Nhận diện và giải pháp góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc trong tình hình hiện nay
TCCS - Không từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều “chiêu bài” hết sức tinh vi, xảo quyệt tác động đến nhiều lĩnh vực, vấn đề, trong đó, lịch sử dân tộc là một trong những hướng tấn công “chủ đạo”. Thời gian qua, sự xuất hiện, tồn tại các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc đã tác động xấu đến môi trường tư tưởng, tính chân thực, khách quan của những sự kiện, mốc son, thành quả phát triển đất nước. Việc nhận diện, phản bác hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc trong tình hình hiện nay là cấp thiết.

Nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc trong tình hình hiện nay
Trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nếm trải bao gian khổ, khó khăn, đau thương, mất mát, hy sinh, với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã quật khởi, vùng lên lần lượt đánh thắng các thế lực hùng mạnh, những đối thủ “sừng sỏ” trên thế giới. Để rồi, cả dân tộc tự hào, hân hoan vỡ òa trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà. Từ đây, lịch sử đất nước sang trang mới, mở ra thời kỳ bảo vệ nền độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trên hành trình ấy, với phương châm nhất quán “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, cùng nhân loại tiến bộ xây dựng thế giới hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và bền vững. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn chưa bao giờ từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình” chống phá vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cũng như tính ưu việt của chế độ. Chúng sử dụng nhiều “chiêu bài” tinh vi, nhiều thủ đoạn xảo quyệt, tác động đến nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau, và một trong những hướng tấn công “chủ đạo” là xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc.
Với chiêu bài “mưa dầm thấm lâu”, “sự thật là sự giả dối được lặp đi lặp lại nhiều lần”…, các thế lực thù địch huy động, sử dụng mọi lực lượng, biện pháp, cách thức khác nhau để lan truyền, phát tán các thông tin xấu, độc về lịch sử dân tộc, cụ thể:
- Xuyên tạc, phủ định những vấn đề thuộc về cội nguồn, bản sắc, truyền thống, cốt cách và đạo lý của dân tộc được gây dựng và đúc kết từ bao đời.
- Xuyên tạc sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước cũng như các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị; phủ nhận lịch sử các địa phương, vùng, miền.
- Bài bác, phủ định ý nghĩa, tầm quan trọng của các sự kiện, mốc son, chiến công chói lọi, hào hùng của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm, ôn lại giá trị lịch sử của quốc gia, dân tộc.
- Bôi nhọ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân văn hóa Việt Nam, những anh hùng, hào kiệt, “khai quốc, công thần”; phủ định, hạ bệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đả kích, bôi nhọ thanh danh các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phủ định công lao, đóng góp của các nhân chứng lịch sử, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha, ông trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi.
- Công kích, đả phá công tác nghiên cứu, biên soạn, bảo tồn, bảo tàng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc, gồm cả việc dạy và học môn lịch sử trong môi trường giáo dục phổ thông.
- Đề cao những cái gọi là “giải thiêng”, “xét lại” trong nghiên cứu lịch sử, cổ xúy cho những biểu hiện “lật sử”, “ngụy sử”, tuyên truyền, quảng bá cho quan điểm, cách nhìn nhận đi ngược với tiến trình phát triển của dân tộc…
