Nhận định của các học giả và tướng lĩnh nước ngoài về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972

TS. Trương Mai Hương- Nguyễn Trung Thông
Đại tá, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng - Thượng tá, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
16:07, ngày 29-12-2022

TCCS - Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng âm hưởng của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn vang vọng mãi, là chủ đề thu hút sự quan tâm sâu sắc của các học giả và tướng lĩnh nước ngoài.

Chiến thắng “Hà Nôi - Điện Biên Phủ trên không” trong “con mắt” của các học giả và tướng lĩnh nước ngoài

Tháng 12-1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn vô thời hạn Hội nghị Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc Việt Nam, với trọng điểm tấn công là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 18-12-1972 và kết thúc vào ngày 29-12-1972. Phía Mỹ gọi trận không kích ở Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm ấy là Chiến dịch Linebacker II hay Chiến dịch ném bom lễ Giáng sinh (1) nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc Việt Nam phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ hòng ngăn chặn, hạn chế sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, làm tê liệt ý chí chiến đấu, suy giảm thế và lực của quân đội Việt Nam trên chiến trường. Đây là cuộc tập kích bằng đường không với sự huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với hầu hết số lượng máy bay ném bom chiến lược B-52 hiện có, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” của không lực Mỹ, cùng hàng trăm máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại nhất.

Xác máy bay ném bom B-52 bị tên lửa của Tiểu đoàn 72, Sư đoàn 361 bắn rơi tại phố Hoàng Hoa Thám (thành phố Hà Nội) đêm 27-12-1972_Ảnh: TTXVN

Âm mưu của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó. Đại tá, Tiến sĩ Alexander Malgin, Giáo sư Viện Hàn lâm quân sự, Giảng viên Viện Khoa học Phòng thủ hàng không vũ trụ Liên bang Nga và Đại tá, Tiến sĩ Mikhain Malgin, chuyên viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học quân sự Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã đưa ra những thông số mang tính chiến thuật để khẳng định rằng, lực lượng không quân Mỹ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước cho cuộc chiến. Từ ngày 3-9-1972, biên chế tác chiến của lực lượng không quân Mỹ ở khu vực Đông Nam Á đã được tăng cường gấp ba lần, lực lượng không quân, hải quân được tăng cường gấp 1,5 lần. Cũng từ tháng 3-1972, lực lượng không quân Mỹ đã tăng cường tần suất không kích các mục tiêu, kể cả mục tiêu dân sự trên địa bàn miền Bắc Việt Nam (2).

Lý do mà phía Mỹ đưa ra để biện minh cho việc triển khai chiến dịch không kích điên cuồng ở Hà Nội, Hải Phòng là “nhằm buộc miền Bắc Việt Nam phải quay lại bàn đàm phán” (3). Thế nhưng, trên thực tế, Mỹ muốn đánh một đòn phủ đầu để bảo đảm “thế thượng phong” của họ trên bàn đàm phán, buộc chính quyền cách mạng Việt Nam phải chấp nhận các điều khoản của Mỹ nhằm kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế thắng. Để thực hiện âm mưu này, Mỹ đã triển khai một số lượng lớn máy bay ném bom chiến thuật B-52 - loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó - cùng các loại máy bay hỗ trợ và phương tiện chiến đấu khác. Chính vì sự huy động lực lượng mạnh mẽ này, Chiến dịch Linebacker II được xem là chiến dịch ném bom lớn nhất mà Mỹ từng triển khai kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (4). Do đó, khi viết về sự mở đầu cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội và Hải Phòng, tác giả Joseph Amter trong cuốn sách “Lời phán quyết về Việt Nam” nhấn mạnh: “Ngay tức khắc Nixon ra lệnh các cuộc tấn công không quân lớn nhất của cuộc chiến tranh vào Hà Nội, Hải Phòng. Alexander Henger nói rõ là: “Con người đó (Nixon) sẽ bất chấp tất cả và nối lại việc ném bom và cho B-52 đến đấy để cho họ thấy rằng chúng ta đã nói là làm”” (5).

