TCCS - Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân lãnh đạo của cả hệ thống chính trị. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó có lãnh đạo về công tác bầu cử...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tháng 10-2015 _Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đảng lãnh đạo bầu cử chính là lãnh đạo công tác thiết lập chính quyền. Với hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta, vai trò quan trọng của các cấp ủy đảng thể hiện xuyên suốt trong quá trình trước, trong và sau khi diễn ra bầu cử. Thực tiễn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ở nước ta từ năm 1946 đã cho thấy vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của sự kiện chính trị quan trọng này. Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện cụ thể qua các phương diện:

Thứ nhất, đối với công tác chỉ đạo ban hành Hiến pháp và pháp luật bầu cử. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội được thể hiện trước hết qua việc ban hành các chủ trương, đường lối và được thể chế hoá thành Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, công tác chỉ đạo ban hành Hiến pháp và pháp luật bầu cử được coi là một trong những phương tiện mà thông qua đó Đảng lãnh đạo việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chính vì thế, Hiến pháp, pháp luật bầu cử chính là hình thức biểu hiện tập trung của đường lối, chính sách của Đảng vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Trong suốt những năm qua, Đảng ta luôn chủ động, sát sao đối với công tác ban hành các văn bản pháp luật về bầu cử các cấp, bảo đảm thắng lợi mục tiêu xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Thứ hai, đối với công tác lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú để tham gia ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tiên xây dựng đất nước: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” trong tiến trình lãnh đạo việc xây dựng Nhà nước, Đảng luôn chú trọng công tác cán bộ, coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, để xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân. Những năm qua, Đảng ta không ngừng quan tâm, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ưu tú ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Coi việc lựa chọn ra được những đảng viên thực sự có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức ưu tú chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân. Hiện nay, đa số những người nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống các cơ quan dân cử đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính những đội ngũ này là nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Thứ ba, công tác lãnh đạo tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân đối với hoạt động bầu cử được coi trọng. Hoạt động bầu cử được tiến hành ở tất cả các địa phương, khu vực, vùng, miền trên toàn quốc, vì vậy công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh để nhân dân tích cực, chủ động tham gia bầu cử; phản ánh không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật của bầu cử; sự quan tâm, dư luận tích cực của thế giới đối với sự kiện bầu cử của đất nước... Các cấp ủy đảng phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng nhân dịp các cuộc bầu cử quan trọng; kịp thời biểu dương những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

Thứ tư, đối với công tác chỉ đạo tiến hành hoạt động bầu cử. Đảng ta luôn chủ động và tích cực chỉ đạo chặt chẽ và toàn diện đối với quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Sự chỉ đạo này được thực hiện thông qua hệ thống các cơ quan đảng, qua hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, thông qua việc các cấp ủy đảng lãnh đạo quá trình giới thiệu, lựa chọn các ứng cử viên qua các hội nghị hiệp thương...

Tại các kỳ bầu cử, sau khi chỉ thị của Bộ Chính trị được ban hành, hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử được tổ chức để kịp thời quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cũng tiến hành khẩn trương, nghiêm túc các công việc chuẩn bị bầu cử và lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử ở các cấp. Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập theo đúng quy trình và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật của Nhà nước, đường lối, chủ trương của Đảng. Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và tổ chức các hội nghị hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. 

Sự nhất quán trong nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Đảng trong quá trình tổ chức và thực hiện bầu cử là nhân tố quyết định thành công công tác bầu cử suốt 70 năm qua và những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước./.