công nhân, việc đưa đón chuyên gia đến Bắc Ninh làm việc, các quy định thực hiện thủ tục hành chính trong mùa dịch… Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm Zalo của tổ phản ứng nhanh đã kết nối khoảng 1.500 cá nhân và doanh nghiệp tham gia, cùng chia sẻ các ý kiến, đề xuất, kiến nghị… để kịp thời có phương án giải quyết những khúc mắc tồn tại.

Lan toả tinh thần cải cách hành chính, nỗ lực đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp, đó là thông điệp tỉnh Bắc Ninh muốn chuyển tải qua “cánh tay nối dài” mang tên Tổ phản ứng nhanh “ba nhất”./.