Thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ở tỉnh Lai Châu

Vũ Mai Lý
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu
19:17, ngày 06-11-2020

TCCS - Tỉnh Lai Châu xác định nhiệm vụ, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm cho nhân dân là quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng. Từ khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các nguồn lực để cụ thể hóa và thực thi chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ_Ảnh: TTXVN

Một số kết quả đạt được

Ngay sau khi chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu năm 2004, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã xác định tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan tới vấn đề trên. Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 2-7-2004, của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004 - 2010” xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm đối với tỉnh Lai Châu là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đây là vấn đề lớn, phức tạp, lâu dài. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định, đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa đói, giảm nghèo, xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong suốt nhiệm kỳ.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII xác định: “Tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ sản phẩm... phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.

Để cụ thể hóa các chủ trương về xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh, trong từng nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành các nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, như Nghị quyết số 05-NQ/TU; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20-4-2011, về “Phê duyệt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28-6-2016, về “Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020”. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo; các chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giúp người nghèo từng bước tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau hơn 15 năm chia tách, thành lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các nguồn lực để cụ thể hóa và thực thi các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, đạt được một số thành tựu quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm của các cấp, các ngành và nhân dân từng bước được nâng lên, huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác trên, nhất là ở cấp cơ sở; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân,...

Một là, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Lai Châu triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để đưa sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh hỗ trợ cho gần 53.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ cho trên 72.000 lượt hộ nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số trên 296 nghìn lượt héc-ta rừng được giao khoán,…

Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Tỉnh đào tạo nghề cho 17.365 lao động; thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; có chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... Đến hết năm 2019, tỉnh Lai Châu giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động, bình quân giải quyết việc làm cho 6,9 nghìn lao động/năm, xuất khẩu lao động 276 người, góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

Hai là, đầu tư kết cấu hạ tầng.

Giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Lai Châu tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh đã đầu tư 307 công trình tại địa bàn các huyện, các xã, thôn, bản. Mạng lưới giao thông ngày càng được hoàn thiện và phát triển đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các vùng trong tỉnh. Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm được làm cứng; 93,7% số thôn, bản có đường ô-tô, xe máy đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Các dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tiếp tục được quan tâm đầu tư, 108/108 (100%) số xã sử dụng điện lưới quốc gia. Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, lớp học; trang, thiết bị y tế, từng bước xóa phòng học tạm. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 6.861 phòng học, trong đó 4.471 phòng kiên cố (chiếm 65,16%); có trên 80% trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Ba là, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo.

Tỉnh Lai Châu tập trung giải quyết cơ bản các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin, truyền thông cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1614/QĐ-TTg, ngày 15-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm học sau đều tăng so với năm học trước. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu; chất lượng một số dịch vụ kỹ thuật cao từng bước được nâng lên. Thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm y tế, nhất là đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Tỉnh Lai Châu đã làm nhà cho 973 hộ nghèo. Đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường bằng nhiều nguồn vốn, đến hết năm 2019, có 85,2% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95,5% số dân đô thị được sử dụng nước đã qua xử lý.

Bốn là, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Tỉnh Lai Châu quan tâm tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; hằng năm, tỉnh có trên 6.200 lao động được đào tạo. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đào tạo 5.464 lao động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thông qua các lớp tập huấn, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được nâng lên. Cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các xã đã nắm được một số kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, lập kế hoạch công tác giảm nghèo.

Hơn 15 năm thực thi chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tỉnh Lai Châu đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học,... Đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo ở tỉnh Lai Châu từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân của người dân trong tỉnh nói chung, vùng khó khăn nói riêng tăng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,8%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm; năm 2020 còn 16,7%. Hai huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2018.

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu_Ảnh: Mai Lý

Vẫn còn những hạn chế

Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc tổ chức thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Lai Châu hơn 15 năm qua vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, như công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan và tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự chặt chẽ, thiếu quyết liệt; việc xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện chưa sát với tình hình thực tiễn, nhất là ở cấp cơ sở; chất lượng hoạt động giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm của các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về giảm nghèo hiệu quả còn thấp; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chưa cao, một bộ phận hộ nghèo vay vốn sử dụng đúng mục đích nhưng hiệu quả thấp. Việc cho vay vốn hỗ trợ giảm nghèo có thời điểm còn thiên về số lượng lượt hộ vay nên khoản cho vay nhỏ bé, chưa giúp được các hộ nghèo tạo được đà bứt phá. Chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã nghèo có hạng mục còn chậm và chưa đạt yêu cầu; chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, khả năng tiếp cận giáo dục của người nghèo còn hạn chế, do sự thiếu hụt về chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tỷ lệ người nghèo được tiếp cận với dịch vụ y tế chưa bảo đảm; chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo có thời điểm, có nơi thực hiện còn mang tính bình quân, thiếu đồng bộ. Chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ xã nói chung, cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở nói riêng chưa đạt được yêu cầu. Năng lực cán bộ xã, thôn, bản nhìn chung còn yếu. Mặc dù số lượng cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khá nhiều, nhưng sự chuyển biến về trình độ, năng lực trong công tác chưa rõ rệt. Tỷ lệ tái nghèo và nghèo phát sinh cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của những hộ mới thoát nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Khi gặp thiên tai, rủi ro, cuộc sống của họ dễ tái nghèo. Chênh lệch về thu nhập giữa người giàu và người nghèo, người ở thành thị và nông thôn ngày càng tăng...

Những hạn chế nêu trên chủ yếu là do tỉnh Lai Châu có địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thêm vào đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo; kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu quyết liệt, chưa thật sự chủ động; nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm chưa đầy đủ. Một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, du canh làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Việc tuyên truyền, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao chưa được triển khai mạnh mẽ. Trình độ, năng lực tham mưu cho chính quyền cơ sở của một số cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu; công tác điều tra, khảo sát các nhu cầu hỗ trợ cho người nghèo không sát thực tế, dẫn đến kết quả thực hiện một số chương trình còn thấp. Nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm còn hạn chế, việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn thực hiện chưa hiệu quả, việc huy động nguồn lực tại chỗ của cộng đồng, dòng họ đạt thấp. Công tác kiểm tra việc thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm tại một số huyện, xã thiếu thường xuyên. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo còn ít, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự lan rộng và trở thành phong trào trong cộng đồng.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm trong  thời gian tới

Cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt trên thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu_Ảnh: Mai Lý

Trong điều kiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh còn cao, việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ở tỉnh Lai Châu luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; nhiều vấn đề mới đã và đang đặt ra những thách thức cho quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian tới, tỉnh Lai Châu cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lai Châu đối với công tác giảm nghèo; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, bất cập trong thực hiện chủ trương, chính sách về giảm nghèo để tìm ra các giải pháp hiệu quả; nhân rộng những mô hình hay trong công tác giảm nghèo. Lãnh đạo các ngành, đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh cần phối hợp thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới đồng bộ, quyết liệt; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh Lai Châu về xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, dân sinh; tiếp tục cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ y tế, khám, chữa bệnh để mọi người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế. Tạo điều kiện để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ thông tin, hiểu về trách nhiệm và quyền lợi của mình, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chủ động lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Thứ tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện chính sách giảm nghèo của hệ thống chính trị cấp cơ sở trên địa bàn Lai Châu. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực triển khai các chủ trương, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ giảm nghèo. Kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo, động viên, khuyến khích cán bộ làm việc có hiệu quả, yên tâm gắn bó với cơ sở.

Thứ năm, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ việc làm cho người nghèo. Triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án khác nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, bảo đảm người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của người nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đồng thời phê bình các hộ nghèo không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục yếu kém, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện./.