Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới: Từ chính sách đến thực tiễn

PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
16:46, ngày 23-07-2025

TCCS - Văn hóa đóng vai trò quan trọng, là nền tảng đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - văn hóa ngày càng thể hiện rõ sức mạnh nội sinh trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng toàn diện đến Việt Nam, văn hóa được đặt vào vị trí trọng tâm của phát triển, trở thành động lực đột phá hướng đến xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng xã hội nhân văn, hài hòa và giàu bản sắc.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc _Ảnh: TTXVN

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

Những quan điểm, đường lối về văn hóa và phát triển, văn hóa trong phát triển, văn hóa với phát triển đã được đề cập ngay sau khi đất nước thống nhất (năm 1975). Khi đó, Đảng ta nêu cao tinh thần xây dựng và phát triển nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, đưa tinh thần cách mạng vào các thực hành văn hóa,... Từ năm 1986, trong tinh thần đổi mới chung của toàn xã hội, Đảng ta xác định: Văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống. Quan điểm này đưa đến nhận thức rõ nét về sự gắn bó mật thiết của văn hóa với mọi mặt đời sống, sự phát triển của văn hóa là thước đo sự phát triển chung của đất nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 lần đầu tiên xác định một trong sáu đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đó là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”(1). Vấn đề phát triển văn hóa được thể hiện rõ hơn, đó là phát triển nền văn hóa tiên tiến để vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX, Đảng ta đã thống nhất quan điểm, mục tiêu: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với nâng cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước”(2), văn hóa được xem là một trụ cột quan trọng của sự phát triển. Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” nêu rõ quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(3). Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”(4).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “ Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Kế thừa những quan điểm, mục tiêu đã được xác định, Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, văn hóa phát triển là kết quả của sự phát triển kinh tế, đồng thời tạo động lực cho kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”(5). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(6) và  xác định lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam, làm cho văn hóa thấm sâu vào trong toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó cần “khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”(7).

Với tinh thần đó, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021) khẳng định hệ thống quan điểm xuyên suốt: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội;… Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(8). Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được ban hành nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay về văn hóa. Một lần nữa, vấn đề xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước lại được nhấn mạnh cả ở tầm lý luận và thực tiễn triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình.

Nhận thức, quan điểm và chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa đã đi qua cả một quá trình và song hành với đó là sự phát triển của hệ thống lý luận về phát triển văn hóa, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển và định hình rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa qua từng giai đoạn. Vấn đề phát triển văn hóa được nhận thức đầy đủ và đa chiều, thể hiện sự thay đổi quan trọng về mặt tư duy, đưa văn hóa trở thành trung tâm của mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Kết quả đạt được và hạn chế trong xây dựngphát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua

Trải qua gần 40 năm song hành với quá trình đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật.

Một là, từng bước hoàn thiện các chính sách, pháp luật về văn hóa. Từ năm 1986 đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, mở rộng và cập nhật, đáp ứng tốt những đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm vai trò định hướng, dẫn dắt công cuộc phát triển văn hóa ở nước ta. Về văn hóa, văn nghệ, có nhiều chính sách được ban hành(9). Về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, từ năm 1990 đến nay, có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời sửa đổi các điều luật quy định về quyền hạn và trách nhiệm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của người dân(10). Về di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2024) có nhiều bước tiến nhằm thích ứng với bối cảnh xã hội đương đại.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách liên quan đến vấn đề văn hóa cũng được quan tâm, như: Lĩnh vực văn hóa gia đình (Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 29-3-2017, về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Văn hóa đọc (Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15-3-2017, phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030); Công nghiệp văn hóa (CNVH),… Song song với việc xây dựng và triển khai các chính sách, việc bổ sung, sửa đổi kịp thời các văn bản luật phù hợp hơn với tình hình mới là một thành công rất đáng ghi nhận, trong đó có văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khác nhau của văn hóa(11).

