Tỉnh Nam Định đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo lời căn dặn của Bác

TRIỆU ĐỨC HẠNH
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định
19:48, ngày 26-05-2023

TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện lời căn dặn của Bác phong trào thi đua là phải góp phần duy trì và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tỉnh Nam Định xác định đây chính là một trong những yếu tố nền tảng giúp tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng tỉnh Nam Định giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Diện mạo thành phố Nam Định hôm nay_Ảnh: Tư liệu 

Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc có tổ chức ở nước ta. Từ đây, phong trào thi đua ái quốc, còn được gọi là phong trào thi đua yêu  nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động, tổ chức thực hiện gắn liền với lịch sử và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong lời kêu gọi, Bác đã nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người  thi đua là những yêu nước nhất”, quan điểm này đã trở thành quan điểm cốt lõi để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện trong suốt 75 năm qua.

Vinh dự to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong những lần về thăm Nam Định, Người đã để lại trong lòng các tầng lớp cán bộ, nhân dân nhiều thế hệ những kỷ niệm sâu sắc. Người căn dặn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định thực hiện toàn diện các nhiệm vụ từ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đến bảo đảm quốc phòng, an ninh. Năm tháng trôi qua, nhưng dấu chân và những  lời huấn thị của Người vẫn còn in đậm, tiếp thêm ý chí, động lực để Nam Định vươn lên, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Thực hiện lời căn dặn của Người, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, mỗi phong trào thi đua đã và đang tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa, trở thành động lực cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Nam Định.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Nam Định đã tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện các phong trào thi đua, như “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu”, thi đua với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ, Hậu phương thi đua với tiền phương”, “thi đua đóng thuế nông nghiệp”…

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, nhiều phong trào thi đua điển hình tiêu biểu của cả nước đã được tỉnh Nam Định hưởng ứng triển khai tích cực, hiệu quả, như “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong” trong phụ nữ và thanh niên; thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”... Các phong trào thi đua được đẩy mạnh trên  địa bàn tỉnh Nam Định nói riêng và trên cả nước nói chung đã tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhiều phong trào thi đua yêu nước, hướng tập trung vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1986, đặc biệt từ sau khi có Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003) và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004, của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Nam Định cũng đã triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra sự thay đổi toàn diện về mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tiêu biểu, như “Cả nước chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, thi đua giành thắng lợi”, “Thi đua làm giàu cho mình, cho quê hương, đất nước”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sản xuất kinh doanh giỏi”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, “Thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn””; “Đoàn viên thanh niên xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế”…

Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu điển hình trên tất cả các ngành, lĩnh vực, như hợp tác xã nông nghiệp Hồng Phong, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy; Bệnh viện Mắt tỉnh; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; cô giáo Phạm Thị Minh Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định; em Phạm Văn Quyền học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; Trung tá Dương Quang Thành; Đại úy Phạm Thị Sơn; anh Trần Tuấn Điều, xã Đại An, huyện Vụ Bản; ông Vũ Viết Hoa, thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực; ông Trần Trọng Hóa, xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh…

Giai đoạn 2010 - 2015, việc tổ chức các phong trào thi đua và đánh  giá kết quả thực hiện phong trào thi đua đã được các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh Nam Định quan tâm triển khai thực hiện. Các cụm, khối thi đua của tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng các phong trào thi đua và xây dựng  bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nổi bật là phong trào: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”; “Năng suất, chất lượng, hiệu  quả”; “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”; “Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm”; “Dạy tốt, học tốt”; “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu điển hình, như Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu; xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; xã Hải Hòa, xã Hải Triều, huyện Hải Hậu; Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định; Công ty Cổ phần may sông Hồng; làng nghề cơ khí Xuân Tiến, huyện Xuân Trường; Làng nghề cơ khí Đồng Côi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; làng nghề Đúc đồng Tống Xá, Gỗ mỹ nghệ La Xuyên, huyện Ý Yên; trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong Nam Định; trường Trung học cơ sở Nam Hồng, huyện Nam Trực; ông Trịnh Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; ông Vũ Mạnh Tường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nam Định; ông Vũ Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Giang, xã Hải Giang, huyện Hải Hậu; bà Trần Thị Thanh Xuân, Tổ phó chuyên môn, giáo viên môn Sinh học, trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; bà Nguyễn Thị Huyền - vận động viên, Trường Nghiệp vụ Thể thao tỉnh Nam Định…

Từ năm 2015 - 2020, nhiều phong trào thi đua được phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả; trong đó nổi bật nhất là phong trào thi đua “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Nam Định trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển. Tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 và Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 (hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Cùng với phong trào thi đua trọng tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh phát động, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua theo ngành, lĩnh vực, tiêu biểu, như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”; “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… Thông qua các phong trào thi đua đã xuất  hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, như em Đàm Thị Minh Trang, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong; vận động viên Vũ Thị Mến; ông Trần Bùi Nam chủ trang trại chăn nuôi tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc; ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân; ông Triệu Đình Hợi nông dân xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản...

