TCCS - Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần gìn giữ, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, truyền thống hiếu học của con người Việt Nam nói chung và của Hà Giang nói riêng trong thời kỳ mới, đó là đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, học tập thường xuyên trong gia đình, dòng họ để xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang ngoài giờ lên lớp_Ảnh: TTXVN

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài

Tỉnh Hà Giang luôn xác định việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát huy tinh thần học tập là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, trong đó cán bộ, đảng viên, gia đình, dòng họ, hội viên... là những yếu tố quan trọng xây dựng nền tảng hiếu học, gìn giữ, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Hà Giang trong thời kỳ mới. Tại các xã vùng cao, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các gia đình, dòng họ đã xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, thay vào đó là sinh hoạt theo nếp sống văn hóa, phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để phát huy truyền thống hiếu học, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và toàn xã hội giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt là gia đình, dòng họ vừa chăm lo cho con cháu trong độ tuổi học phổ thông, vừa động viên mọi thành viên trong độ tuổi lao động đi học bổ túc văn hóa, học nghề, tìm hiểu pháp luật, học để nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp thu khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực học tập, chấp hành pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, bảo tồn bản sắc văn hóa tộc. Hằng năm, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện Kế hoạch số 193/KH-UBND, ngày 6-7-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 25-5-2021, của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 282/KH-UBND, ngày 26-11-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 128/KH-UBND, ngày 6-5-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch số 188/KH-UBND, ngày 15-7-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3-6-2022, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập, giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định số 242, 244/QĐ-KHVN, của Hội Khuyến học Việt Nam về ban hành bộ tiêu chí, hướng dẫn, đánh giá, công nhân gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030 và các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan trên địa bàn tỉnh. Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tham mưu cho tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác khuyến học; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục, như phổ cập, duy trì phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở các mức độ 1, 2, 3, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa triển khai thực hiện công tác khuyến học, góp phần xây dựng xã hội học tập, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có chuyển biến tích cực, phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, lan tỏa các mô tình điển hình. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu trong các phong trào thi đua được lan tỏa trong cộng đồng, như tổ chức hội, chi hội khuyến học, các gia đình, dòng họ học tập; gia đình cán bộ, đảng viên là tấm gương trong học tập suốt đời….

Việc tuyên truyền sâu rộng phong trào xây dựng các mô hình học tập tạo sức lan tỏa trong nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức đa rạng, phong phú qua các phương tiện thông tin, đại chúng, Bản tin Khuyến học, zalo, facebook.... Qua đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về xây dựng xã hội học tập, phát huy truyền thống hiếu học được nâng lên rõ rệt. Kết quả xây dựng các mô hình học tập gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động và nhiều phong trào khác của tỉnh, tiêu biểu như: Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Làm kinh tế xóa đói giảm nghèo”; đặc biệt mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã giúp nâng cao kiến thức, thúc đẩy sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân..., góp phần quan trọng để các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đến nay, toàn tỉnh duy trì 193 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong nhà trường góp phần tích cực vào việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Các hoạt động hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, động viên giáo viên giỏi được duy trì. Việc huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đẩy mạnh, nhất là ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Để đẩy mạnh phong trào khuyến học, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, phát huy tối đa sức ảnh hưởng, lan tỏa của gia đình, dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học người Hà Giang trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục - đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mọi công dân được có cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu, đồng thời giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp, tinh thần hiếu học của người Hà Giang. Quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, tư vấn, phản biện các vấn đề liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài được xã hội quan tâm. Chú trọng xây dựng hiệu quả các mô hình học tập, xây dựng các mô hình học tập gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động, phong trào khác của địa phương như “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Làm kinh tế xóa đói giảm nghèo”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Cơ quan văn hóa”...

Hai là, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt thực hiện Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư; các kế hoạch của tỉnh Hà Giang về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, truyền thông số góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, duy trì và phát huy mạnh mẽ tinh thần hiếu học trong cộng đồng và toàn xã hội.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo, lao động - thương binh và xã hội của tỉnh để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng gắn với đẩy mạnh học tập suốt đời, đặc biệt chú trọng những nội dung liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn khuyến học với khuyến nghề theo Chương trình phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2018 - 2023. Cần phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác khuyến học. Phối hợp với ngành giáo dục hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá, xếp loại hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Vận động học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, lưu ban; chống tái mù, xóa mù chữ. Tham gia quản lý học tập tại cộng đồng, nhằm góp phần duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Tiếp tục chương trình hỗ trợ, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vinh danh học sinh, sinh viên, giáo viên, đạt thành tích xuất sắc, những tấm gương người lớn tích cực học tập và lao động sáng tạo, nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào học tập trong và ngoài nhà trường phát triển, tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học hạnh phúc” của ngành giáo dục.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức vận động, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp theo hướng xã hội hóa, hiệu quả, công khai, minh bạch. Vận động các tổ chức trong và ngoài tỉnh, các lực lượng xã hội tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học, ưu tiên các trường vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; phấn đấu 100% tổ chức hội có quỹ khuyến học. Duy trì phong trào “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học”, “Cây chuối khuyến học”, “Vườn rau khuyến học”. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình, qua việc bổ sung hoàn chỉnh các bộ tiêu chí, đánh giá hiện nay. Những mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã sẽ là điều kiện cơ bản để xây dựng xã hội học tập trên phạm vi cấp tỉnh, huyện. Triển khai, tổng kết đánh giá mô hình “Công dân học tập” “Đơn vị học tập” cấp huyện tại một số huyện, thành phố và tổ chức triển khai theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.../.