TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(1). Người cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định. “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2). Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Người về công tác cán bộ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng thời điểm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ ngành ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32_Nguồn: baoquocte.vn

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong suốt chiều dài của cách mạng, Đảng ta luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, chúng ta luôn luôn có những nhà ngoại giao, nhà hoạt động đối ngoại xuất sắc... Tuy nhiên, trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh - một thiên tài mẫu mực về hoạt động đối ngoại và ngoại giao đã có những định hướng, chỉ dẫn vô cùng quý báu để đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hiện nay học tập, làm theo. Người nhấn mạnh: Làm công tác ngoại giao, tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn là quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chứ không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà lịch sự(4); đồng thời, Người căn dặn đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao phải chăm học ngoại ngữ, phải xem được, nói được tiếng nước sở tại. Quan điểm, tư tưởng của Người về cán bộ làm công tác đối ngoại cho thấy: Thứ nhất, hiệu quả công việc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, không quá chú trọng về mặt hình thức, song luôn coi trọng về mặt nội dung, từ đó tạo ra ấn tượng, để lại những điểm nhấn trong quan hệ đối ngoại, khiến đối phương tâm phục, khẩu phục. Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải hiểu được lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của nước sở tại, mới tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của họ. Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải thông thạo ngoại ngữ, không chỉ nói được một thứ tiếng, mà còn nói được nhiều thứ tiếng khác nhau, để khi tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế có thể bày tỏ, truyền tải được suy nghĩ, quan điểm về một lĩnh vực, hoạt động trong đời sống xã hội.

Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác đối ngoại, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể ở từng giai đoạn lịch sử, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại là một đội ngũ đặc biệt: tin cậy về phẩm chất, nhạy bén về thời thế, sâu sắc về chiến lược, khôn khéo trong đàm phán và tinh tế trong ứng xử”(5). Cán bộ làm công tác đối ngoại là người đại diện cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến các nước thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội khác nhau. Là những người “mang chuông đi đánh xứ người” nên sự am hiểu, tinh thông mọi lĩnh vực và khả năng diễn thuyết của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công trong quan hệ hợp tác, phát triển của Việt Nam với các đối tác. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là “công việc rất khó khăn, vất vả, đòi hỏi những phẩm chất đặc biệt của người làm công tác đối ngoại, ngoại giao”(6); thế nhưng, “chúng ta luôn luôn có những nhà ngoại giao, nhà hoạt động đối ngoại xuất sắc, những con người đã trở thành tấm gương của mọi thế hệ... được bạn bè quốc tế ghi nhận, nể trọng”(7).

Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, ở xa sự quản lý trực tiếp của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, việc tự đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, tự quản lý, tự rèn luyện là yếu tố hết sức quan trọng, đòi hỏi có bản lĩnh chính trị vững vàng để không dao động, ngả nghiêng, không bị lôi kéo và mua chuộc trước những lợi ích vật chất của các thế lực thù địch, phản động. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực”(8). Thực tiễn cho thấy, nhờ nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã để lại những dấu ấn sâu đậm về phong cách ngoại giao Việt Nam. Đó là phong cách ngoại giao như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam(9).

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại về cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sở trường, thế mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Mỗi chặng đường, bước đi của cách mạng Việt Nam đều ghi nhận những cống hiến, đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Đặc biệt, những thành tựu của đất nước đạt được sau gần 40 năm đổi mới là minh chứng rõ nét về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, Đảng ta đã ban hành những nghị quyết chuyên đề về công tác đối ngoại trong tình hình mới, như Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20-5-1988, của Bộ Chính trị, “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 34-NQ/TW, ngày 9-1-2023, “Về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”... Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng hiệu quả trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay đặt ra của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay được thừa hưởng những truyền thống, kinh nghiệm vô cùng quý báu mà các thế hệ trước để lại; được tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo và công tác. Mặt bằng chung về học vấn và trình độ chuyên môn... rất cao..., được đồng nghiệp và bạn bè quốc tế đánh giá cao”(10). Đội ngũ cán bộ đối ngoại luôn được tôi luyện qua nhiều môi trường khác nhau, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tích cực, chủ động tham mưu, góp ý cho Đảng, Nhà nước nhiều nội dung quan trọng có liên quan đến chính sách đối ngoại, ngoại giao trong thời kỳ mới. Trong ký kết những hiệp định, cán bộ đối ngoại luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”(11). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và đối tượng hay đối tác”(12).

