Tỉnh Bình Dương bảo đảm quản lý thu, chi ngân sách cao và bền vững
TCCS - việc quản lý thu, chi NSNN cao và bền vững là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính cơ bản lâu dài góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Tính bền vững của thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, trong đó việc chấp hành kỷ luật tài khóa trong quản lý, điều hành là yếu tố quan trọng, quyết định bảo đảm tính bền vững của thu, chi NSNN. Thực tế cho thấy việc quản lý thu, chi NSNN cao và bền vững là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính cơ bản lâu dài góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Thu NSNN cao và bền vững của Bình Dương không chỉ được thể hiện ở việc tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nhằm hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu của Trung ương giao và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn thể hiện thông qua cơ cấu thu ngày càng bền vững hơn theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, trong đó thu từ sản xuất, kinh doanh đóng vai trò then chốt, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ đất đai và lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Thực chất của việc tăng dần tỷ trọng thu nội địa là để bảo đảm nguồn thu để lại ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách, nhất là các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% nhằm duy trì cân đối ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu chi ngân sách của địa phương không ngừng tăng lên.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân tỷ trọng thu nội địa của tỉnh Bình Dương chiếm 72% tổng thu, trong đó: thu từ thuế, phí, lệ phí chiếm tỷ trọng 80%, thu về đất đai chiếm tỷ trọng 12% và 8% là các khoản thu khác. Việc duy trì số thu từ thuế, phí, lệ phí ở tỷ trọng cao qua các năm có vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn thu ngân sách địa phương được ổn định, bởi đây là những nguồn thu mang tính chất thường xuyên, bền vững. Thu từ thuế, phí chủ yếu đến từ 4 khu vực kinh tế: Trung ương quản lý, địa phương quản lý, đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh, số thu của các khu vực này đều có tăng hằng năm cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn ổn định và phát triển, số lượng doanh nghiệp mới thành lập ngày càng tăng.
Đối với nguồn thu từ đất đai, đây là nguồn thu chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu thu NSNN của tỉnh Bình Dương, nguồn thu này không ổn định, hằng năm tùy thuộc vào tình hình biến động của thị trường bất động sản, các chính sách liên quan đến nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (chính sách ưu đãi, miễn giảm,...) tác động tích cực đến nguồn thu từ đất và thuế thu nhập cá nhân, đơn giá đất thay đổi ngày càng tăng cũng tác động đến số thu,... bên cạnh đó nguồn thu tiền thuê đất chủ yếu đến từ số thu tiền thuê đất một lần cho nhiều năm của các doanh nghiệp và các khu công nghiệp. Do vậy, mặc dù nguồn thu này trong giai đoạn 2016 - 2020 có tăng khá cao nhưng về lâu dài không mang tính ổn định và bền vững.
Trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cơ quan tài chính các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - NSNN nhằm bảo đảm thu NSNN cao và bền vững, trong đó tập trung thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Hằng năm, căn cứ trên tình hình thực tế, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, cơ quan tài chính triển khai, phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của năm hiện hành để giao dự toán thu ngân sách sát thực tế, phù hợp với chỉ tiêu Trung ương giao, bảo đảm cân đối ngân sách. Để bảo đảm thu NSNN cao và bền vững cần thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa vào khoảng 84% - 85%, tỷ trọng thu từ xuất, nhập khẩu khoảng 14% - 16% theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, của Bộ Chính trị, về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương trong thời kỳ ổn định ngân sách nhằm khuyến khích sự năng động, tích cực của các địa phương trong việc khai thác nguồn thu, chấp hành kỷ luật tài khóa và có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng NSNN. Trong quá trình điều hành ngân sách luôn chú trọng đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu từ thuế, phí. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân theo quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ.
Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thu, như kê khai thuế qua mạng, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử,... đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian, vừa tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, vừa tập trung đầy đủ kịp thời nguồn thu vào NSNN. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, kết hợp việc quản lý, khai thác tốt nguồn thu với đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý nợ đọng thuế bảo đảm không vượt tỷ lệ cho phép. Ban hành các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu số nợ đọng thuế đến cuối năm tối đa không quá 5% trên tổng thu NSNN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu nhằm khai thác nguồn thu góp phần vào việc tăng thu NSNN, ổn định, bền vững.
Đối với nguồn thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu, để bảo đảm nguồn thu được duy trì ổn định, ngành hải quan đã chủ động thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu, tổ chức tiếp xúc với các doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến pháp luật, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp mới thành lập có hoạt động xuất, nhập khẩu nhằm bảo đảm các doanh nghiệp hiểu, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế xuất, nhập khẩu.
Việc điều hành chi ngân sách của tỉnh Bình Dương trên tinh thần bám sát các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,... bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, trong khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Kết hợp cơ cấu lại giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Giữ nghiêm kỷ luật tài khóa, nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Trước hết, chi ngân sách được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Việc xây dựng dự toán chi hằng năm, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nhằm theo quy định của trung ương từng bước kiểm soát nhu cầu chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế của tỉnh, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể mỗi cấp chính quyền địa phương trên nguyên tắc nhiệm vụ chi cấp nào do cấp đó bảo đảm. Ban hành định mức chi thường xuyên phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế của địa phương. Trong quá trình điều hành ngân sách, cơ quan tài chính luôn theo dõi tiến độ chi ngân sách, khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tham mưu, xử lý. Việc quản lý, điều hành ngân sách được thực hiện nghiêm theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong tất cả các khâu: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước nhằm giảm tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí; thực hiện tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách hằng năm cho các đơn vị, tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện.
Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả, tập trung nguồn vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để sử dụng cho đầu tư phát triển, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách. Sử dụng nguồn bội chi ngân sách địa phương để chi cho đầu tư phát triển, khi thật sự cần thiết và bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng vốn vay.
Thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định. Chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai,... và thực hiện nghiêm túc các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán./.
Đẩy mạnh liên kết vùng - Đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô  (01/11/2022)
Tỉnh Bình Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch các khu công nghiệp  (20/10/2022)
Tỉnh Bình Dương: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị bền vững  (12/10/2022)
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực
- Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay
- Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng