TCCS - Ngày 13-4-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tuyên bố Mỹ sẽ rút quân đội khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021 để kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm ở quốc gia Trung Á này. Sự kiện này đánh dấu thất bại của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” do Mỹ phát động sau khi nước này bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Nhìn lại thảm kịch ngày 11-9-2001

Theo nhận định của nhiều chính khách và giới phân tích, chiến thắng của Taliban cũng đồng nghĩa với thất bại của Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Thất bại này của Mỹ trước hết là do “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” do Tổng thống Mỹ G. W. Bush phát động cách đây 20 năm sau thảm kịch ngày 11-9-2001 là cuộc chiến “không danh chính ngôn thuận” nhằm thực hiện mục tiêu giành quyền kiểm soát vành đai địa - chính trị Đại Trung Đông kéo dài từ Afghanistan tới các nước Trung Á, Nam Á, Tây Á, Ban Căng và Bắc Phi - Trung Đông - nơi diễn ra sự cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới và khu vực.

Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9 tại Đài tưởng niệm 11-9 ở thành phố New York, Mỹ _Nguồn: Getty Images

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống J. Biden chọn mốc thời gian Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021. Đây là thời điểm trùng với 20 năm tưởng niệm sự kiện xảy ra trong ngày 11-9-2001. Vào ngày này, nước Mỹ cũng như toàn thế giới bàng hoàng trước thảm kịch khi tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại quốc tế ở thành phố New York bất ngờ bị tấn công chỉ trong vài phút. Song, điều đáng nói ở đây là ngay sau khi sự kiện diễn ra, Mỹ khẳng định tổ chức khủng bố Al-Qaeda do Osama bin Laden chỉ huy đang được Taliban che chở ở Afghanistan là kẻ chủ mưu vụ khủng bố nước Mỹ. Do vậy, Tổng thống G. W. Bush tuyên bố chủ nghĩa khủng bố trở thành nguy cơ có tính toàn cầu và là kẻ thù chủ yếu đối với an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời quyết định phát động “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” ở Afghanistan. Ngày 11-9-2001 là mốc thời gian đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi nỗi kinh hoàng trước thảm kịch “ngày 11-9-2001” tạm lắng dịu, nhiều câu hỏi và sự hoài nghi của nhiều chính khách cũng như giới phân tích an ninh và chính trị thế giới được đặt ra. Sự hoài nghi đó được phản ánh trong hàng nghìn bài viết điều tra phóng sự, hàng chục cuộc hội thảo và hàng trăm cuốn sách chuyên khảo được xuất bản ở Mỹ, Đức, Pháp và các nước khác. Đơn cử như, tại một cuộc hội thảo lớn được tổ chức tại Đại học Berlin (Đức) ngày 30-6-2003 về thảm kịch “ngày 11-9-2001”, các chính khách, các nhà báo, chuyên gia nghiên cứu chính trị và an ninh của Đức và một số nước đều đưa ra lập luận để minh chứng cho sự hoài nghi phải chăng sự kiện “ngày 11-9-2001” là cái cớ để Mỹ thực hiện các mục tiêu chính trị tại Đại Trung Đông (1). Thậm chí năm 2003, Quốc hội Mỹ quyết định thành lập Ủy ban điều tra vụ tấn công “ngày 11-9-2001”. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban này cũng không xua tan được sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế. Tháng 10-2007, 160 nhà khoa học và chuyên gia Mỹ ký tên vào một bức thư gửi Quốc hội Mỹ để bác bỏ giả thuyết chính thức của Nhà Trắng về sự kiện “ngày 11-9-2001”. Tại phiên điều trần ở Quốc hội Nhật Bản, ông Yukihisa Fuyita - Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và quốc phòng của Quốc hội Nhật Bản - cũng đặt câu hỏi nghi vấn về kết luận của Mỹ đối với sự kiện “ngày 11-9-2001”. Tháng 4-2008, ông Yukihisa Fuyita cùng với Ủy viên Nghị viện châu Âu Juliet Chiesa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Canada Paul Hellyer và các nghị sĩ Quốc hội Mỹ Libby Davism Mike Gravel, Ralph Nader, Cynthia McKinley và Karen Johnson yêu cầu các nhà chức trách Mỹ tiến hành một cuộc điều tra mới về sự kiện này. Lý do là bởi tiếp theo sự kiện ngày 11-9-2001 đầy nghi vấn, Mỹ lại một lần nữa tạo cớ để phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với cáo buộc Tổng thống Iraq Saddam Hussein “tham gia vụ tấn công khủng bố ngày 11-9” và “sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Về sau, chính cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã thừa nhận chứng cứ để phát động cuộc chiến tranh Iraq là giả tạo (2).

