Tỉnh Vĩnh Long phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

TS. PHÙNG NGỌC BẢO
Tạp chí Cộng sản
05:49, ngày 10-12-2022

TCCS - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13), tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều cơ chế, chính sách triển khai sát hợp với thực tiễn của địa phương, cùng nhiều mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả, giúp khu vực kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) phát triển, mang lại những bước chuyển tích cực.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Thực hiện Nghị quyết số 13, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, chỉ thị và đề án về tiếp tục đổi mới và phát triển KTTT để triển khai trên địa bàn. Các huyện, thị xã đã cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Các cấp ủy và chính quyền triển khai học tập, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về KTTT bằng nhiều hình thức phong phú, lồng ghép với các cuộc thi tìm hiểu về Luật Hợp tác xã năm 2012, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các cuộc họp dân, sinh hoạt câu lạc bộ ở địa phương…, với hơn 10.389 lớp tập huấn, tuyên truyền và 235.677 lượt người tham dự.

Hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển KTTT, HTX được nâng lên, thực tiễn triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Từ chỗ chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về bản chất của tổ chức HTX, đến nay, người dân đã từng bước hiểu rõ HTX là phục vụ và đem lại lợi ích cho thành viên; thấy được sự khác nhau giữa HTX với doanh nghiệp, giữa HTX kiểu cũ với HTX kiểu mới; tính đa dạng, khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và sự không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn hoạt động của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, tỉnh cũng đồng thời đẩy mạnh triển khai 9 nhóm giải pháp chính sách hỗ trợ HTX mà Chính phủ quy định, như: Khuyến khích thành lập HTX; bồi dưỡng, đào tạo; đất đai, thuế; quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tín dụng; hoạt động xúc tiến thương mại; ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công… Trong quá trình triển khai, tỉnh chú trọng nhiều đến các chính sách thiết thực để người dân tham gia vào các tổ chức KTTT, nhất là các chính sách về đất đai, tài chính và khoa học - công nghệ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTX, như: Giao đất, cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất một số HTX để làm trụ sở hoạt động và làm kho, bãi; kịp thời cho các HTX vay vốn phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ lập các dự án vay vốn, tái vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; thực hiện 123 đề tài, dự án liên quan đến hỗ trợ KTTT, kinh tế trang trại, tập trung hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chọn giống có năng suất, phẩm chất cao và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn sạch, VietGAP…

Thu hoạch chôm chôm ở tỉnh Vĩnh Long_Ảnh: Tư liệu

Khu vực KTTT của tỉnh ngày càng phát triển. Với loại hình tổ hợp tác, toàn tỉnh thành lập mới 977 tổ hợp tác. Sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 1.350 tổ hợp tác (1.270 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 80 tổ hợp tác trong lĩnh vực phi nông nghiệp) với 61.000 thành viên, diện tích sản xuất trên 31.262ha; trong đó, có 94,12% tổ hợp tác đăng ký và xây dựng hợp đồng hợp tác theo quy định. Trong phát triển HTX, toàn tỉnh thành lập mới 290 HTX và 4 liên hiệp HTX. Sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn lại 185 HTX và 2 liên hiệp HTX. So với năm 2001, số lượng HTX, liên hiệp HTX tăng 370% (tăng bình quân 6,8%/năm), 100% các HTX đã chuyển đổi và tổ chức hoạt động theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012; các HTX có khoảng 8.500 thành viên, tổng số lao động là 8.800 lao động (số thành viên tăng 74,53%, số lao động tăng 93,66%). Về liên hiệp HTX, toàn tỉnh thành lập mới 4 liên hiệp HTX, giải thể 2 liên hiệp HTX (lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản). Hiện nay, còn 1 liên hiệp HTX nông nghiệp (Liên hiệp HTX lúa gạo Vĩnh Long) đang hoạt động với 5 HTX thành viên và khoảng 300 lao động, tổng số vốn hoạt động trên 1.600 triệu đồng, doanh thu đạt 1.500 triệu đồng/năm và lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/năm.

Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Có thể khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13, khu vực KTTT của tỉnh Vĩnh Long đã phát triển cả về lượng và chất, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. KTTT mà nòng cốt là HTX kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau đã thể hiện vai trò là chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quan hệ kinh tế gắn liền với các quan hệ xã hội của thành viên theo hướng liên kết cộng đồng; mở rộng hợp tác giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX được đẩy mạnh theo chiều sâu, xuất hiện một số mô hình KTTT có hiệu quả. Nhiều HTX mới được thành lập, hoạt động đa dạng hóa về ngành, nghề, lĩnh vực, tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chuyên canh. Các hợp tác xã nỗ lực áp dụng khoa học, đầu tư công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, khai thác được thị trường mới, từ đó giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Thực tiễn phát triển KTTT trên địa bàn Vĩnh Long cho thấy, có nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

HTX nông nghiệp Thuận Thới được thành lập năm 2018 với 17 thành viên là một mô hình điển hình tiêu biểu của huyện Trà Ôn. Đây là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chuyên cung ứng các sản phẩm phân trùn quế (giun đất) và sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường. Từ năm 2018 đến 2020, doanh thu hằng năm đạt 3.363 triệu đồng, lợi nhuận đạt 594 triệu đồng. Bình quân hằng năm, các thành viên được chia lợi nhuận khoảng 26 triệu đồng/người. Sau 4 năm hoạt động, HTX đã nâng vốn điều lệ từ 450 triệu lên 990 triệu đồng. HTX nông nghiệp Thuận Thới là 1 trong 5 HTX của tỉnh tham gia đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất lúa ở huyện Tam Bình cũng cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Có thể kể đến mô hình sản xuất lúa sạch (lúa hữu cơ) của HTX nông nghiệp Tân Tiến, với diện tích 70ha. Sản phẩm HTX làm ra được doanh nghiệp bao tiêu, thu mua với giá cả phù hợp theo hình thức hợp đồng. “Đầu vào” cho đến “đầu ra” của chuỗi sản xuất đều được bảo đảm; hằng vụ có kiểm tra, đánh giá kết quả, cùng thỏa thuận giá khi đến thời kỳ thu hoạch, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện.

Huyện Vũng Liêm có 2 HTX thực hiện thành công phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đó là HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt, HTX làng hữu cơ Hiếu Thuận hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ và dịch vụ cấy lúa bằng cơ giới, phát triển dịch vụ trọn gói trong HTX giúp khép kín sản xuất từ khâu chọn giống, phân, thuốc cho đến bao tiêu “đầu ra” cho nông dân. Nhờ đó, các HTX không chỉ xử lý được vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp ở địa phương, mà còn tạo cho nông dân trong vùng sự gắn kết sản xuất. HTX cũng đầu tư các trang, thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nhanh, đồng loạt và hiệu quả trên cùng một diện tích sản xuất.

Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, huyện Tam Bình có HTX Thương mại - Dịch vụ Hoàn Thiện, với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính là quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Đáp ứng nhu cầu của địa phương về môi trường sạch, đẹp, HTX đã phát triển, mở rộng kinh doanh trên lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng trưởng bình quân hằng năm trên 15%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KTTT của tỉnh vẫn bộc lộ không ít hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là năng lực cạnh tranh chậm cải thiện, tính minh bạch chưa cao; số lượng HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh có hiệu quả còn ít; lợi nhuận, thu nhập cho thành viên người lao động chưa đạt như kỳ vọng; nhiều HTX chuyển đổi theo mô hình mới, nhưng vẫn còn lúng túng, chậm đổi mới phương thức hoạt động…

Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành tại ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân_Ảnh: TTXVN

Tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tỉnh Vĩnh Long rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, nắm vững quan điểm phát triển KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức đúng về vai trò của khu vực KTTT trong phát triển kinh tế hộ, phát triển HTX kiểu mới là nền tảng, yếu tố then chốt giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thống nhất trong hành động, xác định rõ nhiệm vụ và tổ chức thực hiện một cách khoa học, đồng bộ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; huy động hiệu quả các nguồn lực và tạo sự đồng thuận của người dân trong phát triển khu vực KTTT.

