Thực hiện trách nhiệm trước Đảng và nhân dân
của đảng viên là đại biểu cơ quan dân cử:
Mối quan hệ kép cần xử lý trong đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng

 

Phùng Quốc Hiển
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội

17:39, ngày 26-08-2019

TCCS - Nói đến hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân là nói đến hoạt động mang tính tập thể, quyết định theo đa số. Nhưng bản chất của Quốc hội sẽ quyết định nó hoạt động theo hướng nào và mục đích gì. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng thể hiện bản chất của Quốc hội và chính đảng mà đại biểu đó đại diện. Đây là mối quan hệ kép cần phải xử lý sao cho hợp lý, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Mối quan hệ hữu cơ giữa vai trò, nhiệm vụ, vị thế của Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) và đại biểu cơ quan dân cử với sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Vai trò, nhiệm vụ, vị thế của Quốc hội, HĐND và đại biểu cơ quan dân cử luôn gắn chặt hữu cơ với sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là thực tế đã được kiểm nghiệm, minh chứng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó khác hoàn toàn về bản chất với tổ chức và hoạt động của nghị viện trong các nền dân chủ phương Tây, nhất là mô hình của Tây Âu, mà đại diện lâu đời nhất là nghị viện của Anh và Pháp, xuất hiện đầu thế kỷ thứ XIV. Đó là cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với chế độ phong kiến, đứng đầu là nhà vua, về các định chế tài chính công, liên quan đến quyền thu thuế, quyền chi tiêu và hình thành ngân sách quốc gia. Quyền lực của Quốc hội ở Anh được xác lập khá đầy đủ vào năm 1689 và ở Pháp, sau nhiều thất bại, đã được giải quyết bằng cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, nhưng mãi đến năm 1870 thời Đệ Tam Cộng hòa, vai trò của Nghị viện mới được xác lập đầy đủ. Song, bản chất của nghị viện tư sản với đa số nghị sĩ cũng chỉ đại diện cho giai cấp tư sản mà không phải cho đông đảo quần chúng lao động, còn quyền dân chủ thực chất là dân chủ tư sản. Trong chế độ phong kiến Việt Nam không có Quốc hội, còn hội đồng ở cấp địa phương trong chế độ thuộc địa, nửa phong kiến là do thực dân Pháp dựng lên. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để thể hiện ý chí toàn dân, trước khi quyết định Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), tiền thân của Quốc hội Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã kéo dài thời gian của Quốc hội khóa I gần 14 năm (1946  - 1960). Đất nước bị chia cắt làm hai miền và phải thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Quốc hội các khóa II, III, IV và V được bầu ở miền Bắc cùng với HĐND các cấp được bầu ở các địa phương hình thành hệ thống cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đại diện cho sự đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm tính pháp lý của chiến thắng vĩ đại vừa giành được về mặt nhà nước, từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị đã đi đến nhất trí thống nhất đất nước về mặt nhà nước và chủ trương tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội vào nửa đầu năm 1976. Ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội diễn ra trong phạm vi cả nước. Ngày 24-6-1976, Quốc hội khóa VI đã họp tại Hà Nội đánh dấu một mốc son lịch sử của Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo trí tuệ, tài tình, mang tính pháp lý cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kế tiếp nhau suốt 14 khóa Quốc hội, vai trò, vị trí và sự đổi mới không ngừng của Quốc hội, HĐND các cấp đều gắn chặt hữu cơ với sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng. Thực tế cho thấy, Quốc hội Việt Nam và HĐND các cấp mang bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân của một đảng cầm quyền và phải mang tính đảng rất cao. Trong một tập thể như vậy, các đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND đã thấm đậm bản chất và nguyên tắc đó. Hiện nay, các nguyên tắc mang tính lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị.

Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử

Hiện nay, có bốn đặc trưng đang làm chuyển biến sâu sắc thế giới, đó là: 1- Sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, tiên phong là công nghệ thông tin, làm thay đổi nhanh chóng lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất trên thế giới; 2- Hội nhập quốc tế là xu thế không thể đảo ngược; 3- Sự xuất hiện tư tưởng cực đoan về dân tộc, tôn giáo, bất mãn chính trị, “bất tuân dân sự”; 4- Cuộc đấu tranh giành độc lập về kinh tế, chính trị trở nên phức tạp hơn. Bên cạnh bốn đặc trưng trên, ở Việt Nam còn một đặc trưng là sự phát triển về chất của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và thượng tầng kiến trúc (nhà nước, pháp luật, văn hóa) cùng với vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị của Việt Nam và các mâu thuẫn nội tại đòi hỏi chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên ba vấn đề cốt lõi, đó là: 1- Đổi mới về nhận thức, tư duy lý luận ở một tầm cao mới; 2- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; 3- Đổi mới về phương thức lãnh đạo quần chúng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Trong tình hình đó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cần tiếp tục được đổi mới theo tinh thần Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước”(1). Là một trong ba nhánh của quyền lực nhà nước, vai trò của Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương cần được đặt ở vị trí xứng đáng, đồng thời sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương cũng phải được đặc biệt chú trọng, với những lý do sau đây:

Mặc dù quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, song Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; HĐND các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, HĐND quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát việc triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Có thể nói, các nghị quyết của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều được thể chế hóa bằng luật pháp, nghị quyết của Quốc hội và của HĐND thì mới có thể đi vào cuộc sống, cho nên Quốc hội, HĐND là nơi đầu tiên, khâu quan trọng nhất để chuyển hóa nghị quyết của Đảng, tạo tính pháp lý cho nghị quyết của Đảng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong tình hình mới, để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch âm mưu thông qua Quốc hội, HĐND để thay đổi mục tiêu, các yếu tố pháp lý và làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí đi đến loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống cơ quan dân cử.

Do vậy, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, HĐND là vô cùng quan trọng, “nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân ủy thác”(2). Vai trò, vị thế của Quốc hội đối với quốc tế và trong nước ngày một nâng cao, chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động chính trị của đất nước, càng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, HĐND là toàn diện, trực tiếp và liên tục, tập trung vào bốn khâu then chốt:

Một là, phải xây dựng một hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp theo hướng tiến bộ. Sự tiến bộ bao hàm cả tính ổn định, tính bền vững, tính đổi mới, tính tích cực và hiệu quả của cơ quan dân cử.

Hai là, phải lãnh đạo và nắm được tư tưởng chính trị của hệ thống cơ quan dân cử và các đại biểu dân cử, bảo đảm không chệch hướng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở các cơ quan dân cử.

Ba là, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội thông qua đường lối, nghị quyết, chỉ thị cần sát, đúng để Quốc hội, HĐND tổ chức triển khai thực hiện. Sự lãnh đạo này cần dựa trên chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND, song phải toàn diện, chặt chẽ, tránh cụ thể quá, thiếu sự uyển chuyển, bó hẹp phạm vi thảo luận và quyết định của Quốc hội và HĐND. Các nghị quyết của Đảng đối với Quốc hội và HĐND nên là các định hướng lớn mang tính nguyên tắc. Đồng thời, Đảng cũng cần nắm chắc và tuân thủ nguyên tắc: các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Bốn là, Đảng phải tăng cường, chú trọng đến công tác cán bộ được phân công làm nhiệm vụ đại biểu dân cử các cấp, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt với cán bộ là đại biểu Quốc hội, HĐND chuyên trách để người đảng viên - đại biểu dân cử có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Muốn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ là đại biểu dân cử, cần phải giữ được bốn nguyên tắc:

Nguyên tắc đầu tiên, điều kiện tiên quyết là số lượng đảng viên của Đảng trong Quốc hội, HĐND phải chiếm tỷ lệ đa số giống như tất cả các đảng cầm quyền trong nghị viện, hội đồng địa phương ở các nước.

Nguyên tắc thứ hai, đảng viên phải nắm được các vị trí then chốt trong Quốc hội, HĐND, nhất là các chức danh quan trọng, ở khâu trọng yếu nhất.

Nguyên tắc thứ ba, Đảng phải bố trí các cán bộ giỏi, có năng lực, trung kiên trong Quốc hội, HĐND và có đại diện của các giai tầng trong xã hội, song cần chuyển từ cơ cấu là chủ yếu sang chuyên nghiệp là chủ yếu.

Nguyên tắc thứ tư, phải có cơ chế quản lý, kiểm soát bảo đảm các nguyên tắc sinh hoạt đảng: nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng của hệ thống cơ quan dân cử.