Nhìn lại mục tiêu của Mỹ trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan

Theo tuyên bố chính thức, mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan là tiêu diệt Osama bin Laden, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và phong trào Taliban. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến này mở đầu cuộc cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc nhằm tranh giành tài nguyên, trước hết là dầu mỏ và khí đốt - một loại “vàng đen” của thế giới trong thế kỷ XXI trong khu vực Đại Trung Đông (3). Thậm chí, cuộc chiến ở Afghanistan nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh của Mỹ (4). Đáng chú ý là, Tổng thống G. W. Bush coi thảm kịch ngày 11-9-2001 là “vụ Trân Châu Cảng thời hiện đại” (5). Nếu sự kiện Trân Châu Cảng năm 1941 tạo tiền đề cho Mỹ tham chiến trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai với toan tính sẽ giành chiến thắng và thiết lập vai trò bá chủ thế giới của Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc, thì thảm kịch ngày 11-9-2001 là cơ hội để Mỹ phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhằm bình định vành đai địa - chính trị Đại Trung Đông.

Trước khi xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ từng rất quan tâm tới đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt, gọi tắt là TAPI được hợp thành từ chữ cái đầu tên gọi của bốn nước tham gia là Turmenistan, Afghanistan, Pakistan và India, trị giá 7,6 tỷ USD và kéo dài 2.000km. Năm 1995, hai nước Trung Á là Turmenistan và Pakistan đã ký kết biên bản ghi nhớ về đề án này. Năm 1997, Công ty Central Asia Gas Pipeline Ltd. dưới sự chỉ đạo của Công ty Unocal của Mỹ đón đoàn đại biểu của phong trào Taliban ở Afghanistan tới Văn phòng của Unocal ở Houston (Texas, Mỹ) để thảo luận về việc họ tham gia TAPI. Các công ty Unocal và Enron với sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ tiếp tục thuyết phục Taliban chấp nhận xây dựng đường ống này đi qua lãnh thổ Afghanistan. Trước thời điểm đó, các nguồn dầu mỏ và khí đốt ở Trung Á do Nga kiểm soát. Chính vì vậy, chính quyền của Tổng thống G. W. Bush muốn đẩy Nga ra khỏi khu vực này. Tháng 2-2001, dưới sự giúp đỡ của nhiều quan chức Chính phủ Mỹ có ảnh hưởng lớn, các công ty này tiếp tục thuyết phục Taliban. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại. Trong tình thế đó, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư với Taliban. Theo đó, trước ngày 11-9-2001, Taliban được quyền lựa chọn nhận “tấm thảm bằng vàng” nếu họ đồng ý cho Mỹ lắp đặt đường ống chuyển tải dầu mỏ đi qua lãnh thổ Afghansitan. Tuy nhiên, Taliban đã không chấp thuận. Vì thế, Mỹ quyết định loại bỏ Taliban. Tại Hội nghị Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) vào tháng 7-2001 ở Genoa (Italia), nghĩa là hai tháng trước khi xảy ra thảm kịch ngày 11-9-2001, các nhà ngoại giao phương Tây đã biết được ý định của chính quyền Tổng thống G. W. Bush quyết định loại bỏ chế độ Taliban trước cuối năm 2001 (6).  

Trong bối cảnh đó, vụ khủng bố ngày 11-9-2001 là cơ hội để các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ gia tăng tiến trình thực hiện kế hoạch loại bỏ Taliban. Trên thực tế, cả Taliban và Al-Qaeda tập hợp từ những chiến binh Hồi giáo (Mujahiddin) vốn là lực lượng từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô hiện diện ở Afghanistan trong các năm 1979 - 1989. Sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, Taliban được thành lập vào năm 1994. Năm 1996, Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan và thành lập Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan, được Tiểu Vương quốc Arab thống nhất, Pakistan và Arab Saudi công nhận về mặt ngoại giao. Còn Liên hợp quốc và nhiều nước khác không công nhận Taliban là chính thể của Afghanistan. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada coi Taliban là tổ chức khủng bố. Còn Al-Qaeda cũng hình thành từ các lực lượng thánh chiến Mujahiddin từng có quan hệ gắn bó với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Tình báo Anh. Ngày 2-7-1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký sắc lệnh cho phép Mỹ tài trợ các lực lượng Mujahiddin tiến hành cuộc thánh chiến chống Liên Xô ở Afghanistan (7).

