TCCS - Hơn 30 năm qua kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ (1991 - 2022), bên cạnh việc thúc đẩy giao lưu hợp tác trên mọi lĩnh vực, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt coi trọng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận. Trong bối cảnh mới, hai nước khẳng định cần tiếp tục tăng cường trao đổi, hợp tác lý luận giữa hai Đảng trên cơ sở nền tảng vững chắc đã xây dựng, nhằm đáp ứng đòi hỏi mới của thực tiễn phát triển ở mỗi nước.

Coi trọng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về lý luận

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bộ phận quan trọng, tạo nên sự khác biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc so với các mối quan hệ đối ngoại khác của hai bên. Hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam - Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện 35 chuyến thăm chính thức lẫn nhau, trong đó nhiều nhất là số chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng, với 17 lần(1). Những nhận thức chung đạt được trong các chuyến thăm, hội đàm, điện đàm giữa Tổng Bí thư hai Đảng đã định hướng và chỉ đạo quá trình phát triển của mối quan hệ giữa hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình gắn bó tương tác về văn hóa, con đường phát triển gần gũi...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, năm 2017 (Trong ảnh: Thiếu nhi Thủ đô tặng hoa chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón)_Ảnh: Tư liệu

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 11-1991), hai nước đã tuyên bố “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”, thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước theo bốn nguyên tắc: độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau(2). Trên cơ sở bốn nguyên tắc này, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, trong Thông cáo chung năm 1992, 1994 và 1995 nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức lẫn nhau của các đồng chí Tổng Bí thư, hai bên đã nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh “trao đổi kinh nghiệm về đổi mới, mở cửa, lãnh đạo và quản lý đất nước”. Tuyên bố chung năm 2001 khẳng định: “Hai Đảng, hai nước đã trao đổi rộng rãi và sâu sắc về những kinh nghiệm đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng Đảng và quản lý nhà nước, lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “hai bên quyết tâm, xuất phát từ thực tế của mỗi nước, tiếp tục tìm tòi và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trọng đại trong việc xây dựng Đảng và Nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển và xã hội tiến bộ”. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lý luận tiếp tục là một trong năm phương hướng lớn được đưa ra trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 4-2003.

Cùng với những chuyển biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, sự phát triển của quan hệ hai nước cũng như đòi hỏi từ thực tiễn mỗi nước, vấn đề tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa hai Đảng cũng trở nên cấp thiết hơn. Trao đổi trong lĩnh vực lý luận, kinh nghiệm quản lý đất nước, xây dựng Đảng đã trở thành điểm nổi bật, đồng thời là minh chứng cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng ngày càng trở nên rõ nét. Theo thời gian, nội dung trao đổi, giao lưu và hợp tác cũng được hai Đảng đề cập một cách cụ thể, phong phú hơn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Tháng 10-2011, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã đưa ra những định hướng mới trong phát triển quan hệ giữa hai Đảng, đó là “thắt chặt giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011 - 2015”. Tổ chức tốt Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước; mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền; tổ chức các cuộc gặp cấp Trưởng Ban theo cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và hai Ban Tuyên truyền hai Đảng vào thời điểm thích hợp”(3). Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1-2017 một lần nữa nhấn mạnh cần “tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước như xây dựng tư tưởng, xây dựng tổ chức, xây dựng tác phong, xây dựng thể chế, xây dựng liêm khiết, phòng, chống tham nhũng, đi sâu cải cách và đổi mới toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật..., cùng nâng cao năng lực và trình độ cầm quyền”(4). Sự coi trọng và định hướng này là cơ sở thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa hai Đảng.

Xây dựng cơ chế trao đổi, hợp tác phong phú ở nhiều cấp

Để quá trình trao đổi, hợp tác lý luận được tiến hành thuận lợi và đạt kết quả quan trọng, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của mỗi nước, hai Đảng đã xây dựng nhiều cơ chế, hình thức khác nhau. Về trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, ngoài các chuyến thăm cấp cao, đến nay, hai bên còn có các hình thức trao đổi khác, như điện đàm, cử đặc phái viên của Tổng Bí thư, tổ chức các cuộc gặp đại diện của hai Bộ Chính trị... Ở cấp ban, bộ, ngành, địa phương có cơ chế giao lưu trao đổi đoàn, hợp tác giữa các cơ quan Trung ương hai Đảng và các tổ chức đảng địa phương, nhất là các tỉnh (khu) giáp biên giới; cơ chế hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền, báo chí giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc. Để cụ thể hóa, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thiết lập giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở đảng địa phương; Tỉnh ủy Lào Cai và Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) ký kết Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương (năm 2015).