Để hiện thực hóa mưu đồ trên, các thế lực thù địch tập trung triển khai dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Thời gian qua, chúng thường: Thứ nhất, ngụy trang, núp bóng, khoác áo chuyên gia, nhà khoa học… thông qua công bố các công trình nghiên cứu, xuất bản các ấn phẩm khoa học (sách, báo…), trình bày, phát biểu tham luận tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm khoa học. Từ đó, lồng ghép một cách “ngẫu nhiên” các quan điểm, cách nhìn nhận sai lệch về lịch sử dân tộc thể hiện dưới dạng các luận điểm, luận thuyết, giả thuyết, dự báo, phương hướng, kiến nghị, giải pháp khoa học đề cập đến một hay nhiều vấn đề thuộc về hoặc liên quan đến lịch sử dân tộc; Thứ hai, nhân danh góp ý, xây dựng, phản biện, cải cách và thông qua những cái gọi là thư ngỏ, kiến nghị, tuyên bố… để đưa ra ý kiến, quan điểm, cách nhìn nhận thiếu khách quan, chưa sâu sắc, toàn diện, những suy nghĩ trái chiều có tính quy kết, chụp mũ, thậm chí là bóp méo, phê phán, phủ định, bác bỏ những giá trị lịch sử và bản chất, ý nghĩa của sự kiện trọng đại, những lễ hội truyền thống,…; Thứ ba, lôi kéo, kích động tâm lý hoài nghi quá khứ, xét lại lịch sử trong những “lực lượng” có quan điểm “cấp tiến”, “đổi mới” trong nước; tập hợp, nuôi dưỡng, hậu thuẫn, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các đối tượng cực đoan, chống đối nhằm “dựng” lên và phát triển các hội, nhóm, phong trào “ngụy sử”, “lật sử” với ý đồ biến chúng trở thành “vệ tinh”, “vòi bạch tuột” hay “cánh tay nối dài”…
Thâm độc hơn, thông qua tính năng, tiện ích của internet, nền tảng mạng xã hội(1), những chiêu bài đó càng được phát tán diện rộng, nhất là thời điểm cận trước, trong và sau khi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, những sự kiện trọng đại của đất nước(2) và những ngày lễ lớn dân tộc(3). Vào những dịp này, không quá khó để tìm kiếm, tiếp cận các tin, bài chứa thông tin xấu, độc, phản ánh sai lệch, méo mó nội dung, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử cũng như phủ định nỗ lực của các cấp, ngành và đóng góp của nhân dân trong tổ chức hoạt động kỷ niệm có tính ôn lại hay tưởng nhớ về lịch sử. Các đối tượng thù địch, chống đối đã huy động một cơ số diễn đàn, kênh truyền thông liên tục tung ra hàng loạt cơ sở, căn cứ, chứng liệu nhằm cắt xén, thêu dệt, thêm thắt... để hình thành các luồng thông tin xấu độc, sai trái, thù địch. Thậm chí, đã có sự cấu kết, móc nối trong, ngoài để hình thành “chiến dịch truyền thông bẩn” nhằm vào lịch sử dân tộc.
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã chủ động có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu, giảm thiểu hậu quả, tác hại hoạt động tuyên truyền, chống phá lịch sử dân tộc. Tuy vậy, thời gian qua, dưới tác động của những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử ít nhiều làm giảm sút niềm tin chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, hình thành những nhận thức, định kiến méo mó, lệch lạc, sai trái, dẫn đến lãng quên những giá trị lịch sử; làm xuất hiện những trào lưu, khuynh hướng thoát ly, xét lại lịch sử dân tộc trong nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, học tập lịch sử; tạo điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch hiện thực hóa âm mưu, ý đồ phá hoại lịch sử dân tộc.
Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân do tác động từ nhiều yếu tố dẫn đến thờ ơ, thậm chí quay lưng với các sự kiện, giá trị và nhân chứng lịch sử; sự phát triển như vũ bão của nền tảng internet, mạng xã hội đã cho phép lan truyền vô vàn thông tin đa chiều, phức tạp, không chính thống, thiếu tính định hướng được cung cấp và phản ánh từ nhiều nguồn khác nhau.
Việc dạy và học lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều khoảng trống. Đơn cử, tại các kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia giai đoạn 2016 - 2022, kết quả kiểm tra, đánh giá môn lịch sử được xếp vào loại thấp nhất trong các môn học được chọn để kiểm tra, đánh giá. Khi đề cập đến vấn đề này, dư luận xã hội có không ít ý kiến trái chiều cho rằng lịch sử không cần thiết phải là môn học bắt buộc trong các chương trình giáo dục các cấp. Hay như, trong hơn sáu thập kỷ qua, tính cả thời gian đất nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng điện ảnh Việt Nam chỉ có hơn 20 bộ phim phản ánh đề tài lịch sử...(4). Những con số trên có thể không phản ánh tất cả, nhưng nó cũng nói lên được nhiều điều mà những cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân đảm nhiệm công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc phải suy ngẫm.