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnhViệc thành lập cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam đã khẳng định vai trò của gia đình đối với phát triển xã hội. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam qua các giai đoạn (2012 - 2020; 2022 - 2030) đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong gia đình, tôn vinh vai trò của gia đình. Môi trường văn hóa ở các trường học, địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... được đẩy mạnh, với các phong trào xây dựng văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa nơi công cộng, xây dựng hương ước, quy ước,… được triển khai hiệu quả, tạo ra những thói quen văn hóa từ trong gia đình đến nơi làm việc, học tập, sinh hoạt. Ngành văn hóa triển khai thực hiện sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên khắp cả nước, tạo sự lan tỏa, góp phần xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống các thiết chế văn hóa, như trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, phòng truyền thống, bảo tàng, rạp chiếu phim, công viên văn hóa, sân vận động, tượng đài, quảng trường, các công trình kiến trúc văn hóa,… cơ bản đảm nhiệm tốt nhiệm vụ là không gian cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Việc xây dựng, bồi đắp đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho con người được thực hiện trong toàn xã hội qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa,… tạo nên hiệu ứng xã hội sâu rộng và giá trị nhân văn sâu sắc.

Ba là, đề cao vai trò của văn hóa trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa ngày càng thấm sâu, được nhìn nhận đúng vai trò trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các khía cạnh văn hóa trong kinh tế, chính trị, trong truyền thông, giáo dục, y tế, văn hóa trong bệnh viện, trường học, công sở, doanh nghiệp,… được chú trọng. Văn hóa được gắn với rất nhiều lĩnh vực trong xã hội, như văn hóa đọc, văn hóa giao thông, văn hóa đường phố, văn hóa kinh doanh, văn hóa trà, văn hóa miệt vườn, văn hóa học đường… Trong những năm qua, văn hóa trong chính trị đã được cả xã hội quan tâm, với các cụm từ “văn hóa trong Đảng”, “văn hóa lãnh đạo”, “văn hóa quản lý”, “văn hóa chính trị”, “văn hóa từ chức”… trở nên quen thuộc và trở thành mục tiêu trong các phong trào đổi mới và xây dựng môi trường văn hóa trong cả xã hội. Xã hội ngày càng nhận thức rõ rằng, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà cần phát triển kinh tế một cách hài hòa, bền vững, phát triển kinh tế đã gắn với định hướng, mục tiêu văn hóa. Việc phổ biến và xây dựng các loại hình văn hóa, như “văn hóa lao động”, “văn hóa sản xuất”, “văn hóa kinh doanh”, “văn hóa doanh nghiệp”, “văn hóa doanh nhân”, văn hóa trong sử dụng dịch vụ, văn hóa trong khai thác tài nguyên thiên nhiên,… đạt được thành công nhất định cả trên phương diện nhận thức và thực hành. Các sản phẩm kinh tế gắn chặt với những giá trị nhân văn, giá trị đạo đức ngày càng xuất hiện nhiều và được xã hội coi trọng. Hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế được người dân quan tâm.

Bốn là, phát triển đa dạng loại hình văn học, nghệ thuậtSáng tác văn học ngày càng phong phú, đa dạng ghi nhận đời sống văn hóa xã hội một cách đa diện, kịp thời phản ánh những hiện thực mới, sự chuyển động của đời sống xã hội và đất nước. Trong bối cảnh xã hội đương đại, dòng văn học đại chúng, văn học phi hư cấu (tự truyện, hồi ký, du ký, tùy bút, tản văn,…) phát triển. Đời sống văn học từ sau đổi mới trở nên sôi động và đa dạng hơn trước.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, từ sau năm 1986, nghệ thuật biểu diễn dân gian được tôn vinh, được xem như đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng, miền và chuyển tải những giá trị truyền thống. Nhiều thể loại nghệ thuật biểu diễn dân gian được ghi danh, được tái tạo, phục hồi và phát triển mạnh trong đời sống hằng ngày, trong các lễ hội dân gian và cả trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật quần chúng, đội văn nghệ, hội diễn văn nghệ các cấp huy động được nhiều đối tượng, thành phần tham gia, tạo nên phong trào biểu diễn nghệ thuật sâu và rộng, làm giàu thêm đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân. Bên cạnh đó, nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển. Hệ thống các trường đào tạo nghệ thuật biểu diễn được nâng cấp, đội ngũ sáng tác có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Trong lĩnh vực mỹ thuật, các nghệ sĩ đã định hình một số xu hướng sáng tác mới, như nghệ thuật trình diễn (Perfomance), nghệ thuật sắp đặt (Instalation), Video Art, Multi Media… làm phong phú thêm các hình thức sáng tác và hưởng thụ nghệ thuật. Xu hướng về nguồn được đề cao, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống được hồi sinh. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế, nhiều triển lãm về các loại hình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức và thu hút sự quan tâm của công chúng cả trong nước và nước ngoài.

