Tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng

LƯƠNG TAM QUANG
Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an

10:21, ngày 07-03-2024

TCCS - Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây vừa là quan điểm, chủ trương, vừa là giải pháp quan trọng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng an ninh kinh tế (13-5-1953 - 13-5-2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất _Ảnh: TTXVN

1- Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là chủ trương chiến lược quan trọng được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các văn bản của Đảng ta, như Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 5-9-2019, của Bộ Chính trị, về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 13-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.

Quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh kinh tế, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Lực lượng Công an tập trung nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, những biến động của kinh tế thế giới tác động đến Việt Nam, kinh nghiệm, chính sách của các nước, năng lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước và trao đổi với các bộ, ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần đắc lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện mục tiêu kép trong quá trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp và xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, phương án; bố trí, xác định cụ thể lực lượng, biện pháp, cách thức, phối hợp lực lượng trong bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trên các lĩnh vực, địa bàn kinh tế, nhất là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, công trình quan trọng về an ninh quốc gia. Chủ động, kịp thời tham mưu và tham gia trách nhiệm, hiệu quả việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm khắc phục thiếu sót phát hiện qua triển khai các kế hoạch, phương án mà các loại tội phạm có thể lợi dụng xâm phạm an ninh, trật tự trên các lĩnh vực kinh tế. Tính riêng trong hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, lực lượng Công an đã bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn hơn 860 sự kiện đặc biệt quan trọng, các hội nghị, diễn đàn hợp tác kinh tế, khu vực tại Việt Nam, bảo vệ hơn 300 đoàn khách quốc tế và lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam tham dự các hoạt động hợp tác quốc tế; có hàng chục dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh về phát triển kinh tế, chứng khoán, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh được ban hành, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự.

Lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hầu hết vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tham mưu giải quyết ổn định nhiều vụ đình công, lãn công của công nhân, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng; đấu tranh, xử lý hiệu quả các đối tượng cực đoan lợi dụng khiếu kiện, đình công, lãn công để thực hiện các hoạt động chống chính quyền, góp phần củng cố và tạo dựng lòng tin của người dân vào tổ chức đảng và chính quyền cơ sở.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tội phạm công nghệ cao được tập trung chỉ đạo. Qua đó, kịp thời phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; nhận diện, xác định các khâu, mắt xích trọng yếu đột phá vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều sai phạm; điều tra, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu lớn theo đúng tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên tục được thực hiện; trấn áp, làm rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh đa cấp, lừa đảo trên không gian mạng; triệt xóa nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm “núp bóng doanh nghiệp”, góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 5 năm qua, đã phát hiện mới trên 77.000 vụ vi phạm pháp luật, trên 1.700 vụ tham nhũng; khởi tố mới 17.294 vụ/22.012 bị can (tăng 187% số vụ và 149% số bị can so vói 5 năm trước đây), xu hướng phát hiện, triệt phá năm sau cao hơn năm trước. Qua điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, góp phần răn đe, phòng ngừa, kịp thời phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong chính sách quản lý kinh tế từ Trung ương đến địa phương và tham mưu đề xuất chấn chỉnh, khắc phục, không để tội phạm lợi dụng phạm tội.

Thực hiện hiệu quả công tác thẩm định về an ninh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn hoặc tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, lực lượng Công an đã thực hiện hàng nghìn lượt tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, tích cực tham gia xây dựng, củng cố phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn. Thường xuyên hướng dẫn cơ quan, doanh nghiệp củng cố, kiện toàn lực lượng bảo vệ theo quy định; biên soạn tài liệu và tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn cho hàng chục nghìn bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Qua hợp tác quốc tế về an ninh, trật tự, lực lượng Công an đã ký kết hàng chục hiệp định tư pháp song phương trên lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước trên thế giới; nghiên cứu, xây dựng, đàm phán, ký kết, phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương; thiết lập, mở rộng hệ thống sĩ quan liên lạc ở nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế; tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao tiềm lực bảo đảm an ninh, trật tự trên các lĩnh vực kinh tế.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế được thực hiện đồng bộ góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ “tụt hậu”, “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho người dân tham gia và nhận được thành quả từ quá trình phát triển kinh tế. Kết quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng nền kinh tế thị trường ngày càng đồng bộ, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới, đưa nước ta hội nhập kinh tế theo hướng bền vững, ngày càng sâu rộng, tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Lực lượng công an nhân dân tuần tra bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

2- Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Đảng, nước ta chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó cạnh tranh về kinh tế, thương mại ngày càng mở rộng, gay gắt tạo ra những cơ hội, thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều thách thức đối với bảo vệ an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế, nổi lên đó là: 1- Nước ngoài gia tăng hoạt động tác động, sử dụng các công cụ kinh tế và chính sách đe dọa trừng phạt kinh tế để gây sức ép đối với Việt Nam, đe dọa an ninh kinh tế; 2- Suy giảm độc lập, tự chủ về kinh tế, mất cảnh giác khi tham gia các sáng kiến, chiến lược của nước lớn, dẫn đến bị tác động, chuyển hóa về chính trị; 3- “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về kinh tế, đe dọa lợi ích quốc gia - dân tộc; 4- Hình thành tổ chức chính trị đối lập, xảy ra “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, gây mất an ninh trong công nhân; 5- Các vấn đề xã hội, như đô thị hóa, già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển... tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế; 6- Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường; sự điều chỉnh phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ðể tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần đẩy lùi thách thức, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, cần quan tâm thực hiện hiệu quả một số công tác trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và nhất quán thực hiện xuyên suốt quan điểm của Đảng: Phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của cấp ủy, sự quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan, ban, ngành chức năng, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt. Tập trung cụ thể hóa và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị;...

Thứ hai, hết sức coi trọng và tập trung lãnh đạo, triển khai hiệu quả các giải pháp phòng ngừa trong bảo vệ an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu với Đảng, Nhà nước giải pháp ứng phó trước những tác động tiêu cực trong hội nhập quốc tế với phát triển kinh tế; đề xuất chỉ đạo khắc phục sơ hở, thiếu sót trong việc ban hành, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế. Tham mưu với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện các đề án, phương án bảo vệ an ninh kinh tế, tăng cường bảo đảm an ninh công nhân, nhất là tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tham mưu, phối hợp xử lý hiệu quả các vụ đình công, lãn công của công nhân theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Tham gia thẩm định, giám sát các chương trình, đề án, dự án đầu tư nước ngoài, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động gây phương hại an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế. Vận dụng đúng đắn quan điểm về “đối tác, đối tượng”, khắc phục cả hai khuynh hướng cứng nhắc hoặc mơ hồ mất cảnh giác trong bảo vệ an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế.

Thứ ba, tập trung tham mưu, hướng dẫn tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Thực hiện quy định của Đảng về quản lý cán bộ, đảng viên đi công tác, học tập ở nước ngoài, nâng cao nhận thức về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm kinh tế; xử lý kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các hoạt động móc nối, mua chuộc của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu tác động vào nội bộ, nhất là các cơ quan hoạch định chính sách, cán bộ chủ chốt của các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tham mưu, phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định đối với các dự án không thực hiện đúng cam kết, không hiệu quả, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, chỉ đạo thu thập, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động xâm phạm an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế. Nâng cao cảnh giác, có biện pháp phù hợp bảo đảm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả các hoạt động làm tổn hại, suy giảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, chuyển hóa chính trị, xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc và an ninh quốc gia. Tập trung phát hiện, ngăn chặn ý đồ và xử lý kịp thời vi phạm của các đối tác nước ngoài lợi dụng sơ hở, yếu kém để tạo cớ gây sức ép, cạnh tranh, trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường trong nước. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các cơ quan nước ngoài cài cắm nội gián vào các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách kinh tế, các bộ phận quan trọng, thiết yếu, cơ mật về kinh tế. Nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo sớm và có giải pháp ứng phó kịp thời trước những dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế, tài chính thế giới, khu vực có tác động, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế nước ta.

Thứ năm, tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm kinh tế có tổ chức, xuyên quốc gia, rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, gian lận thương mại, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm an ninh mạng. Tập trung điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế lớn, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nể nang, né tránh, không ngại va chạm, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, làm mạnh mẽ, quyết liệt, nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa”, “vận động đầu thú, truy bắt bằng được các đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Thứ sáu, tập trung triển khai các giải pháp nhằm củng cố, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân trên các địa bàn, lĩnh vực kinh tế; huy động sự tham gia tích cực, tự giác của đông đảo người dân tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh, trật tự, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế từ bên ngoài biên giới lãnh thổ.

Với thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế sau gần 40 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, đất nước ta đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển mới, song cũng phải đối mặt với những thách thức đan xen phức tạp trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Trước bối cảnh mới, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Ðảng, Nhà nước; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra./.