Nghiên cứu lý luận và đào tạo là hai lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa hai Đảng trong thời gian qua. Hợp tác về đào tạo được cơ chế hóa thông qua ký kết kế hoạch và chương trình hợp tác ở cấp Trung ương và địa phương, như Kế hoạch hợp tác giữa hai Đảng, 5 năm/lần (2011 - 2015, 2016 - 2020); Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2015); Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2020 (năm 2017), với việc Việt Nam cử 300 cán bộ cấp cao sang Trung Quốc đào tạo; Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc, năm 2017), Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017 - 2020 giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

Hợp tác về nghiên cứu lý luận được cơ chế hóa và cụ thể hóa bằng việc hai bên luân phiên tổ chức hội thảo lý luận ở mỗi nước, mỗi lần tập trung đi sâu trao đổi kinh nghiệm, trao đổi lý luận về một chủ đề vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính lý luận. Ngay từ năm 2000, hai nước đã tổ chức hai hội thảo lớn nhằm trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội - tính phổ biến và tính đặc thù” (tháng 6-2000), “Chủ nghĩa xã hội - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc” (tháng 11-2000). Từ năm 2003 - 2019, hai bên đã tổ chức 15 hội thảo lý luận. Trong đó, riêng năm 2008, hai nước tổ chức hai lần hội thảo; từ năm 2009 - 2019, hai nước tổ chức luân phiên mỗi năm/lần. Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai nước đã tổ chức hội thảo lý luận theo hình thức trực tuyến. Nội dung các cuộc hội thảo chủ yếu tập trung chia sẻ kinh nghiệm của hai Đảng trong giải quyết những vấn đề lý luận lớn, như chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường, mô hình chủ nghĩa xã hội, một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng đảng cầm quyền; chia sẻ kinh nghiệm trong những vấn đề cụ thể, như những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), thực tiễn ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc; văn hóa (đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế); xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quản lý, phát triển xã hội... Mỗi cuộc hội thảo là một minh chứng cụ thể sinh động nhằm thực hiện mục tiêu “đồng chí tốt” mà lãnh đạo hai Đảng đã đề ra.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận trong tình hình mới

Đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo lý luận lần thứ mười sáu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến _Ảnh: TTXVN

Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đòi hỏi đảng cầm quyền phải có bản lĩnh, trí tuệ và sức chiến đấu cao hơn, kinh nghiệm phong phú hơn. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”; “cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế”(5). Trong khi đó, sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 28-12-2017, tại Hội nghị công tác các nhà ngoại giao Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra nhận định: “Nhìn ra thế giới, chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm”(6). Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra nhận định tương tự: “Hiện tại, cục diện biến đổi chưa từng có trong 100 năm và một thế kỷ dịch bệnh đan xen chồng chéo, thế giới bước vào thời kỳ biến động, tính bất ổn, tính không xác định tăng lên”(7). Bối cảnh mới phức tạp, khó khăn đòi hỏi đảng cầm quyền phải có bản lĩnh, trí tuệ cao hơn, không chỉ đưa đất nước tiếp tục phát triển mà còn thông qua phát triển toàn diện để thể hiện bản chất, đặc trưng, sự ưu việt của chế độ, chống lại các luận điệu chống phá, âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Sự phát triển của mỗi nước mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, cần tiếp tục tìm tòi và phát triển về lý luận để giải đáp những vấn đề mới, vấn đề khó do thực tiễn đặt ra. Nhìn lại hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”(8), “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(9), nhưng đồng thời cũng chỉ ra đất nước ta “có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(10). Những vấn đề đặt ra vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính lý luận, đó là hoàn thiện thể chế; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ...

Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định mâu thuẫn chính của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu đối với cuộc sống tốt đẹp ngày càng gia tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX, ngày 11-11-2021, nhận định: “Sự biến đổi của môi trường bên ngoài mang lại rất nhiều thách thức và rủi ro mới, cải cách, phát triển và ổn định trong nước đối diện với không ít mâu thuẫn và vấn đề ở tầng nấc sâu chưa được giải quyết lâu nay cũng như một số mâu thuẫn và vấn đề mới xuất hiện, việc quản lý Đảng từng một dạo lỏng lẻo, mềm yếu dẫn đến hiện tượng tiêu cực, tham nhũng lan tỏa, sinh thái chính trị xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, quan hệ giữa Đảng và quần chúng, giữa cán bộ và quần chúng bị tổn hại, sức sáng tạo, sức ngưng tụ, sức chiến đấu của Đảng bị suy yếu, quản lý Đảng đối mặt với thử thách to lớn”(11). Những khó khăn, hạn chế này đòi hỏi các quốc gia cần hướng đến phát triển bền vững, chất lượng cao, giảm chênh lệch giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, lấy dân làm gốc, lấy nhân dân làm trung tâm, hướng đến mục tiêu cùng giàu có (Trung Quốc), “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (Việt Nam) và các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Ngoài những khó khăn, thách thức từ bên trong, hai Đảng cũng phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài, như sự phủ nhận, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng...