Trong khi đó, việc lan tỏa, “phủ xanh” thông tin, tuyên truyền, định hướng nhằm giúp dư luận hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về lịch sử dân tộc, công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận tính chân thật, khách quan cũng như giá trị, tính chất, tầm quan trọng của các sự kiện trong tiến trình phát triển lịch sử dân tộc vẫn chưa thực sự chủ động; có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động và bất ngờ…
Một số giải pháp góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc trong tình hình mới
Năm 2025 với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại được cho là “thời cơ vàng” để các thế lực thù địch mở chiến dịch tuyên truyền, phát tán thông tin xấu, độc, phủ nhận lịch sử dân tộc. Thực tế đó đã và đang đặt ra với toàn Đảng, toàn dân trọng trách bảo vệ tính đúng đắn, chân thực, khách quan, toàn diện của lịch sử dân tộc trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Để thực hiện tốt trọng trách đó, chúng ta cần quán triệt và giải quyết tốt một số vấn đề, cụ thể như sau:
Một là, cả hệ thống chính trị cũng như mọi người dân cần tích cực hành động để bảo vệ và phát triển giá trị, ý nghĩa lịch sử dân tộc. Việc bảo vệ và phát triển lịch sử dân tộc là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, là trọng trách của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân, xem việc bảo vệ lịch sử dân tộc cũng chính là bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, gắn liền với giữ gìn, nâng tầm uy tín, vị thế, tiềm lực, cơ đồ của quốc gia, dân tộc trong tình hình mới. Để hiệu quả, đổi mới nhận thức phải đi đôi với “cách mạng” trong hành động, bảo vệ lịch sử phải bắt nguồn từ tinh thần tự nguyện, ý thức tự giác, dám nghĩ, dám gánh vác trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; phát huy cao độ theo phương châm “Tiền hô hậu ủng, nhất hô báo ứng, trên dưới đòng lòng, dọc ngang thông suốt”; kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, đồng bộ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh”, hài hòa giữa lan tỏa, “phủ xanh” thông tin tích cực với phê phán, bài bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại; quán triệt phương châm dùng “lịch sử để giải quyết vấn đề lịch sử”... Đổi mới nhận thức và chuyển biến trong hành động phải diễn ra sâu rộng, toàn diện, từ trong tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động, trong xây dựng, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xác định và triển khai các nội dung, cách thức bảo vệ cho đến việc thực hiện cơ chế, chính sách, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, sức mạnh vật chất và tinh thần, tạo thống nhất trong ý chí và hành động của toàn dân trong phòng, chống các luận điệu xuyên tạc lịch sử, chống phá chế độ.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc đi đôi với xây dựng ý thức tự giác, có quan điểm phù hợp, động cơ đúng đắn trong nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp cận lịch sử dân tộc. Cần cải tiến hơn nữa nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc. Nghiên cứu, nhân rộng các kinh nghiệm quý, cách làm hay, mô hình hiệu quả của các đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, giáo dục.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử; chú trọng xây dựng, bổ sung hệ thống luận điểm, luận cứ làm cơ sở đấu tranh phản bác hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử dựa trên quan điểm biện chứng, cách mạng, khách quan, toàn diện và lịch sử cụ thể. Khi xem xét, đánh giá một vấn đề, sự kiện, dấu mốc, thời kỳ lịch sử dân tộc, cần bám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng, dựa trên những nguồn tư liệu sử học chính thống được nghiên cứu, biên soạn bởi đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu sử học uy tín, tầm cỡ. Quá trình nghiên cứu, công bố các công trình, sản phẩm khoa học liên quan lịch sử dân tộc, cần đứng trên quan điểm, lập trường bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc quốc gia, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sứ mệnh của của Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để những giá trị lịch sử không bị bóp méo, hiểu sai, cần chủ động định hướng nhân dân truy cập, tiếp cận lịch sử dân tộc từ các nguồn thống, như các công trình (sách, báo, tạp chí) nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử của các nhà nghiên cứu có uy tín; tiếp thu có chọn lọc thông tin, tư liệu lịch sử dân tộc được lan truyền trên các kênh truyền thông chính thống (báo nói, báo in, báo hình, báo điện tử,..) được cung cấp từ các cơ quan nghiên cứu lịch sử của Đảng… Bên cạnh đó, cần chú trọng tập hợp, hệ thống thành những tài liệu chuyên sâu dưới dạng các luận điểm, luận cứ làm cơ sở chính trị, tư tưởng để đưa ra lý lẽ sắc bén, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, khoa học, tuyên chiến, đẩy lùi, bác bỏ các thông tin xấu độc về lịch sử dân tộc; từ đó hình thành những sản phẩm tuyên truyền chất lượng, phục vụ đắc lực và hiệu quả công tác đấu tranh, vạch trần những quan điểm phi cách mạng, lối tư duy phi khoa học, những nhận định, kết luận có tính quy kết, áp đặt, trở cờ, xuyên tạc, phủ nhận và phản bội lịch sử dân tộc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, tăng cường hiệu lực, quản lý nhà nước; chủ động phát huy tối đa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông… trong phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc. Các