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Đơn cử như, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1960/QĐ-TTg, ngày 1-12-2020, phê duyệt đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao các nước trên thế giới tổ chức những buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác ngoại giao; đồng thời, mời các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam làm việc ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp ngoại giao cho các địa phương. Những thành công của Việt Nam đạt được trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại, góp phần làm cho bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng sinh động, có sức hấp dẫn cao với các nước trong khu vực và thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và trình độ chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ ta, luôn đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn cháy bỏng khát khao cống hiến và phục vụ(13). Do đó, trong những năm qua, quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước trên thế giới ngày càng gia tăng, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện(14).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng còn một số hạn chế. Một số cán bộ đối ngoại, ngoại giao chưa có bản lĩnh chính trị vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lợi ích nhóm”, vi phạm những điều đảng viên không được làm; chưa chấp hành nghiêm những quy định của Đảng, nói không đi đôi với làm, chưa có dũng khí đấu tranh với hiện tượng tham nhũng, tiêu cực và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động cả ở trong nước và ngoài nước xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; chưa thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” về nhận thức, hành động để phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao của đất nước. Đặc biệt, “đây đó vẫn còn tình trạng làm việc cầm chừng, ngại đọc, ngại đi sâu nghiên cứu, một số không theo kịp mặt bằng chung của khu vực về ngoại ngữ, nghiệp vụ. Tình trạng chủ quan, mất cảnh giác, phai nhạt lý tưởng vẫn còn xảy ra”(15).

Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; thời cơ, vận hội đan xen với nguy cơ, thách thức. Mặc dù trong nước đạt được nhiều thành tựu to lớn sau gần 40 năm đổi mới, song đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “hoạt động đối ngoại cần phải là một phương thuốc hòa bình hữu hiệu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp”(16). Cùng với đó, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu thế giới, đặt ra cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước(17).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng_Nguồn: baochinhphu.vn

Một số biện pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một là, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Đây là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hiện nay. Theo đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nắm chắc tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc và phương châm của hoạt động đối ngoại trong quá trình công tác; nắm chắc mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao, trên cơ sở đó đề ra biện pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn ở mỗi khu vực, mỗi nước. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại rất thiết thực, cụ thể, mang tính đặc thù của ngành, đó là: “Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta là: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh “từ sớm, từ xa”(18). Hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải tiên phong, đi đầu trong kết nối, bắc cầu, từ đó tạo ra cơ hội, triển vọng mới trong quan hệ song phương, đa phương ổn định với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cũng cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoạt động đối ngoại, ngoại giao, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia - dân tộc, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động; đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa, bởi lẽ đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện cho văn hóa của dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác. Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là Đất nước, là Nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược”(19).

