Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Biểu tượng cao đẹp, trường tồn của sự kết tinh, hòa quyện sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
TCCS - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa vị thế người dân trở thành chủ nhân thực sự của đất nước. Thành công của cuộc cách mạng đã nêu cao giá trị kết tinh sức mạnh dân tộc gắn với thời đại, để lại bài học kinh nghiệm vô giá, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Khái quát tiến trình cách mạng Việt Nam trước mốc son lịch sử Cách mạng Tháng Tám
Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), bắt đầu xâm lược Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, thời gian đầu, nhân dân phối hợp với quân triều đình đấu tranh đẩy lùi kẻ thù xâm lược, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”(1) của Pháp; tuy nhiên, triều đình Huế lại từng bước thỏa hiệp, ngày 6-6-1884, Hiệp ước Pa-tơ-nốt được ký kết, từ đây, nước ta chính thức trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.
Không chấp nhận sự cai trị của quân xâm lược, ngay trong triều đình nhà Nguyễn, phe chủ chiến, đứng đầu là đại thần Tôn Thất Thuyết vẫn quyết tâm xây dựng lực lượng chống Pháp. Tháng 7-1885, “vụ biến” kinh thành Huế nổ ra, vua Hàm Nghi xuất cung, phát động phong trào Cần Vương (giai đoạn 1885 - 1896), là ngọn cờ đầu quy tụ, mở đường cho các phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược, đứng đầu là các sĩ phu yêu nước; đồng thời, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (giai đoạn 1884 - 1913) do vị anh hùng Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, khiến thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề; trong khi nhiều phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân,... của các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… phát triển rộng khắp nhưng đều bị đàn áp dã man hoặc lâm vào bế tắc và thất bại.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại) rời bến cảng Nhà Rồng với tên mới là Văn Ba, trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin để đến nước Pháp, tìm đường giải phóng dân tộc. Năm 1919, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước đế quốc thắng trận tổ chức Hội nghị Véc-xây, Người gửi đến Hội nghị Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bài viết “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin đăng trên Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, từ đây, Người nhận thức rõ về một con đường giải phóng dân tộc mới mẻ, đầy hy vọng và kiên định dấn thân theo cách mạng. Tại Đại hội Tua được triệu tập vào ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III, tham gia thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, Người xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2).
Sau quá trình tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam, khi các điều kiện thành lập đảng chín muồi, từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra và đi đến quyết định thành lập một chính Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam(3). Kể từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc nước ta được đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng chân chính, có đường lối, phương thức, mục tiêu rõ ràng, huy động được sức mạnh, niềm tin của quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam trải qua 3 cuộc diễn tập chính, bao gồm: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào vận động dân chủ, dân sinh 1936 - 1939 và cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945 - là bước chuẩn bị mang tính quyết định cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Diễn biến chính của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp chĩa vũ khí tấn công cách mạng Việt Nam, trước hết hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương; thành lập nhiều nhà tù ở nơi “sơn cùng thủy tận” để giam cầm, đày đọa người yêu nước làm cách mạng. Tháng 9-1940, phát-xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực thi chính sách chiếm đóng (trái ngược với tuyên bố của họ về kế hoạch thành lập “Khu vực Đại Đông Á thịnh vượng chung”); lựa chọn “cộng tác - cộng trị” với thực dân Pháp như một chính sách phù hợp(4) nhằm đạt được các mục đích hữu hiệu, nhưng ít tốn kém, rằng: “Bằng cách này, phát - xít Nhật đã chiếm được Đông Dương khá dễ dàng, đồng thời họ còn có thể lợi dụng được bộ máy đàn áp, bóc lột mà thực dân Pháp đã xây dựng gần một thế kỷ ở Việt Nam”(5).
Tháng 3-1945, phát-xít Nhật thực hiện cuộc đảo chính, hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương; ngay sau sự kiện đó, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, từ đó phong trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, tháng 8-1945, Nhật Hoàng ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô và các nước đồng minh; trong khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim rệu rã, ô hợp, không còn đủ sức nắm quyền. Tin tức về việc Nhật đầu hàng nhanh chóng lan truyền trong khắp nhân dân, chớp thời cơ đó, Việt Minh nhanh chóng tổ chức những cuộc mít-tinh, biểu tình thị uy vũ trang, lôi cuốn hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền. Nghiên cứu và phân tích tình hình, các điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”(6); bởi nếu chậm trễ thì các nguy cơ cản trở xuất hiện, tình hình sẽ diễn biến rất phức tạp, khó lường(7).
