TCCS - Đảng bộ xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn xác định tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã có phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là nhiệm vụ trọng tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các thôn: Lô Lô Chải, Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang _ Ảnh: baodaibieunhandan.vn 

Với 202 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ trực thuộc, trong đó có 6 chi bộ cơ quan và 9 chi bộ thôn, Đảng bộ xã Lũng Cú luôn chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảng ủy xã luôn thực hiện nghiêm túc việc học tập, quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề năm 2022 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” và Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. 

Đảng bộ xã Lũng Cú chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Đảng ủy viên trực tiếp phụ trách chi bộ thôn dự sinh hoạt định kỳ hằng tháng và các buổi sinh hoạt chuyên đề. Hằng quý, Đảng ủy xã tổ chức họp dân chủ nhận xét, đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời những chi bộ sinh hoạt có chất lượng tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở những cá nhân được phân công phụ trách chi bộ và để chi bộ sinh hoạt chưa tốt.

Chính nhờ sự quyết tâm của Ban Thường vụ Đảng ủy và cả hệ thống chính trị, trong 3 năm qua, Đảng bộ xã Lũng Cú liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2021, Đảng bộ xã Lũng Cú có 3 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 12 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chi bộ hoàn thành nhiệm vụ; 14 đồng chí đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 100%.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, Đảng bộ xã Lũng Cú luôn tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch và dịch vụ. Để thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng ủy xã ban hành một số nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh, chỉ đạo, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 16-NQ/ĐU về duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về phát triển du lịch, dịch vụ. 

Với phương châm, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều chi bộ đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu như Chi bộ thôn Lô Lô Chải. Với 19 đảng viên, thôn có 104 hộ, ban đầu chỉ có 5 - 7 hộ làm homestay gắn với phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp thì đến nay đã có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay gắn với phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, phục vụ khách ăn ngủ tại chỗ, mỗi năm thu từ 150 - 200 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thu hút 10.298 đoàn với 102.275 lượt khách đến tham quan, riêng khách ăn ngủ tại các homestay là 855 đoàn, ước tính nguồn thu từ các dịch vụ gần 900 triệu đồng.

Làng văn hóa du lịch Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - điểm đến với nhiều du khách _ Ảnh: baotintuc.vn

Tại huyện Đồng Văn có Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, tiêu biểu cho kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô; Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, có nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Ma Lé, xã Má Lé, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc Giấy. Mỗi một làng văn hóa đều mang một đặc trưng riêng.

Trong những năm qua, để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện tập trung bảo tồn văn hóa truyền thống đặc trưng của các làng văn hóa du lịch cộng đồng như bảo tồn kiến trúc nhà ở, mái ngói âm dương, tường trình đất, hàng rào đá truyền thống; bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục, tập quán, trang phục dân tộc, các lễ hội của dân tộc Mông, Lô Lô, Giấy...; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như đan lát quẩy tấu, thêu thổ cẩm lên các sản phẩm may mặc... 

Huyện cũng nâng cấp đầu tư về kết cấu hạ tầng, như đường làng, cổng làng, vệ sinh môi trường, xây dựng các gian trưng bày sản phẩm địa phương. Xây dựng các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trải nghiệm học thêu thủ công đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách; đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch hướng tới xây dựng hình ảnh du lịch chuyên nghiệp. 

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Lũng Cú có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình trồng lê gắn với du lịch tại thôn Xín Mần Kha; chăn nuôi gà địa phương, ngan tại thôn Lô Lô Chải; nuôi lợn nái sinh sản tại thôn Cẳng Tằng; nuôi lợn thịt tại thôn Xín Mần Kha. Nhờ chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 5 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thực hiện tích cực, đến nay, toàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn có 15 vườn, hầu hết đã cho thu nhập, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Có những hộ mỗi năm cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng; điển hình như vườn của bà Dìu Thị He, thôn Lô Lô Chải, với diện tích 1 ha trồng đào và mận, kết hợp chăn nuôi trên 1.000 con gà, 500 con vịt, 200 cây đào, 200 cây lê, đồng thời trồng xen canh cây bí nếp, 5 vạn con Ốc nhồi đen, đến nay thu nhập bình quân 21 triệu đồng/tháng...

Thời gian tới, Đảng ủy xã Lũng Cú tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy để kịp thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc, khẳng định những việc làm đúng và các nhân tố mới. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng hàng hóa; nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã./.