TCCS - Nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh, trong thời gian tới, định hướng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, như công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn.

Đường quốc lộ 56 tuyến tránh thành phố Bà Rịa_Ảnh: Tư liệu

Trong tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải Các-bon đi-ô-xít về trạng thái trung tính “net-zero”. Nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh, trong thời gian tới, định hướng tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, như công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt, chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các khu công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; dần hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó nêu rõ định hướng, các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh trong thu hút đầu tư về tài nguyên và thiên nhiên, xếp thứ năm châu Á về khai thác dầu khí; hơn 93% lượng dầu và 16% lượng khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trữ lượng dầu mỏ ước tính hơn 1,5 tỷ tấn, khí đốt khoảng 1.000 tỷ mét khối. Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có bờ biển dài hơn 100km; 8 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.244MW, chiếm khoảng 16,8% sản lượng điện quốc gia; 9 nhà máy nước công suất khoảng hơn 200.000m3/ngày đêm. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có lợi thế về cảng biển nước sâu, về phát triển công nghiệp, du lịch, có kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng với sự phát triển năng động của các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ là những điều kiện quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng… nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa phương. Hiện nay, tỉnh có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.511ha, trong đó có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành, nghề, như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hoá chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón... Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến từ nhiều năm qua của các doanh nghiệp Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ca-na-đa... Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ tư cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đăng ký đến nay đạt gần 33 tỷ USD. 

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và không xâm hại môi trường. Nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh và khu vực, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, như công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các khu công nghiệp.

Nhiều năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đồng hành với các doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm hoạt động; nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì theo hướng tích cực, có sự quan tâm trong chỉ đạo điều hành thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đề ra những mô hình sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp đối với người dân, doanh nghiệp. Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ hằng quý tại nơi làm việc để lắng nghe, giải quyết, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Mục đích là để lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế với các giải pháp phù hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị:

Thứ nhất, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai giải pháp “Tổ chức đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ hằng quý tại nơi làm việc” để lắng nghe, giải quyết, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đăng tải, công bố thông tin rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan.

Việc tổ chức thực hiện đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư phải bảo đảm chi tiết các bước thực hiện từ khâu chuẩn bị đối thoại (thời gian, địa điểm, cách thức đăng ký, lấy ý kiến, chuẩn bị nội dung đối thoại, cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp,...), tiến hành đối thoại và công bố kết quả đối thoại trong thời gian tối đa 7 ngày kể từ khi đối thoại kết thúc và công khai những nội dung chính của cuộc đối thoại trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.

Thứ hai, các hiệp hội, tổ chức liên quan đến doanh nghiệp chủ động tập hợp thông tin kiến nghị, hiến kế của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để gửi cho các cơ quan chức năng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện trước ngày 1-2-2023, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) kết quả tổ chức đối thoại định kỳ trước ngày 15 hằng quý.

Thứ ba, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, theo dõi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có một số mô hình sáng kiến trong công tác cải cách hành chính được thực hiện, như: Mô hình “Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói” của Ủy ban nhân dân thị trấn Long Hải, huyện Long Điền nhằm thực hiện tổ chức đối thoại với công dân để kịp thời tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của người dân. Mô hình “Ký số Bản đồ khổ lớn” của Trung tâm Công nghệ Thông tin trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, ký số bản đồ khổ lớn thay bản đồ giấy trước đây để tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng Dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Mô hình “Ngày thứ năm không chờ” chọn những thủ tục hành chính đơn giản, giải quyết ngay trong ngày, thời gian giải quyết từ 30 phút đến 60 phút hoặc nửa buổi, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian chờ đợi./.