Năm là, sự phục hồi và phát triển của các thực hành tín ngưỡng, lễ hội. Theo ước tính, cả nước có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự(12). Những con số này phần nào thể hiện nhu cầu tín ngưỡng đa dạng của con người trong bối cảnh xã hội chuyển đổi, hiện đại và hội nhập. Xu hướng thế tục hóa tín ngưỡng, tôn giáo cũng trở nên phổ biến, thể hiện ở sự thay đổi cách thức thực hành tín ngưỡng, chú trọng đến các hoạt động phục vụ xã hội. Quá trình phục hồi một cách mạnh mẽ các thực hành tín ngưỡng, cơ sở thờ tự trong khoảng hơn ba thập niên trở lại đây đã góp phần thúc đẩy sự hồi sinh, phát triển của nhiều lễ hội ở Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa du lịch.

Sáu là, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Sau 40 năm đổi mới đất nước, nhận thức về nội hàm khái niệm “di sản văn hóa” và “phát triển” cũng như mối quan hệ giữa hai khái niệm này có sự thay đổi. Mối quan hệ giữa “di sản văn hóa” và “phát triển” đã được nhìn nhận một cách tích cực và ngày càng gần hơn với vai trò thực tế trong xã hội. Các hoạt động được ưu tiên, bao gồm phục hồi, trùng tu, tôn tạo, tư liệu hóa, truyền dạy, vinh danh nghệ nhân cũng như hoạt động quảng bá nhằm khai thác, phát huy di sản một cách bền vững. Di sản văn hóa được nhận thức đầy đủ hơn về sự cần thiết phải bảo vệ và vai trò của di sản văn hóa trong phát triển ở địa phương. Nhìn từ phía các cộng đồng chủ thể, với sự phổ biến của các diễn ngôn về “di sản văn hóa” và “phát triển”, cùng với ngày càng nhiều các di sản văn hóa được ghi danh đã giúp cho di sản văn hóa được nhìn nhận theo cách hiểu mới, từ đó giúp củng cố và gia tăng niềm tự hào của cộng đồng chủ nhân di sản về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ và thực hành. Đến nay, Việt Nam đã có 34 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 16 di sản văn hóa phi vật thể và 10 di sản tư liệu. Bên cạnh đó có hơn 40.000 di tích được thống kê, 138 di tích được quốc gia đặc biệt, 3.653 di tích quốc gia, 294 bảo vật quốc gia, cùng hơn 4 triệu hiện vật của 179 bảo tàng cũng được xem là một phần của kho tàng di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu giữ(13). Hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác, như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,… tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững di sản văn hóa trong xã hội hiện nay.

Bảy là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 12 lĩnh vực cần thúc đẩy phát triển, gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa(14). Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP, một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động hiệu quả, như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Chính  phủ đặt  mục  tiêu  đến năm 2030 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam sẽ đóng góp được 7% GDP(15). Sự phát triển ngành CNVH gắn với việc gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam đặt trong bối cảnh các quốc gia đều đang gia tăng “sức mạnh mềm” văn hóa, coi đó như một khía cạnh quan trọng của sự phát triển. Vì vậy, các “nguồn lực mềm” cho phát triển CNVH được phục hồi, cấu trúc lại hoặc làm mới và được xem là “tài sản” quan trọng làm nền tảng vững chắc cho ngành CNVH ở nước ta.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa. Điểm nổi bật trong chính sách ngoại giao của Việt Nam trong 40 năm đổi mới đất nước là đề cao ngoại giao văn hóa, đưa ngoại giao văn hóa thành trụ cột chính cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Trên tinh thần đó, năm 2009 được lấy là “Năm Ngoại giao văn hóa”. Triển khai các chính sách hợp tác quốc tế, ngoại giao về văn hóa, hàng loạt hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa của Việt Nam với quy mô khác nhau đã được tổ chức. Nhiều hợp tác về văn hóa với các nước và tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hóa, quyền văn hóa, quyền tác giả,… được ký kết. Nhiều dự án hợp tác giữa nhà nghiên cứu văn hóa, đội ngũ cán bộ quản lý và thực hành văn hóa, nghệ thuật trong nước với các cơ quan, tổ chức văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện, tạo cơ hội giao lưu tiếp xúc đa chiều với thế giới, qua đó khẳng định được sự đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam cũng như thúc đẩy những sáng tạo văn hóa mới.

