TCCSĐT - Trong những ngày qua, khắp nơi trên cả nước đã diễn ra các hoạt động gặp mặt, giao lưu, triển lãm nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh và tri ân các anh hùng, chiến sỹ Điện Biên, đồng thời giáo dục truyền thống giữ nước cho thế hệ trẻ.

Giao lưu 60 năm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”

Ngày 04-5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Hội Cựu chiến Binh thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Thành đoàn Cần Thơ tổ chức buổi họp mặt, giao lưu kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2014) , với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” với sự tham dự của gần 200 cựu chiến binh thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng hơn 1.000 đoàn viên thanh niên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Cần Thơ.

Tại buổi giao lưu, Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ đã ôn lại chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu” năm xưa. Hội Cựu chiến Binh thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, Nhà cách mạng, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người làm rạng rỡ non sống đất nước ta. Chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, một Đảng Mác - Lênin chân chính, đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng to, gió cả đến bến bờ vinh quang. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 60 năm trôi qua, nhưng thời gian không làm phai mờ được tầm vóc to lớn, ý nghĩa dân tộc và quốc tế lớn lao của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của Đảng, của dân tộc ta đã khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử.

Theo Thành đoàn Cần Thơ, buổi giao lưu kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên Cần Thơ hiểu thêm về những ngày tháng sống và chiến đấu ở Điện Biên Phủ của các chiến sỹ thông qua lời kể của những cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Từ đó, hun đúc truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên.

Nhân dịp này, Thành đoàn Cần Thơ đã trao 60 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) tặng các học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi là cháu nội, cháu ngoại của các cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp…

Triển lãm ảnh: “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”

Ngày 04-5, tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (khu Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Bình), Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Ảnh Thông tấn xã Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm ảnh: “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Triển lãm kéo dài tới ngày 14-5, trưng bày 60 bức ảnh chọn lọc về diễn biến của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp do các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện.

Triển lãm ảnh “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi” nhằm tôn vinh chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự chiến đấu hy sinh anh dũng vô song của bộ đội và nhân dân Việt Nam trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

60 bức ảnh được đặt dọc theo tuyến đường lên viếng mộ Đại tướng, kéo dài khoảng 50m. Kết cấu của triển lãm chia thành hai phần, giúp người xem có thể hình dung một cách chân thực nhất về diễn biến của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và những hình ảnh ấm áp tình người trong những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên.

Mỗi bức ảnh trong triển lãm đều là một câu chuyện xuyên suốt thiên sử vàng chói lọi của cả dân tộc. Từ những hình ảnh đầu tiên khi Hồ Chủ tịch cùng Bộ Chính trị họp bàn quyết định mở chiến dịch lịch sử, tiếp đến là diễn biến cuộc chiến đấu gian khổ, khốc liệt mà vô cùng vinh quang của quân và dân ta giành giật với địch từng tấc đất thiêng liêng của quê hương; trong đó nổi bật lên là những hình ảnh phản ánh tài thao lược của vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Cầu truyền hình Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa: “Ký ức hào hùng - chủ quyền thiêng liêng"

Tối 03-5, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân, Truyền hình Công an nhân dân tổ chức chương trình cầu truyền hình Điện Biên - Hà Nội - Trường Sa với chủ đề “Ký ức hào hùng - chủ quyền thiêng liêng”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV từ điểm cầu Cột cờ Hà Nội và đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương đã tham dự chương trình.

Đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 60 năm giải phóng Thủ đô, 39 năm giải phóng Trường Sa; nhằm tôn vinh và phát huy truyền thống lịch sử, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc, tạo không khí phấn khởi, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực; đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Được kết cấu thành bốn phần "Qua miền Tây Bắc", "Tiến về Hà Nội", "Tổ quốc ở Trường Sa", "Đất nước trọn niềm vui", chương trình đã tái hiện lại một thời “máu lửa”, với lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đặc biệt, thông qua những giai điệu ca múa nhạc đặc sắc đi cùng năm tháng mang đậm nét quê hương, đất nước, Tổ quốc, người lính: “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Hò kéo pháo”, “Thương nhớ anh”, “Về Điện Biên hôm nay”, “Tiến về Hà Nội”, “Bài ca Hà Nội”, “Gần lắm Trường Sa”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Em là chiến sĩ Điện Biên”, “Giải phóng Điện Biên”... do các nghệ sỹ, ca sỹ biểu diễn, chương trình đã là dịp khán giả cả nước và bà con kiều bào cùng ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như để mọi người con đất Việt tự hào và chung tay gìn giữ, phát huy những thành quả của thế hệ cha anh.

