TCCS - Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) ngày càng được quan tâm phát triển trên quy mô lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của công nghệ AI đặt ra một số vấn đề trong nghiên cứu lĩnh vực này ở thế giới và Việt Nam hiện nay, như chuẩn mực về đạo đức, pháp luật trong các nghiên cứu mới về AI; các chính sách tác động của AI nhằm giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong quá trình phát triển; thúc đẩy việc nghiên cứu liên ngành về AI trong thời gian tới…

Từ dự án ban đầu đến bước đột phá quan trọng

ChatGPT (ChatGenerative Pre - training Transformer) là một chương trình tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với con người (chatbot) do công ty khởi nghiệp Open AI phát triển và cho ra đời ngày 30-11-2022. Công cụ này có thể giúp con người trò chuyện, tra cứu, tìm kiếm thông tin mà không cần đến Google. Chatbot đã đạt được mức hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau và trả lời các yêu cầu của người sử dụng chỉ trong vài giây. ChatGPT được đánh giá là công cụ trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới cho đến nay và đang từng bước tiệm cận với trí tuệ con người. Sự ra đời của nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo nên nhiều ý kiến trong dư luận về sức ảnh hưởng của công nghệ AI.

Thuật ngữ “Artificial intelligence - AI” lần đầu được đề cập vào giữa thế kỷ XX và trở thành một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành tin học, liên quan đến cách thức xử lý tình huống, học hỏi và cấp độ thông minh của máy móc, như: điều khiển, lập kế hoạch, chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng, nhận dạng chữ viết, tiếng nói và khuôn mặt… Đến năm 2017, các nhà khoa học mới cài đặt thành công “trí tưởng tượng” vào dự án AI của Google–DeepMind, khiến máy móc đã có thể dự báo hệ quả của hành động và tự lên phương án xử lý phù hợp. Tiếp đó, việc máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch thế giới cờ vua Garry Kasparov (năm 1997), máy tính Watson của IBM đánh bại chuyên gia trong trò chơi ngôn ngữ (năm 2011), máy tính Cepheus đánh bại nhà vô địch trò chơi bài xì phé (năm 2015); máy tính AlphaGo của Google đã thắng nhà vô địch cờ vây (Trung Quốc) Ke Jie... khiến AI được đánh giá là đạt trình độ siêu trí tuệ (SI), tuy nhiên nó vẫn chưa đạt tới mức trí tuệ thông minh tổng quát (GI).

Năm 2019, dự án “AI DeepMind của Google”được khởi động. Thuật toán AI mới dựa trên những nghiên cứu từ khoa thần kinh học, khiến máy móc có thể học hỏi như con người”. Các kết nối não bộ được đánh dấu là “bí mật” quan trọng nhất đối với các kỹ năng học hỏi từ quá khứ của con người đã hé lộ. Thuật toán AI mới đã giải mã hoạt động phức tạp của não người theo một cách đơn giản. Bởi trước khi chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, máy sẽ xác định xem các kết nối nào trong mạng lưới là quan trọng nhất cho các nhiệm vụ mà nó đã học trước đó. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi dự án bắt đầu, ChatGPT đã ra đời với thành công mang tính “đột phá” quan trọng, khiến máy móc mang trí tuệ nhân tạo (AI) còn có thể vượt cả trí tuệ của con người trên một số lĩnh vực nhất định, như khả năng tổng hợp dữ liệu, khái quát, nhận định… trên cơ sở dữ liệu đầy đủ và trung thực. OpenAI hiện đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký trong lĩnh vực nghiên cứu AI với Google.

Theo thống kê của Ngân hàng UBS, dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT, được OpenAI công bố cuối tháng 11-2022, công cụ Chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) của OpenAI trở thành ứng dụng thu hút nhiều người dùng mới nhanh nhất trong số các ứng dụng phổ thông trên mạng internet hiện nay, khi thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt. Tính đến ngày 31-1-2023, siêu AI đã đạt 100 triệu người dùng; trung bình mỗi ngày trong tháng 1-2023, có 13 triệu người truy cập. Trong khi đó, Hãng tin Reuters dẫn thống kê của Sensor Tower cho thấy, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm(1). Điều đó cho thấy, ChatGPT là công cụ được ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhằm đưa ra câu trả lời gần giống một cuộc trò chuyện giữa người với người. Công cụ này còn có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và video mới, thậm chí còn có khả năng vẽ, làm thơ, sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra chuỗi mã hóa (code)… ChatGPT tuy mới ra mắt vào cuối năm 2022, chỉ sau 2 năm dự án nghiên cứu phát triển, nhưng nó đã được sử dụng rộng rãi với tốc độ phi thường, giúp cho công ty Open AI thu được hàng tỷ USD đầu tư từ Microsoft.

