TCCS - Với vị thế là một kinh đô lâu đời, Thủ đô của cả nước, Hà Nội là nơi hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam trong mỗi con người Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội ngày nay đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, làm thế nào để gìn giữ nét thanh lịch không bị phôi phai, đó cũng là điều mà không ít người Hà Nội trăn trở.

Trình diễn tại sự kiện “Áo dài của chúng ta” - Di sản văn hóa Việt Nam tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội_Nguồn: toquoc.vn

Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào được đề ra, như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”...; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Thông qua triển khai các giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay. Vì vậy, việc ban hành và triển khai các Kế hoạch đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh, góp phần từng bước đi vào cuộc sống thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa con người Hà Nội.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ (2020 - 2025), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng, cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng.

Ngày 12-1-2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Ngày 30-7-2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND, về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình bao gồm 3 nhóm vấn đề: (1) Phát triển văn hóa: xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch, phát triển thông tin truyền thông, phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, hội nhập quốc tế; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp giải quyết việc làm, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; (3) Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025: bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, bên cạnh việc bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, nhằm tuyên truyền về con người Hà Nội với mục tiêu tiếp tục xây dựng, gìn giữ còn người Hà Nội văn minh, thanh lịch, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU, ngày 12-3-2021, về tổ chức Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ IV - năm 2021. Đây là giải thưởng giành cho những bài báo đã góp phần tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.

Trong năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền nét đẹp văn hóa ứng xử trong đời sống sinh hoạt gia đình, dòng họ, khu dân cư và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Theo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), tuyên truyền nét đẹp văn hóa và các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm yêu cầu giáo dục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong năm 2021, Cục Văn hóa cơ sở đã triển khai tuyên truyền trên Kênh truyền hình với chủ đề “Nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt của gia đình, dòng họ, thôn, bản ở khu dân cư”. Trong đó, giới thiệu những nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt của gia đình, dòng họ, thôn bản ở khu dân cư như: lòng yêu nước, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, sản xuất... đã được gia đình, dòng họ ở Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Giới thiệu mô hình gia đình, dòng họ, thôn bản tiêu biểu tại một số địa phương đã tham gia tích cực các cuộc vận động, phong trào về mô hình xây dựng gia đình, dòng họ, thôn bản văn hóa... góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững, giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc văn hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị. Bên cạnh đó, phối hợp với các Báo in, Báo điện tử xây dựng chuyên đề tuyên truyền văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Nhằm quảng bá về di sản văn hóa Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 4045/KH-BVHTTDL, về việc tổ chức Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhằm phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự kiện này sẽ tổ chức từ ngày 1-12-2021 đến 2-1-2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) bao gồm các hoạt động với chủ đề “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta” nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ngày 14-9-2021, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội phát động cuộc thi “Phụ nữ Thủ đô với văn hóa giao thông” năm 2021. Thông qua cuộc thi, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tiếp tục cung cấp kiến thức, giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân Thủ đô nâng cao ý thức, tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông; xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh, thân thiện của người Hà Nội.

Có thể nói, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Tạo ra một lối sống đô thị mà ở đó có sự quyện hòa giữa nét thanh lịch cổ truyền với văn minh thanh lịch hiện đại, thích ứng với thời kỳ hội nhập đó không phải là chuyện dễ dàng có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Để làm được điều đó trước hết cần phải tạo ra những chuyển biến về nhận thức của mỗi cá nhân. Cần nâng cao nhận thức giá trị của gia đình, giữ vững và đề cao chuẩn mực của xã hội, chú trọng vai trò của hệ thống giáo dục đặc biệt là việc xây dựng các tiêu chí đặc trưng về người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Bên cạnh đó, việc phát huy sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở sao cho thực chất và hiệu quả cũng là hết sức cần thiết. Nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tiếp thu giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy văn hóa, người Hà Nội đang cố gắng kiên trì thu nạp và dung hòa giữa cái cũ và cái mới. Làm sao để có thể tiếp thu được những tinh hoa mới, tiên tiến nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có của người Hà Nội xưa. Vấn đề cần nhấn mạnh chính là tiếp tục định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân Thủ đô trong bối cảnh hiện nay./.