Vai trò của đội ngũ trí thức Hà Giang trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người thời kỳ hội nhập

Nguyễn Thị Lan Phương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
16:48, ngày 15-11-2023

TCCS - Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và trước yêu cầu đổi mới, đội ngũ trí thức đóng vai trò hết sức quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, đội ngũ trí thức của tỉnh Hà Giang đã phát huy tài năng, trí tuệ và tâm huyết trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đóng góp vào sự phát triển chung trong thời kỳ hội nhập.

Một tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc Liên hoan âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023 tại tỉnh Hà Giang_Nguồn: dangcongsan.vn

Một số đóng góp của đội ngũ trí thức Hà Giang những năm qua

Thời gian qua, đội ngũ trí thức của tỉnh Hà Giang, nhất là đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đã phát huy vai trò, đóng góp công sức và trí tuệ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Trong 5 năm qua, đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu cho tỉnh ban hành 24 đề án, kế hoạch, quy hoạch, dự án về phát triển kinh tế - xã hội; gần 13.000 văn bản về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, du lịch và thể thao; hướng dẫn triển khai và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch và gia đình phục vụ nhiệm vụ chính trị trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa còn góp phần mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động thể dục -thể thao, hướng các hoạt động thể dục - thể thao về cơ sở. Cụ thể là: phối hợp tổ chức 36 giải thi đấu thể thao, tham gia thi đấu 28 giải cấp khu vực đạt 159 huy chương các loại; đưa một số môn thể thao mới vào tổ chức tại tỉnh, như Giải marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh phúc, đua thuyền kayak, dù lượn, giải đua xe ô tô, mô tô, thể thao mạo hiểm chinh phục vách đá Mã Pì Lèng... Trong lĩnh vực du lịch, đội ngũ trí thức đồng hành có hiệu quả với các ngành, các cấp, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các cơ quan trung ương khảo sát, tham mưu hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010; tiếp đó là công nhận cảnh quan ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là Di sản thiên nhiên ruộng bậc thang... Đội ngũ trí thức còn triển khai các hoạt động khoa học phục vụ phát triển du lịch, nhờ đó hàng loạt di sản văn hóa được đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị như: lập hồ sơ đề nghị công nhận 82 di sản, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 59 di tích, danh thắng được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh; 21 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ của mình, 5 năm trở lại đây, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa đã trực tiếp tham mưu tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao và du lịch quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, tiềm năng thế mạnh và các sản phẩm văn hóa du lịch, thương mại đặc trưng của tỉnh đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, như: Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang được tổ chức hằng năm, Chương trình du lịch Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Lễ hội chợ tình Khâu Vai được tổ chức hằng năm ... Nhờ đó, du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc, chuyển biến vượt bậc, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ngày càng gia tăng. Năm 2022 lượng khách du lịch đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu du lịch năm 2022 đạt 4.306 tỷ đồng.

Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú và 179 trường phổ thông dân tộc bán trú. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh: duy trì, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Đội ngũ nhà giáo có bước tiến mạnh mẽ cả về số lượng, trình độ và năng lực công tác. Nhiều nhà giáo vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của cuộc sống để bám trường, bám lớp; quyết tâm vươn lên trong việc tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị; trau dồi đạo đức nhà giáo để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều nhà giáo là tấm gương sáng trong tự học và sáng tạo, lập nhiều thành tích trong quản lý, giảng dạy, được các cấp, bộ, ngành tặng bằng khen. Ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, vùng dân tộc thiểu số, đội ngũ nhà giáo là người góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới cuộc sống người dân vùng biên giới.

Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang

Có thể nói, đội ngũ trí thức của tỉnh Hà Giang đóng vai trò quan trọng trong xây dựng con người và phát triển văn hóa của đất nước, của tỉnh. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách đối với trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời cần chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, có quy hoạch và kế hoạch chăm sóc, bồi dưỡng tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, giữ vững định hướng chính trị và phát huy dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm của họ trước nhân dân, trước dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Cần nâng cao chất lượng công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức, trước hết là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí của trí thức cũng như công tác trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, bảo đảm sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tính năng động, sáng tạo của các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tổ chức hội, cơ quan thông tin báo chí, các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc  xây dựng con người và phát triển văn hóa. Tập trung triển khai xây dựng môi trường văn hóa, lối sống và đời sống văn hóa ở cơ sở, phát huy tính tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân. Khuyến khích sự sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật, tạo ra những công trình khoa học và nghệ thuật có giá trị cao. Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao ở cơ sở. 

Song song đó, tỉnh Hà Giang cần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Quan tâm nâng cao chất lượng dân số, khai thác và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, chăm lo bảo vệ môi trường sinh thái. Kiên quyết đấu tranh loại trừ các tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Bài trừ tệ nạn, mê tín, dị đoan, ma túy, mại dâm và các loại tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm trên môi trường internet. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động trong nước và quốc tế.

Cần xây dựng Đề án phát triển đội ngũ trí thức (trong đó có đội ngũ trí thức lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn). Định kỳ hằng năm thống kê, đánh giá thực chất số lượng, chất lượng nguồn lực trí thức, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời phát hiện và bố trí sử dụng hợp lý đối với những trí thức có trình độ, năng lực thực sự và tâm huyết với sự phát triển của tỉnh./.