TCCS - Đã 25 trôi qua kể từ khi Việt Nam và Nga ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (16-6-1994 - 16-6-2019). Hiệp ước này là văn bản pháp lý thay cho Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô được hai nước ký kết vào ngày 3-11-1978.

Hiệp ước năm 1994 là một văn kiện lịch sử có giá trị và ý nghĩa lớn lao trên nhiều mặt, cần được trân trọng và nghiêm chỉnh thực thi để đưa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Nga phát triển bền vững, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn_Nguồn: soha.vn

Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô: Văn kiện hợp tác cấp độ cao nhất, toàn diện nhất trong lịch sử quan hệ song phương 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều cách khác nhau đã bày tỏ mong muốn Việt Nam được “làm bạn với tất cả các nước dân chủ”(1), đặc biệt là thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô - cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới rất ủng hộ cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và từng giúp đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ cách mạng. Sau khi Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới (ngày 14-1-1950), ngày 30-1-1950, Liên Xô và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, việc Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam đã khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam. Kể từ thời điểm này, Liên Xô và Việt Nam bắt đầu xúc tiến quan hệ song phương bằng việc lần lượt ký kết và thực thi các hiệp định, hiệp nghị trên các lĩnh vực khác nhau,... mà nội dung nổi bật trong các văn kiện ấy là sự ủng hộ và giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm 50 của thế kỷ XX, do trọng tâm đối ngoại của Liên Xô là khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, còn Đông Á nói chung, Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng được coi là “khu vực ngoại duyên”, nên Liên Xô chỉ gián tiếp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam thông qua Trung Quốc(2). Nhưng từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, cùng với sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất và đường hướng đối ngoại, Liên Xô đã điều chỉnh quan hệ với Việt Nam theo hướng tăng cường viện trợ và công khai ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Liên Xô và Việt Nam trên thực tế trở thành đồng minh chiến lược trên mặt trận chống đế quốc, thực dân và chống các thế lực thù địch. Sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về nhiều mặt của Liên Xô đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước, song gặp phải muôn vàn khó khăn không những do hậu quả nặng nề về chính trị, kinh tế - xã hội do chiến tranh để lại, mà còn do tác động tiêu cực của quan hệ giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, tháng 6-1978, Việt Nam quyết định tham gia Hội đồng Tương trợ kinh tế (khối SEV)(3) do Liên Xô đứng đầu. Đặc biệt, “xuất phát từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về mọi mặt trên tinh thần anh em, từ tình hữu nghị và đoàn kết không gì lay chuyển được giữa hai nước”, từ “mong muốn tiếp tục phát triển và hoàn thiện sự hợp tác về mọi mặt giữa hai nước...”(4), ngày 3-11-1978, tại Thủ đô Mát-xcơ-va, các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1978). 

Như vậy, sau hơn 28 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, từng ký kết và thực thi nhiều văn bản pháp lý đưa quan hệ Việt Nam - Liên Xô phát triển sâu rộng, Hiệp ước năm 1978 trở thành văn kiện hợp tác toàn diện nhất và ở cấp độ cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương. Hiệp ước năm 1978 phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ cũng như sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa Việt Nam và Liên Xô, đặc biệt phản ánh lòng tin cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước. Bản Hiệp ước năm 1978 gồm 9 Điều, với nội dung và tinh thần chủ đạo trong tất cả những Điều đó là Liên Xô sẽ tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt theo nguyên tắc “tương trợ anh em” và tinh thần “đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ”(5). Thời kỳ đó, do sự phức tạp và khó lường trong quan hệ giữa các nước lớn nói chung, sự căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nói riêng mà dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến bản Hiệp ước này, nhất là Điều 6 và Điều 7 của Hiệp ước. Nguyên văn Điều 6 là: “Hai Bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước. Trong trường hợp một trong hai Bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tiến công thì hai Bên ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước” và Điều 7 là: “Hiệp ước này không liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hai Bên theo các hiệp định hai bên và nhiều bên mà họ tham gia và không nhằm chống một nước thứ ba nào”(6). Qua đây có thể thấy tính chất quan hệ Việt Nam - Liên Xô là đồng minh mật thiết, sẵn sàng bảo vệ nhau. Nhìn chung sau khi Hiệp ước năm 1978 được ký kết, quan hệ Việt Nam - Liên Xô phát triển tốt đẹp, gặt hái thêm những thành công trong hợp tác song phương, nhưng cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, mối quan hệ này bị sa sút do những biến động chính trị ở Liên Xô. 

