Phát huy hào khí “Diên Hồng”, người cao tuổi Việt Nam tiếp tục cống hiến vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

NGUYỄN THANH BÌNH
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam
17:40, ngày 09-04-2024

TCCS - Người cao tuổi Việt Nam được Đảng ta xác định là nguồn lực quan trọng, quý báu, là nhân lõi cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm tựa tinh thần của dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Hào khí “Diên Hồng” từ trong lịch sử dân tộc

Trong lịch sử dân tộc, người cao tuổi nước ta luôn được đặt vào vị trí rường cột quốc gia, góp phần quan trọng vào sự trường tồn dân tộc. Năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Tinh thần yêu nước, sự quyết chí, đồng tâm đánh giặc của các bô lão tại Hội nghị Diên Hồng đã trở thành biểu tượng hào khí non sông, hào khí “Diên Hồng”; là truyền thống bất diệt, thể hiện chí khí xả thân vì nước của người cao tuổi Việt Nam trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; được hun đúc qua biết bao thế hệ, trở thành vốn quý nghìn năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là biểu tượng của ý chí tự chủ, tự lực, tự cường được nêu cao bởi các vị phụ lão nước ta.

Ngay từ buổi đầu dựng nước, các bậc phụ lão có vị trí lịch sử đặc biệt, giàu kinh nghiệm sống, nên họ là lực lượng hướng đạo trong cố kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh chế ngự, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất, làm ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước, trước họa xâm lăng, các bậc phụ lão không chỉ đóng vai trò là một lực lượng mưu trí, dũng cảm tham gia đánh giặc, làm chỗ dựa hậu phương, mà đặc biệt còn là điểm tựa tinh thần bất khuất, kiên trung vì những tấm gương sáng dám xả thân vì xã tắc, tô thắm các trang sử vàng dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh lịch sử của người cao tuổi trong tiến trình cách mạng

Thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống “Diên Hồng” càng tỏa sáng trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, vì khát vọng dân tộc hùng cường. Các giá trị tinh thần dân tộc ấy được tiếp nối và thăng hoa trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh nội sinh, tiêu biểu cho khí phách Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng chế độ mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các bậc tiền bối cách mạng, lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ luôn tỏ rõ khí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng, tiếp tục dõi theo, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tấm gương của các bậc tiền bối được lưu truyền, phát huy trong mọi thời kỳ lịch sử. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người cao tuổi cũng một lòng một dạ theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người cao tuổi luôn hưởng ứng nhiệt huyết các phong trào thi đua ái quốc, sản xuất giỏi, chiến đấu kiên cường, động viên con cháu xả thân vì nước. Qua gần 40 năm đổi mới, người cao tuổi là một trong những lực lượng đi đầu và luôn ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, xây dựng cơ đồ dân tộc ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Với tầm tư duy sâu rộng, sự nhạy cảm chính trị, sự am tường văn hóa phương Đông và phương Tây, lịch sử văn hóa dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị cốt lõi về sứ mệnh lịch sử của người cao tuổi, gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, với cách mạng Việt Nam. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã có thêm sự tích lũy về sức mạnh đại đoàn kết lực lượng cách mạng quốc tế và trong nước. Ngay sau khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, nhân danh người đứng đầu Mặt trận Việt Minh - mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư gửi các Phụ lão toàn quốc (ngày 6-6-1941), trong đó khẳng định: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng suy, tồn vong, phụ lão đều gánh vác, trách nhiệm rất nặng nề...”(1). Lời hiệu triệu của Người là dấu mốc mở đầu truyền thống người cao tuổi Việt Nam, tiếp nối truyền thống “Diên Hồng”. Quốc dân Đại hội Tân Trào, với sự tham gia của nhiều thân sĩ, trí thức, trong đó người cao tuổi là một thành phần quan trọng, thực sự là “Hội nghị Diên Hồng” trước thềm bước ngoặt lịch sử Việt Nam thời hiện đại, nhờ đó đã khích lệ được chí khí người cao tuổi, làm rường cột tập hợp, giác ngộ đông đảo quần chúng đi theo Đảng, tạo nên sức mạnh long trời lở đất tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời nhiều bậc trí thức cao niên tham gia vào chính phủ cách mạng, khích lệ phụ lão phát huy tinh thần yêu nước, hăng hái tham gia kháng chiến vệ quốc và kiến thiết nước nhà, giúp nước nhà vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cổ vũ con cháu tham gia kháng chiến và xây dựng chế độ mới.