Theo đúng kế hoạch đề ra, tối 18-12-1972, cuộc tập kích chiến lược bằng không quân Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng bắt đầu diễn ra. Ngay từ đêm đầu tiên của chiến dịch, quân và dân Việt Nam đã chủ động giáng cho đối phương đòn phủ đầu thích đáng, bắn rơi 3 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ; hạ 5 máy bay chiến thuật, bắt nhiều giặc lái, bước đầu thực hiện được mục tiêu đầu tiên đặt ra của chiến dịch phòng không là bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Chiến thắng mở màn này là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với quân và dân Việt Nam nói chung và đối với lực lượng phòng không chiến dịch nói riêng trong các trận chiến đấu tiếp sau (6). Sau chiến công này, ngày 19-12-1972, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra bức Điện số 592 gửi các khu, thành, tỉnh ủy “Về công tác chiến đấu và phòng không nhân dân”, trong đó nêu rõ: “Đêm qua, giặc Mỹ đã dùng máy bay chiến thuật và máy bay B-52 đánh ba đợt lớn ở tám tỉnh, thành trên vĩ tuyến 20, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh” (7). Trước tình hình diễn biến nhanh chóng như vậy, Ban Bí thư yêu cầu: “Các địa phương cần thực hiện nghiêm ngặt công tác chiến đấu và phòng không nhân dân” (8).

Về phía Mỹ, ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch, các nhà chỉ huy cuộc tập kích chiến lược đã bị choáng váng, phi công Mỹ tinh thần hoang mang, lo sợ, nghi ngờ về khả năng “bất khả chiến bại” của lực lượng ném bom chiến lược B-52. Sự ngông cuồng chủ quan ban đầu bị tiêu tan, khiến Mỹ buộc phải nghiên cứu, đánh giá lại tình hình. Trong cuốn “The Vietnam War”, các nhà nghiên cứu chỉ rõ, chính quyền Nixon lại rêu rao rằng, trận đánh bom này đã gây thiệt hại nặng nề đối với các mục tiêu quân sự của Việt Nam (9). Giáo sư sử học người Mỹ Weldon A. Brown mô tả: “Trong 12 ngày đêm liên tục, Mỹ đã tiến hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá của trận chiến này đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc ném bom trong suốt cả cuộc chiến tranh từ trước đó cho tới lúc bấy giờ” (10).

Tuy nhiên, cuộc tập kích đường không quy mô và tàn bạo này đã không khuất phục được quân và dân Việt Nam. Với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, quân và dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội phòng không - không quân phát huy cao độ vai trò nòng cốt trong cuộc đối đầu, thử thách chưa từng có trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Kết quả, sau 12 ngày đêm chiến đấu đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược (11), làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có một không hai trong lịch sử.

Cho đến nay, có ngày càng nhiều ý kiến từ các học giả nước ngoài cho rằng, Mỹ đã thất bại hoặc chí ít đã không đạt được các mục tiêu đề ra khi tiến hành triển khai chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam. Phía Mỹ luôn tự hào cho rằng B-52 là “pháo đài bay” bất khả chiến bại và việc đưa máy bay B-52 vào không kích các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng trong trận chiến 12 ngày đêm sẽ khiến miền Bắc Việt Nam phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, từ đó sẽ nhượng bộ Mỹ trên bàn đàm phán với những điều khoản có lợi cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Ông Marshall Michael - chuyên gia nghiên cứu về Chiến dịch Linebacker II trong lịch sử không quân Mỹ - nhận định: “Sau này hai phía mới chỉ dừng ở việc cùng công nhận rằng Linebacker II là trận đấu quan trọng quyết định cục diện chiến tranh. Đối với người Mỹ, Hiệp định Hòa bình Paris đã giúp Tổng thống R. Nixon hoàn thành mục tiêu đưa tù binh về nước và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà vẫn thực hiện cam kết làm chỗ dựa cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Người Việt Nam lại cho rằng chiến dịch ném bom của Mỹ là nhằm mục đích buộc họ khuất phục và rút quân khỏi miền Nam. Vậy nên khi bản Hiệp định cho phép họ vẫn được giữ quân ở miền Nam, người Việt Nam cho rằng chiến dịch Linebacker II đã thất bại và niềm tin này càng được củng cố khi quân đội của họ trú quân ở phía Nam tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, thống nhất đất nước vào năm 1975. Nhưng để hiểu một cách tường tận sự khác biệt quan điểm này, tôi đã phải ghi nhận cách hiểu của người Việt Nam rằng, Chiến dịch Linebacker II đơn giản chỉ là một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập. Bằng chứng cho thắng lợi đó là việc họ đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước” (12).