Bối cảnh ký kết và ý nghĩa lịch sử của “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” 

Bối cảnh ký kết Hiệp ước năm 1994

Từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng cả về chính trị lẫn kinh tế - xã hội. Kết cục là vào cuối tháng 12-1991, chính thể xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, Nhà nước Liên bang Xô-viết bị giải thể, 15 quốc gia độc lập ra đời. Riêng Liên bang Nga được thừa nhận là “quốc gia kế tục Liên Xô”. Tuy nhiên, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Nga rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực, mà nguyên nhân chủ yếu là do cả hai bên điều chỉnh, xác định lại các lợi ích quốc gia cũng như các ưu tiên đối ngoại. Đối với Nga, những năm này Nga theo đuổi chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương”, coi cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ và các nước tư bản phát triển phương Tây là ưu tiên số một. Còn Việt Nam rất khó khăn trong việc nhận diện “đối tác mới”, khi Nga trở nên “vừa quen, vừa lạ” với Việt Nam. Hơn nữa, vào những năm này Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu vào việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, những thay đổi quá nhanh của tình hình quốc tế, trong khi cơ chế quan hệ truyền thống Việt Nam - Liên Xô bị đổ vỡ, cơ chế mới chưa kịp được thiết lập, tất cả đã cản trở sự phát triển bình thường của quan hệ Việt Nam - Nga. 

Tình hình được thay đổi vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX, trước hết nhờ những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Nga. Sau khi nhận ra những sai lầm trong chính sách đối ngoại thiên về một hướng Đại Tây Dương vốn rất phiến diện và đầy ảo tưởng, Nga bắt đầu điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thiết thực hơn và chú trọng hơn quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, trong bối cảnh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX, khi nước Nga rơi vào tình thế dường như không có kẻ thù cũng chẳng có đồng minh, thậm chí bị cô lập trên trường quốc tế, thì Việt Nam trên thực tế là một trong số ít các đối tác có quan hệ thủy chung với Nga. Việt Nam nêu cao phương châm “muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và đã tiến những bước dài trong cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và khu vực. Đặc biệt, trong tổng thể các quan hệ quốc tế của Việt Nam, mối quan hệ với Nga vẫn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt. Việt Nam cho rằng bất luận những thay đổi ở Liên Xô, việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng là thành viên của Liên Xô là cần thiết, đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Việt Nam. 

Xuất phát từ những lý do trên, lãnh đạo các cấp hai nước Việt Nam và Nga nhận thức được tính cấp bách của việc khôi phục mối quan hệ hợp tác truyền thống này, song việc đầu tiên phải làm là tạo dựng một khuôn khổ, một nền tảng pháp lý mới cho quan hệ Việt Nam - Nga. Bởi nếu căn cứ Hiệp ước năm 1978 (Điều 9), thì Hiệp ước “có giá trị trong 25 năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm từng mười năm một nếu một trong hai Bên không tuyên bố muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước bằng cách thông báo cho Bên kia biết 12 tháng trước khi Hiệp ước hết hạn”(7), nghĩa là trên danh nghĩa Hiệp ước năm 1978 vẫn tồn tại, song trên thực tế đã không còn hiệu lực trong quan hệ Việt Nam - Nga. Do đó, hai nước đã soạn thảo một văn bản pháp lý khác thay thế Hiệp ước năm 1978. Kết quả là, ngày 16-6-1994 “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1994) đã được hai Bên ký kết tại Thủ đô Mát-xcơ-va, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Nga. Bản Hiệp ước năm 1994 gồm 12 Điều, là văn kiện hợp tác Việt Nam - Nga ở cấp độ cao nhất và rất toàn diện, thậm chí toàn diện hơn so với Hiệp ước năm 1978. 