Hai nước đã bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu mới, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sáng tạo lý luận. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(12). Sau khi thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thứ nhất - xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả, Trung Quốc đã bước vào hành trình mới thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra chiến lược thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai theo hai giai đoạn: Từ năm 2020 - 2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; từ năm 2035 đến giữa thế kỷ XXI, xây dựng thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại. Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh thêm mục tiêu đưa Trung Quốc “trở thành quốc gia dẫn đầu về sức mạnh tổng hợp và sức ảnh hưởng quốc tế”(13).

Những thành tựu phát triển của hai nước trong thời gian qua chính là kết quả của quá trình sáng tạo lý luận ở mỗi nước. Sáng tạo lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân... của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trả lời những câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì, vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá”(14).

Những thành tựu về phát triển mà Trung Quốc đã đạt được cũng là kết quả của việc tìm tòi, sáng tạo về lý luận. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sáng tạo hệ thống lý luận phong phú về xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã trả lời một cách khoa học hàng loạt vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội, lộ trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng, phát triển Đảng trong tình hình mới, kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa, làm thế nào xây dựng chính đảng chủ nghĩa Mác cầm quyền lâu dài... Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhấn mạnh 10 kiên trì của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là 10 kinh nghiệm trong 100 năm qua, trong đó kiên trì sáng tạo lý luận xếp vị trí thứ ba. Điều đó cho thấy sự coi trọng đối với sáng tạo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Giai đoạn phát triển mới với mục tiêu mới ở mỗi nước đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sự sáng tạo lý luận của mỗi Đảng, bởi lý luận có sứ mệnh dẫn đường, đồng thời giải đáp những câu hỏi của thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại chỉ đạo thực tiễn. Quá trình tiếp tục sáng tạo về lý luận để trả lời, chỉ đạo giải quyết những vấn đề mới, vấn đề khó càng cần trao đổi, học tập kinh nghiệm của thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: “Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại”(15). Với nhiều điểm tương đồng trong quá trình phát triển, với nền tảng hợp tác vững chắc, cơ chế hợp tác phong phú, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ có những đóng góp thiết thực đối với quá trình sáng tạo lý luận của mỗi Đảng, đối với sự phát triển ở mỗi nước./.


Các hội thảo lý luận giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được luân phiên tổ chức từ năm 2003 đến nay, bao gồm: 1- Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 10-2003); 2- Xây dựng đảng cầm quyền - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 2-2004); 3- Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa (tháng 7-2008); 4- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 11-2008); 4- Lý luận và thực tiễn ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam (tháng 12-2009); 6- Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 9-2010); 7- Mô hình chủ nghĩa xã hội: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (tháng 4-2011); 8- Ðổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc (tháng 6-2012); 9- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới - Kinh nghiệm Trung Quốc, kinh nghiệm Việt Nam (tháng 7-2013); 10- Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 11-2014); 11- Quản lý, phát triển xã hội - Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc (tháng 6-2015); 12- Xây dựng Đảng trong điều kiện hội nhập quốc tế - Thách thức, kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 12-2016); 13- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới - Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc (tháng 5-2017); 14- Thực tiễn và kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc (tháng 7-2018); 15- Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (tháng 7-2019).

------------------------

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2018.300

(1) Tổng Bí thư Việt Nam thăm Trung Quốc vào các năm 1991, 1995, 1997, 1999, 2001, 2003, 2006, 2008, 2011, 2015 và 2017; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam vào các năm 1994, 2002, 2005, 2006, 2015, 2017
(2) Trần Độ (Chủ biên): Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Những sự kiện 1991 - 2000, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 51
(3) Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc năm 2011, https://baochinhphu.vn/viet-nam-trung-quoc-ra-tuyen-bo-chung-10294078.htm, ngày 15-10-2011
(4) “Toàn văn Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc”, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/thoisu/2017/10057/Toan-van-Thong-cao-chung-Viet-Nam-Trung-Quoc.aspx, ngày 14-1-2017
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I. tr. 105
(6) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp các đại sứ tham dự Hội nghị công tác của các đại sứ tại nước ngoài năm 2017 và có bài phát biểu quan trọng, http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2017-12/28/c_1122181743.htm, ngày 28-12-2017
(7) Bài phát biểu trực tuyến của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2021, http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2021-04/20/c_1127350811.htm, ngày 20-4-2021
(8), (9), (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd,  tr. 103, 104, 109
(11) Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng, http://www.news.cn/politics/2021-11/16/c_1128069706.htm, ngày 16-11-2021
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 36
(13) Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng, Tlđd
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 25
(15) Nguyễn Phú Trọng:  “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam, ngày 16-5-2021