Ngày 13-8-1945, Lệnh khởi nghĩa (quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa) được ban bố, ở thời điểm lịch sử đó, thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(8). Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã giành chính quyền thành công. Đây là bốn tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất; tại Hà Nội, ngày 19-8-1945, hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng dưới sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, lần lượt chiếm Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở Cảnh sát Trung ương, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh,... và đến tối cùng ngày cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đến trước ngày 30-8-1945, nhân dân hầu hết địa phương trong cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn (Sài Gòn, Huế,…) tiến hành chiếm các công sở, giành chính quyền về mình. Tại Tân Trào (huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang) đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng trong hai ngày 14 và 15-8-1945, thống nhất thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 30-8-1945, vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị, trao ấn kiếm cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chế độ quân chủ Việt Nam chấm dứt sự tồn tại.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày (từ ngày 13 đến ngày 28-8-1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Đây là sự kiện chứng minh “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(9). Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự nắm bắt thời cơ, cùng với khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám: Thắng lợi khởi nguồn từ kết tinh sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Trong thời đại cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin phân tích, giai cấp vô sản ở mỗi nước phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi cho cách mạng. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848, C. Mác và Ph. Ăngghen viết: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”(10); sau này, V.I. Lê-nin đã phát triển, bổ sung thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”(11). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lĩnh hội những quan điểm sâu sắc trong mối quan hệ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, Người chủ trương gắn chặt tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản theo định hướng “Vì nền hòa bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức”(12); đề cao kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bên cạnh nguyên tắc dựa vào nội lực, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(13), xác định cần tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của thế giới.
Nhìn lại thành công của Cách mạng Tháng Tám, có thể thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sớm đã chủ trương nâng cao sức mạnh nội sinh, chuẩn bị toàn diện cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền; các tài liệu chủ nghĩa Mác - Lê-nin bằng nhiều kênh được bí mật chuyển về nước và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là tầng lớp công nhân để tạo sự chuyển biến về chất của lực lượng cách mạng. Thông qua 3 đợt diễn tập, quần chúng được giác ngộ về chính trị, Đảng ta cũng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, trong tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, phát huy tinh thần phối hợp, đoàn kết quần chúng; mặt khác, khi nhận thấy tính ưu việt, khoa học, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, với thành quả mà cách mạng mang lại. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng - đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Trong 2 năm 1940 - 1941, nước ta nổ ra 3 cuộc khởi nghĩa vũ trang, là khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940) và binh biến Đô Lương (tháng 1-1941); tuy nhiên, các cuộc nổi dậy đều thất bại vì điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nhưng là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu thực hiện cuộc đấu tranh bằng vũ trang của các dân tộc Đông Dương.
Cùng với đó, Đảng ta công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của mình là tập hợp mọi lực lượng yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy cao độ tinh thần ái quốc của nhân dân, vận động các tầng lớp, giai cấp cùng tham gia cứu quốc. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng các đội du kích, sau này là đội Cứu quốc quân; thành lập đội tự vệ vũ trang để chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển; ngày 22-12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, đã lập ra “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.
Bên cạnh tăng cường sức mạnh dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sức mạnh thời đại; chủ động kết hợp phong trào yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc với phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới; cùng với nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, chủ nghĩa phát-xít, góp phần vào phong trào giải phóng dân tộc và gìn giữ hòa bình thế giới. Vì vậy, Việt Nam tận dụng sức mạnh của thời đại, thực hiện ngoại giao, phối hợp với các nước khác trong khu vực và thế giới, tiếp nhận và chia sẻ nguồn lực vật chất cũng như tinh thần trong cuộc kháng chiến vì chính nghĩa. Mặt khác, chủ trương trên cũng giúp đất nước nắm bắt thông tin mới về tình hình thế giới, khu vực và nhận được sự giúp đỡ, mặc dù còn hạn chế của phe Đồng Minh - điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh liên lạc khó khăn, nhất là khi Pháp và Nhật đóng cửa biên giới nhằm cô lập nước ta. Thực tế, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhanh chóng phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cơ sở nắm bắt thông tin, nhận định rõ tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, tác động thuận lợi đến cách mạng Đông Dương, là thời cơ “nghìn năm có một”: Nhật đầu hàng vô điều kiện, bộ máy cai trị của Pháp bị Nhật lật đổ, quân Đồng Minh chưa kịp đến, tại Đông Dương có một khoảng trống về chính trị, khí thế quần chúng đang sục sôi, sức mạnh dân tộc đã được hội tụ trong thời gian dài; sức mạnh thời đại đã được kết tinh,...