Hai là, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất và năng lực làm việc đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khá nhiều đến vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phong cách, phương pháp làm việc, có năng lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới”(20). Với tinh thần này, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại phải thường xuyên trau dồi về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, phương pháp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong công việc, cuộc sống, không ham danh vọng, tiền tài, địa vị, không để kẻ xấu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm những việc bất chính, không có lợi cho nhân dân, đất nước. Luôn biết “giữ mình” ở mọi lúc, mọi nơi để không bị choáng ngợp, dao động trước những dụ dỗ, mua chuộc tinh vi, khôn khéo của các thế lực xấu; từ đó, bình tĩnh xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công việc, cuộc sống một cách tốt nhất theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nếu đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao không tự rèn luyện, đặt mình vào tổ chức thì rất dễ bị sa ngã trước cám dỗ của mặt trái nền kinh tế thị trường, cũng như những tiêu cực xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao phải được thể hiện ở tinh thần “bảy dám” theo đường lối, quan điểm của Đảng. Bởi “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(21). Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “cán bộ đối ngoại, ngoại giao còn phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích quốc gia - dân tộc, có kỹ năng ngoại giao hiện đại và phong cách ứng xử liên văn hóa”(22). Đó chính là tinh thần, ý chí mạnh mẽ, quyết đoán hành động vì tập thể; không đắn đo, do dự vì sự trường tồn, phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Ba là, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là biện pháp có vai trò quan trọng, định hướng xuyên suốt hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hiện nay. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, khái quát những tư tưởng cơ bản của Người về hoạt động đối ngoại, ngoại giao. Với thiên tài bẩm sinh, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đa dạng, Người đã để lại hệ thống di sản về quan điểm, đường lối đối ngoại, ngoại giao độc đáo khiến thế giới kính trọng, nể phục. Đó là tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”... Quán triệt tư tưởng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Hơn ai hết, cán bộ ngoại giao phải học và làm việc theo gương Bác Hồ, một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách. Học Bác để rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân”(23). Theo đó, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần dành thời gian nghiên cứu quan điểm, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, để thấm thía từng câu, từng chữ những lời dạy, chỉ bảo, định hướng cán bộ ngoại giao của Người; chuyển hóa thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong công việc, cuộc sống, không tự bằng lòng, thỏa mãn với trình độ, năng lực hiện có, thường xuyên, tự giác tự học tập, lấy tự học làm “cốt” để bổ sung vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết các vấn đề lịch sử, xã hội của đất nước, thế giới đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ công việc đòi hỏi. Xây dựng kế hoạch học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách toàn diện, đầy đủ, trong đó chú trọng đến phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đó là phong cách bình tĩnh, điềm đạm, chủ động trong mọi tình huống, sự việc; suy nghĩ kỹ, nhìn rộng mọi vấn đề; giản dị, gần gũi, chân thành, lịch thiệp.

Bốn là, quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại, để vừa tạo động lực, nguồn nhân sự kế cận, bổ sung cho Đảng, vừa góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng hiện nay. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra thực trạng của công tác đào tạo cán bộ đối ngoại, ngoại giao và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đó là: “Công tác đào tạo cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế còn chưa ngang tầm với những yêu cầu thực tiễn đặt ra”(24); “phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực để làm việc tại các tổ chức quốc tế và khu vực, các cơ quan trọng tài, tư vấn quốc tế. Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực trọng yếu”(25). Với tinh thần này, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, địa phương cần tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, tạo nguồn cán bộ phù hợp, hiệu quả, bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ cán bộ. Lựa chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, có mục đích, động cơ phấn đấu tốt, được đồng chí, đồng đội quý mến, có khả năng phát triển đưa vào kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ đối ngoại đáp ứng được sự vận động, biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực. Lựa chọn báo cáo viên, giảng viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao có thâm niên công tác lâu năm. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ làm công tác đối ngoại ở các cơ quan, địa phương. Có cơ chế, chính sách linh hoạt, sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ được cử đi tạo nguồn, bồi dưỡng; tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương và các bộ ngoại giao, tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “các cấp ủy và tổ chức đảng, các cơ quan chính quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn; các ngành, các cấp phối hợp nhịp nhàng hơn trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ làm công tác đối ngoại, để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ quan trọng và ngày càng phức tạp đang đặt ra đối với ngành ngoại giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”(26).

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao là nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được tiến hành thường xuyên, liên tục với các phương thức giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện khác nhau. Việc quán triệt quan điểm, tư tưởng về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những định hướng quan trọng giúp các cơ quan, địa phương lựa chọn được cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”..., góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”(27)./.

--------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 528
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309
(3) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 172
(4) Xem: Vụ Hợp tác kinh tế đa phương - Bộ Ngoại giao: “Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Ngoại giao Việt Nam”, Bộ Nội vụ, ngày 16-9-2015, https://moha.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=22D48E3E00E317DB107E3706F225B1CE22F006B7C704FC8B6894F6ABCA85660A&ItemID=50466&webP=portal
(5), (6), (7) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 54 - 55, 54, 172
(8), (9), (10) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 173, 56, 172
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51
(12) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 47
(13), (14) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tạp chí Cộng sản, số 1028 (tháng 12-2023), tr. 12, 10 - 11
(15), (16) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 104 - 105, 124
(17), (18), (19) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 164, 97, 173
(20) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 54
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 356
(22), (23) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 55, 123
(24), (25), (26) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 37, 55, 86 - 87
(27) Nguyễn Phú Trọng: “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tlđd, tr. 14