Sự kế thừa lý luận của V.I. Lê-nin và những tư duy mới trong quan điểm về phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TS NGUYỄN QUỐC TOÀN
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
00:18, ngày 16-04-2024

TCCS - Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị. Trên cơ sở những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin và bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bổ sung những quan điểm chỉ đạo mới, khoa học về bản chất của tham nhũng; nguyên tắc, quy trình, biện pháp phòng, chống tham nhũng cũng như đã phê phán những nhận thức tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với công tác này.

V.I. Lê-nin - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới_Ảnh: Tư liệu

Những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin về phòng, chống tham nhũng

Trong các bài viết và phát biểu của mình, V.I. Lê-nin cho rằng tham nhũng là những hành vi lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, làm suy giảm quyền lực tổ chức. Bằng cách tiếp cận này, V.I. Lê-nin đã chỉ ra căn nguyên của tham nhũng là quyền lực và quyền lực bị tha hóa. Từ đó, V.I. Lê-nin đặc biệt chú ý đến những tác hại của tham nhũng đối với quyền lực lãnh đạo của Đảng và quyền lực quản lý của nhà nước. V.I. Lê-nin gọi tham nhũng, hối lộ là “kẻ thù” bởi nó làm suy yếu Đảng, làm suy giảm quyền lực nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra nguy cơ biến bộ máy chính quyền và các tổ chức đảng trở thành bộ máy quan liêu mới, xa rời lợi ích của Đảng, của nhân dân. “Tệ quan liêu, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, trở thành những kẻ chuyên quyền, độc đoán, thậm chí nó có thể phá hủy một chính đảng, làm tiêu vong một chế độ”(1).

Vẫn trên cơ sở nhận diện nguồn gốc của tham nhũng đến từ quyền lực bị tha hóa, V.I. Lê-nin cho rằng, quan liêu và tham nhũng gắn với quyền lực bị tha hóa, chúng đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, ăn bám, trên sức lao động của người khác(2). Ông nhấn mạnh, vẫn có thể xóa sạch được tham nhũng nhưng đó là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, khó khăn và cần phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết và không có vùng cấm trong cuộc chiến này.

Để phòng, chống tham nhũng, trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn, V.I. Lê-nin đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, trong đó nổi bật là những giải pháp về thể chế kiểm soát quyền lực:

Thứ nhất, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong đảng để ngăn ngừa vi phạm, tăng cường kỷ luật trong đảng, thực hiện kỷ luật đảng viên nghiêm khắc trong điều kiện đảng cầm quyền.

Thứ hai, xem trọng vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy, thực hành dân chủ rộng rãi, cuốn hút, lôi cuốn nhân dân tham gia vào các công việc của đảng, nhà nước, bởi nhân dân là chủ thể của quyền lực.

Thứ ba, cần tăng cường kiểm soát bộ máy nhà nước, giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo trong bộ máy, đồng thời nâng cao chất lượng, phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên, thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm cá nhân một cách nghiêm ngặt, gắn quyền lợi với trách nhiệm, nghĩa vụ; xây dựng cơ chế phát hiện và thải loại những cán bộ, đảng viên, công chức thoái hóa, biến chất.

Sự kế thừa và tư duy mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính sự tha hóa quyền lực là nguyên nhân căn bản dẫn đến tham nhũng. Cũng từ đó, Tổng Bí thư cho rằng, giải pháp căn cốt nhất để phòng, chống tham nhũng là kiểm soát quyền lực bằng việc hoàn thiện thể chế.

Một là, cũng như V. I. Lê-nin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”(3). Bên cạnh việc khẳng định căn nguyên của tham nhũng và sự khó khăn, phức tạp, lâu dài của công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư còn bổ sung diễn đạt mới đầy tính biện chứng, đó là khi nhấn mạnh “yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng là phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” thể chế”(4). Để thực hiện điều này, Tổng Bí thư cho rằng, “phải từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng”(5).

Nhằm hiện thực hóa thể chế “bốn không” đó, giai đoạn 2012 - 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(6). Bên cạnh việc nhấn mạnh hoàn thiện, đồng bộ thể chế, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo cần nâng cao văn hóa công vụ, bảo đảm tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ theo xu hướng quản trị nhà nước hiện đại và trách nhiệm giải trình ngày càng trở thành nguyên tắc phổ quát trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Khi đó, người dân là trung tâm, có vai trò chủ động và quan trọng trong tất cả các quá trình quản trị, từ ban hành, quyết định thực thi chính sách, pháp luật và chi tiêu công(7). Có thể thấy rằng, đây là một cách diễn đạt hiện đại của tư tưởng dân là gốc đã được đồng chí Tổng Bí thư kế thừa và thường xuyên nhắc đến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương_Ảnh: TTXVN

Hai là, trước những biểu hiện phức tạp, khó lường, với sự cấu kết của nhiều đối tượng ở nhiều cấp độ, phạm vi trong hành vi tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo cần “chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng; tích cực hợp tác quốc tế và từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”(8). Biểu hiện sinh động cho quan điểm này là: (i) Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn về tổ chức, nâng cấp về quyền hạn và mở rộng phạm vi hoạt động, thay đổi từ “chống tham nhũng, lãng phí” thành “chống tham nhũng, tiêu cực” để xử lý những vấn đề rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; (ii) Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực; (iii) Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy được tái lập đã bước đầu có nhiều nỗ lực, cố gắng, nâng cao hiệu quả tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng; (iv) Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, hầu như không còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”(9).

Ba là, trên cơ sở nhận định tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống tham nhũng cần quán triệt tư tưởng “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”(10). Trong quá trình ấy, “cần xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, “gợi ý”, “lót tay”; hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đặc biệt, phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(11). Đáng nói hơn, nó không chỉ dừng lại ở nguyên tắc lý luận mà còn trở thành phương châm hành động trên thực tiễn, trong giai đoạn 2012 - 2022, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự(12).

Bốn là, một điểm mới hết sức quan trọng trong quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư là đã xác lập quy trình xử lý tham nhũng, theo đó, kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hành chính và hình sự theo pháp luật. Quy trình này đã được áp dụng nghiêm túc và hiệu quả khi điều tra, xử lý các đại án tham nhũng ở các lĩnh vực y tế, kinh tế trong thời gian qua. Hơn nữa, khi trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng nổi bật gần đây, Tổng Bí thư đã trực tiếp đề cập đến hiện tượng tham nhũng mới phát sinh, đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm, đang ra sức lũng đoạn kinh tế - xã hội, đó là “nhóm lợi ích”- sự cấu kết, móc ngoặc của những người có quyền lực với nhau hoặc người có quyền lực với doanh nghiệp bất liêm nhằm mưu cầu, giành giật, chiếm đoạt lợi ích vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân và phe nhóm mình, tác động đến quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Dẫn lại lời của C. Mác, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Khi mà tư bản đầu sỏ tài chính cấu kết với quyền lực chính trị thì nó chi phối xã hội ghê gớm lắm!”(13).

Năm là, nét sáng tạo riêng có và thể hiện đầy đủ tính toàn diện trong quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đã nhận diện đầy đủ, rõ ràng những hệ lụy từ nhận thức tiêu cực, không đúng bản chất của công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Những quan điểm này không chỉ phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, mà còn góp phần ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, điều hòa tâm lý xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nhận thức một cách mạnh mẽ, toàn diện rằng: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh(14) và chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”(15).

---------------------

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 8, tr. 424
(2) Xem: Vũ Văn Hiền: “V. I. Lênin với cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương, ngày 9-4-2020, https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/vilenin-voi-cuoc-dau-tranh-chong-quan-lieu-tham-nhung-va-su-van-dung-cua-dang-cong-san-viet-nam.html
(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 405
(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 410
(5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 396
(6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại mười năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản, số 993, tháng 7-2022
(7) Xem: Đặng Minh Tuấn: “Lý luận cơ bản về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2019, tr. 24
(8) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 399
(9) Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại mười năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản, số 993, tháng 7-2022, tr. 17
(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 396
(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 410
(12) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại mười năm qua; định ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới”, Tạp chí Cộng sản, số 993, tháng 7-2022
(13) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 90 - 9
(14) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 401
(15) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 401