Tỉnh Kon Tum khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế trong xây dựng kinh tế bền vững, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân

TS DƯƠNG HUY ĐỨC - LÊ THỊ HƯỜNG
Tạp chí Cộng sản - Trường Chính trị tỉnh Kon Tum
09:00, ngày 08-04-2024

TCCS - Những năm qua, nhờ tập trung huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nên tỉnh Kon Tum đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, đồng thời, huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum_Ảnh: TTXVN

Một số thành tựu nổi bật

Tỉnh Kon Tum có diện tích tự nhiên khoảng 9,7 nghìn km2(1) (chiếm 3,1% diện tích cả nước), dân số trung bình gần 570 nghìn người (mật độ dân số khoảng 59 người/km2(2)); có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa với giá trị gia tăng cao (cà-phê, cao-su, mắc-ca, mía đường, rau, hoa xứ lạnh,...); trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với xây dựng kinh tế lâm nghiệp; chăn nuôi, sản xuất bò thịt, bò sữa, dê, thủy sản nước ngọt và cá tầm xứ lạnh..; sản xuất năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Những năm qua, nhờ bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong ban hành các kế hoạch, dự án, chỉ thị phát triển kinh tế, tỉnh Kon Tum đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất, chăn nuôi và khai thác lâm sản đạt nhiều kết quả tích cực, đột phá.

Tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt gần 8 nghìn héc-ta (trong đó, diện tích sản xuất rau, củ, quả, hoa khoảng 300ha); diện tích cây cà-phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến khoảng 7 nghìn héc-ta, diện tích cây ăn quả gần 600ha; phương thức sản xuất công nghệ cao ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh(3). Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 59 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín (có hệ thống làm mát mùa hè và sưởi ấm trong mùa đông, hệ thống quạt thông gió và xử lý chất thải tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn về chăn nuôi), bao gồm: 21 trang trại chăn nuôi lợn (khoảng 17 nghìn con), 32 trang trại chăn nuôi gia cầm (khoảng 200 nghìn con) và 1 trang trại dê (khoảng 9 nghìn con)(4).

Đặc biệt, việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghê trong khai thác, sản xuất và bảo vệ tài nguyên rừng từng bước được triển khai, như công nghệ sinh học trong gieo ươm cây giống lâm nghiệp(5); công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám trong quản lý, điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; sử dụng thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa (flycam) phục vụ trong công tác kiểm tra rừng, chụp ảnh phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các khu vực đồi núi dốc khó tiếp cận; ứng dụng máy đục khắc gỗ 3D trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Nâng cao giá trị rừng trồng thông qua hoạt động quản lý rừng bền vững, tiến đến cấp chứng chỉ của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC), hiện Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đã xây dựng phương án quản lý rừng trồng bền vững với quy mô khoảng 7,4 nghìn héc-ta và được cấp chứng chỉ FSC.

Thứ hai, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, đặc trưng với sản phẩm độc đáo, mũi nhọn dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, cụ thể:

Một là, cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông) có điều kiện lý tưởng để hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung,...; do đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư, phát triển sản xuất gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen” và “Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030” với quy mô khoảng 138 nghìn héc-ta; nghiên cứu, trồng khảo nghiệm thành công nhiều loại rau (súp lơ; bí đỏ, cải thảo, khoai tây, chè ô-long,...) và hoa (hồng, ly ly, địa lan, cẩm tú cầu,…); đồng thời, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước triển khai các dự án đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh - an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, bước đầu cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn ra thị trường

Hai là, hoạt động sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đắk Hà” ngày càng mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Huyện Đắk Hà hiện có khoảng 8 nghìn héc-ta cà phê, hầu hết được canh tác theo hướng bền vững và dần khẳng định được uy tín cũng như thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, cà phê Đắk Hà là sản phẩm cà phê đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức UTZ Certified trao chứng nhận “cà phê ngon” quốc tế; được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và bình chọn TOP 500 sản phẩm - dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, TOP 20 sản phẩm người tiêu dùng tin cậy và đạt CUP vàng tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng. 

Mặc dù đạt được những thành công bước đầu, nhưng sản phẩm cà phê Đắk Hà hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, công nghệ lạc hậu, sản xuất mang yếu tố nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, để giữ vững thương hiệu và chứng nhận quốc tế, cần tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đắk Hà”. 