Xuất khẩu văn hóa và nhập khẩu văn hóa ở Việt Nam được đẩy mạnh. Xuất khẩu văn hóa của nước ta đã được cải thiện rõ rệt: các đoàn nghệ thuật giao lưu với các nước trên thế giới được tăng cường nhiều hơn, ngày/tuần/tháng văn hóa Việt Nam tại các nước được tổ chức sôi nổi hơn. Hợp tác, giao lưu văn hóa giữa các thành phố, các quốc gia được tổ chức thường xuyên hơn. Giao lưu giữa các tổ chức nghệ thuật, các đoàn nghệ thuật ngày càng nhiều. Nhập khẩu văn hóa vào Việt Nam cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Có nhiều loại hình văn hóa được nhập khẩu, tập trung chủ yếu là phim ảnh, thời trang, âm nhạc,... từ đó tăng cường tiếp nhận những giá trị văn hóa của thế giới, làm phong phú và giàu có thêm kho tàng văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức:

Thứ nhất, việc xây dựng chính sách, pháp luật và thể chế về văn hóa còn nhiều hạn chế và chậm so với thực tế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ, thiếu sự phù hợp với đặc thù của ngành và chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống. Một số văn bản còn thiếu tương thích giữa các ngành, thậm chí mâu thuẫn giữa ngành văn hóa với một số ngành khác. Một số lĩnh vực mới chưa được cập nhật vào các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc nhận diện và quản lý văn hóa trong bối cảnh mới (như vấn đề xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xuất bản điện tử hay phát hành phim trên phương tiện truyền thông xã hội, văn học mạng, văn hóa ứng xử trong không gian mạng, thị trường văn hóa, vấn đề các hoạt động tín ngưỡng mới,...).

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, giáo dục, tôn vinh các giá trị gia đình, dòng họ, phong trào xây dựng văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa nơi công cộng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng và thực hiện hương ước,… đã được triển khai thực hiện nhưng còn hình thức, nặng về hoạt động phong trào, chưa đi vào thực chất và hiệu quả. Nhiều quy định trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội chưa phù hợp với lề lối, phong tục, tập quán, thậm chí mâu thuẫn với những thực hành văn hóa từ lâu đời của người dân. Nhiều thiết chế văn hóa chỉ duy trì ở hình thức mà chưa hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Chưa chú ý đúng mức đến việc bảo vệ, phát huy hệ tri thức dân gian, tri thức bản địa trong xây dựng môi trường văn hóa.

Thứ ba, văn hóa chưa thực sự đóng vai trò nền tảng, trụ cộtchưa được đầu tư xứng đáng và ngang bằng với kinh tế. Chủ trương, chính sách đúng đắn này dường như chưa thực sự đi vào thực tế. Khái niệm “văn hóa” được ghép với nhiều lĩnh vực, nhiều hiện tượng xã hội tạo nên nhiều những trường nghĩa tiêu cực, như: “văn hóa phong bì”, “văn hóa đổ lỗi”, “văn hóa xin - cho”. Sự suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, làm giàu bất chính, gian lận trong học hành, bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, chạy danh lợi…, gây bức xúc dư luận.

Thứ tư, tình trạng nghiệp dư hóa” các hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên. Tác phẩm chất lượng cao ngày càng trở nên thiếu vắng, ngược lại, tình trạng “đại chúng hóa” những tác phẩm còn hạn chế về giá trị văn hóa, nghệ thuật,… trở nên phổ biến. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghệ thuật còn hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật gặp khó khăn trong hoạt động. Các loại hình nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tuyển chọn, đào tạo diễn viên, nghệ sĩ kế cận. Sân khấu hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã trở thành xu hướng và đặt ra nhiều bất cập về không gian trình diễn, người trình diễn cũng như sự làm mới, thậm chí sáng tạo quá đà các loại hình này. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình nghệ thuật chưa theo kịp với thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra của nền nghệ thuật nước nhà. Vấn đề giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và xã hội còn nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả còn diễn ra phổ biến khiến cho nghệ thuật khó thu hút được nguồn lực đầu tư phát triển.