Về cơ bản, hiện nay chúng ta đã tiến hành được bốn nguyên tắc đó, song trên thực tế cũng có không ít trường hợp chưa thật bảo đảm các nguyên tắc này, ví dụ bố trí cán bộ chưa phù hợp, chưa bảo đảm nguyên tắc cán bộ cử tham gia Quốc hội, HĐND phải “giỏi về chuyên môn, thạo về chính trị”, tỷ lệ cơ cấu chưa thật cân đối giữa các cơ quan nhà nước. Không hiếm trường hợp cán bộ được đưa về cơ quan dân cử là những người khó sắp xếp, bố trí, thậm chí bị bãi miễn sau khi chuyển về Quốc hội, HĐND. Một số cán bộ vẫn còn tư tưởng ngại chuyển đến công tác ở cơ quan dân cử. Việc phát triển cán bộ từ cơ quan dân cử còn có mặt hạn chế.

Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong vai trò là người đảng viên phải chứa đựng và gắn chặt với bản chất của Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân

Mô hình chung của các nghị viện trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, đều có các điểm chung: một là, nghị viện, hội đồng địa phương phải hoạt động tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; hai là, nghị sĩ, đại biểu hội đồng phải giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri, đại diện cho cử tri nơi mình ứng cử; ba là, hoạt động của đại biểu phải theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; bốn là, tuân thủ các quy trình làm luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Các chính sách được nghị viện và hội đồng địa phương thông qua đều mang nặng dấu ấn đường lối, chính sách của đảng cầm quyền hay liên minh đảng chiếm đa số trong nghị viện, hội đồng địa phương.

Xuất phát từ các nguyên tắc đó, đại biểu Quốc hội, HĐND của nước ta cũng phải bảo đảm hoạt động không nằm ngoài các nguyên tắc này và có ba trách nhiệm chính sau đây:

Một là, trách nhiệm trước Đảng mà mình là người đại diện được đề cử tham gia Quốc hội, HĐND và phải theo quy định tại Điều 2 của Điều lệ Đảng là đảng viên có nhiệm vụ: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. Do vậy, đảng viên phải thực hiện biểu quyết, phát ngôn bảo đảm Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng. Nếu vi phạm sẽ bị kỷ luật phù hợp với mức độ vi phạm, thậm chí có thể bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Hai là, trách nhiệm với cử tri đã bầu mình lên như quy định tại khoản 1, Điều 79 của Hiến pháp năm 2013: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước”; khoản 2, Điều 79: “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan...”. Tương tự như vậy, trách nhiệm của đại biểu HĐND được quy định tại Điều 115 của Hiến pháp năm 2013. Đây là trách nhiệm sống còn của bất cứ một nghị sĩ, đại biểu hội đồng nào trên thế giới.

Ba là, trách nhiệm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người đại biểu như quy định tại khoản 1, Điều 82 của Hiến pháp năm 2013, như bố trí đủ thời gian cho hoạt động của Quốc hội, tham gia thảo luận, biểu quyết, giám sát theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm trí tuệ và hiệu quả, đồng thời chịu sự giám sát của cử tri và nhân dân. Tương tự, trách nhiệm của đại biểu HĐND ở địa phương cũng như vậy.

Tại nghị trường, việc thảo luận, tranh luận và phản biện là hết sức cần thiết, nhất là đối với quá trình lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát. Để tránh cách thức chung của các nghị viện có đảng cầm quyền chiếm đa số ghế trong Quốc hội là “đương nhiên phải thông qua” và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và thực tế của Việt Nam - quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời, để phát huy tốt vai trò của người đại biểu với nhiệm vụ là cầu nối giữa chính quyền nhà nước với ý chí, nguyện vọng của nhân dân và để tiếng nói của nhân dân, của cử tri đến được với Quốc hội, trở thành chính sách, pháp luật đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, trên nghị trường Quốc hội, những vấn đề được đưa ra thuộc về xây dựng pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước, như ngân sách, đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia,... đều được thảo luận kỹ càng, thậm chí tranh luận để đi tới đồng thuận và quyết định theo đa số.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội với nhân dân xã Kim Bình huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang _Ảnh: TTXVN

Qua thảo luận, đường lối, nghị quyết của Đảng được Chính phủ cụ thể hóa trình Quốc hội dưới dạng dự án luật, dự thảo nghị quyết, các cơ chế, chính sách sẽ được kiểm nghiệm, được phản biện bởi ý kiến của đại biểu Quốc hội và HĐND. Song, với tư cách của đại biểu  - đảng viên, các ý kiến đó là sự phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân với Đảng có tổ chức nhất. Để tôn trọng những ý kiến khác nhau, trái chiều, cơ quan lãnh đạo của Đảng có thẩm quyền cần lắng nghe, thậm chí có thể thay đổi chủ trương đó cho phù hợp với ý kiến của đại đa số đại biểu Quốc hội. Song, Đảng cũng phải cương quyết đấu tranh, thậm chí xử lý kỷ luật nếu đảng viên cố tình làm trái nghị quyết của Đảng.

Qua thực tiễn hoạt động của Quốc hội, có thể đặt ra năm bước đối với tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy được vai trò của người đại biểu - đảng viên: 1- Cầu thị lắng nghe; 2- Tiếp thu nghiêm túc; 3- Kiên trì thuyết phục; 4- Cương quyết đấu tranh; 5- Kỷ luật nghiêm minh.

Các tổ chức đảng có thẩm quyền cần cầu thị lắng nghe các ý kiến trái chiều. Nếu các ý kiến đó đúng thì cần phải được tiếp thu; song, khi còn những ý kiến khác nhau thì cần dân chủ thuyết phục lẫn nhau để tạo sự đồng thuận. Nếu một số đại biểu hoặc có đại biểu vẫn có quan điểm xa rời đường lối của Đảng thì tổ chức đảng phải cương quyết đấu tranh để đại biểu thấy rõ sự lệch lạc, sai lầm của mình; trường hợp xấu nhất là phải kỷ luật nghiêm minh.

Các tổ chức đảng trong Quốc hội là nơi đảng viên sinh hoạt có nhiệm vụ quản lý đảng viên, như: Đảng đoàn Quốc hội, các tổ đảng của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban, các đoàn đại biểu Quốc hội, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội, cấp ủy đảng tại HĐND các cấp phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên trong phạm vi quản lý của mình tuân thủ Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Đó là yêu cầu bất di bất dịch trên thực tế của nghị viện, hội đồng địa phương của các nước ở bất cứ một đảng viên thuộc đảng phái, quốc gia, thể chế chính trị nào. Nếu sai phạm pháp luật thì bị xử lý theo pháp luật, nếu sai phạm cương lĩnh, đường lối, điều lệ của đảng thì bị kỷ luật theo điều lệ đảng của chính đảng ấy.

Muốn xây dựng một Quốc hội tiến bộ, phải lựa chọn được các đại biểu ưu tú nhất, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh. Gi.X. Min, một triết gia ở thế kỷ XIX từng nói: “Một Quốc hội có thể làm được gì tốt đẹp, nếu các đại biểu Quốc hội của nó bị mua chuộc, hay tính dễ bị kích động của họ không được điều chỉnh bởi kỷ luật công cộng hoặc tính tự kiềm chế khiến họ không có khả năng thận trọng và bình tĩnh và phải dùng đến bạo lực tay chân trên sàn nhà Quốc hội”.

Như vậy, vai trò kép của đảng viên là đại biểu dân cử ở các cấp được thể hiện ở chỗ vai trò của người đại biểu nhân dân và vai trò của người đảng viên phải hòa quyện, gắn kết một cách hữu cơ và được đặt dưới sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền. Thực tế đó luôn đúng trong cả lý luận và thực tiễn, cả trong lịch sử các nghị viện cũng như bối cảnh tình hình mới. Do vậy, đòi hỏi chúng ta tiếp tục đúc rút kinh nghiệm, xây dựng thành quy tắc ứng xử, quy chế hoạt động, văn hóa nghị trường nhằm thực hiện tốt vai trò của đảng viên là đại biểu dân cử, bởi vì “sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng”(3).

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng theo hướng có quy định một điều về tổ chức đảng trong các cơ quan dân cử, gồm Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng như HĐND và các đại biểu HĐND ở các địa phương. Trên cơ sở đó, có một quy chế chặt chẽ về hoạt động của Đảng tại các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử.

Hai là, chú ý khâu lựa chọn và bố trí cán bộ cho hợp lý, ngang tầm tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND. Đảng cần bố trí số lượng cán bộ cao cấp tham gia các cơ quan của Quốc hội và HĐND hợp lý; tăng cường sự lãnh đạo thông qua các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đối với cơ quan dân cử mang tính chủ trương, định hướng lớn, tạo điều kiện nâng cao vị thế cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, không làm giảm vai trò thảo luận, phản biện, quyết định của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử.

Ba là, lựa chọn nhân sự tham gia đại biểu dân cử kỹ hơn, giảm số đại biểu mang tính cơ cấu, nâng số đại biểu mang tính chuyên nghiệp, nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 50% tổng số đại biểu dân cử./.

--------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 214
(2) Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, t.2 (2015 - 2017), tr. 289
(3) Nguyễn Phú Trọng: Vững bước trên con đường đổi mới, Sđd, tr. 289