Như vậy, điều rõ ràng rằng, Mỹ đã không thể có một chiến thắng trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Nhà nghiên cứu Dale Walton nhận định về thất bại của chính quyền Mỹ trong Chiến dịch Linebacker II như sau: “Chiến dịch Linebacker II không đơn giản chỉ là một chiến dịch ít tốn kém đối với phía Mỹ. Trong ba đêm đầu tiên của chiến dịch này, Mỹ đã mất tới 9 máy bay B-52” (13). Tương tự với ý kiến của Dale Walton, tác giả Geoffrey Perret cũng đưa ra nhận xét về chiến thắng của quân và dân Việt Nam. Ông cho rằng trên bàn đàm phán năm 1973, Tổng thống R. Nixon cuối cùng cũng phải thuận theo những yêu cầu của chính quyền cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, phía Mỹ phải thừa nhận rằng quân và dân miền Bắc Việt Nam đã “đánh bại chiến dịch Linebacker II” (14).

Về số lượng thương vong của máy bay, trong bài viết “The B.52: The Phoenix that never was”, tác giả John. L. Frisbee mô tả: “Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, tổn thất máy bay ném bom bị phòng không hay máy bay chiến đấu bị địch bắn hạ tại hai chiến trường chính yếu được ước tính trung bình là cứ 64 máy bay xuất kích thì có 1 chiếc bị bắn hạ và lúc ấy cũng chưa có tên lửa SAM hữu hiệu. Trái lại, trên không phận Hà Nội và Hải Phòng cứ 49 máy bay xuất kích thì lại có một máy bay B-52 bị tên lửa SAM bắn hạ” (15). Cựu Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ George J. Eade trong bài trả lời phỏng vấn trên Tạp chí không quân Mỹ đã nói rằng: “Miền Bắc Việt Nam rõ ràng là có nhiều kinh nghiệm bắn tên lửa SAM cũng như các loại súng phòng không khác. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện máy bay từ các đài điều khiển mặt đất… Không quân Mỹ đã tiến hành chiến tranh điện tử trên quy mô lớn, nhưng các máy bay vẫn tỏ ra dễ bị tổn thương… Miền Bắc Việt Nam đã bắn hạ hàng chục máy bay B-52 bằng cách ngắm bắn bằng mắt thường” (16).

Nhà sử học, Tiến sĩ John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ An ninh quốc gia Mỹ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến quân đội Mỹ phải thất bại trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam, như “Miền Bắc Việt Nam đã đánh giá một cách hợp lý về những hành động mà người Mỹ có thể thực hiện. Họ đã chuẩn bị phòng thủ khu vực Hà Nội và tiến hành sơ tán dân thường, góp phần hạn chế thương vong. Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã luyện tập kỹ lưỡng với tình huống Mỹ có thể sẽ đánh phá khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, hệ thống phòng không của miền Bắc khá mạnh vào thời điểm đó và ứng phó hiệu quả với máy bay Mỹ. Về phía Mỹ, họ đã không xây dựng được một kế hoạch thấu đáo, không tính toán được khả năng phòng thủ mạnh đến như vậy của miền Bắc Việt Nam. Một vấn đề nữa là ngoài việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay thì phía Mỹ còn để đối phương dễ đoán được ý đồ khi không thay đổi phương thức tấn công trong các vụ oanh kích” (17).

Trung tướng Victor Ivanovich Filippov - cựu chuyên gia quân sự Liên Xô công tác tại Hà Hội năm 1972 - khẳng định yếu tố quyết định làm nên chiến thắng chính là nhân dân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đất nước mình: “Thứ nhất, dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và quân đội Mỹ đã không rút ra được các bài học khi vẫn âm mưu khuất phục ý chí quật cường của dân tộc các bạn bằng bom đạn; thứ hai, cuộc đấu tranh của các bạn là chiến đấu vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, còn cuộc chiến của Mỹ là cuộc chiến xâm lược; thứ ba, nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc của mình và sự nghiệp chính nghĩa ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới cũng như ở Mỹ. Việt Nam đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến tranh giành độc lập” (18).