So sánh Hiệp ước năm 1994 với Hiệp ước năm 1978, có thể nhận thấy một số điểm quan trọng sau: 

Một là, Hiệp ước năm 1994 không xóa bỏ mà vẫn tôn trọng và kế thừa những nội dung cơ bản của Hiệp ước năm 1978, cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Liên Xô. Điều này được thể hiện trong việc hai bên vẫn sử dụng tính từ “hữu nghị” trong tên gọi của Hiệp ước. Đặc biệt, các nguyên tắc quan hệ song phương được nêu trong Điều 1 của Hiệp ước năm 1978 vẫn được kế thừa trong Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 (có bổ sung): “Hai bên ký kết Hiệp ước từ nay trở đi sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu nghị dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi, và sẽ tạo ra những cơ chế đối thoại thích ứng với điều đó”. Hay trong Điều 10 Hiệp ước năm 1994, trong khi nêu rõ Hiệp ước này sẽ chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước năm 1978, vẫn nhấn mạnh hai Bên sẽ nỗ lực đổi mới và hoàn thiện các hiệp ước, hiệp định, các văn bản khác đã ký kết thời Liên Xô. Đây là điều tưởng như bất thường sau những biến động chính trị dữ dội dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, nhưng suy cho cùng, đó là điều hiển nhiên.

Đối với Nga, bắt nguồn từ vai trò, vị thế của Nga trong Liên bang Xô - viết, từ những căn nguyên lịch sử, truyền thống và văn hóa chính trị, Nga kế thừa rất nhiều những giá trị ưu việt vốn có của Liên Xô, trong đó có những giá trị trong quan hệ với Việt Nam. Hơn nữa, vì lòng tin vào Việt Nam mà Nga muốn duy trì và phát triển quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam và vì điều này phù hợp với lợi ích của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đối với Việt Nam, việc phát triển quan hệ với Nga không những nằm trong tổng thể chủ trương “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, mà còn bởi trong tư duy đối ngoại và trong các mối quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, quan hệ với Liên Xô/Nga luôn chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt, và sâu xa hơn, xuất phát từ sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, từ tình cảm yêu mến đất nước và con người “xứ sở Bạch dương” cũng như từ truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. 

Hai là, đã có một số thay đổi, điều chỉnh đáng chú ý trong Hiệp ước năm 1994 so với Hiệp ước năm 1978. 

1- Về tính chất, tinh thần và lời văn, nếu so sánh Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 (đã dẫn ở trên) với Điều 1 của Hiệp ước năm 1978: “Thể theo những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, hai Bên ký kết Hiệp ước sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết không gì lay chuyển được và giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần anh em. Hai Bên sẽ không ngừng phát triển quan hệ chính trị và hợp tác về mọi mặt, ra sức ủng hộ lẫn nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền quốc gia, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”(8), có thể thấy Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 đã thay đổi tinh thần và lời văn (cùng với việc bổ sung nguyên tắc “cùng có lợi”). Hay so sánh Điều 6 của Hiệp ước năm 1978 (đã dẫn ở trên) với Điều 3 của Hiệp ước năm 1994: “Hai Bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau với các cấp độ khác nhau về tất cả các vấn đề quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước và thực hiện những sự tiếp xúc qua con đường ngoại giao. Không Bên nào trong hai Bên sẽ ký kết với nước thứ ba những hiệp ước, hiệp định hoặc có các hành động xâm hại đến chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Bên kia. Trong trường hợp xuất hiện tình huống, theo ý kiến của một trong hai Bên, sẽ tạo ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, có thể kéo theo những phức tạp quốc tế, hai Bên sẽ ngay lập tức tiếp xúc với nhau để tham vấn nhằm ngăn chặn nguy cơ đó”. Từ so sánh này cũng có thể thấy những sự điều chỉnh rõ rệt về lời văn và tinh thần của Hiệp ước năm 1994. Tính chất của mối quan hệ Việt Nam - Nga đã thay đổi, không còn là quan hệ “đồng minh” mà là những đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong quan hệ song phương cũng như trên trường quốc tế. 