Từ năm 2020 đến nay, tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Bác và hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều phong trào thi đua tiêu biểu, như Phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021 - 2025, “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Nam Định” giai đoạn 2021 - 2025, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”… Hưởng ứng các phong trào thi đua của Trung ương và của tỉnh phát động, các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức triển khai với nhiều bước đổi mới, nội dung phong phú, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, đơn vị. Trong quá trình triển khai các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, như xã Giao Phong, huyện Giao Thủy; xã Hải Châu, huyện Hải Hậu; xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, huyện Trực Ninh; thành phố Nam Định; trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên, thành phố Nam Định; cô giáo Phạm Thị Long Quân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thống nhất thành phố Nam Định; thầy giáo Nguyễn Sỹ Hiệp, Trường Trung học cơ sở Đào Sư Tích, huyện Trực Ninh; bà Nguyễn Thị Hải, xóm 11, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng; ông Lê Thanh Hà, thôn Phận, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên... Đặc biệt, hai tấm gương điển hình tiêu biểu của ông Nguyễn Đức Chính, tổ dân phố số 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và em Bùi Hải An học sinh lớp 11A4 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hải Hậu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tặng Bằng khen về hành động dũng cảm cứu người gặp nạn, nêu gương sáng cho thanh niên trong cả nước và trên địa bàn tỉnh học tập...

Kết quả trong giai đoạn 2015 - 2020, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh Nam Định đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 7,9%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1%. Quy mô kinh tế mở rộng so với thời kỳ 2010 - 2015: Tổng sản phẩm GRDP theo giá hiện hành gấp 1,8 lần; GRDP bình quân đầu người gấp khoảng 2 lần; tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần; tổng trị giá hàng xuất khẩu gấp 2,1 lần; thu ngân sách gấp 2,1 lần…; tốc độ tăng hằng năm vốn đầu tư toàn xã hội 17,4%; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị được tập  trung đầu tư, xây dựng và có nhiều đổi mới...

Chỉ riêng năm 2022 vừa qua, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 9,07%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,39%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 80,61%; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 7.750 tỷ đồng; toàn tỉnh có đã có 182/204 (89%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định “Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025”.

Năm 2022, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP, được xếp hạng từ 3 sao trở lên; đã xây dựng được 453 mô hình “Cánh  đồng lớn” với tổng diện tích 19.150 ha, trong đó có 3.316 ha được bao tiêu sản phẩm. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, năm học 2021 - 2022, chất lượng giáo dục - đào tạo được giữ vững cả về đại trà và mũi nhọn. Hoàn thành tốt nhiệm vụ  năm học tại các cấp học, ngành học. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỉnh Nam Định đứng thứ nhất toàn quốc về số điểm bình quân các môn thi (đạt 7,047 điểm), trong 8 năm  tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, có 6 năm tỉnh Nam Định đứng thứ nhất và 2 năm đứng thứ nhì toàn quốc… Nhiều công trình trọng điểm lớn của tỉnh được khởi công và triển khai thi công, như Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh  Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện, Nghĩa Hưng; Cầu sông Đào với tuyến đường bộ mới Nam  Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển…

Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện phong trào thi đua. Chỉ tính riêng năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 117 tập thể được Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh, 312 tập thể được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, 685 tập thể và 1.045 cá nhân được tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh (trong đó có 230 tập thể và 289 cá nhân khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất và trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19).

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn cũng đã xét tặng nhiều danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, giấy khen cho tập thể, cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua do ngành, đơn vị, địa phương phát động. Đây chính là những phần thưởng, động viên kịp thời, khích lệ và tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:

Thứ nhất, việc tổ chức các phong trào thi đua ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả, mới chỉ tập trung phong trào thi đua thường xuyên, chưa quan tâm xây dựng kế hoạch phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt; nội dung, tiêu chí thi đua thiếu cụ thể, định tính; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa nội dung phong trào thi đua với công việc thường xuyên của cơ quan, đơn vị; chưa có các biện pháp hữu hiệu để thu hút sự tham gia tích cực, đồng đều, liên tục của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý vào phong trào thi đua, do đó chưa phát huy được hết vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, công tác biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm chú trọng, chưa có sự gắn kết với các phong trào thi đua nên đã làm giảm ý nghĩa của công tác khen thưởng; một số cơ quan, đơn vị đề nghị khen thưởng còn chậm, chưa bảo đảm tính kịp thời, giảm giá trị động viên, nêu gương.

Thứ ba, nhận thức về yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số đơn vị cơ sở tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đầy đủ, chưa phát huy được vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng; có nơi, có lúc lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn đơn giản, coi nhẹ công  tác thi đua, khen thưởng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tốt hơn nữa lời căn dặn của Bác, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện  một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tác dụng to lớn của các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực góp sức xây dựng tỉnh nhà.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động, gắn các phong trào thi đua với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua, nhằm đưa các phong trào thi đua gắn liền với hoạt động thực tiễn; lồng ghép các phong trào thi đua của Trung ương và địa phương; nội dung của phong trào thi đua phải gắn với những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...

Bốn là, thường xuyên, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở; lựa chọn những cán bộ có kiến thức, nhiệt huyết; chú trọng tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức công tác thi đua, khen thưởng; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở mỗi địa phương, đơn vị để công tác thi đua,  khen thưởng thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh./.