Cách mạng Tháng Tám đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát-xít Nhật gần 5 năm, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế; xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”(14). Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Kể từ đây, Việt Nam chính thức trở lại trên bản đồ thế giới với tư cách là một quốc gia độc lập, tự chủ, dân chủ, tiến bộ; các nước dân chủ, tiến bộ lần lượt công nhận, kết nối. Trước Cách mạng Tháng Tám “dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục…. Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển”(15). Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1945 - 1954) và đế quốc Mỹ (giai đoạn 1954 - 1975), các nước tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã ủng hộ Việt Nam cả về vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chính nghĩa đi đến thắng lợi cuối cùng.
Điều đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất; góp phần đánh đổ chủ nghĩa phát-xít, kiến tạo hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Đây cũng là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới và được thế giới ngợi ca, rằng với sự chiến đấu anh dũng, nhân dân Việt Nam đã tự đặt mình lên vị trí vẻ vang nhất trên thế giới(16). Cách mạng Tháng Tám trở thành tấm gương sáng đối với phong trào cách mạng thế giới, điểm tựa tinh thần, nguồn cổ vũ cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhất là đã “làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới… Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”(17). Mặt khác, chiến thắng vĩ đại này đã thể hiện tài năng, trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự tiếp nối và là thắng lợi tất yếu sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, qua đó, “chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”(18).
Vận dụng bài học kinh nghiệm, giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong xây dựng, phát triển đất nước hiện nay
Cách mạng Tháng Tám là kết tinh của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, thể hiện sự chuyển hóa sức mạnh quốc tế thành sức mạnh trong nước để góp phần chiến thắng kẻ thù xâm lược; để lại nhiều bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cho các thời kỳ cách mạng và cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta hiện nay, cụ thể:
Trước hết, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Ngay trong Cương lĩnh chính trị thành lập Đảng (năm 1930) đã khẳng định: Cách mạng Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới. Theo đó, Đảng ta đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa nhân tố chủ quan và khách quan, giữa phát huy ý chí tự lực, tự cường của dân tộc với hoàn cảnh quốc tế nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng và dân tộc để đi đến thành công. Sau này, trong đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), một lần nữa, Đảng ta chủ trương “dựa vào sức mình là chính”, không ỷ lại, dựa dẫm, phụ thuộc, trông chờ vào bên ngoài, nhưng luôn tranh thủ sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, phương pháp kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại càng được Đảng ta sử dụng linh hoạt và sáng tạo, phát huy trong sự gắn kết hữu cơ để tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chiến lược của đất nước.
Bối cảnh mới đang có những biến chuyển hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường; quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh; mỗi quốc gia không thể đứng riêng lẻ mà luôn chịu sự tác động đa dạng, nhiều chiều tình hình quốc tế. Bởi vậy, bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội sinh được hình thành từ sự lãnh đạo của Đảng ta, từ chủ nghĩa yêu nước, khả năng huy động sức người, sức của ở mức cao nhất phục vụ các mục tiêu phát triển; ý chí, tinh thần tư lực, tự cường, vì lương tâm thời đại và phẩm giá con người,... chúng ta phải bám sát, theo dõi chặt chẽ, nhận định kịp thời, chính xác tình hình thế giới và khu vực; có phương thức ứng xử và điều chỉnh linh hoạt, phù hợp.
Thực tế, sau khi giành được độc lập dân tộc, Việt Nam đã kiên trì thực hiện “chính sách ngoại giao cây tre”(19), từ một nước từng bị thực dân, đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột. Đến nay, nước ta thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có quan hệ đặc biệt với ba nước Lào, Cuba và Campuchia; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ô-xtrây-li-a), 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia trên thế giới, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế(20). Nhìn chung, thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh, chúng ta đang trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh trong khu vực và trên thế giới, khi mà “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(21).