Thứ năm, cơ chế, chính sách văn hóa chưa bao quát đầy đủ vấn đề trong thực tế đa dạng của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay quy định đối với các hoạt động tín ngưỡng mới chưa cụ thể; một số vấn đề về đất đai, tài sản của các tổ chức tôn giáo, các dịch vụ tôn giáo, tín ngưỡng,… cần hoàn thiện thêm. Bên cạnh đó, công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có lúc, có nơi vẫn còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội ít nhiều làm suy giảm niềm tin linh thiêng của nhân dân vào các hoạt động này.

Thứ sáu, mối quan hệ giữa “phát triển” với di sản văn hóa” chưa được hiểu một cách đầy đủ, đa chiều. “Phát triển” trong mối quan hệ với “di sản văn hóa” mới được hiểu và quan tâm đến khía cạnh phát triển kinh tế, có được lợi nhuận từ việc khai thác di sản văn hóa mà chưa quan tâm đúng mức tới các khía cạnh, vai trò khác của di sản văn hóa đối với phát triển (như tạo ra sự gắn kết xã hội, định hình bản sắc hay sự hài hòa xã hội,…). Ngành CNVH còn non trẻ, đang phát triển, thiếu sự đồng bộ, hệ thống, thiếu chuyên nghiệp, thiếu cân bằng giữa các bộ phận, hiệu quả kinh tế còn thấp. Nguồn lực cũng như cơ sở vật chất cho ngành CNVH còn hạn chế. Hệ thống sản phẩm nghèo nàn, mẫu mã chậm thay đổi, dịch vụ chất lượng thấp chưa xứng với tiềm năng sẵn có, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Các không gian sáng tạo, sản phẩm sáng tạo, mô hình sáng tạo, giáo dục sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Tình trạng vi phạm bản quyền các sản phẩm CNVH diễn ra trên phạm vi rộng, tác động lớn đến sự phát triển của ngành.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa chưa được triển khai đồng bộ. Nội dung hợp tác chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật quen thuộc mà chưa được mở rộng và đa dạng loại hình. Chất lượng nguồn nhân lực hợp tác quốc tế còn hạn chế. Kinh phí cho hoạt động giao lưu hội nhập quốc tế còn khiêm tốn nên các chương trình giao lưu văn hóa do Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa thực sự đặc sắc và hiệu quả. Các hoạt động xuất khẩu văn hóa thiếu bài bản và đồng bộ. Nhập khẩu văn hóa đang đặt ra nhiều thách thức...

Du khách quốc tế thăm miền quan họ _Ảnh: Tư liệu

Một số giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về văn hóavề vai trò của văn hóa là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh của sự phát triển. Nhận diện rõ và khai thác tối đa các nguồn lực văn hóa cho phát triển. Bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa ở tất cả các cộng đồng, các dân tộc trên cả nước. Đẩy mạnh và triển khai các chiến lược, hành động, hoạt động cụ thể để đưa văn hóa trở thành một trụ cột trong phát triển bền vững. Đề cao văn hóa, đạo đức trong cơ cấu và vận hành hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, chống suy thoái đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,… Xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa từ chức, văn hóa trọng dân, văn hóa trọng pháp, đề cao lòng tự trọng và tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân trong đội ngũ lãnh đạo. Đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với đầu tư cho kinh tế, không phát triển kinh tế bằng mọi giá, vì lợi ích kinh tế, ưu tiên cho phát triển kinh tế mà bỏ qua văn hóa hay chỉ quan tâm đến văn hóa trên phương diện hình thức. Khai thác tối đa nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế; phát triển đồng bộ kinh tế, chính trị và văn hóa, nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế, du lịch, dịch vụ,…

