TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm và ba giải pháp đột phá nhằm huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong Khu vực tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam.

 

Gia Lai đã tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị vốn có của các sản phẩm nông nghiệp địa phương (Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham quan mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại tỉnh Gia Lai)_Ảnh: TTXVN

Dấu ấn từ bốn nhiệm vụ trọng tâm

Trong năm 5 qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành những cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch, giải pháp để triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành bốn nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đề ra.

Một là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở: Từ việc quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết “Về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Tỉnh ủy Gia Lai đã cụ thể hóa nội dung của các nghị quyết đó và lãnh đạo tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 32.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trên 5.000 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, giảm cấp phó, cấp trung gian, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các cấp ủy của tỉnh Gia Lai chú trọng công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nhất là đối với các tổ chức cơ sở đảng ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh phù hợp, sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ tỉnh Gia Lai kết nạp được trên 11.600 quần chúng ưu tú vào Đảng, bình quân mỗi năm kết nạp được gần 3.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 59.981 người. Hiện nay, các thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh đều có đảng viên và chi bộ. Các cấp ủy thường xuyên quan tâm bố trí, sắp xếp trưởng thôn, làng là đảng viên và bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, làng. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý hằng năm bảo đảm khách quan, đúng quy định của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Cán bộ cơ sở Rah Lan Lal, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul (ngồi giữa) tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân địa phương_Ảnh: TTXVN

Hai là, cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó, đặc biệt chú trọng cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Theo công bố đánh giá, xếp hạng chỉ số PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Gia Lai đã tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Từ năm 2014 đến nay, chỉ số PCI của tỉnh tăng từ vị trí thứ 48 lên vị trí thứ 30 trong cả nước. Đáng chú ý, trong 5 chỉ số được cải thiện về điểm số của năm 2019 thì chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,37 điểm, tăng 0,43 điểm so với năm 2018, cao hơn điểm trung vị tới 2,2 điểm và là địa phương có điểm số cao thứ 2 của cả nước, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh.

Ba là, giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực phòng thủ, chủ động phối hợp phát hiện và xử lý tốt các tình huống, góp phần giữ vững ổn định về an ninh chính trị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Giữ vững chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia với chiều dài 90km giáp với nước bạn Campuchia. Công tác xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được quan tâm, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Công tác phân giới, cắm mốc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bốn là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong công tác dân vận, hệ thống chính trị của tỉnh luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tiếp xúc, đối thoại, kịp thời giải quyết thấu tình, đạt lý những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên đối với công tác dân vận được nâng lên. Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới là chủ trương xuyên suốt, nhất quán, được tập trung lãnh đạo. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động hơn 15.153 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 11 xã so với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đại biểu bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Trong đó, thành phố Pleiku được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018; thị xã An Khê có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã Ayun Pa có 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Kbang và Đắk Pơ, nâng tổng số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới là 5 huyện, thị xã, thành phố. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số từ 40% năm 2015 giảm còn dưới 6,25%. Kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Lắp đặt điện, nước sạch cho đồng bào xã Kon Pne, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai_Ảnh: TTXVN

Ba đột phá chiến lược được thực hiện đồng bộ và hiệu quả

Bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành bốn nhiệm vụ trọng tâm, ba giải pháp đột phá chiến lược cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Gia Lai chú trọng, tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt chính sách phát triển các thành phần kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Gia Lai ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư.

Đối với khu vực kinh tế nhà nước: Thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại 5 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý. Thực hiện sắp xếp, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 11 công ty lâm nghiệp theo phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2019, tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh hiện còn 13 doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân: Ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư. Nhờ đó, môi trường đầu tư được cải thiện, số dự án thực hiện không ngừng được tăng lên cả về số lượng lẫn quy mô vốn đầu tư. Lĩnh vực đầu tư ngày càng đa dạng, tập trung nhiều vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án chế biến sâu từ các sản phẩm nông nghiệp, điện năng lượng mặt trời, điện sinh khối... Đến nay, thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh được 454 dự án, với tổng vốn đăng ký 694.118 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong 5 năm qua không ngừng tăng lên, ước đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp, tăng bình quân 18%/năm, với vốn đăng ký tăng bình quân 65,7%/năm.

Đối với kinh tế tập thể: Có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của hợp tác xã. Các hợp tác xã đã chuyển đổi hoạt động theo luật định, ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của thành viên; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 245 hợp tác xã với tổng số thành viên là 17.568 người, giải quyết việc làm cho 1.822 lao động địa phương; có 759 tổ hợp tác, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.

Đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký khoảng 11 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước trung bình khoảng 0,5 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho khoảng gần 1.000 lao động.

Thứ hai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn. Tỉnh ủy Gia Lai ban hành những chủ trương đột phá về quy hoạch tổng thể, toàn diện trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nông thôn, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ưu tiên xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ với chiều dài 12.183km, gồm 6 tuyến đường quốc lộ, 10 tuyến đường liên tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, buôn… Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; 79,26% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được làm cứng, bảo đảm ô-tô đi lại thuận tiện quanh năm; trên 60% tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; gần 55% tuyến đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Hạ tầng về thủy lợi, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư với quy mô lớn, gồm 344 công trình thủy lợi kiên cố, tổng năng lực thiết kế tưới cho gần 55.000ha. Hệ thống cấp điện được đầu tư phát triển nhanh, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với 100% số xã, phường, thị trấn đã có lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt xấp xỉ 100%. Kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính - viễn thông, thông tin... được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn đạt những kết quả tích cực.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Dấu ấn nổi bật trong thời gian qua là tỉnh Gia Lai đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, ưu tiên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nghệ thông tin, công nhân kỹ thuật bậc cao, bác sĩ chuyên khoa…, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học; cơ cấu nhân lực có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn trong cơ cấu lao động của nền kinh tế có xu hướng giảm; công tác đào tạo thay đổi theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Đến nay, nguồn nhân lực có trình độ cao trên địa bàn tỉnh có 1.619  người; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% năm 2015 tăng lên 55% vào năm 2020.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh Gia Lai đạt 7,93%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước đạt 82.198 tỷ đồng, gấp 1,67 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 52,75 triệu đồng, tăng 1,56 lần so với năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 36,44%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,95%, dịch vụ chiếm 34,61%.

Phấn đấu trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Gia Lai vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, đó là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế còn thấp, chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng còn khá lớn, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, những kinh nghiệm từ thực tiễn, trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục tranh thủ tối đa tiềm năng và lợi thế, khai thác có hiệu quả Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và các tuyến đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, các quốc lộ 14, 19, phát triển mạnh du lịch gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương; phối hợp, liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên, các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, với cả nước và quốc tế nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch, phát triển kinh tế khu vực tư nhân, xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, các nguồn vốn đầu tư phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Gia Lai xuất khẩu lô cà-phê đầu tiên sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tháng 9-2020_Ảnh: TTXVN

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Gia Lai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình trọng tâm, đó là: Xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Gia Lai được xác định trong thời gian tới là:

Thứ nhất, xây dựng quy hoạch chiến lược và các chính sách phát triển của tỉnh đặt trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia. Phát triển kinh tế tỉnh Gia Lai theo hướng liên kết mở, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước điều chỉnh tạo sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong tỉnh, thu hẹp dần về khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư, chú trọng công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc. Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng tốt mọi cơ hội phát triển, xây dựng kinh tế số, xã hội số đồng bộ, hiệu quả.

 Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh kết hợp với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, phấn đấu xây dựng Gia Lai thành trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, duy trì quan hệ hữu nghị bền chặt với các tỉnh láng giềng biên giới Việt Nam - Campuchia./.