Trong cuốn “Encyclopedia of the Vietnam War”, các tác giả viết: “Năm 1972, bom Mỹ ném xuống miền Bắc Việt Nam với số lượng lớn hơn nhiều so với thời gian từ năm 1965 đến năm 1968. Chỉ tính đến hậu quả trong trận ném bom tháng 12 đã có tới 40.000 tấn bom xuống Hà Nội và 15.000 tấn bom xuống Hải Phòng. Do có sự chuẩn bị từ trước và tài mưu lược của các vị lãnh đạo nên chỉ khoảng 1.600 người bị chết và vài ngàn người bị thương” (19). Giáo sư Guenter Lewi trong cuốn “Mỹ ở Việt Nam” xuất bản năm 1978, khẳng định: “Chiến dịch Linebacker II không thể vắt ra được những nhượng bộ quyết định nào của miền Bắc Việt Nam” (20).

Ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Mặc dù chịu nhiều tổn thất do chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra, nhưng trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm vào cuối năm 1972, Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn, toàn diện trên mặt trận quân sự, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân về nước. Hơn nữa, chiến thắng này đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thể hiện ý nguyện thống nhất non sông của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện dự báo chính xác của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế trận ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ; từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta sẵn sàng quyết chiến, quyết thắng, hạ gục B-52 của Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội. Với ý nghĩa đó, nhà nghiên cứu E. Tinpho khẳng định: “Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại bởi vì đối phương đã đề ra chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng hơn, coi như một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự… Chiến lược hòa hợp với lịch sử và văn hóa Việt Nam… đã loại bỏ những lợi thế và làm tê liệt không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ” (21).

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chiến tranh nhân dân; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ. Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam “mưu trí, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân, tổ chức hiệp đồng chiến đấu, tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới; đem lại lòng tin cho hàng triệu người trên trái đất đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Bảo tàng Chiến thắng B-52 là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ_Nguồn: quocphongthudo.vn

Về ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhiều nhà nghiên cứu và học giả nước ngoài đều có chung nhận định, chiến thắng này đã góp phần quyết định vào việc buộc Mỹ phải ký Hiệp định Hòa bình Paris với những điều kiện mà Việt Nam đưa ra. Và xa hơn, đây chính là bước ngoặt lịch sử để đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Nhà nghiên cứu Việt Nam học người Nga Evghenhi Kobelev nhận định: “Tôi phải nói rằng, ai đó đã gọi rất đúng trận đánh trên bầu trời Hà Nội tháng 12 năm ấy là “Điện Biên phủ trên không”. Qua quá trình nghiên cứu, tôi thấy năm 1954 cũng diễn ra cuộc đàm phán hòa bình Geneve và Hiệp định hòa bình đó cũng chỉ được ký kết khi quân Pháp thua trong trận Điện Biên Phủ” (22). Học giả Việt Nam học Anatoly Voronin khẳng định, một ý nghĩa lịch sử quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu đã ví “Điện Biên phủ trên không” của Việt Nam là trận Stalingrad của Liên Xô, ông nhận xét: “Điều này rất dễ hiểu, là bởi vì lúc đó cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang rất ác liệt và dường như đồng chí muốn có dịp học hỏi các chiến sĩ Liên Xô về kinh nghiệm chiến đấu đánh tan phát-xít Đức vào năm 1945, trong đó trận Stalingrad đóng một vai trò quyết định” (23). Bằng tinh thần quả cảm, nhân dân Việt Nam đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ, đứng về phía cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ông A. Varonin nhận định: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành tâm điểm chính trị mà cả thế giới quan tâm. Thời đó có nhiều tiếng nói đã ủng hộ Việt Nam và chống Mỹ mạnh mẽ. Người đồng nghiệp của tôi là ông E. Kobelev đã viết cuốn sách “Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi”, trong đó thể hiện rất chân thực tâm trạng và tình cảm của nhân dân trên toàn thế giới cũng như nhân dân Mỹ hướng về và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Và cũng từ đó mà ở Mỹ đã dấy lên phong trào chính trị đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Họ lên án rằng, việc Mỹ đem bom hủy diệt Hà Nội, Việt Nam là một hành động phi nghĩa” (24).

Đồng chí Kị-kẹo Khay-khăm-pi-thun, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào đã rất cảm phục và ngưỡng mộ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và cho rằng, chiến thắng chính là biểu tượng sinh động về trí tuệ, tài thao lược của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chiến thắng này đã tạo thêm niềm tin cho quân và dân nước bạn Lào anh em vững tin tiến tới giành lại non sông đất nước vào tháng 12-1975.