Không chỉ là người hướng đạo tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng với nòng cốt là người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng về tài năng, đức độ cách mạng. Từ thời trai trẻ đến tuổi “xưa nay hiếm”, dù ở cương vị nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Người luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong mối quan tâm chung tới mọi giai tầng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm, ân cần đặc biệt tới người cao tuổi. Người tặng quà, nói chuyện động viên, căn dặn người cao tuổi phải làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu, gửi thư khích lệ tinh thần “tuổi cao chí càng cao” của người cao tuổi trong chiến đấu và sản xuất. Trong Di chúc thiêng liêng, Người dành muôn vàn tình yêu thương cho trẻ thơ và phụ lão. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cao tuổi là một biểu tượng cao đẹp tô đậm truyền thống yêu nước thương nòi, góp phần quan trọng làm nên sức mạnh dân tộc thời hiện đại, là vốn quý đưa nước nhà tới giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau_Ảnh: TTXVN

Quan điểm của Đảng về người cao tuổi Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng

Phát huy truyền thống “Diên Hồng”, vai trò người cao tuổi trong tiến trình lịch sử dân tộc trong 94 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán, nhằm tôn vinh người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay trong các văn kiện đầu tiên, Đảng luôn đặt người cao tuổi vào vị trí quan trọng, là một bộ phận đặc biệt trong tập hợp lực lượng cách mạng đi theo Đảng.

Sau khi nước nhà được độc lập, đồng bào được tự do, Đảng, Nhà nước đã quan tâm từng bước cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi. Trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc kéo dài 30 năm, tiếp đến là 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, người cao tuổi được Đảng, Nhà nước xác định là một lực lượng tiêu biểu cho tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, được huy động tối đa vào sự nghiệp chống ngoại xâm, kiến thiết chế độ mới. Phụ lão được tôn vinh trên các lĩnh vực, cùng con cháu cầm súng đánh giặc, làm giao liên, nuôi giấu cán bộ kháng chiến trong vùng địch hậu…

Bước vào thời kỳ đổi mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27-9-1995, “Về chăm sóc người cao tuổi”. Ngày 23-11-2009, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Người cao tuổi với 6 chương, 31 điều. Luật quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với người cao tuổi, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, quy định rõ hành vi bị cấm thực hiện đối với người cao tuổi. Ngày 24-9-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg, “Về việc cho phép thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam”. Ngày 25-4-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg, “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Về công tác dân số trong tình hình mới” đưa ra mục tiêu: “Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi”(2). Ngày 23-6-2023, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 58-KL/TW “Về công tác người cao tuổi và hội người cao tuổi trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể và sự chia sẻ của toàn xã hội đối với người cao tuổi. Tới đây, sẽ tổng kết Chỉ thị số 59-CT/TW của Ban Bí thư về chăm sóc người cao tuổi; Quốc hội sẽ xem xét việc sửa Luật Người cao tuổi; Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn 2045…, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp, thích ứng bối cảnh già hóa dân số, tạo điều kiện, nguồn lực cho người cao tuổi được thụ hưởng và cống hiến nhiều hơn nữa. Ngày nay, trước bối cảnh mới, yêu cầu mới của cách mạng, rất cần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của toàn dân; muốn làm được điều ý nghĩa đó, không thể không tính đến vị trí, vai trò người cao tuổi. Để cơ đồ dân tộc Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, người cao tuổi Việt Nam cần tự tôn vinh và lan tỏa truyền thống “Diên Hồng” vào cuộc sống đương đại, tiếp tục là điểm tựa tinh thần dân tộc, rường cột quốc gia, đem vốn kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình truyền lại cho thế hệ sau, cổ vũ, động viên con cháu và toàn xã hội quyết chí, đồng lòng đưa dân tộc ta từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Công tác người cao tuổi là hoạt động xã hội có tính đặc thù, được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; do người cao tuổi đảm trách, trong đó nòng cốt là tổ chức hội người cao tuổi các cấp nhằm chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trước mọi biến động khách quan, chủ quan, giúp cho người cao tuổi Việt Nam sống thật khỏe, thật vui, thật hạnh phúc, đồng thời phát huy tối đa vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người cao tuổi vừa tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trọng trí, trọng đức đối với phụ lão, vừa góp phần bồi đắp và định hướng giá trị nhân bản, nhân văn cho văn hóa và con người Việt Nam thời hiện đại.

Bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường, tác động sâu rộng tới hòa bình, ổn định chung; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống; biến đổi khí hậu theo xu hướng tiêu cực đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết đối với an ninh toàn cầu và từng quốc gia, đòi hỏi con người luôn thích ứng để tồn tại và phát triển, do đó cần có sự chuẩn bị tâm lý và bổ sung kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, tác động của già hóa dân số trên phạm vi thế giới và ở Việt Nam đã và đang đòi hỏi các cấp có thẩm quyền dự báo sát xu hướng, làm cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước, địa phương. Có như vậy, mới bảo vệ lợi ích chính đáng của người cao tuổi, chăm sóc tốt hơn người cao tuổi, phát huy tối ưu vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ một phần công lao to lớn của người cao tuổi qua các thế hệ; đây là niềm vinh dự, tự hào để người cao tuổi nước ta tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò rường cột quốc gia. Trên lộ trình đi tới tương lai, đất nước ta cần vượt qua những thách thức lớn: Đổi mới, không bảo thủ, trì trệ, nhưng phải giữ vững nguyên tắc; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ được các giá trị văn hóa truyền thống và chắt lọc được tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong bối cảnh đó, đối với công tác người cao tuổi, một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Một là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác người cao tuổi chưa cao, trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự sâu sắc, chưa quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động của Hội; vì thế, hoạt động người cao tuổi ở một số địa phương gặp khó khăn, nhất là về nguồn lực, chưa thể phát huy tối ưu vai trò người cao tuổi đối với quê hương, đất nước, chưa bảo vệ đầy đủ lợi ích chính đáng của người cao tuổi, chưa chăm sóc sức khỏe tốt cho người cao tuổi.

Hai là, chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi chưa bảo đảm điều kiện tối thiểu cho cuộc sống tuổi già, trong khi phần nhiều người cao tuổi ở nước ta chưa chuẩn bị một số điều kiện cần thiết cho bản thân để lúc về già ít bị lệ thuộc con cháu, nên đời sống còn bấp bênh.

Ba là, người cao tuổi đang đứng trước áp lực cả về vật chất và tinh thần; trong xã hội, còn một bộ phận có biểu hiện coi người cao tuổi là gánh nặng của gia đình và xã hội; một bộ phận người cao tuổi sống thọ, nhưng chưa khỏe, chưa vui, chưa hạnh phúc.

Bốn là, một số biểu hiện chưa đúng với thuần phong, mỹ tục, thậm chí lệch lạc, đứt gãy từ trong gia đình, cộng đồng, trong đó có sự ứng xử phi văn hóa, phi đạo đức với người cao tuổi, tạo tâm lý không tốt cho người cao tuổi, gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Vì vậy, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng, là nguồn lực phát triển, là nhóm ưu tiên của công tác an sinh xã hội. Trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và trong toàn xã hội cần thể hiện rõ hơn nữa tư duy giàu tính nhân văn, đậm tính văn hóa, thay vì coi người cao tuổi là gánh nặng xã hội, cần đề cao, trân trọng, coi là “hồng phúc dân tộc”.

Cán bộ, hội viên người cao tuổi tự giác, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cống hiến vì nghĩa lớn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, kết nối sức mạnh tổng hợp với các lực lượng trong hệ thống chính trị và xã hội, mở rộng giao lưu quốc tế, khái quát lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng Hội Người cao tuổi trở thành nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước, tô đậm truyền thống vẻ vang của Hội.

Già hóa dân số là xu hướng toàn cầu và đang diễn ra với tốc độ rất nhanh ở Việt Nam, có sự đan xen thời cơ và thách thức đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò người cao tuổi. Nâng cao chất lượng sống, phát huy tối đa vai trò người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững đất nước, trong đó, Hội Người cao tuổi có vai trò quan trọng, nòng cốt. Công tác người cao tuổi, hoạt động của Hội Người cao tuổi vừa tự chủ, sáng tạo, nỗ lực vượt khó phấn đấu cho quyền lợi chính đáng của mình, vừa kết nối lực lượng xã hội tham gia tích cực vào giải quyết những vấn đề căn cốt của công tác người cao tuổi, đổi mới hoạt động của Hội, nâng cao vị thế, uy tín người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong thời gian tới, Hội tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo chuyển biến mới về nhận thức và hành động trong toàn xã hội đối với việc bảo đảm an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Theo đó, Hội Người cao tuổi chủ động phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người cao tuổi; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung cốt lõi trong ba trụ cột bảo vệ người cao tuổi, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột sắc tộc…

Thứ hai, nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Theo đó, Hội Người cao tuổi Việt Nam tích cực, chủ động phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa quan điểm của Đảng về chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất và tinh thần; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả thành lập các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, thực hiện chính sách chăm sóc y tế cho người cao tuổi, bảo đảm mức trợ cấp tương xứng với mức sống tối thiểu cho người cao tuổi.

Người cao tuổi giữ hồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên_Ảnh: Tư liệu

Thứ ba, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống chính trị của đất nước. Đây là nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong công tác Hội Người cao tuổi trong bối cảnh mới, góp phần làm tăng nội lực, đưa đất nước vượt qua khó khăn, biến thách thức thành thời cơ, khẳng định vai trò, vị thế, chí khí “Diên Hồng” của người cao tuổi nước nhà trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, hội người cao tuổi các cấp tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức các hoạt động phối hợp giữa hội người cao tuổi các cấp với cơ quan, tổ chức liên quan, phát huy vai trò người cao tuổi trước hết từ cơ sở tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy Hội Người cao tuổi Việt Nam. Theo đó, Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức Hội ở 4 cấp theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23-6-2023, về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam; chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hội. Phối hợp tham mưu đề xuất ban hành chỉ thị mới về chiến lược người cao tuổi trong tình hình mới.

Thứ năm, coi trọng công tác tư tưởng đối với người cao tuổi, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho Hội Người cao tuổi Việt Nam thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Làm tốt điều này, người cao tuổi thực sự là rường cột bảo vệ Đảng, Nhà nước, tiếp nối được truyền thống yêu nước thương nòi từ ngàn xưa, gắn liền với yêu chế độ xã hội chủ nghĩa trong đời sống chính trị hiện nay. Theo đó, Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ động đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng trong tình hình mới, gắn với đặc thù công tác người cao tuổi, như mở rộng phạm vi tuyên truyền, nâng cao vai trò, uy tín người cao tuổi, lan tỏa truyền thống “tuổi cao chí càng cao” của người cao tuổi trong đời sống xã hội. Quan tâm nắm bắt, phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi; phản ánh trung thực về tình hình đất nước đến người cao tuổi, góp phần củng cố lòng tin của người cao tuổi đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; tạo ra các điều kiện để người cao tuổi được tiếp tục cống hiến, phát huy kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt là trong đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.

Thứ sáu, kết nối với các tổ chức quốc tế, phối hợp tham mưu công tác đối ngoại nhân dân; đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tham khảo, vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là áp dụng một số mô hình tốt thể hiện tính nhân văn trong chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở một số quốc gia.

Thứ bảy, chủ động, tích cực tham gia thực hiện một số nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, như góp ý, phản biện xã hội, tư vấn đối với cấp có thẩm quyền về việc ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật; đặc biệt, tham mưu với cấp ủy từ cơ sở tới Trung ương về công tác chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng Hội Người cao tuổi Việt Nam đáp ứng yêu cầu tình hình mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trọng trí, trọng đức, trọng lão của dân tộc ta.

Ngày nay, trước bối cảnh mới, yêu cầu mới của công cuộc đổi mới đất nước, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của nền văn hóa, con người Việt Nam, nhất là chú trọng, đề cao vị trí, vai trò là điểm tựa tinh thần dân tộc của người cao tuổi, phát huy sự thông tuệ, đạo đức và kinh nghiệm, cùng truyền thống, chí khí “Diên Hồng” vẻ vang của người cao tuổi, cổ vũ, động viên con cháu và toàn xã hội quyết chí, đồng lòng xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 232
(2) Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-21-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-cong-tac-dan-so-trong-571