Ba là, sản xuất sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh và các loại được liệu dưới tán rừng (huyện Tu Mơ Rông) ngày càng phát triển.

Sâm Ngọc Linh được phát hiện ở núi Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông) là một trong những loài sâm quý hiếm, có hàm lượng saponin cao với giá trị kinh tế lớn. Những năm qua, tỉnh Kon Tum thực hiện giữ gìn, bảo tồn và phát triển được trên 180ha sâm Ngọc Linh; đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thực hiện triển khai dự án đầu tư dần hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, góp phần sớm đưa các sản phẩm được sản xuất ra thị trường và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh. Đối với các loại cây dược liệu khác, nhiều địa phương đã và đang quy hoạch vùng phát triển tập trung phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và dược liệu thế mạnh, trong đó, trọng điểm là các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Đồng thời, tỉnh đã phê duyệt 21 dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển dược liệu với diện tích hơn 1 nghìn héc-ta; các huyện, thành phố cũng tiến hành rà soát, đăng ký diện tích phát triển dược liệu khoảng 10 nghìn héc-ta.

Đặc biệt, Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19-5-2022, của Ban Chấp hành Đảng bô tỉnh, “Về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Bên cạnh đó, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, trong đó diện tích sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000ha (bao gồm 2.000ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000ha cây dược liệu ngắn ngày).

Thứ ba, tập trung xây dựng, phát triển các khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, tỉnh đã thành lập: 1 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen có tổng diện tích 170ha, kinh phí đã thực hiện đến năm 2021 khoảng 38 tỷ đồng, đã triển khai đầu tư hoàn thành 36.288m2 nhà màng ni-lông; công nhận 1 vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông (rau an toàn: 190ha; hoa: 52ha; cây ăn quả: 312ha) và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đắk Hà (cà phê vối, quy mô gần 2 nghìn héc-ta); công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao(6).

Thứ tư, khái thác, tận dụng những tiềm năng nguồn điện phong phú trong phát triển kinh tế.

Về tiềm năng thủy điện: Những công trình thủy điện của tỉnh Kon Tum xây dựng đã hoạt động khá hiệu quả trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; mang lại nhiều lợi ích trong công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt, hạn hán và cung cấp nước tưới cho nông nghiệp cũng như sinh hoạt hằng ngày của người dân; đóng góp cho nguồn ngân sách nhà nước và địa phương; làm thay đổi bộ mặt hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Toàn tỉnh hiện có 81 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW; trong đó, 28 dự án đã hoàn thành đóng điện với tổng công suất 329,4MW; 12 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 193,1MW; 36 công trình đang lập dự án đầu tư có tổng công suất 321,1MW; 1 dự án đang trình Ủy ban nhân dân tỉnh chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện với tổng công suất 7,5MW; 4 công trình chưa có chủ trương đầu tư.

Về tiềm năng điện mặt trời: Khai thác hiệu quả tiềm năng các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới(7)… Khuyến khích đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức sản xuất, kinh doanh trong phát triển năng lượng; từng bước nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại. Đáp ứng nhu cầu năng lượng để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới; phấn đấu điện thương phẩm bình quân trên người ở tỉnh Kon Tum đến năm 2030 là 3.857kWh/người, đến năm 2045 là khoảng 4.200kwh/người,....

Thứ năm, khai thác, phát huy tiềm năng du lịch địa phương.

Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên còn nguyên vẻ hoang sơ, như vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đắk Uy… cùng với các địa danh, di tích nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc được xếp hạng quốc gia, như ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei… Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 5-2-2013, về “Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030” đã tạo “cú hích” quan trọng, giúp khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên giữa các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) và khu kinh tế lớn Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi)). Đồng thời, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch chuyên đề quốc gia; vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ…

Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum còn là vùng có sự phong phú, đa dạng và đậm đà văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mang bản sắc đặc thù, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, nhà sàn, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, chạm khắc, hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát… Các công trình, di tích kiến trúc văn hóa, nghệ thuật như nhà thờ gỗ, chùa Bác Ái, Toà giám mục Kon Tum… cũng thu hút một lượng du khách lớn khi đến Kon Tum.

Thứ sáu, nâng cao, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả.