Cho đến nay, chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 mặc dù đã được làm rõ dưới nhiều chiều cạnh khác nhau, nhưng sự đánh giá của các học giả và tướng lĩnh nước ngoài về chiến thắng này đã cung cấp thêm một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không có một không hai này của đế quốc Mỹ. Đồng thời, những nhận xét, đánh giá của các học giả và tướng lĩnh nước ngoài cũng cho thấy được quyết định liều lĩnh, sai lầm của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Và những thất bại trong cuộc tập kích chiến lược đường không năm 1972 trên bầu trời miền Bắc là minh chứng rõ nét cho những sai lầm đó./.

------------------------------------

(1) William Hamilton: Formula for Failure in Vietnam: The Folly of Limited Warfare (Tạm dịch: Công thức cho sự thất bại ở Việt Nam: Lỗ hổng giới hạn của chiến tranh), McFarland & Company, Inc, Publishers, US, 2020, tr. 135
(2), (18), (22), (23), (24) Nguyễn Nhâm: “Kỳ tích Điện Biên Phủ trên không: Sự ngợi ca của thế giới”, Báo điện tử Dân trí, ngày 21-12-2017, https://dantri.com.vn/the-gioi/ky-tich-dien-bien-phu-tren-khong-su-ngoi-ca-cua-the-gioi-201712210822557.htm
(3) Spencer C. Tucker: The encyclopedia of the Vietnam war: A political, social and military history (second edition) (Tạm dịch: Bách khoa toàn thư về chiến tranh Việt Nam: Lịch sử chính trị, xã hội và quân sự (tái bản lần thứ hai)), ABC-CLIO Publisher, US, 2011, tr. 661
(4) B Chance Saltzman - Thomas R Searle: Introduction to the United States Air Force, CreateSpace Independent Publishing Platform, United States, 2012, tr. 75
(5) Joseph A. Amter: Lời phát quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 422 - 423
(6) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 384
(7) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 33, tr. 413
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 33, tr. 413 - 414
(9) John S. Bowman: The Vietnam War (Tạm dịch: Chiến tranh Việt Nam), Mallard Books, USA, 1989, tr. 208
(10) Phát biểu của Giáo sư sử học Weldon A. Brown về trận Điện Biên Phủ trên không, Đặc san “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lưu Thư viện Quân đội, tr. 26
(11) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Sđd, tr. 395
(12) Marshall Michael: “The Christmas Bombing” (Tạm dịch: Đánh bom lễ Giáng sinh), tháng 1-2001, https://www.smithsonianmag.com/air-space-magazine/the-christmas-bombing-1813815/
(13) C. Dale Walton: The Myth of Inevitable US Defeat in Vietnam (Tạm dịch: Huyền thoại về sự thất bại tất yếu của Mỹ tại Việt Nam), Frank Cass Publishers, London, 2002, tr. 120
(14) Geoffrey Perret: Commander in Chief: How Truman, Johnson, and Bush Turned a Presidential Power into a Threat to America's Future (Tạm dịch: Tổng Tư lệnh: Làm thế nào Truman, Johnson và Bush biến quyền lực của tổng thống trở thành mối đe dọa đối với tương lai của nước Mỹ), Farrar, Straus and Giroux, New York, 2007, tr. 296
(15) John. L. Frisbee: The B52: The Phoenix that never was (Tạm dịch: Máy bay B-52: Con phượng hoàng thép chưa từng có trong lịch sử), Air Force Magazine, tháng 2-1973, tr. 5
(16) Bài trả lời phòng vấn của G. I-dơ, cựu Phó Tham mưu trưởng không quân Mỹ trên Tạp chí Không quân Mỹ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12, 1997, tr. 108
(17) Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Nga: “Dư luận thế giới về trận Điện Biên Phủ trên không”, Trang thông tin điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 29-12-2012, https://vovworld.vn/vi-VN/chien-thang-dien-bien-phu-tren-khong/du-luan-the-gioi-ve-tran-dien-bien-phu-tren-khong-127840.vov
(19) Stanley I. Kutler: Encyclopedia of the Vietnam War (Tạm dịch: Bách khoa toàn thư về chiến tranh Việt Nam), Simon & Schuster, New York, 1996, tr. 370
(20) Lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t. 3, tr. 239
(21) E.Tinpho: “Gió ngang: Những điều không thể thiếu về mặt văn hóa của chiến tranh đường không”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12, 1997, tr. 107