Thứ hai, nhạy bén với thời cuộc, từ đó chuẩn bị điều kiện cần thiết, xác định thuận lợi và thách thức trong kết hợp các nhân tố bên trong với bên ngoài nhằm chớp lấy thời cơ đẩy mạnh xây dựng, phát triển đất nước. Thời cơ là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của cách mạng; ngày nay, Việt Nam bước vào quá trình hội nhập sâu rộng, do đo, phải luôn tận dụng thời cơ, vận hội, vượt qua thách thức. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết”(22). Theo đó, để có thể nắm bắt được thời cơ và cơ hội mà quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, cần coi trọng và vận dụng thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại để đổi mới phương pháp giáo dục - đào tạo, hội nhập quốc tế sâu, rộng… nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao.
Thứ ba, gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã khẳng định chân lý “dân là nước”; gìn giữ và khơi dậy truyền thống yêu nước của nhân dân là yếu tố quyết định, bởi lẽ: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”(23). Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc được hội tụ và kết tinh trong Cách mạng Tháng Tám, nơi những giá trị của tinh thần đoàn kết dân tộc, khắc phục khó khăn, cần cù sáng tạo, đồng tâm hiệp lực để đứng lên đấu tranh giành thắng lợi được phát huy; ở thời điểm khó khăn nhất, toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy tinh thần đoàn kết, nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền trong toàn quốc. Những giá trị đó hiện nay cần được tiếp tục khơi dậy và nhân lên gấp bội, khi một dân tộc đã đoàn kết một lòng thì sẽ làm được những điều to lớn, phi thường, hiện thực hóa được mọi mục tiêu đề ra; phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(24).
Thứ tư, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước khi Đảng ra đời, dân tộc Việt Nam đã trải qua chặng đường dài đấu tranh chống thực dân xâm lược, dù có nhiều phong trào diễn ra liên tục, nhưng đều thất bại vì thiếu đường lối cứu nước đúng đắn và giai cấp tiên phong lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cách mạng Việt Nam giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: thành công Cách mạng Tháng Tám “mang tầm thời đại”, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 “non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà”,... Sau ngày thống nhất đất nước, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nước Việt Nam đã vượt qua muôn nghìn chông gai, đạt được những thành tựu vượt bậc về mọi mặt, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Như vậy, phải kiên trì, bền bỉ trên con đường chủ nghĩa xã hội, kiên định ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với một niềm tin vững chãi: Con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ vinh quang, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, rằng “có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”(25). Mặt khác, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; thực hiện cơ chế vận hành tổng quát: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”(26) để người dân thực sự “là chủ” và “làm chủ”, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân./.
------------------------
(1) Trần Bá Đệ: Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến nay, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008, tr. 6
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 30
(3) Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(4) Xem: Takashi Shiraishi and Motoo Furuta: Indochine in the 1940s and 1950s (Tạm dịch: Đông Dương trong những năm 40 và 50), New York’s: Southeast Asia Program (Tạm dịch: Niu Oóc: Chương trình Đông Nam Á), Cornell University, 1992, volume 2, tr. 59
(5) Xem: Đỗ Mạnh Hùng: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Thừa Thiên Huế, 2016, tr. 46
(6) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 196
(7) Xem: Nguyễn Trọng Phúc: “Bài học về tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong Cách mạng Tháng Tám với xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 8-9-2015, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/70-nam-cach-mang-thang-tam-19-8-1945-19-8-2015-va-quoc-khanh-2-9-02-9-1945-02-9-2015-/-/2018/35093/bai-hoc-ve-tranh-thu-thoi-co%2C-day-lui-nguy-co-trong-cach-mang-thang-tam-voi-xay-dung%2C-bao-ve-dat-nuoc-hien-nay.aspx#
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 418
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 25
(10) C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 646
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 86
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 487
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 596
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 26
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 621
(16) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 622
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 26
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 180
(19) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 6
(20) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình trung cấp lý luận chính trị: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 109
(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(22) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 8
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 38
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 401
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 173
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX  (19/08/2024)
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Bảy mươi lăm năm xây dựng và phát triển
- Phát triển kinh tế số ở Trung Quốc và một số hàm ý chính sách
- Để dịch vụ logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới
- Chính trị xanh tại châu Âu: Nhận thức phát triển
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay