TCCS - Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn của cả nước với hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Nhu cầu về giải quyết thủ tục hành chính hằng ngày cho người dân và doanh nghiệp là rất lớn. Từ năm 2011, Thành phố quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính; đặc biệt năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh xác định là năm đột phá về cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính. Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần có giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân về cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Người dân đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ giải quyết hồ sơ tại Ủy ban nhân dân phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: dangcongsan.vn

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố cũng đã có Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND, ngày 22-6-2012 và ban hành Chương trình cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 6119/QĐ-UBND, ngày 22-11-2016, ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, ngày 24-11-2017 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14, về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; UBND Thành phố có Quyết định số 6506/QĐ-UBND, ngày 19-12-2017, ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018(1); ngày 15-3-2018, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, về công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố...

 Các chương trình, nghị quyết, kế hoạch trên được Thành phố phổ biến, quán triệt kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức và người dân. Thành phố tổ chức nhiều đợt quán triệt, tập huấn cho cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc cải cách hành chính và lãnh đạo sở - ban - ngành, ủy ban nhân dân quận - huyện thông qua các hình thức đa dạng, như lồng ghép chuyên đề cải cách hành chính vào các cuộc họp nội bộ, tại hội nghị, sơ kết, tổng kết, các buổi tập huấn, phát hành cẩm nang cải cách hành chính,…

Từ năm 2011 đến nay, điểm nhấn là năm 2019 - là năm đột phá về cải các hành chính (CCHC) - công tác cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả nổi bật:

Một là, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Tính đến tháng 9-2019, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 602/1.790 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 33.63%. Thành phố triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến cho 44 đơn vị, cung cấp gần 25.000 hộp thư điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí hoạt động. Ngoài ra, thành phố đã triển khai và kết nối liên thông văn bản điện tử tại 760 điểm, với số lượng liên thông hơn 4,3 triệu văn bản điện tử, áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp, chấm dứt tình trạng sử dụng văn bản giấy, giúp tiết kiệm kinh phí hành chính đáng kể.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, quận, huyện đang từng bước được đầu tư, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, thiết bị máy trạm, máy chủ, hệ thống an toàn thông tin. Hiện 23/23 sở, ban, ngành, 24/24 quận, huyện, 322/322 UBND phường, xã, thị trấn công bố áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 9001, đạt 100%. Đã có 162 trụ sở UBND xã, phường, thị trấn được xây dựng mới, sửa chữa.

Tính từ năm 2016 đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được cung cấp là 1.140 dịch vụ (trong đó sở, ban, ngành là 284 dịch vụ, quận, huyện là 856 dịch vụ); mức độ 4 có 375 dịch vụ (trong đó sở, ban, ngành là 187, quận, huyện là 188 dịch vụ). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hiện nay đạt trung bình 98% - 99%.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình “Phòng họp không giấy”, theo đó năm 2019 đã thiết lập và duy trì tổ chức 19 cuộc họp không giấy. Thành phố cũng ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”, mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng hứa hẹn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, đã tạo 95 tài khoản và cài đặt ứng dụng cho lãnh đạo UBND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.

 Hai là, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính.

Thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND Thành phố ban hành để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính không còn phù hợp, gắn với công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức thuận lợi.

Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành xây dựng và công bố 100% quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Bảo đảm 100% quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND Thành phố và niêm yết tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị.

Ba là, cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc để bảo đảm tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn.

Cục Hải quan Thành phố đã cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định của Luật Hải quan; rút ngắn thời gian kiểm tra hồ sơ từ 2 giờ xuống 1 giờ, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa từ 8 giờ xuống 4 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hồ sơ; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện kết hợp 3 thủ tục là đăng ký thành lập doanh nghiệp, làm con dấu và thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng trong một lần nộp và trả hồ sơ. Việc kết hợp này đã góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 9 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc, tương đương giảm 55,5% thời gian giải quyết hồ sơ...

Thành phố chủ động tích hợp hệ thống tiếp nhận, trả kết quả lên cổng dịch vụ công trực tuyến với gần 1,5 triệu hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích trong 6 tháng đầu năm 2019. Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng.