Thứ hai, sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương là nhân tố quan trọng tạo môi trường thuận lợi, định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy khu vực KTTT phát triển. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm sẽ giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, phát triển KTTT được toàn diện, kịp thời; việc tham mưu, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chính sách hỗ trợ bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn và mang tính khả thi cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát giúp các HTX hoạt động đúng quy định của pháp luật, tăng tính minh bạch và năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, sự phát triển và thành công của HTX trước hết do chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trình độ của hội đồng quản trị HTX là nhân tố chính thúc đẩy, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; giải quyết hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ lợi ích của thành viên và lợi ích HTX, tạo dựng niềm tin, sự tự nguyện gắn bó lâu dài của từng thành viên đối với HTX.

Phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm đạt được, tỉnh Vĩnh Long đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới là: Hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu; củng cố, đổi mới HTX cả về tổ chức, quản lý, tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển mô hình KTTT, HTX theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn quốc tế; xanh, bền vững và thích ứng linh hoạt với kinh tế thị trường, kinh tế số. Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt, cần triển khai một số giải pháp:

Một là, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và các văn bản khác có liên quan. Nghiên cứu lồng ghép nội dung tham quan, học tập kinh nghiệm tại các HTX, tổ hợp tác có mô hình hoạt động hiệu quả cả trong và ngoài tỉnh vào các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về phát triển KTTT. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Kịp thời cụ thể hóa các văn bản luật, chương trình hỗ trợ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, các văn bản hướng dẫn của Trung ương trên lĩnh vực KTTT, HTX. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc chuyển đổi, tổ chức hoạt động HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh theo quy định. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính phức tạp, không cần thiết, nhất là các thủ tục liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư, xây dựng, tín dụng… Nghiên cứu, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng; thuế, đất đai; ưu đãi về tín dụng, vốn; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tập thể; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả…

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Tiếp tục duy trì, hỗ trợ, khuyến khích HTX tăng quy mô, tính liên kết, mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị, khởi nghiệp và phát triển sản phẩm mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ kết nối thị trường. Quan tâm hỗ trợ đăng ký xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và kết nối xây dựng cộng đồng sản xuất, tiêu dùng sạch, an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến khích, hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong quản trị và sản xuất; nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy quản lý tinh gọn, linh hoạt và năng động. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm trong, ngoài nước, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa; hỗ trợ các HTX xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa; cung cấp thông tin về thị trường trong và ngoài nước kết hợp quảng bá thông tin, hình ảnh, sản phẩm, ngành, nghề của các HTX trên trang web sàn giao dịch thương mại điện tử của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long. Huy động mọi nguồn lực xã hội trong, ngoài tỉnh và sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân để thúc đẩy phát triển KTTT; huy động, cân đối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương tham gia hỗ trợ phát triển KTTT.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT. Phát huy tối đa vai trò phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đối với lĩnh vực KTTT. Thường xuyên rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX các cấp trong phát triển KTTT. Đồng thời, tổ chức các cuộc đối thoại với HTX và các hoạt động khảo sát khu vực KTTT nhằm đánh giá chất lượng hoạt động và đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương xử lý dứt điểm các HTX không hoạt động, khó khăn trong giải thể theo kế hoạch và tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm các HTX, tổ hợp tác hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và liên minh HTX đối với phát triển KTTT. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc khuyến khích thúc đẩy phát triển KTTT, thành lập mới, vận động thành viên tham gia HTX, tổ hợp tác; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp ở những nơi người dân có nhu cầu và trên cơ sở tự nguyện, như: Cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật HTX trước khi thành lập HTX cho sáng lập viên HTX; hỗ trợ xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động  của HTX…/.