TCCS - Sau thời gian triển khai thực hiện chủ trương xây dựng công an xã chính quy tại địa bàn cơ sở, tình hình an ninh trật trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt. Công tác phục vụ nhân dân, tiếp nhận các nguồn tin báo, giải quyết các vụ việc kịp thời và hiệu quả của lực lượng công an chính quy được chính quyền và nhân dân ở cơ sở đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Công an xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính_Ảnh: hanoimoi.com.vn

Phát huy hiệu lực, hiệu quả của công an xã chính quy tại địa bàn cơ sở

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương xây dựng công an xã chính quy trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được Công an thành phố Hà Nội, quan tâm chỉ đạo. Để phát huy hiệu lực, hiệu quả của lực lượng công an xã chính quy tại địa bàn thành phố Hà Nội, Công an thành phố đã đề ra những mục tiêu cụ thể, như:

Một là, phải quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Đảng ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về xây dựng công an xã chính quy, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm, tình hình của thành phố Hà Nội để đạt được kết quả cao nhất, trong việc bố trí công an xã chính quy. Bên cạnh sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương phải huy động được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo mạnh mẽ của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, sự vào cuộc giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể.

Hai là, phải hoàn thiện thể chế nhằm củng cố và tăng cường vị trí pháp lý, vai trò của công an xã chính quy trong hệ thống chính trị ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng công an xã chính quy; chuẩn hóa các mặt công tác của công an xã.

Ba là, sử dụng hiệu quả nhất đội ngũ cán bộ biên chế công an xã chính quy; tăng cường sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài công an thành phố; vừa phát huy nội lực, vừa tích cực, chủ động huy động sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố các cấp, mở rộng các nguồn kinh phí, đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật, phương tiện cho công an xã chính quy.

Để đạt được các mục tiêu đó, tháng 8-2020, Công an thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch sơ kết về bố trí công an xã chính quy tiến hành từ dưới lên, đánh giá một cách toàn diện, thực chất. Trên cơ sở đó, cùng với việc triển khai thực hiện các quy định của Bộ Công an, Công an thành phố đã ban hành kế hoạch tổng thể đẩy mạnh xây dựng công an xã chính quy với 10 nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để tập trung, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo.

Về tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và cấp ủy các cấp đối với công tác xây dựng công an xã chính quy, Công an thành phố đã tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí công an xã chính quy; bên cạnh đó, Công an thành phố đã giao công an các huyện, thị xã tích cực tham mưu huyện ủy, thị ủy quan tâm chỉ đạo sát sao; qua đó huy động cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố vào cuộc.

Về công tác lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an thành phố, ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Công an thành phố lần thứ 28 đã ban hành nghị quyết và chương trình hành động trong đó xác định xây dựng công an xã chính quy là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Công an thành phố của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Công an thành phố luôn trú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xác định rõ sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bố trí và các hoạt động của công an xã chính quy, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền cơ sở và nhân dân. Cùng với đó, Công an thành phố triển khai các giải pháp bảo đảm biên chế cho công an xã. Đến nay, Công an thành phố đã điều động, bố trí tổng số 2.577 cán bộ công an xã (trung bình mỗi xã có 7 cán bộ công an). 

Công an thành phố đề ra các giải pháp sử dụng có hiệu quả biên chế công an xã, như triển khai mô hình cụm công an xã, thị trấn (mỗi cụm từ 3 đến 5 công an xã, thị trấn giáp ranh và từng cụm đều có quy chế hoạt động cụ thể theo quy chế khung do Công an thành phố ban hành) nhằm tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác bảo đảm an ninh trật tự giữa công an các xã, thị trấn giáp ranh; Công an thành phố đã tổ chức rà soát, xây dựng tiêu chí, xác định tính chất, mức độ phức tạp về an ninh, trật tự các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, trên từng lĩnh vực đã ban hành khung bố trí cán bộ đối với công an các xã, thị trấn.

Với phương châm “cần gì thì bồi dưỡng nấy”, Công an thành phố đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.531 cán bộ công an xã chính quy, đặc biệt chú trọng các kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, kỹ năng giao tiếp, phục vụ nhân dân; Công an thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách, chia sẻ khó khăn, thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ, tạo động lực để cán bộ công an xã yên tâm công tác, cống hiến.

Công an thành phố ban hành kế hoạch và tiến hành việc sắp xếp, bố trí lại bảo đảm hợp lý về khoảng cách từ nhà ở đến trụ sở cơ quan đối với cán bộ công an xã; trú trọng, ưu tiên bổ nhiệm các chức vụ công an xã từ nguồn tại chỗ; tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ nữ công an xã, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời có những chính sách phù hợp.

Ngoài ra, Công an thành phố còn chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng Đề án “Xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội” trình và được Hội đồng nhân dân thành phố duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở công an xã. Bên cạnh củng cố lực lượng công an chính quy, Công an thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc tham mưu, đề xuất Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp tiếp tục duy trì, củng cố lực lượng công an xã bán chuyên trách. Sau thời gian triển khai, lực lượng công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội dần được củng cố, hoàn thiện, khẳng định được vai trò, bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, trở thành điểm tựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn chính quy bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ

Việc xây dựng công an xã chính quy là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an nhằm chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; kịp thời lắng nghe và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở. Với phương châm “trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”, lực lượng công an xã chính quy đã và đang ghi những dấu ấn bằng những chiến công, thành tích xuất sắc; thể hiện nổi bật trong chiến dịch cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; phòng, chống đại dịch COVID-19… các mặt công tác công an cũng được thực hiện chuyên sâu, hiệu quả hơn; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có bước phát triển mới; được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ, giúp đỡ; tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. 

Thực tiễn cho thấy, qua 3 năm thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, việc bố trí công an xã chính quy là chủ trương đúng đắn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; hầu hết cán bộ chiến sỹ công an xã, phường, thị trấn đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, khắc phục khó khăn, vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Những kết quả đó đã làm chuyển biến tích cực, rõ rệt về an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở; mối quan hệ giữa công an và nhân dân ngày càng được củng cố, được chính quyền và nhân dân đồng tình, ủng hộ, ghi nhận và đánh giá cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục phát huy vai trò của công an xã chính quy tại địa bàn cơ sở, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tập trung thực hiện đồng bộ các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, kết hợp với chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng công tác của lực lượng công an xã, thị trấn, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với công an xã, thị trấn và đội ngũ công an xã bán chuyên trách, tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở…

Xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, bản chất chính là xây dựng nhân tố con người, tức là làm cho mỗi cán bộ chiến sỹ thực sự bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Mỗi cán bộ chiến sỹ công an xã, phường, thị trấn cần nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, nhiệm vụ được giao; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa, tích cực học tập nâng cao trình độ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Chủ động khắc phục mọi khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Thực hiện đúng phương châm: “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”; “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Mỗi cán bộ chiến sỹ công an xã, phường, thị trấn phải am hiểu về chính trị, nắm vững về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, nêu cao ý thức “tự học, tự rèn”, làm tốt công tác tuyên truyền, công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận, là chỗ dựa thực sự vững chắc của nhân dân.

Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, biểu dương, khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện chính sách đối với cán bộ công an xã, phường, thị trấn. Đồng thời chủ động phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, quy tắc ứng xử, phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ chiến sỹ sai phạm. Cán bộ, chiến sĩ công an phải trọng uy tín, giữ gìn danh dự, không sa ngã trước cám dỗ lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, luôn ghi nhớ và thực hiện cho bằng được phương châm: Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất./.