Qua những câu chuyện, lời chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, khán giả có dịp hiểu thêm chặng đường 55 ngày đêm chiến đấu cam go, ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng với một niềm tự hào, kiêu hãnh về một kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng Điện Biên Phủ - một sự kiện trọng đại trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh nhân dân của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với những thước phim chân thực, sống động, những hoạt cảnh được dàn dựng công phu, cầu truyền hình đã tái hiện sinh động khí thế hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng Thủ đô, tinh thần người lính bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cầu truyền hình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước, là cầu nối quá khứ với hiện tại, tình cảm thiêng liêng không chỉ của hôm nay mà cả các thế hệ tiếp nối đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh cho đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và trường tồn vững mạnh.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - nơi tôn vinh giá trị lịch sử dân tộc

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình được xây dựng để tôn vinh giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà ông cha ta đã làm nên cách đây 60 năm sẽ chính thức mở cửa đón khách vào ngày 05-5. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được thi công xây dựng từ tháng 10-2012, với tổng mức kinh phí hơn 211tỷ đồng với diện tích trên 22.000m2. Khu nhà chính được thiết kế hình chiếc mũ nan có mắc lưới để gài vật ngụy trang, giống như của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, gồm một tầng hầm và một tầng nổi. Tầng hầm sẽ là nơi đón tiếp khách tham quan, khu hành chính và không gian học tập tương tác; tầng nổi sẽ là không gian trưng bày cố định, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc. Sau khi Bảo tàng mở cửa, du khách sẽ được tham quan toàn bộ công trình hơn 7.000m2. Riêng phần trưng bày cơ bản của công trình có diện tích sàn là 1.400m2, lớn gần gấp ba lần diện tích sàn nhà trưng bày cũ (588m2).

Bảo tàng trưng bày gần 1.000 hiện vật và hình ảnh được chia làm 4 nội dung: Chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 9-1945 – 9-1953; diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ; sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với chiến dịch Điện Biên Phủ; tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới; phòng tôn vinh.

Ngoài ra, toàn bộ phía trong tầng 2 của nhà bảo tàng sẽ được thiết kế bức tranh panorama, là một hạng mục rất quan trọng trong chuỗi nội dung trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Đây là bức tranh tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam nhằm tái hiện một cách chân thực nhất chiến trường Điện Biên Phủ.

Toàn bộ Đề cương trưng bày trong Bảo tàng gắn với những sự kiện liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là ''56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt'', tôn vinh gương hi sinh của các anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót,… Mô tả công tác mở đường, kéo pháo, vận chuyển lương thực của quân và dân ta trong chiến dịch, với những kỷ vật như chiếc xe cút kít đã đi vào lịch sử “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Đó là kỷ vật chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, chiếc xe có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực, nhờ vậy chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường. Đó là những hiện vật, kỷ vật minh chứng cho sự thần kỳ mà quân và dân ta đã làm nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng những vũ khí, phương tiện thô sơ nhưng đã đánh bại vũ khí, phương tiện tối tân của thực dân Pháp trong kháng chiến.

Đặc biệt, nhiều hiện vật mới đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng, là những hiện vật trước đây được trưng bày ngoài trời cùng với những hiện vật mà tỉnh Điện Biên trưng tập được trong cuộc vận động cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiến tặng thời gian vừa qua như: Bức tranh “Xuân trong hầm pháo” của Họa sĩ Phạm Thanh Tâm; con dao đa năng của Thiếu úy Nguyễn Dũng Chi thu được tại hầm Đờ Cát; Sơn pháo 75 ly của Anh hùng Phùng Văn Khầu; khẩu pháo 105 ly đã bắn loạt đầu tiêở trận đánh  tại Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ,…

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn phối hợp với Bảo tàng Hậu cần để trưng bày thêm mảng hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ; trưng bày nhiều số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ,… Trong Bảo tàng cũng dành nhiều không gian để tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng nhiều hình thức trưng bày, triển lãm./.