2- Ngoài việc bổ sung một số nội dung, nhất là thêm nguyên tắc “cùng có lợi”, Hiệp ước năm 1994 không quá nghiêng về những vấn đề chính trị - tư tưởng lớn như Hiệp ước năm 1978, mà trình bày toàn diện, rõ ràng và cụ thể hơn các lĩnh vực hợp tác song phương và trên trường quốc tế, nên có tới 12 Điều so với 9 Điều của Hiệp ước năm 1978. Sự điều chỉnh này giúp cải thiện và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nga mang tính thiết thực hơn. Có thể nói, xét trên bình diện ngữ nghĩa cũng như các nội dung hợp tác, Hiệp ước năm 1994 là một bước tiến về chất so với Hiệp ước năm 1978. 

3- Về thời hạn hiệu lực, Hiệp ước năm 1994 ngắn hơn Hiệp ước năm 1978 (10 năm so với 25 năm) và thời gian được mặc nhiên gia hạn cũng ngắn hơn (5 năm so với 10 năm). Những điều chỉnh, thay đổi trong Hiệp ước 1994 là phù hợp với thực tiễn quan hệ quốc tế nói chung cũng như sự thay đổi vị thế quốc gia của từng nước Việt Nam và Nga sau Chiến tranh lạnh nói riêng.

Giá trị và ý nghĩa lịch sử của Hiệp ước năm 1994

Thứ nhất, bản Hiệp ước năm 1994 được Việt Nam và Nga ký kết là kịp thời, phản ánh trung thực những thay đổi về tính chất quan hệ giữa hai nước, đáp ứng mong đợi và yêu cầu của cả hai nước trước những biến chuyển của tình hình thế giới cũng như trong mỗi nước. Hiệp ước năm 1994, một mặt, kế thừa được tinh thần, truyền thống hợp tác hữu nghị thể hiện trong Hiệp ước năm 1978; mặt khác, tạo dựng được nền tảng, khung khổ pháp lý mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga. Do đó có thể nói, văn bản này đã trở thành “kim chỉ nam” cho các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và nhân dân hai nước trong khôi phục, đổi mới và phát triển quan hệ hợp tác song phương trên mọi bình diện. Tinh thần và nội dung của Hiệp ước năm 1994 đã giúp hai nước, một mặt, biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong quá khứ; mặt khác, giúp tháo gỡ những trở ngại đã và đang cản trở quan hệ song phương cũng như giải tỏa những vướng mắc trong tư duy và trong hành động đang tồn tại ở cả hai phía, từ đó tìm ra đường hướng phù hợp với bối cảnh lịch sử mới cũng như những cách thức, biện pháp hữu hiệu nhằm đưa quan hệ hợp tác phát triển theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, bền vững, hiệu quả. Với Hiệp ước năm 1994, hai nước đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để từ đây, quan hệ Việt Nam - Nga không những được khôi phục mà còn bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Như phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi Hiệp ước năm 1994 được ký kết, Việt Nam và Nga “trở lại tình hữu nghị cũ nhưng không phải theo kiểu cũ, mà phải phát triển trên cơ sở quan hệ mới”(9).