cơ quan, ban, ngành chức năng cần phối hợp đồng bộ, triển khai nhịp nhàng các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chủ động rà soát, kịp thời phát hiện và bịt kín sơ hở, thiếu sót, có biện pháp chấn chỉnh những cách làm chưa phù hợp, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong tuyên truyền, quảng bá, phát hành các sản phẩm, hoạt động, dịch vụ liên quan đến lịch sử dân tộc. Tăng cường nắm bắt thông tin, tình hình dư luận xã hội, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc bản chất, ý nghĩa các sự kiện lịch sử nhằm chống Đảng, Nhà nước; duy trì các yếu tố an ninh, an toàn cần thiết góp phần bảo đảm các giá trị, sự kiện lịch sử được hiểu đúng, đầy đủ và được tôn trọng, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, đặc biệt là các nền tảng của mạng xã hội trong tham gia lan toả, phủ xanh thông tin tích cực góp phần tuyên truyền, định hướng dư luận trước tác động của những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc. Cần có những định hướng bài bản, dài hơi, những cơ chế chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích, thu hút, tập hợp, quy tụ đội ngũ phóng viên, biên tập viên; lực lượng văn sĩ, trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu… bồi dưỡng họ trở thành những báo cáo viên, dư luận viên, truyên truyền viên, cộng tác viên đắc lực nhằm bảo vệ những giá trị lịch sử trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá.
Năm là, tiếp tục xây dựng và triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông đối với những ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng, hướng vào nhiều mục tiêu khác nhau, vừa là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp ngành, đoàn thể, nhân dân hiểu thêm về truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc, thấy được sự cần thiết, tính quan trọng và ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, qua đó thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đồng tình của các giai tầng xã hội trong giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống, lịch sử dân tộc. Mặt khác, tuyên truyền định hướng dư luận, vạch trần, phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc. Để đạt được mục tiêu trên và mang lại hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng khoa học, bài bản, thực chất và khả thi; nội dung thông tin tuyên truyền phải có sự đầu tư công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt, phù hợp, có sức lôi cuốn, hấp dẫn và gần gũi, sát hợp hơn với đại bộ phận nhân dân, bảo đảm phát huy tác dụng, tạo chuyển biến tích cực cả trong nhận thức, tình cảm, ý thức, thái độ và hành động của toàn xã hội đối với giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc cũng như những sự kiện trọng đại của đất nước.
Sáu là, tăng cường tiềm lực, các điều kiện cần thiết phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử dân tộc cả trước mắt và lâu dài. Huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, sự hiệp đồng tác chiến của các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền, phản bác; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên, dư luận viên, tuyên truyền viên của ban chỉ đạo 35 các cấp; Liên kết chặt chẽ, rộng khắp hơn nữa hệ thống mạng lưới các kênh thông tin, các tài khoản mạng xã hội chuyên biệt trên không gian mạng. Qua đó, hình thành thế trận liên hoàn, vững chãi, đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, vạch trần mưu đồ phủ nhận, xét lại lịch sử dân tộc. Tăng cường đầu tư trang thiết bị và các điều kiện kỹ thuật cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu công tác; quan tâm hơn nữa việc thực thi chế độ, chính sách nhằm động viên, khích lệ kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác; Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm… giữa các cấp, ngành trong hệ thống ban chỉ đạo 35 các cấp, qua đó tiếp thu, nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả trong phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, góp phần bảo vệ tính đúng đắn, chân lý, khách quan của từng sự kiện, dấu mốc cũng như bảo đảm tính bền vững cho toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc./.
-----------------------
(1) Như Facebook, Tiktok, Zalo, Twitter, Youtube…
(2) Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8) - Ngày Truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam, Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9)…
(3) Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3), Ngày sinh của các Danh nhân Đất Việt,…
(4) Xem: “Không được lãng quên lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, Thời báo VTV, https://vtv.vn/chinh-tri/khong-duoc-lang-quen-lich-su-day-tu-hao-cua-dan-toc-viet-nam-20230831002758131.htm
(5) Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025); 80 năm Ngày cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2025)…
- Thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong kỷ nguyên mới
- Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 với các lực lượng khác trong bảo đảm an ninh môi trường khu vực ven biển
- Các giải pháp trọng tâm, đột phá bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hai con số những năm tiếp theo
- Thanh tra Chính phủ nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới
- Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khu vực công của Singapore và gợi ý cho Việt Nam
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp