TCCS - Trong quá trình lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đến xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội các cấp, đặc biệt là cán bộ chính trị có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Những cán bộ chính trị, chính uỷ cấp trung đoàn, sư đoàn có đầy đủ đức, tài, tiêu biểu về bản lĩnh, lập trường chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, giỏi về công tác đảng, công tác chính trị”(1).

Trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, xây dựng quân đội về chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, V. I. Lê-nin căn dặn phải thường xuyên chú trọng đến hoạt động công tác chính trị, đừng chỉ lo mặt chiến đấu mà làm suy yếu công tác chính trị. Là người trực tiếp sáng lập, giáo dục, rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị. Do đó, ngay từ những ngày đầu cách mạng, trong hoạt động của các đội tự vệ cứu quốc, đội tự vệ công nông…, Người đã chỉ rõ: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái đoàn ngoài đến làm”(2). Người còn nhấn mạnh: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên ấy tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”(3). Vì vậy, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội là một nội dung, biện pháp quan trọng để tăng cường bản chất giai cấp công nhân, sự lãnh đạo tuyệt đội, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội là một bộ phận quan trọng của Đảng, là người nắm vững chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Với cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với quân đội trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là yếu tố nền tảng, cơ bản quyết định bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tổng Bí thư khẳng định: “Vấn đề then chốt để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội hiện nay là xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ”(4). Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, vấn đề then chốt là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ chính trị các cấp, chính uỷ trung đoàn, sự đoàn và tương đương. Cán bộ chính trị là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp uỷ cấp mình về mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Do vậy, cán bộ chính trị được coi là “linh hồn, mạch sống” của cơ quan, đơn vị, ở đâu có bộ đội là ở đó có cán bộ chính trị, có hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị là tăng cường giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng; về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, không mơ hồ, dao động, ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: “Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân; tách rời sự lãnh đạo của Đảng, quân đội sẽ mất phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không còn sức mạnh để chiến thắng quân thù”(5). Vì vậy, thông qua chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội còn là nâng cao tính chiến đấu, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội của các thế lực thù địch; xây dựng trận địa chính trị, tư tưởng vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, sự việc. Đây là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, song trước hết thuộc về cán bộ chính trị trong việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là bóc trần những âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hoá” quân đội. Tổng Bí thư yêu cầu: “Tập trung quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”(6).

Cán bộ, chiến sĩ, học viên Học viện Biên phòng tìm hiểu cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng_Ảnh: TTXVN

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quan tâm, chú trọng đến việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chính trị, đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX, ngày 20-7-2005, “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW (của Đảng ủy Quân sự Trung ương, nay là Quân ủy Trung ương) lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 513-NQ/QUTW. Ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ chính trị đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao hiện nay; được đào tạo cơ bản, có trình độ đại học và sau đại học, có năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác tốt, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; thật sự là hạt nhân, trung tâm đoàn kết, nắm chắc nguyên tắc sinh hoạt đảng. Nhiều cán bộ chính trị trẻ ở cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ được giao, có kỹ năng hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, tham gia hội thi cán bộ chính trị giỏi các cấp đều đoạt giải cao; cơ quan chính trị thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng cán bộ chính trị thông qua tổ chức các hội thi, hội thao, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cử đi học nâng cao trình độ. Tổng Bí thư đánh giá: “Công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được đặc biệt chú trọng; mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, gắn bó ngày càng được củng cố; nguyên tắc tổ chức và chế độ sinh hoạt đảng ngày càng được tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ ngày càng được nâng cao”(7).

Đội ngũ cán bộ chính trị các cấp tích cực, chủ động nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó; tự mình nghiên cứu, học tập, để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của cơ quan, đơn vị được tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị có lúc, có nơi chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức; một số cấp ủy, tổ chức đảng các cấp nhận thức chưa sâu sắc về vai trò của cán bộ chính trị là người chủ trì về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của cơ quan, đơn vị; còn có sự phân biệt chức vụ, quyền hạn giữa cán bộ quân sự và cán bộ chủ trì; việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp chăm lo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của cơ quan chính trị chưa thật sự linh hoạt, sáng tạo; một số cán bộ chính trị chưa tích cực, chủ động tự bồi dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, còn trông chờ, dựa dẫm vào cấp trên, dẫn đến trong giải quyết công việc của một số cán bộ chính trị các cấp còn lúng túng, bị động.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do: 1- Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp về tầm quan trọng của việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị chưa sâu sắc, toàn diện. 2- Nội dung, hình thức, phương pháp chăm lo xây dựng chưa sáng tạo, hiệu quả. 3- Công tác kiểm tra, đánh giá của cấp trên đối với cán bộ chính trị chưa thường xuyên. 4- Tính tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng, rèn luyện về năng lực, phẩm chất của một số cán bộ chính trị các cấp chưa cao.

Một số biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội qua cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng về tầm quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ chính trị quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(8); nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, từ đó cụ thể hóa vào từng cơ quan, đơn vị, có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn, sắp xếp bố trí cán bộ chính trị vào những vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên theo dõi, đánh giá đúng năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức, lối sống, uy tín của cán bộ chính trị của cơ quan, đơn vị mình, từ đó tham mưu, đề xuất với cấp trên đưa ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ đúng, trúng, khơi dậy được tính sáng tạo, năng động của cán bộ chính trị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thường xuyên đổi mới công tác đánh giá cán bộ chính trị ở các cơ quan, đơn vị theo hướng lấy hiệu quả công việc, uy tín với cấp dưới để xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đưa vào kế hoạch tạo nguồn phát triển. Mỗi đồng chí trong cấp uỷ, tổ chức đảng phát huy tốt tính tiền phong, gương mẫu, đề cao tinh thần, trách nhiệm, mạnh dạn, thẳng thắn góp ý, phê bình, nhắc nhở cán bộ chính trị khi thực hiện chưa đúng nhiệm vụ, có biểu hiện lơ là hay mất dân chủ, từ đó, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, cùng với tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở các cơ quan, đơn vị nắm chắc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI xác định: “Chăm lo xây dựng các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, nhất là cấp cơ sở”(9).

Hai là, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy tinh thần “7 dám” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ sáu Quân uỷ Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 3-7-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: “Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ theo tinh thần “7 dám: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”(10); người cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử lý các tình huống. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”(11); từ đó, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách để cán bộ chính trị phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của bản thân, nhất là cơ chế, chính sách về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng chi ủy, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; khuyến khích, động viên cán bộ chính trị có những sáng kiến, phương pháp tiến hành hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, đặc điểm tình hình của mỗi cơ quan, đơn vị.

Cần đánh giá khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ chính trị để bổ nhiệm, sắp xếp các vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp; những cán bộ chính trị được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác tốt, có phẩm chất đạo đức phải được cân nhắc bổ nhiệm, đưa vào nguồn kế cận phát triển; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ chính trị, nhất là cán bộ chính trị trẻ; có cơ chế, chính sách trong giải quyết mối quan hệ giữa cán bộ chính trị và cán bộ quân sự linh hoạt, sáng tạo, thể hiện được vai trò, vị thế của cán bộ chính trị ở các cơ quan, đơn vị hiện nay. Có những cơ chế, chính sách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chính trị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nếu cán bộ chính trị được phiếu tín nhiệm thấp, chất lượng công việc không cao thì đưa vào diện xem xét để kiện toàn, thay thế, khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung và cán bộ chính trị trong quân đội nói riêng hiện nay.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ chính trị thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường bồi dưỡng cán bộ chính trị các cấp thông qua phân công, giao nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của cấp trên; đưa ra các tình huống khó khăn, phức tạp để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, động cơ phấn đấu vươn lên; qua đó, bổ sung kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm phục vụ hữu ích cho quá trình công tác. Luân chuyển cán bộ chính trị ở những vị trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, thế mạnh để lãnh đạo, chỉ huy đơn vị được tốt hơn; tổ chức các hội thi, hội thao cán bộ chính trị giỏi các cấp, tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giảng dạy chính trị cho các đối tượng. Cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới những kinh nghiệm, phương pháp giải quyết, xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống; phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ chính trị tổ chức những buổi diễn đàn, ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, điều hành sinh hoạt chi bộ, hội ý các đồng chí trong cấp uỷ ở thực địa; xử lý các tình huống đột xuất trên địa bàn đóng quân, như phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ gây ra… Lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ cấp dưới thuộc phạm vi, quyền hạn quản lý luôn phát huy được dân chủ, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ; cơ quan, đơn vị luôn đoàn kết, ổn định, phát triển. Đó chính là kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ các cấp phản ánh năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ chính trị và cũng là căn cứ để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ chính trị ngày càng trưởng thành về mọi mặt, thật sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng để xây dựng trận địa chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ chính trị trong tự bồi dưỡng, rèn luyện về năng lực, phương pháp, tác phong công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Muốn lãnh đạo cách mạng thành công, bên cạnh phẩm chất chính trị, lòng trung thành, nhiệt tình cách mạng, Đảng phải có tri thức, nắm vững quy luật, biết vận dụng quy luật và có năng lực tổ chức thực tiễn”(12). Với tinh thần đó, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ chính trị dù ở cương vị, chức trách nào cũng phải thấm nhuần tư tưởng lấy “tự học làm cốt” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nhấn mạnh: “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(13); đồng thời, Người cũng kịch liệt lên án, phê phán bệnh “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(14); từng cán bộ chính trị đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong quá trình công tác, chịu khó học tập, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là cán bộ chính trị trẻ; không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; có thái độ tự học, tự rèn luyện nghiêm túc, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” điều chỉnh thái độ, hành vi đúng với môi trường quân sự. Đồng thời, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp phải luôn đặt mình vào trong tổ chức, chịu sự kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, mọi hành động, việc làm đều ảnh hưởng đến tổ chức đảng; vì vậy, nói và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị; đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, luôn vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong quân đội là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nhất định quân đội ta, lực lượng vũ trang ta sẽ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, mãi xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”(15)./.

-----------------------------------------

(1), (4), (5), (6), (7), (15) Nguyễn Phú Trọng (2023), “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.330, 28, 37, 41, 83, 40, 104
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539, 502
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 484
(9) Quân uỷ Trung ương (2020), số 174-BC/QUTW Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Quân đội nhân dân, tr. 34
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 318
(10) Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ sáu Quân uỷ Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, https//:chinhphu.vn, ngày 3-7-2023
(11) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr.187
(12) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì phòng, chống đấu tranh phòng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.516
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 15, tr.113
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 11, tr.98, 350