Các nhà khoa học trên thế giới hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về công cụ trí tuệ nhân tạo này, nhưng đa số đều khẳng định tính cách mạng thực sự của nó khi tạo ra cuộc trò chuyện như giữa con người với con người. ChatGPT có ưu thế vượt trội bởi nó là công cụ trả lời thẳng vào câu hỏi, ngắn gọn, nhanh, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu suất công việc; có khả năng ghi nhớ nội dung trao đổi trước đó, đưa ra những đề xuất hỗ trợ người sử dụng; là trợ thủ đắc lực cho các chuyên gia tài chính khi nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu tài chính một cách đầy đủ và chính xác, giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định phù hợp và hiệu quả hơn. ChatGPT đã giải quyết được cả những vấn đề phức tạp, khi không chỉ dừng lại ở sự mô tả, bắt chước những gì mà con người đã lập trình cho nó mà AI đã có thể khái quát, tổng hợp rồi đưa ra những nhận định gần giống như tư duy logic và sáng tạo của con người, thậm chí một số chức năng sáng tạo tốt hơn và nhanh hơn con người. Tuy nhiên, hiện tại, ChatGPT vẫn là công cụ thiếu kỹ năng tư duy phản biện và nhận định đúng, sai. Với kho dữ liệu hiện tại của ChatGPT chỉ mới được cập nhật đến năm 2021, nên không phải tất cả các câu hỏi ChatGPT đều có thể trả lời được. Những giới hạn về nhận thức đúng, sai dựa trên dữ liệu sử dụng có thể khiến ChatGPT đưa ra câu trả lời không chính xác hoặc đưa ra những thông tin sai lệch. Những hạn chế trên khó có thể khắc phục trong tương lai gần.

Thực trạng phát triển của ChatGPT và tính ứng dụng của AI tại Việt Nam

Năm 2018, lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức sự kiện thường niên “Ngày hội Trí tuệ nhân tạo” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Từ đó đến nay, “Ngày hội Trí tuệ nhân tạo” đã trở thành một sự kiện khoa học tin cậy, thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan ban hành chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu... cùng chung tay thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2117/QĐ-TTg, ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ở lĩnh vực công nghệ số, danh mục công nghệ ưu tiên gồm: Trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; công nghệ phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây… Trong số đó, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định AI là công nghệ được ưu tiên hàng đầu(2).

Các bạn trẻ tìm hiểu các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2022)_Nguồn: vnexpress.net

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26-1-2021, “Về Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Chiến lược này đưa ra mục tiêu cụ thể nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới (3).

Để triển khai chiến lược quan trọng trên, ngày 23-6-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 1678/QĐ-BKHCN, “Về việc Ban hành kế hoạch triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030". Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về AI ở Việt Nam, cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu lớn theo chỉ đạo của Chính phủ. Với các yếu tố trên, năm 2023 được kỳ vọng là năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI tại Việt Nam(4).

Năm 2022, theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022" do Tổ chức Oxford Insights (Anh) công bố, hiện nay, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI. Việt Nam đang có các lợi thế như dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số…, là những điều kiện lý tưởng để phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Nước ta hiện đã xuất hiện liên hiệp các cộng đồng AI ở Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới, gồm: Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU; Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI4Life; Cộng đồng Chuyển đổi số - Digital Transformation; Cộng đồng Machine Learning cơ bản; Cộng đồng Google Developer; Cộng đồng Business Intelligence; Cộng đồng VietAI - Trí tuệ nhân tạo Việt. Đây là tiền đề tốt cho một chặng đường dài phát triển phía trước.

Năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam, như Viettel, FPT, Rikkei Soft... bắt đầu có sự đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Theo đó, Tập đoàn Viettel đang tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính: Xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, Viettel đang phát triển thêm lĩnh vực robotics và digital twin để mở rộng lĩnh vực AI. Trong khi đó, Tập đoàn FPT đang ứng dụng công nghệ AI trong rất nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe, đến giáo dục và giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nền tảng FPT.AI của FPT là hệ sinh thái của hơn 20 dịch vụ AI tiên tiến đang được triển khai tại 15 quốc gia, với 11 triệu người dùng và 200 triệu người giao tiếp. Hãng Rikkeisoft cũng đã bước đầu tự chủ về công nghệ AI lõi, như camera thông minh, loa thông minh, robotics… Thời gian tới, Rikkeisoft đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng nhờ công nghệ robot và áp dụng trong lĩnh vực thực tế, như khách sạn, resort và sân golf, cũng như phát triển các ứng dụng AI, tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe(5)

Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực phát triển AI để không quá chậm chân so với thế giới. Trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ là công nghệ chủ lực trong 10 năm tới, vì thế chúng ta cần xây dựng các chính sách phát triển AI dài hạn, trong đó tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đồng thời có những chính sách hỗ trợ về việc ứng dụng AI, tạo tiền đề quan trọng phát triển ngành công nghệ số của Việt Nam./.

---------------------------

(1) Trà Khánh: ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 3 tháng, ra mắt phiên bản thu phí, báo điện tử VTC News, ngày 2-2-2023,  https://vtc.vn/chatgpt-dat-100-trieu-nguoi-dung-chi-sau-3-thang-ra-mat-phien-ban-thu-phi-ar739466.html
(2) Xem: Quyết định số 2117/QĐ-TTg, ngày 16-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
(3) Xem: Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26-1-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”
(4) Xem: Quyết định số 1678/QĐ-BKHCN, ngày 23-6-2021, của Bộ Khoa học và Công nghệ, “Về việc Ban hành kế hoạch triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030"
(5) Minh Sơn: ChatGPT - Cú hích cho sự phát triển AI tại thị trường Việt Nam, Báo điện tử Vietnamplus, ngày 6-2-2023, https://www.vietnamplus.vn/chatgpt-cu-hich-cho-su-phat-trien-ai-tai-thi-truong-viet-nam/844490.vnp