Quân đội Mỹ sơ tán người dân Afghanistan tại sân bay Kabul _Nguồn: Getty Images

Thất bại của Mỹ

Toàn bộ diễn biến hành động quân sự của Mỹ trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan chứng tỏ Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến này. Ngày 7-10-2001, gần một tháng sau thảm kịch ngày 11-9-2001, Tổng thống G. W. Bush tuyên bố Mỹ cùng với Anh tiến hành chiến dịch quân sự mang tên “Tự do bền vững” ở Afghanistan. Trước sức mạnh tấn công của bộ máy quân sự mạnh nhất thế giới của liên quân Mỹ - Anh, chỉ hơn một tháng sau, ngày 13-11-2001, chính quyền Taliban sụp đổ. Tháng 12-2001, Tổng thống Hamid Karzai được chỉ định làm người đứng đầu chính quyền mới. Cũng trong tháng 12-2001, theo đề nghị của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết số 1386 thành lập Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ huy với chức năng duy trì hòa bình ở Afghanistan. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố kết thúc các hoạt động tác chiến chủ yếu ở Afghanistan, còn Tổng thống G. W. Bush tuyên bố sứ mệnh của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Afghanistan đã “hoàn thành”.

Tuy nhiên, Taliban không chịu đầu hàng. Từ tháng 11-2002, Taliban tập hợp lại lực lượng cùng với Al-Qaeda tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống lực lượng của Mỹ và đồng minh mà họ coi là “quân xâm lược Afghanistan”. Năm 2007 bắt đầu xuất hiện sự chia rẽ trong ISAF. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng các đồng minh không sẵn sàng chia sẻ rủi ro an ninh với Mỹ, đặt liên quân trước nguy cơ đánh mất những gì đã đạt được ở Afghanistan. Đến năm 2010, Stanley McChrystal - Chỉ huy các lực lượng của Mỹ tại Afghanistan - chỉ trích gay gắt các quan chức dân sự ở Mỹ là “không am hiểu các vấn đề quân sự” và “do dự trong việc gửi thêm quân đến Afghanistan”. Sau nhiều tháng tranh cãi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý cử thêm 30.000 binh sĩ Mỹ đến Afghanistan. Năm 2011, tổng số lực lượng quân đội của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan đạt tới đỉnh điểm 110.000 quân. Cũng trong năm đó, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ tiến hành chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden - trùm chỉ huy tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang ẩn náu ở Pakistan (8).
Trong 20 năm qua, hơn 3.500 binh sĩ Mỹ và đồng minh thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương. Số lượng binh sĩ Afghanistan thiệt mạng khoảng 65.000 quân. Số lượng dân thường Afghanistan thương vong khoảng 100.000 người; hơn 2 triệu người dân Afghanistan phải chạy tị nạn sang các nước khác và 18 triệu người cần được trợ cấp nhân đạo khẩn cấp. Chi phí của Mỹ cho cuộc chiến ở Afghanistan ước tính theo con số được công bố chính thức gần 1.000 tỷ USD.

Năm 2013, NATO chính thức tuyên bố kết thúc sứ mệnh quân sự tại Afghanistan và chuyển giao trách nhiệm an ninh cho quân đội và cảnh sát quốc gia của chính quyền Tổng thống Hamid Karzai, còn NATO và Mỹ chỉ đảm nhiệm vai trò tư vấn và hỗ trợ an ninh cho quân đội Afghanistan. Lợi dụng sự thoái lui của NATO và Mỹ, Taliban mở chiến dịch phản công để đánh chiếm và giành lại quyền kiểm soát một số thành phố lớn và các trung tâm dân cư trọng điểm ở Afghanistan. Năm 2018, Taliban mở hàng loạt chiến dịch uy hiếp chính quyền trung ương ở Kabul. Trong khi đó, lực lượng an ninh Afghanistan được xây dựng theo mô hình quân đội Mỹ và các nước phương Tây tuy được trang bị vũ khí hiện đại nhưng hoàn toàn không phù hợp với điều kiện địa hình, kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa của Afghanistan. Tuy quân đội Afghanistan có quân số đông gấp bốn lần so với Taliban nhưng khả năng chiến đấu lại yếu kém. Trong khi đó, Taliban là lực lượng thông thạo địa hình, thiện chiến do đã có kinh nghiệm đối đầu với liên quân của gần 50 quốc gia do Mỹ và NATO đứng đầu. Taliban sử dụng khẩu hiệu “chống quân đội Mỹ xâm lược và chiếm đóng” để tập hợp lực lượng và lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng. Một khi Mỹ và các đồng minh NATO rút đi, quân đội Afghanistan sẽ khó đứng vững trước sức ép của Taliban và việc Taliban giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước chỉ là vấn đề thời gian.

Nhận thấy không thể đánh bại Taliban, trong năm 2019, hoàn toàn trái ngược với tất cả các tuyên bố trước đây của Mỹ rằng không thể thỏa hiệp với những kẻ khủng bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấp nhận Taliban như một thực thể chính trị bình đẳng và thúc đẩy đàm phán ở Thủ đô Doha (Qatar). Sau nhiều vòng đàm phán, ngày 29-2-2020, Mỹ và Taliban chính thức ký kết Thỏa thuận hòa bình. Theo đó, Mỹ cam kết rút phần lớn lực lượng quân đội ra khỏi Afghanistan, còn Taliban cam kết không tấn công các lực lượng quân đội của Mỹ và chấm dứt liên hệ với các tổ chức khủng bố. Đáng chú ý là, chính quyền Kabul do Mỹ dựng lên đã không được Tổng thống D. Trump mời tham gia các cuộc đàm phán ở Doha và vì thế họ đã kịch liệt phản đối Thỏa thuận hòa bình này.

Tổng thống J. Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021 _Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2021, kế thừa Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban, Tổng thống J. Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021. Quyết định của Tổng thống J. Biden ngay lập tức gây ra phản ứng trái chiều tại Mỹ, Afghanistan và một số nước. Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại về việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến sứ mệnh chống khủng bố của Mỹ. Trong số đó có Tướng Mark Milli - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, Tướng Kenneth Mackenzie - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ, cũng như một số nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngay cả William Burns - Giám đốc CIA - cũng tỏ ra nghi ngờ về quyết định này (9). Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân lực của Thượng viện Mỹ, Tướng K. Mackenzie bày tỏ lo ngại rằng quân đội Afghanistan có thể sẽ không thể cầm cự được lâu sau khi Mỹ rút quân và không thể tin chắc quân đội Afghanistan có thể đương đầu được với các cuộc tiến công dồn dập của Taliban (10). Lợi dụng tình thế này, Taliban mở chiến dịch tấn công ồ ạt và ngày 15-8-2021 đã giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, trong đó có Thủ đô Kabul. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lánh nạn sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (11). Trong bối cảnh đó, Tổng thống J. Biden buộc phải quyết định điều thêm 5.800 quân lính tới Afghanistan để hỗ trợ công tác sơ tán công dân. Taliban tuyên bố thành lập chính phủ mới (12). Cuộc chiến ở Afghanistan chính thức kết thúc.

Ngày 23-8-2021, Taliban đưa ra “lằn ranh đỏ” với Mỹ. Theo đó, trước ngày 31-8-2021, quân đội Mỹ và đồng minh trong NATO phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Afghanistan, nếu không, họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả (13). Nhận định về tình thế bế tắc của Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, Michael Glenn Mullen - Cựu Đô đốc Hải quân Mỹ - cho rằng, cuộc chiến Afghanistan là hậu quả từ thảm kịch ngày 11-9-2001 đe dọa nghiêm trọng vị thế toàn cầu của Mỹ (14). Còn ông Francis Fukuyama - Giáo sư kinh tế - chính trị quốc tế của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), người đã từng đưa ra dự báo rằng thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ Mỹ” sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 - nhận định rằng kết cục cuộc chiến này cảnh báo không chỉ là sự suy yếu mà có thể còn là sự sụp đổ vị thế toàn cầu của Mỹ. Theo Francis Fukuyama, thất bại của Mỹ ở Afghanistan trước hết là do Mỹ đánh giá quá cao, thậm chí sai lầm về vai trò của sức mạnh quân sự trong việc tạo ra những thay đổi chính trị căn bản trên thế giới. Rút cuộc, bộ máy quân sự lớn và mạnh nhất thế giới của Mỹ và đồng minh đã hoàn toàn bất lực trong một cuộc chiến tranh du kích kéo dài của Taliban (15)./.


Theo thống kê của Liên hợp quốc, mặc dù tiềm lực của tổ chức khủng bố Al-Qaeda bị suy giảm nhưng vẫn duy trì nhiều cơ sở ở Afghanistan. Từ tháng 9-2020 đến nay, Al-Qaeda và các tổ chức liên kết đang hoạt động mạnh tại 7 tỉnh của Afghanistan và duy trì vị thế tại 15 trong số 34 tỉnh của Afghanistan (16). Trong đó, chi nhánh xuyên lục địa của Al-Qaeda ở tiểu lục địa Ấn Độ là AQIS đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công trên khắp Afghanistan (17). Ngoài Al-Qaeda, ở Afghanistan hiện có hơn 20 tổ chức khủng bố và hồi giáo cực đoan khác (18). Trong số đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với khoảng 4.000 tay súng người Afghanistan (19). Vì thế, Tổng thống Nga V. Putin cảnh báo, tình hình bất ổn ở Afghanistan vẫn là nguy cơ an ninh đối với Nga vì các tổ chức khủng bố có thể trà trộn vào dòng người tị nạn từ Afghanistan để xâm nhập vào các nước láng giềng của Nga và đe dọa trực tiếp an ninh của Nga (20).

--------------

(1) ВЯЧЕСЛАВ ДАШИЧЕВ: “Загадки американской трагедии 11 сентября 2001 года”, https://www.km.ru/spetsproekty/2012/09/12 /prazdnichnye-dni-i-pamyatnye-daty-v-mire/692070-zagadki-amerikanskoi-tragedi
(2) David Corn: “Powell Admits False WMD Claim. Powell Admits False WMD Claim”, https://www.km.ru/spetsproekty/2012/09/12/prazdnichnye-dni-i-pamyatnye-daty-v-mire/692070-zagadki-amerikanskoi-tragedi»
(3) War And Peace: “Война за газ”, http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/vprint/73774/ 
(4) John McMurtry: “The Moral Decoding of 9-11: Beyond the U.S. Criminal State, The Grand Plan for a New World Order”, https://www.globalresearch.ca/the-moral-decoding-of-9-11-beyond-the-u-s-criminal-state-the-grand-plan-for-a-new-world-order/5323300
(5) History Commons: “September 11, 2001 “President Bush sees 9/11 as New Pearl Harbor””, http://www.historycommons.org/context.jsp?item= a1130diary
(6) BBC News: “US 'planned attack on Taleban”, http://news.bbc.co.uk/2/hi /south_asia/1550366.stm
(7) Swinopes: “Операция «Циклон»”, https://swinopes.livejournal.com/ 549923.html
(8) Kris Osborn & Ho Lin: “The Operation That Took Out Osama Bin Laden”,  https://www.military.com/history/osama-bin-laden-operation-neptune-spear
(9) Александр Казаргин:  “Афганистан без американцев. Что ждет страну после вывода оттуда войск США”, https://spbvedomosti.ru/news/country_and_world/afganistan-bez-amerikantsev-chto-zhdet-stranu-posle-vyvoda-ottuda-voysk-ssha/
(10) TOLO news: “Afghan Military May Not ‘Hold On’ after US Leaves: Gen. McKenzie”,  https://tolonews.com/afghanistan-171645
(11) BBC News: “Ashraf Ghani: Afghanistan's exiled president lands in UAE”,  https://www.bbc.com/news/world-asia-58260902
(12) The Times of India: “Taliban to soon announce formation of new government in Afghanistan. Taliban to soon announce formation of new government in Afghanistan”, https://timesofindia.indiatimes.com/ world/south-asia/taliban-to-soon-announce-formation-of-new-government-in-afghanistan/articleshow/85543331.cms
(13) RBC: “Талибан назвал США «красную линию» по выводу военных из Афганистана”,  https://www.rbc.ru/politics/23/08/2021/612360f 89a79474 fc9a7530c
(14) Michael Glenn Mullen: “The end of American hegemony: the legacy of September 11”, https://www.ft.com/content/f6acf1a6-d54d-11e0-bd7e-00144feab49a
(15) В. МАЛЫШЕВ: “Фрэнсис Фукуяма снова ворожит над концом истории”,  https://www.fondsk.ru/news/2021/08/20/frensis-fukuyama-snova-vorozhit-nad-koncom-istorii-54280.html
(16) Eur Asia Daily: “СМИ: «Аль-Каида» продолжает действовать в половине провинций Афганистана”,
https://eadaily.com/ru/news/2021/04/09/smi-al-kaida-prodolzhaet-deystvovat-v-polovine-provinciy-afganistana

(17) Александр Пац: “Афганистан накануне катастрофы”, https://russiancouncil.ru/analytics-and-comments/analytics/afganistan-nakanune-katastrofy/#1
(18) TOLO news: “Analysts: Extremist Groups Emboldened by US Withdrawal”,  https://tolonews.com/afghanistan-171715/
(19) Министерство иностранных дел Российской Федерации: “О решении НАТО завершить миссию в Афганистане и вывести военный контингент из страны”, https://www.mid.ru/ru/foreign_policy/news/-/asset_publisher/cKNonkJE02Bw/content/id/4698075
(20) Rianovosti: “Путин прокомментировал ситуацию в Афганистане”, https://ria.ru/20210822/afganistan-1746744010.html