Thứ hai, những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ Việt Nam - Nga được nêu trong Hiệp ước năm 1994 là phù hợp với công pháp quốc tế, tính chất của thời đại và các mối quan hệ quốc tế nói chung sau Chiến tranh lạnh. Đó là, thay cho trật tự thế giới đối đầu hai phe, hai cực, một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực đang hình thành, trong đó nổi lên tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển. Như là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa, hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển trở thành xu thế quốc tế nổi trội. Thế nhưng, cũng như các mối quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh, thế giới vẫn còn chứa đầy bất công và nghịch lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới và rất khác đối với tất cả các nước, nhất là với các nước vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, Hiệp ước năm 1994 gần như là một hình mẫu cho các nước khác trong cộng đồng quốc tế, cụ thể là giữa một nước lớn và một nước nhỏ có hệ thống chính trị khác nhau, trong việc cùng nhau nỗ lực tạo dựng khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, từ đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì một trật tự thế giới công bằng, dân chủ, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi quốc gia, dân tộc cùng được phát triển và cùng được tôn trọng.

Thứ ba, có thể khẳng định Hiệp ước năm 1994 đã tạo dựng nền tảng, cơ sở đầu tiên quan trọng và vững chắc để hai nước Việt Nam - Nga nâng quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược” (tháng 3-2001) và “Đối tác chiến lược toàn diện” (tháng 7-2012). Nhờ Hiệp ước năm 1994 mà 25 năm qua, một mặt, hai nước Việt Nam và Nga lưu giữ được những giá trị tốt đẹp từ quá khứ, trong đó giá trị lớn nhất, đáng trân trọng nhất “là sự tôn trọng lẫn nhau, là quan hệ truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác thủy chung”(10). Đó là “điều còn mãi, không bao giờ thay đổi”, là “sự ủy thác tinh thần cho các thế hệ công dân hôm nay và mai sau của hai đất nước chúng ta” và là “sự bảo đảm tính kế thừa và sự bền vững cho mối quan hệ hướng đến tương lai”(11). Mặt khác, với việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản được đề ra trong Hiệp ước năm 1994, quan hệ Việt Nam - Nga từ đó đến nay dù không phải đồng minh, nhưng trên tinh thần những đối tác “bình đẳng và cùng có lợi” vẫn gặt hái rất nhiều thành công trong hợp tác nhiều mặt. 

Trong một phần tư thế kỷ qua, việc hai nước thực hiện những nội dung được trình bày trong 12 Điều của Hiệp ước năm 1994 cũng như trong Tuyên bố chung về quan hệ “Đối tác chiến lược” và Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” khi hợp tác với nhau cả trong quan hệ song phương lẫn trên trường quốc tế đã đưa mối quan hệ Việt Nam - Nga phát triển một cách toàn diện và thực chất hơn, đi vào chiều sâu hơn, nhìn chung đáp ứng nhu cầu và lợi ích của hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển của thời đại ngày nay. Do vậy có thể nói, Hiệp ước năm 1994 là một văn kiện lịch sử có giá trị và ý nghĩa lớn lao trên nhiều mặt, cần được trân trọng và nghiêm chỉnh thực thi để đưa quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Nga phát triển bền vững, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn. /.

------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 220
(2) Trong những năm 50 của thế kỷ XX, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc vô cùng nồng ấm. Nhưng từ cuối thập niên này, quan hệ đồng minh Liên Xô - Trung Quốc rạn nứt, mâu thuẫn ngày càng tăng cao dẫn tới đối đầu và tình trạng căng thẳng kéo dài cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX
(3) Đây là tổ chức hợp tác kinh tế của hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa, thành lập ngày 5-01-1949, giải thể ngày 28-6-1991
(4), (5), (6) Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Ngoại giao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết: Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội; Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1983, tr. 580 - 581, 584, 583
(7) Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Ngoại giao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết: Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Sđd , tr. 583
(8) Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Ngoại giao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết: Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Sđd, tr. 581
(9) Xem: Hoàng Liên: “Thời kỳ mới của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga”, Báo Nhân Dân, ngày 20-6-1994, tr. 4
(10), (11) V. Pu-tin: “Nga và Việt Nam, cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới”, Báo Nhân Dân, ngày 11-11-2013, tr. 4