Kon Tum là tỉnh có dân số trẻ, độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao (khoảng 62%); trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật và kỹ năng lao động từng bước được nâng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ thiếu việc ở khu vực nông thôn tương đối thấp; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được cải thiện, số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và đậu đại học tăng hằng năm; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm mạnh (năm 2020, giảm xuống còn 0,83%), toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Mạng lưới cơ sở dạy nghề đang được đầu tư phát triển, hệ thống giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học ngày càng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh.

Những năm qua, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, thể hiện ở việc triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh học đại học và sau đại học; thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp về công tác tại tỉnh; đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn… Giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã thực hiện giải quyết việc làm cho khoảng 11.088 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 7.600 lao động (chiếm 68,54%).

Đồng bào thu hoạch cà-phê ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum_Nguồn: vnexpress.net 

Một số khó khăn, hạn chế

Một là, sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa mang tính bền vững, còn phụ thuộc vào tài nguyên và nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quy mô nhỏ, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn; một số dự án kêu gọi đầu tư chậm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác, tận dụng đúng mức, nhất là du lịch và dược liệu; việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn” còn khó khăn, bất cập; tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Hai là, nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới; công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm sau đào tạo còn hạn chế; việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống ở một số nơi chưa phù hợp và có chiều sâu. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của mạng lưới thương mại nông thôn còn thấp; thương mại biên giới phát triển nhưng chưa tương xứng với điều kiện của tỉnh. Mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp chậm phát triển, chưa xây dựng được các hợp tác xã kiểu mới, quy mô lớn.

Ba là, phát triển dịch vụ, du lịch chưa tận dụng được hết những tiềm năng, thế mạnh sẵn có; quy mô, chất lượng một số loại hình dịch vụ chưa cao. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chưa mang lại nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt; trật tự xây dựng, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch còn hạn chế; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng có diễn biến phức tạp.

Giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum trong thời gian tới

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025(8), cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, chú trọng xây dựng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn cao, bảo đảm phẩm chất, năng lực thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật; triển khai lập quy hoạch, phát triển các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ quỹ đất. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp lưu trữ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

Thứ ba, xây dựng chiến lược quy hoạch, rà soát và từng bước thu hồi một số diện tích trồng cao-su, cà-phê không hiệu quả, tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển đô thị các huyện, thành phố; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; bố trí sử dụng đất để phát triển các loại cây hàng hóa, trong đó, ưu tiên quỹ đất có khả năng để phát triển cao su ở vùng đất trống, đồi trọc, rừng le, đất chưa sử dụng. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết cả trong và ngoài nước đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiến tiến, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, tạo sức lan tỏa ở các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, mô hình tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Tiếp tục đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lan tỏa và thúc đẩy các khu vực khác phát triển; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm đang triển khai trên địa bàn để sớm đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, như: Chế biến nông lâm sản, dược liệu; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng (ưu tiên cho sản xuất vật liệu xây dựng không nung); phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đánh giá, cân nhắc phát triển các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời theo đúng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn nông thôn./.

---------------------

(1) Tổng cục Thống kê: Niên gíám thống kê 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 43
(2) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2021, Sđd, tr. 90
(3) Nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống quy mô công nghiệp (cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy, chuối,...); công nghệ tưới tiết kiệm nước, tự động hóa trong bón phân, thủy canh, nhà màn thông minh…; sử dụng vật liệu mới như ứng dụng nano, bạt phủ giữ ẩm đất trong sản xuất nông nghiệp,...
(4) Huyện Kon Plông đã hoàn thành 12 chuồng nuôi với diện tích chuồng nuôi khoảng 2,5ha, số lượng gần 9 nghìn con
(5) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn nguyên liệu giấy Tân Mai triển khai đề tài nghiên cứu cấp tỉnh trồng thử nghiệm Thông Ca-ri-bê và các dòng bạch đàn trên 3 vùng sinh thái đặc thù (ở các huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Kon Plông)
(6) Công ty TNHH MTV Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà)
(7) Kế hoạch số 132-KH/TU, của Tỉnh ủy Kon Tum, ngày 28-5-2020, “Về khai thác hiệu quả tiềm năng các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-02-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(8) Nghị quyết đề ra mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 từ 10%/năm trở lên. Đến năm 2025, tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản chiếm 19% - 20%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32% - 33%, thương mại - dịch vụ 42% - 43%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 118.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người/năm đạt 70 triệu đồng trở lên (tương đương trên 3.000 USD); thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng bình quân 8,2%/năm và đạt trên 5 nghìn tỷ đồng vào năm 2025,...