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào văn hóa. Tôn trọng đa dạng văn hóa, tôn trọng sự lựa chọn văn hóa của các dân tộc, các vùng miền. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Bảo vệ, phát huy tối đa hệ tri thức dân gian, tri thức bản địa. Huy động sự tham gia hiệu quả của cả hệ thống chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng cư dân trong xây dựng môi trường văn hóa, tạo nền tảng quan trọng bảo đảm vai trò điều tiết của văn hóa, xây dựng một xã hội ổn định, hài hòa.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật và thể chế văn hóa. Cần nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn trước khi ban hành các chính sách liên quan đến văn hóa, đồng thời có sự theo dõi, đánh giá quá trình thực thi để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển các ngành CNVH, công nghiệp sáng tạo trong bối cảnh mới. Song song đó, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ quyền tác giả với các sản phẩm văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về thị trường văn hóa, CNVH, công nghiệp sáng tạo. Nâng cao năng lực sản xuất, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường CNVH trong nước và quốc tế. Phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa trong nước và nước ngoài, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Bốn là, tăng kinh phí đầu tư cho văn hóa nói chung, hoạt động văn học, nghệ thuật nói riêng. Cần đầu tư kinh phí để bảo tồn, truyền dạy đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ mai một cao. Chăm lo quyền lợi và năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ, trí thức, các nghệ nhân, nâng cao tính chuyên nghiệp cho các sáng tác cũng như các hoạt động văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà tài trợ đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Năm là, coi trọng và đầu tư đúng mức cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Khắc phục quan điểm “bảo tồn có chọn lọc” tạo ra sự bất bình đẳng cho các di sản, khắc phục những mặt trái của xu hướng “sân khấu hóa”, “hành chính hóa”, “thương mại hóa”,... trong bảo vệ và phát huy di sản. Xây dựng và triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chú trọng hoạt động tôn vinh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ, trí thức nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa.

Sáu là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về văn hóa ngày càng sâu rộng. Hội nhập quốc tế về văn hóa không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa, mà còn là sự chung tay của tất cả các ngành và cả xã hội. Khuyến khích người dân chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, mỗi người dân là một “đại sứ văn hóa”. Đẩy mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành CNVH gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại. Tiếp tục đề ra chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành CNVH. Đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa trực tiếp (xuất khẩu các sản phẩm văn hóa) và gián tiếp (qua các kênh ngoại giao, xuất khẩu các sản phẩm kinh tế). Bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc nhằm tạo ra “bộ lọc” tốt nhất trong tiếp nhận các luồng văn hóa nhập khẩu. Xây dựng và phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng miền, các tộc người ở Việt Nam. Xây dựng và phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài làm cầu nối hiệu quả cho các hoạt động hợp tác, giao lưu, quảng bá văn hóa.

Hiện thực hóa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa nền văn hóa Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Phát huy những thành quả đạt được, vượt qua các thách thức, tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc, một nền văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực, mà còn là nền tảng tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới./.

---------------------------

(1) Xem: Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998
(2) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 283
(3) Xem: Quyết định số 581/QĐ-TTG, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6-5-2009, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, Cổng Thông tin điện tử Chính phủhttps://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=86375
(4) Xem: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528  
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr.  115 - 116
(7) Nguyễn Phú Trọng: Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 24-11-2021, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-xay-dung-giu-gin-chan-hung-va-phat-trien-nen-van-hoa-cua-dan-toc
(8) Xem: Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Cổng thông tin điện tử Chính phủhttps://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2021/11/1909.signed_01.pdf
(9) Như: Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987, của Bộ Chính trị, về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết của Bộ Chính trị và các kết luận về văn hóa, văn nghệ (năm 1988); Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, về “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị định số 89 và 90/2014/NĐ-CP, ngày 29-9-2014, của Chính phủ, về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, ngày 14-12-2020, của Chính phủ, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn,...
(10) Như: Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 2-7-1998, của Bộ Chính trị, về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2004, của Bộ Chính trị, về “Công tác tôn giáo”; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (số 02/2016/QH14, ngày 18-11-2016); Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 9-2-2018, của Thủ tướng Chính phủ, về “Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”...
(11) Như: Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Quảng cáo; Luật Thư viện…
(12) Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2023
(13) Thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong Báo cáo tổng kết năm 2024
(14) Xem: Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=186367
(15) Số liệu công bố tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào ngày 20-12-2022 tại Hà Nội.