Việc gia tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn không những thể hiện sự hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức thụ lý hồ sơ theo quy định, mà còn nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính tại đơn vị, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Bốn là, cải cách hành chính nâng cao sự hài lòng của người dân.

Năm 2019, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 16 sở, ngành thành phố, 24 UBND quận, huyện và 105 UBND phường, xã, thị trấn. Có tổng số 12.459 cuộc khảo sát độc lập người dân và doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên, đại diện cho tất cả các trường hợp người dân và doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục hành chính công, trong đó có 3.965 cuộc phỏng vấn với những người dân, doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ cấp sở, ngành, 6.340 người dân, doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ cấp quận, huyện và 2.154 người dân hoàn thành hồ sơ cấp phường, xã, thị trấn. Kết quả khảo sát có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hiện nay đạt trung bình 98% - 99%; trên 90% người dân hài lòng về cải cách hành chính, đặc biệt ở Quận 1 có tỷ lệ hài lòng của người dân/tổng số người dân có thực hiện thủ tục hành chính tại đạt 99,64%.

Qua khảo sát, tỷ lệ người dân hài lòng đối với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố đạt 92%; Sở Xây dựng Thành phố đạt 93%; Quận 1 đạt 92%; Quận 12 đạt 91% và huyện Hóc Môn đạt 83%... Có 100% phản ánh, kiến nghị của người dân về cải cách hành chính đã được xử lý theo quy trình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát, người dân vẫn còn một số vấn đề chưa thực sự hài lòng: Phải đi lại nhiều lần mới giải quyết được hồ sơ, trung bình người dân và doanh nghiệp phải đi lại không dưới 2 lần để bổ sung hồ sơ hành chính tại Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, UBND Quận 1 và Quận 12, riêng huyện Hóc Môn đi lại 3 lần mới hoàn thành thủ tục hành chính; tỷ lệ không hài lòng của người dân và tổ chức về những lần làm thủ tục hành chính còn khá cao so với yêu cầu, như với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và UBND Quận 1 dao động từ 4% đến 10%, riêng Quận 12 là 12% và huyện Hóc Môn là 25%; Vẫn trả hồ sơ trễ hẹn, không có giải thích rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa công khai hướng dẫn người dân, công chức có thái độ không tốt; còn tình trạng nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt" hoặc làm trái quy định pháp luật của cán bộ, công chức tại sở, ngành, trong số 3.965 cuộc khảo sát đã ghi nhận 25 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,6%; tài chính còn thiếu minh bạch, trong số 6.268 cuộc khảo sát tại quận, huyện có 51 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu, chiếm tỷ lệ 0,8%...

Nhằm nâng cao sự hài lòng của  người dân và doanh nghiệp về cải cách hành chính và chất lượng dịch vụ công của Thành phố Hồ Chí Minh, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Cần xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Thứ hai, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Chất lượng của cán bộ, công chức hành chính là yếu tố cơ bản, quyết định tới hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này cần thực hiện thường xuyên. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, như hệ thống máy tính, các phần mềm tích hợp, hệ thống trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch đơn giản, nhanh, giảm thiểu chi phí đi lại. Nghiên cứu sáp nhập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Thành phố và Cơ quan chỉ đạo về Chính phủ điện tử Thành phố với nhau.

Thứ tư, nên thay đổi hình thức khảo sát từ “Khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính” thành “Khảo sát về hiệu quả quản trị và hành chính công tại cơ sở trên địa bàn Thành phố” theo các phương pháp khảo sát của Chỉ số PAPI do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phối hợp thực hiện; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS). Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 - 2020. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công đạt mức 3 và mức 4, trong đó mức 4 đạt khoảng 70%.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Đẩy mạnh công tác khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức trong sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đánh giá và sử dụng hiệu quả kết quả khảo sát để đề ra các giải pháp hoàn thiện.

 Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính điện tử đối với lĩnh vực xây dựng, đất đai; đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Thứ bảy, triển khai đúng tiến độ và chất lượng về kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện kế hoạch cải cách chế độ công vụ, công chức, đề án xác định vị trí việc làm và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; tinh giản biên chế và hoàn thiện các nội dung về ủy quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện quy định về ủy quyền trên các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước./.

------------------------------

(1) Được bổ sung tại Quyết định số 2422/QĐ-UBND, ngày 6-6-2018.