Hà Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính thực chất, hiệu quả

Nguyễn Thị Lan Phương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
15:43, ngày 27-11-2023

TCCS - Thời gian qua, tỉnh Hà Giang luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải phóng nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng chỉ số niềm tin của xã hội đối với bộ máy chính quyền tỉnh. Mục tiêu nhằm nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt trên 60% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến, qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc cải cách hành chính thực chất, hiệu quả.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Giang giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến_Ảnh: Tư liệu

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt

Tỉnh Hà Giang xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với công vụ, công chức. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài để xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện 6 lĩnh vực của cải cách hành chính liên quan đến: Thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng, phát triển chính quyền số. Nổi bật trong đó, chính quyền điện tử, chính quyền số từng bước được xây dựng và phát triển. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, nâng cấp băng thông với quy mô 237 điểm; 100% các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có mạng LAN, kết nối internet. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến toàn tỉnh được duy trì với quy mô 241 điểm cầu, thuận lợi trong việc trao đổi, làm việc trên môi trường mạng với các đối tác, địa phương trong và ngoài tỉnh, nước ngoài. Hơn nữa, với 24.524 chứng thư số chuyên dùng giúp đưa tỷ lệ lãnh đạo các cấp có thẩm quyền ký trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng đạt 100%.

Ngày 17-2-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 69 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mục tiêu là nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt trên 60% trong tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg; 100% các xã, phường, thị trấn thành lập các điểm dịch vụ công để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ SO trực tuyến; 100% số cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở chữa bệnh, cơ sở khác có chức năng lưu trú đăng ký tài khoản và thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến. Hoàn thành việc số hóa, đồng bộ dữ liệu hộ tịch của 5/9 huyện, thành phố còn lại, hoàn thành trong tháng 11-2023 (trong đó có 2 huyện số hóa xong năm 2022; 5 huyện số hóa năm 2023; 4 huyện số hóa năm 2024).

Hà Giang đã hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua nền tảng LGSP, đồng thời, đưa 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 9 dịch vụ công toàn trình và 2 dịch vụ công một phần. Mặt khác, trong tổng số 1.977 thủ tục hành chính có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh thì 275 thủ tục hành chính được đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định; 96,99% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn chiếm 25,71%, đúng hạn là 73,86% và quá hạn chỉ chiếm 0,43%; việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ 57,46%.

Nhằm thúc đẩy thực chất, hiệu quả công tác cải cách hành chính, giúp đội ngũ lãnh đạo các cấp, ngành nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục tiêu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn cải cách hành chính, phân tích, đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho 84 học viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân 11 huyện, thành phố; 4 lớp tập huấn nâng cao công tác truyền thông, cách thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử cho 192 lượt học viên của 4 xã gồm: Tân Quang, Tân Lập (huyện Bắc Quang), Nấm Dẩn, Quảng Nguyên (huyện Xín Mần) thuộc dự án “Cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu,  xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Mặt khác, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công vụ, công chức gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các sở, ngành, địa phương.

Tính đến tháng 11-2023, tỉnh Hà Giang đã đơn giản hóa rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định là 267 thủ tục; 1.746 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được giải quyết theo cơ chế một cửa; 555 thủ tục xây dựng quy trình liên thông giải quyết; cung cấp 1.818 dịch vụ công trực tuyến, đạt 96,9% tổng số thủ tục hành chính cần rà soát cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính và các giải pháp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, đó là: (i)Việc công bố, công khai các thủ tục hành chính còn chậm so với thời hạn quy định, ảnh hưởng đến việc tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ công khai, minh bạch của tỉnh chỉ đạt 52,1%. (ii) Tiến độ rà soát đối với các nhóm thủ tục hành chính nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả rà soát chưa bảo đảm chất lượng, chưa đạt mục tiêu đề ra. Hầu hết các sở, ban, ngành chưa chủ động trong rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ nên kết quả đạt được còn thấp. (iii) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xem xét, xử lý trước hạn, đúng hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt thấp, 87,87%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt thấp 60,04%. Chậm rà soát, sửa đổi  các quy định thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương phù hợp với việc chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến, số hóa, sử dụng dữ liệu. (iv) Một số cơ chế, chính sách quy định hỗ trợ về công tác cải cách hành chính còn chậm ban hành như: chính sách hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Bộ phận Một cửa; quy định về phí, lệ phí khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chậm triển khai.

Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, chế độ báo cáo. Rà soát và làm sạch dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; thực hiện làm sạch cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Rà soát, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo. Tập trung hoàn thành tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao năng lực, hiệu quả, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định, hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính./.